Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

TP HCM: THÊM MỘT BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI, CŨNG LẠI LÀ THƠ ĂN CẮP?

“Dậy sóng” với nghi án đạo thơ Lê Huy Mậu? - ảnh 1 
Nhà thơ Lê Huy Mậu - tác giả thơ nổi tiếng Khúc hát sông quê 
được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc ẢNH: T. L

“Dậy sóng” với nghi án đạo thơ Lê Huy Mậu?

Thanh Niên Online
02:34 PM - 11/01/2018


Trong khi những căng thẳng xung quanh giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM 2017 chưa kịp giải quyết xong thì nghi án tác giả Nguyễn Thị Thanh Long đạo thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu lại làm “dậy sóng” dư luận và giới văn chương.


Sáng 11.1. tại cuộc gặp báo chí trao đổi về giải thưởng của Hội năm 2017, nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM mệt mỏi cho biết: “Cả đêm hôm qua tôi bị ‘tra tấn’ điện thoại rất kinh khủng về thông tin này. Đây là chuyện động trời chứ không phải chơi, điều tối kỵ nhất của nhà văn, nhà thơ là đạo tác phẩm của nhau. Vì bài thơ này nằm trong tập thơ Những ký âm ngân (NXB Văn hóa – Văn nghệ) được trao tặng thưởng của Hội vừa công bố nên sự việc trở nên nghiêm trọng. Hiện tôi đã chỉ đạo Hội đồng thơ và Ban kiểm tra phải thẩm tra làm rõ. Tuy nhiên do liên qua đến nhiều vấn đề pháp lý và nhân thân các tác giả nên phải tiến hành hết sức thận trọng thận trọng..”.

Được biết, nhà thơ Lê Huy Mậu (Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) quê Thanh Chương, Nghệ An. Ông có nhiều tác phẩm hay: Đêm trăng non , Thiếu nữ và mùa đông, Những bước chân, Cám ơn mưa phùn,… Đặc biệt bài hát Khúc hát sông quê mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ từ thơ ông rất được khán giả yêu thích.

Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Kiểm tra (Hội Nhà văn TP.HCM) thông tin thêm vụ việc: “Khi có thông tin của Hội đồng thơ phản ánh, tôi đã gọi điện thoại ngay cho anh Lê Huy Mậu và yêu câu gởi văn bản thơ của anh cho Ban kiểm tra để thụ lý ngay. Nói về bức xúc của mình, nhà thơ Lê Huy Mậu viết trong thư gởi cho Trần Nhã Thụy, nguyên văn: “Mình có đọc một bài thơ, cũng lâu lâu rồi, của một người quen. Thấy bóng dáng thơ mình quá rõ. Kiện thì mình không rồi. Định gọi điện cho họ cẩn thận. Và không nên như thế. Sự trùng lặp ngẫu nhiên, nếu có, đã cảm thấy áy náy rồi. Đằng này, vay mượn không xin phép thì cũng phải ý tứ chứ. Lộ liễu quá thế sao được. Không ngờ, bài thơ ấy lại được chọn làm tiêu đề cho một tập thơ. Rồi thì, tập thơ ấy lại được tặng thưởng văn chương. Bỗng dưng thấy buồn buồn. Tuy chưa thẩm tra, đối chiếu xem, có phải là bài ấy không, và biết đâu, bây giờ tác giả họ viết lại, khác hoàn toàn bài thơ của mình thì sao! Tâm sự với một vài bạn viết, quả nhiên, có người cũng đã phát hiện việc này, và, họ còn cho biết tác giả này, không phải chỉ làm vậy với thơ mình mà cả thơ của một, vài người khác nữa. Mình đã vài lần phát hiện, thơ mình, mang tên người khác. Có lúc gần hết cả bài. Có lúc chỉ một hai câu. Có lúc cả một đoạn. Có lúc là cái tứ, ý tưởng. Có lúc chỉ thuần túy mượn câu chữ. Làm biên tập, với những cái tên có “phốt” kiểu này mình ngán ngại lắm. Không biết lúc nào là thơ họ làm, lúc nào là thơ họ thuổng của người khác.Nói ra thì mang tiếng nhỏ nhen. Không nói ra thì lăn tăn. Trong chốn viết lách, văn chương có những chuyện như vầy thì buồn thiệt. Mà thôi. Cho qua hết, vui với mảnh vườn chó nằm thừa đuôi của mình đi”.

