Nguyễn Trọng Bình
9-12-2017
1. Từ Formosa, Đồng Tâm đến BOT Cai Lậy
Nếu chịu khó đọc hết những bài báo, video clip tường thuật và phản
ảnh việc các bác tài thể hiện sự phản đối việc thu phí ở trạm BOT ở Cai
Lậy, Tiền Giang những ngày qua sẽ thấy xã hội và con người Việt Nam hôm
này đang có sự phân hóa và chia rẽ rất sâu sắc. Chỉ mỗi chuyện thu phí
trên một đoạn đường thôi nhưng mọi thứ lại lộn tùng phèo cả lên chẳng
khác gì một trò hề. Và nếu xâu chuỗi thêm những vụ việc xảy ra gần đây
nhất như Formosa hay Đồng Tâm sẽ thấy xã hội và đất nước hiện nay phải
nói rằng, trên thực tế xã hội và con người Việt đang ở trong tình cảnh
“bình yên giả tạo” vô cùng nguy hiểm. Nói cách khác, đây là những chỉ
dấu rõ ràng nhất cho thấy sự khốn cùng và bấn loạn trong nhận thức lẫn
hành xử của cả hai bên chính quyền và người dân hiện nay trước những mâu
thuẫn, bất đồng và tranh chấp.
Trước hết, về phía chính quyền, như một thông lệ, mỗi khi xảy ra sự
cố nào đó thì y như là những người có trách nhiệm cao nhất của đất nước
lại ra rả nói về những “bài học kinh nghiệm” được “nghiêm túc” rút ra.
Đặc biệt là sự cần thiết phải “đối thoại” giữa chính quyền với nhân dân
để tìm sự đồng thuận. Thế nhưng, sau hai sự cố gần nhất là Formosa và
Đồng Tâm, đến nay là trường hợp BOT Cai Lậy nhưng không hiểu sao chẳng
có ai trong hệ thống chính quyền Nhà nước đứng ra tổ chức “đối thoại”
nghiêm túc mọi vấn đề với các tài xế. Có người hoan nghênh Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kịp thời ra quyết định không thu phí BOT
Cai Lậy trong một tháng để ổn định tình hình tuy vậy, nếu phân tích kỹ
sẽ thấy đây vẫn là một quyết định rất chậm trễ. Nên nhớ đây là lần phản
đối thứ hai của các bác tài đối với BOT Cai Lậy, và đáng nói hơn lần này
máu của người dân đã đổ (vụ một bác tài bị chém phải nhập viện ở Cần
Thơ). Nói cách khác, ở phương diện xã hội và pháp luật đây là vụ việc
cực kỳ nghiêm trọng chứ hoàn toàn không phải chuyện đùa. Qua đây, một
lần nữa cho thấy sự chậm chạp và lúng túng trong tư duy và nhận thức của
cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; chỉ giỏi nói miệng
mà không làm nên người dân ngày một bất mãn và mất niềm tin.
Có thể nói, cho đến nay, nhìn bề ngoài về cơ bản liên quan đến sự cố ở
Formosa và biến cố ở Đồng Tâm đều được chính quyền Hà Tĩnh và Hà Nội
kiểm soát khá nghiêm ngặt và chặt chẽ. Riêng với biến cố ở Đồng Tâm, sự
kiểm soát này là sự đánh đổi hình ảnh và uy tín của ông Nguyễn Đức Chung
– Chủ tịch UBND TP của chính quyền Hà Nội. Bởi lẽ, sau khi quyết định
“bẽ kèo” (liên quan đến tờ cam kết “có một không hai” mà ông đã thỏa
thuận không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân ở Đồng Tâm) thì niềm
tin của người dân Đồng Tâm dành cho cá nhân ông Chung đã hoàn toàn sụp
đổ.
Và với trường hợp BOT Cai Lậy, phải chăng cũng đang có một kịch bản
tương tự được tính toán và cần nhắc nhằm giải quyết những chuyện ồn ào
trong những ngày qua? Trước hết có thể thấy đó là quyết định tạm dừng
thu phí trong vòng 1 đến 2 tháng của người đứng đầu Chính phủ để rà soát
và tổng kiểm tra; sau đó là sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ Công an (khi
ra lệnh điều tra dấu hiệu kích động gây rối của các “đối tượng xấu”) đã
ít nhiều cho thấy điều đó. Đây có thể xem như một màn “song kiếm hợp
bích” vừa để xoa dịu, trấn an dư luận, ổn định tình hình trước mắt (đặc
biệt các tài xế) nhưng đồng thời cũng sẵn sàng trấn áp để răn đe bất
chấp cái nguồn cơn đưa đến sự phản đổi và phẫn nộ của người dân.
