Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

CỔNG CHÀO....CỔNG TIỀN


Cổng chào - Chào đón làm gì cho… rách việc!

Dân trí
Thứ ba, 16/01/2018 - 08:05 
 
Du khách, nhất là người tài và doanh nghiệp chả cần phải làm cổng “chào đón”, “đưa rước” gì đâu, miễn là đừng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Thậm chí, hãy để cho “chim đậu” yên lành cái đã, đừng “Chim chưa đậu đã nhậu mất chim” là thiên hạ ầm ầm kéo đến thôi. Chào đón gì cho… rách việc! 

Hình như để “cạnh tranh” với “hội chứng” xây dựng tượng đài, gần đây nhiều địa phương đang dấy lên phong trào cổng chào “hoành tá tràng”, tốn không chỉ tiền tỉ mà nhiều, rất nhiều tỉ đồng. Nếu là cấp tỉnh, nó thường có giá hàng chục đến hàng trăm tỉ thì ở làng xã, nhiều nơi số tiền cũng lên tới hàng tỉ đồng.

Ví như cổng chào của TP Hải Phòng có giá 24 tỉ đồng, cổng chào tỉnh Thái Nguyên có giá dự kiến 15 tỉ đồng… Khủng nhất có lẽ phải kể đến cổng chào tỉnh Quảng Ninh gần 200 tỉ đồng.

Xin không bàn đến chuyện xấu đẹp, dù dư luận đã hơn một lần so sánh, ví như cái cổng chào tỉnh Quang Ninh hao hao cái giá để xe đạp hay hài hước hơn, cái cổng chào ở Cần Thơ bị đem ra “đọ nhan sắc” với cái đồ lót phụ nữ mà vì nó, người chủ Fb này đã bị mời lên “làm việc”.

Cũng không bàn đến chuyện màu sắc lèo loẹt, xanh đỏ tím vàng, đèn điện lấp loáng, nhảy múa tưng bừng và càng không bàn đến chất lượng như độ bền vật liệu…

Người viết bài này cứ băn khoăn bởi mấy câu hỏi sau. Một là họ làm như thế để làm gì và hai là những địa phương có cái cổng chào hoành tráng kia, có thật lòng “chào đón” không nhỉ? Và thêm nữa, có thật việc xây dựng cổng chào là “nguyện vọng của nhân dân” như lời giải thích của một huyện nghèo miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam?

Câu hỏi thứ nhất, chắc có nhiều lý giải nhưng có lẽ một trong những lý do rất và rất quan trọng, đó là “Có làm thì mới… có ăn”. Trong cái dự án cổng chào này, “hoa hồng”, “hoa huệ” chắc cũng rất… đơm hoa, kết nụ.

Câu hỏi thứ hai, nói ra sợ phụ tấm lòng “hiếu khách” nhưng người viết bài này trộm nghĩ với người tài hay với doanh nghiệp, chả cần phải “chào đón”, “đưa rước” gì đâu, miễn là đừng “trên rải thảm, dưới rải đinh”,. Thậm chí, hãy để cho “chim đậu” yên lành cái đã, đừng “chim chưa đậu đã nhậu mất chim” là thiên hạ ầm ầm kéo đến thôi. Chào đón gì cho… rách việc!

Còn câu thứ ba, người viết bài này đoan chắc nếu hỏi những người dân ở cái huyện nghèo tỉnh Quảng Nam rằng nên xây cổng chào hay xây trường học, bệnh viện, sẽ có ít nhất… 51% đề nghị xây trường học bệnh viện.

Chợt nhớ có lần đi qua cái cổng chào nằm ở ngã ba đường một tỉnh nọ, anh bạn đọc cho nghe bài thơ vui phết:

“Quê em có cái cổng chào – Để cho các bác chui vào, chui ra – Quê em có cái ngã ba…”.

Xin đừng để người dân ngắm cái cổng chào mà như lời một quan chức nói về việc bắn pháo hoa, để "quên đi nghèo đói"
Bùi Hoàng Tám

3 nhận xét :

  1. Làm cổng chào , xây tượng đài là công trình văn hóa , kinh phí theo thỏa thuận ( vì không có định mức đơn giá cho loại hình nghệ thuật ) cho nên các " bố " tha hồ " múa " .
    Tư duy dự án ( con đẻ của tư duy nhiệm kỳ ) luôn nhắm vào xây dựng cổng chào , tượng đài , quảng trường là món dễ " ăn dày " ; Để dễ được duyệt thì thế nào cũng có ... tượng Bác Hồ !

    Trả lờiXóa
  2. Bệnh cổng chào, bệnh tượng đài đã lây lan và thành mãn tính ! Toàn quốc biến thành vườn hoa tượng đài và vườn hoa cổng chào . Đẹp thay !

    Trả lờiXóa
  3. Ngắm cổng chào, tượng đài, xem bắn pháo bông tất nhiên là quên đói nghèo vì mãi suy tư đến tốn kém...,

    Trả lờiXóa