“Dậy sóng” với nghi án đạo thơ Lê Huy Mậu? - ảnh 2
Bìa tập thơ Những ký âm ngân


Cũng theo nhà thơ Lê Huy Mậu cho biết: “Bài thơ Chiều cuối năm, đã in trong tập thơ Bốn giọt nước đó là bài mà tôi cho là giống bài thơ Những ký âm ngân của Nguyễn Thị Thanh Long . Chuyện đáng tiếc, nếu như tập thơ không vào giải thì tôi cũng quên chuyện này, còn bây giờ thì tùy BCH Hội Nhà văn TP.HCM”. Còn nhà thơ Trần Nhã Thụy nhận xét: “Khi đọc hai bài thơ thì chỉ có vài từ: ký âm. Cộng sinh là giống nhau. Còn ý tứ hai bài thơ là hoàn toàn khác. Mọi người vào đọc cũng sẽ dễ dàng đưa ra kết luận. Tuy nhiên mọi việc có hay không có việc đạo thơ sẽ được Hội thông tin ngay trong tuần tới”.

Chiều 11.1, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long. Tác giả Những ký âm ngân cho rằng: “Có thể đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi cũng đã từng đọc thơ và biết anh Lê Huy Mậu. Tuy nhiên trong sáng tác, cái tứ mỗi người phát triển theo một kiểu. Làm thơ cũng vậy nên mọi việc hãy để cho giới chuyên môn và bạn đọc bình luận. Bây giờ tác phẩm đã in bằng văn bản thì dễ dàng thẩm định có hay không chuyện đạo thơ dễ dàng mà”.
NHỮNG KÝ ÂM NGÂN

Tôi được sinh ra ở vùng trung du sỏi đá. Cả cái tên vốn chẳng yên bình. Bao thăng trầm cuộc đời tôi dấn thân như núi đồi nối tiếp nhau cái sau lại cao hơn cái trước.

Hạnh phúc ử? Như liều thuốc an thần, uống rồi chỉ ru ngủ được tấm thân. Còn phần hồn như thoát ra khỏi xác. Có một loại thuốc nhiệm mầu. Đó là ngàn ngàn những ký âm nhảy múa giữa mông lung vô hạn ký thác vào tâm hồn tôi. Một thế giới huyền ảo hiện ra.

Tôi vội vàng gom nhặt những ký âm, chất đầy lên đầy lên thành nguồn nhiên liệu để tự phóng mình khỏi đời sống thực: của cải, danh vọng, hạnh phúc vờ.

Những ký âm lội ngược dòng. Miền tuổi thơ sông Hồng tưới mát cánh đồng con gái. Những ô cọ xòe nâng cánh ước mơ tôi.

Những ký âm kết thành tia bình minh cuối chân trời. Tôi nắm, vịn, trật trèo lái con thuyền vượt trùng trùng giông bão.

Những ký âm thành hàng thẳng lối có điệu có vần

Tôi cộng sinh những ký âm

Những ký âm ngân

10.3.2013

Nguyễn Thị Thanh Long
 ______________
.

CHIỀU CUỐI NĂM

Một chiều mông lung những ký âm không nơi trú ngụ tìm đậu vào trang viết.

Những ký âm như hương của loài bướm đêm ngan ngát thả vào rừng xanh mời gọi bạn tình trước mùa giao phối.