Từ thực tiễn về sự cố Formosa và biến cố ở Đồng Tâm cùng rất nhiều sự
vụ trước đó nữa cho thấy, rất có thể chính quyền sẽ tiếp tục không chịu
thua dân trong vụ này; hoặc nếu có thì cũng chỉ là thua trong tạm thời
nhằm mục đích kéo dài thời gian để câu giờ mà thôi. Nếu những người dân
Đồng Tâm bị khởi tố (dù tờ cam kết với giấy trắng mực đen in dấu điểm
chỉ của ông Nguyễn Đức Chung vẫn còn nguyên) thì sẽ không có gì lạ nếu
như vài ngày tới một vài bác tài nào đó bị triệu tập, điều tra và truy
cứu. Mà không phải trước đó đã có hai bác tài bị bắt về đồn, một người
bị xử phạt và giam bằng (theo các luật sư là sai luật) đó sao? Vậy nên,
các bác tài cũng đừng vội mừng trước khi một kịch bản nào đó được chọn
sau hơn 1 tháng nữa trừ khi các bác tài bỏ nghề hoặc không còn ngang qua
địa phận Cai Lậy nữa.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, việc kiểm soát người dân của chính quyền
trong các sự vụ trên chỉ là “bề ngoài”, còn thực chất “bên trong” người
dân đang thực sự nghĩ gì, muốn gì thì chính quyền khó mà đoán định và
biết chắc được. Có thể thấy, vì miếng cơm manh áo, người dân hôm nay đã
không còn rụt rè trước những bất công như trước đây nữa. Sự đối phó của
họ cũng ngày một tinh vi và “sáng tạo” hơn. Đáng sợ nhất là có không ít
người vì cuộc sống bức bách đã không tự kìm chế nên đã bất chấp tất cả
thậm chí cả mạng sống của mình…Thế nên, dù thế nào thì cũng chưa biết
chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chính quyền không thay đổi và điều chỉnh lại
nhận thức và hành vi của mình.
Một chính quyền vì dân thì không thể và không được tùy tiện quy chụp,
kết tội người dân bởi sự phẫn nộ của họ vốn có nguồn cơn tự sự tắc
trách và vô cảm của mình. Hay một “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” không thể là một Chính phủ chỉ biết kéo dài thời gian trong khi bản chất của sự việc đã rõ hơn ban ngày.
“Tức nước vỡ bờ”, “con giun xéo lắm cùng oằn” đó là quy luật
và chân lý muôn thuở. Với những gì đã và đang xảy ra nếu chính quyền cứ
tiếp tục lặp đi lặp lại cách hành xử, ứng xử với người dân như hiện nay
thì e rằng câu nói “Lật thuyền mới biết sức dân như nước” (“Phúc chu thủy tín dân do thủy”) của đại thi hào Nguyễn Trãi năm xưa rất có thể sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa?
2. Từ vấn đề “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đến chuyện cải tiến chữ viết
Câu chuyện cải tiến chữ viết tiếng Việt gây ồn ào những ngày qua cũng
là một bằng chứng cho thấy người Việt hôm nay đang không làm chủ được
bản thân nên mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy phô diễn tầm hiểu biết “bách
khoa toàn thư” của mình trong thời đại công nghệ số. Nếu như ở các vụ
Formosa, Đồng Tâm hay BOT Cai Lậy, sự bấn loạn và khốn cùng trong tư duy
và nhận thức của người Việt có nguyên nhân từ sự bất bình đẳng về kinh
tế, về quyền lợi vật chất giữa một bên là các nhóm lợi ích thân hữu với
một bên là đại bộ phận nhân dân lao động thì sự bấn loạn và khốn cùng
trong vụ cải tiến chữ viết Tiếng Việt lại cho thấy nỗi mặc cảm và ảo
tưởng của người Việt trong xu thế hội nhập.