Những ký âm như thông điệp gửi vào mênh mông vô hạn vô hồi những bào tử tâm hồn ảo vọng hồi sinh trên một thân chủ tâm hồn khác.

Những ký âm mà bạn tôi- một nhà thơ sinh giữa vùng đá cuội không yên phận không bằng lòng với hết thảy quá khứ tương lai luôn nhầm rượu là thuốc an thần càng uống càng bất yên bất ổn trằn trọc tát cạn lòng mình lấy một vụm ký âm làm nhiên liệu để tự phóng mình lên khỏi sức hút của tiền quyền danh vọng…

Em của anh ơi! Ta đang cọng sinh giữa nhân quần khổ ải chẳng biết trái đất của chúng mình đang ở giai đoạn đầu hay đã giai đoạn cuối của một chu trình? Vẫn biết uống rượu thì hại gan hút thuốc thì hại phổi nhưng anh biết làm sao xua đuổi được cái buổi chiều đặc quánh những ưu tư!

Em có biết không? tết như là tiếng trống của trời hối thúc những người đã ngoại năm mươi giờ trả bài trần thế ta đã làm được gì đâu ngoài một vài việc lẻ mà cả trong giấc mơ vẫn chưa hết nhọc nhằn…

Không phải thơ. Đấy chỉ là một chiều mông lung anh hình dung biển như là tấm đệm thiên nga mời gọi không có em anh hình dung hai ngọn núi như bộ ngực thanh tân để anh gối mái đầu ngửa mặt nhìn trời xanh thăm thẳm…

Chiều 30.12.2007

Lê Huy Mậu

Lê Công Sơn

 

6 nhận xét :

  1. Đây là hậu quả cách dậy văn dưới mái trường XHCN ! Cô học trò Nguyễn thị Thanh Long chép mô phỏng bài văn mẫu của thầy Lê Huy Mậu ! Cứ mở các sách giúp học giỏi môn văn từ lớp 6 trở lên là thấy liền !

    Trả lờiXóa
  2. Hai bài thơ nói lên tâm trạng của hai người. Chưa rõ lắm việc có đạo thơ hay không? Cần bình tĩnh trong việc suy xét.

    Trả lờiXóa
  3. Sau khi đọc 2 bài thơ , cảm nhận đầu tiên là có cái đó tương quan, tương liên và khó xác định thể thức thơ hay là văn xuôi . Giọng văn na ná như "văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc " của Nguyễn Đình Chiểu hoặc " Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi.. Dễ nhìn thấy cả 2 tác giả đều mượn âm thanh của vũ trụ để bộc bạch sự xao động của nội tâm . Có thể nhận xét 2 bài thơ có nhiều điểm cơ bản giống nhau, tuy diễn ngôn có khác nhau . Nhưng rất khó đưa ra kết luận tác giả Thanh Long đạo thơ của Nguyễn Đức Mậu

    Trả lờiXóa
  4. Hai tâm sự. Hãy bình tỉnh, Huy Mậu ơi

    Trả lờiXóa
  5. Lòng tự trọng, cái gốc của nhân phẩm, không còn. Vì vậy, văn chương nghệ thuật toàn giá trị ảo. Nhiều kẻ bất lương núp bóng để làm tiền. Ví dụ , muốn đăng bài ở vài tạp chí (Nhà văn và tác phẩm, Văn hóa nghệ thuật....ở trung ương), phải nộp tiền, nghe nói vài triệu. ..Văn thơ đích thực vẫn còn, song ngày càng hiếm và càng bị áp đảo...

    Trả lờiXóa
  6. Văn ,chương thơ phú, không phải ai cũng làm được,nhân phẩm,danh dự,đạo đức của người cầm bút lớn lắm,mong những ai vương vào nghề tải ĐẠO hãy tự tôn lấy chính mình không nên vì một cái nhỏ mà làm hỏng con chaú mình.

    Trả lờiXóa