Trước hết có thể thấy, nguyên nhân cụ thể và trực tiếp nhất tạo ra
cuộc tranh cãi này là do những cá nhân (đầu tiên là các anh chị phóng
viên nhà báo phụ trách mảng văn hóa, sau đó là một số “trí thức” trong
các lĩnh vực không liên quan) tuy không có chuyên môn về ngôn ngữ học
nhưng lại vội vàng và nhất là bất chấp những bài viết của các nhà nghiên
cứu chuyên nghiệp lẫn các chuyên gia văn hóa; chưa chi đã tung hô và
tán dương ý tưởng của PGS Bùi Hiền; cho đây là những ý tưởng mới
rồi tự cho mình cái quyền đứng ra làm “trọng tài” phân xử, lên tiếng
phê phán những người không ủng hộ PGS Bùi Hiền bằng những lời lẽ không
những ngụy biện mà còn rất trịch thượng…
Thậm chí, nhiều người cho đến nay vẫn cứ “chấp mê bất ngộ” dù rằng
các nhà ngôn ngữ học với hiểu biết chuyên sâu đã có nhiều bài phân tích
nhằm chỉ ra những điểm bất hợp lý và không có gì mới
trong công trình của PGS Bùi Hiền một cách công phu và nghiêm túc. Đáng
nói hơn, có người còn đánh tráo khái niệm và suy diễn vô căn cứ khi lái
vấn đề sang chuyện “tự do học thuật” hay chuyện tuổi tác của PGS Bùi
Hiền để bào chữa và bênh vực cho ông. Trong khi đó, nhìn một cách tổng
thể cho đến nay không một chuyên gia ngôn ngữ hay văn hóa nào (trên báo
chính thống lẫn mạng xã hội) “ném đá” cá nhân PGS Bùi Hiền. Cũng chẳng
có ai cấm không cho PGS Bùi Hiền tiếp tục nghiên cứu. Có chăng những
người “ném đá” là những độc giả bình dân đã bình luận, bình phẩm dưới
dạng các comment mà thôi. Thế nên, cuối cùng chính những kẻ luôn miệng
cho rằng những người phản đối công trình của PGS Bùi Hiền là không có “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện” lại vi phạm tất cả những điều ấy!
Thực ra, người Việt, xét về tầm vóc và tư tưởng nói cho cùng là một
dân tộc chỉ có thể “dụng thuyết” chứ không có khả năng “lập thuyết”.
Ngoài ra, do bị ảnh hưởng và chi phối nặng nề bởi những mặt tiêu cực
trong nền “văn hóa tiểu nông” rất lâu đời (vấn đề này đã có nhiều người
bàn) đặc biệt là tính chất “ăn xổi ở thì”, tầm nhìn ngắn hạn, chỉ thấy
cái lợi trước mắt… vì vậy mà cho đến nay người Việt vẫn chưa có những
phát minh, phát kiến vĩ đại nào để đóng góp cho nhân loại (ngoại trừ một
phát kiến duy nhất của GS Ngô Bảo Châu được bạn bè quốc tế công nhận
vào năm 2010).
Tuy vậy, ở phương diện ngược lại, phải thừa nhận người Việt cũng có
một thế mạnh là rất nhạy bén trong vấn đề tiếp thu và thích ứng khá
nhanh với những cái mới chứ không phải là dân tộc hay “kỳ thị”, “bảo
thủ” trước cái mới như một số người trong khi bênh vực ý tưởng của ông
Bùi Hiền suy diễn và khẳng định. (Chê bai một vấn đề nào đó không có
nghĩa là kỳ thị cái mới).
Nhìn lại lịch sử sẽ thấy, nếu người Việt là dân tộc kỳ thị cái mới
thì chắc chắn sẽ không có chữ quốc ngữ với mẫu tự latinh như hiện nay;
nếu kỳ thị cái mới chắc chắn các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… sẽ
không phải vất vả vận động, thành lập các phong trào như Duy Tân, Đông
Du…để phổ biến, tuyên truyền tri thức mới cho các tầng lớp nhân dân với
mục đích lớn lao là khai dân trí, chấn dân khí… trong thời kỳ thuộc
Pháp. Tương tự vậy, trên lĩnh vực hăn hóa nghệ thuật, những năm 30 của
thế kỷ trước, nếu kỳ thị cái mới hẳn hôm nay chúng sẽ không có “Thơ
mới”; không có sân khấu, không có cải lương, không có điệu nhạc bolero
(cũng đang gây tranh cãi)… Hay nói đâu xa, nếu kỳ thị cái mới hẳn là các
thế hệ trẻ Việt hôm nay sẽ không bắt chước và thực hành theo các thần
tượng của họ là các tài tử, minh tinh nổi tiếng từ Âu sang Á…
Dẫu vậy, nếu phải nói về sự bảo thủ gây ra sự trì trệ cho đất nước
thì cũng phải khẳng định đây là vấn đề có thật. Nhưng sự trì trệ này
trên thực tế thuộc về một nhóm người đang nắm trọn quyền lãnh đạo và
điều hành đất nước mà thôi. Vì đã mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của
họ đất nước đã không thể cất cánh như kỳ vọng và mong muốn nhưng họ vẫn
kiên quyết không thay đổi. Điều này thể hiện rõ nhất là trên lĩnh vực tư
tưởng, văn hóa và giáo dục. Cuộc tranh cãi liên quan đến đề xuất của
PGS Bùi Hiền ở phương diện nào đó cũng có nguyên nhân từ chỗ này mà ra.
Cụ thể là, do một thời gian dài bị nhồi nhét bởi những tri thức, kiến
thức cũ kỹ, lạc hậu; lại thêm không được phép nghĩ khác, nói khác nên
đến khi mở cửa và hội nhập vơi sbạn bè quốc tế tất cả dân chúng gần như
đều cũng bị choáng ngợp và bỡ ngỡ. Giờ đây lại thêm sự bùng nổ của công
nghệ truyền thông với những tiện ích tối đa trên không gian mạng nên
mạnh ai nấy thể hiện bản thân mình. Nói cách khác, sự phản ứng lung tung
(cả chê lẫn khen) theo kiểu “tay nhanh hơn não” của không ít người Việt trên mạng xã hội thời gian gần đây là do sự ức chế về mặt tâm lý (bởi
trong một thời gian dài họ không được tự do công khai trình bày quan
điểm cá nhân trước cộng đồng xã hội). Không gian mạng giờ đây chính là
môi trường thuận lợi (nhưng cũng đầy sự cám dỗ) để người Việt tự do “đi tìm cái tôi đã mất của mình” trong mấy chục năm qua!
Một vấn đề nữa, do sự bảo thủ của những người lãnh đạo, cầm quyền nên
những cá nhân thực sự có tài năng và tư tưởng tiến bộ gần như hiếm có
cơ hội được đứng trong hàng ngũ của bộ máy điều hành đất nước. Hậu quả
là, xã hội và đất nước giờ đây, những kẻ được giao trọng trách liên quan
đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục nói chung có khi lại là những kẻ vô giáo
dục và vô văn hóa nhất. Văn hóa và giáo dục của một dân tộc, một đất
nước là vấn đề cực kỳ quan trọng nhưng lại được định hướng, dẫn dắt bởi
những kẻ như thế (Những kẻ mà trên thực tế chỉ có mỗi năng lực là tìm
cách vẻ vời ra càng nhiều dự án càng tốt để qua đó tham nhũng, kiếm chác
nhưng miệng lúc nào cũng nhân danh cải cách và đổi mới) thì hỏi sao
không loạn xì ngầu cả lên?
Nói tóm lại, ở góc nhìn văn hóa, qua cuộc tranh cãi này một lần nữa
cho người Việt hôm nay đang thật sự bị bấn loạn trong tư duy và nhận
thức. Hay nói như một số người là đang rơi vào vòng xoáy của sự khủng
hoảng. Nguyên nhân sâu xa của chuyện này, ngoài vấn đề thuộc về “dân tộc
tính” thì có thể nói đây chính là hệ lụy của một nền giáo dục “nhồi sọ”
và giáo điều; còn về phương diện văn hóa là do sự thiếu tôn trọng chính
kiến của con người cá nhân trong một thời gian dài trước khi có sự bùng
nổ của công nghệ thông tin và không gian mạng.
3. Thay lời kết
Ngày 13/11/2016, khi đến tham dự ngày Đại đoàn kết dân tộc tại xã
Phật Tích tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng có phát
biểu như sau:
“Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa
bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn
định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành
đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình. Đó không chỉ là
sự thay đổi của Tiên Du, Bắc Ninh mà nhìn rộng ra là sự thay đổi của cả
nước” (…) “Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe
báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn
tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta
có bao giờ được thế này không?”
Có thể nói, với vai trò và vị trí tối cao của mình, suy cho cùng phát
biểu của ông Trọng âu cũng là lẽ đương nhiên và rất bình thường. Vì
trách nhiệm của ông là phải nói như thế, không thể nói khác. Tuy nhiên,
với những gì đang diễn ra trong xã hội hiện nay, nhìn sâu vào bản chất
của hàng loạt vấn đề, học theo cách nói của ông Tổng bí thư, tôi buộc
phải nói khác ông rằng:
“Nhìn một cách tổng thể, xã hội ta có bao giờ bấn loạn, đồng bao ta có bao không yên như thế này không”?
CT, 8/12/2017
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 8-12-17.
Đồng tình với quan điểm của tác giả về con người và XH VN đương thời. Đã quá lâu người dân VN bị "cầm tù" tư tưởng trong nền báo chí chính trị , độc quyền. Người dân VN ngày càng mất lòng tin bởi bộ máy cầm quyền và quan chức yếu kém, không trung thực . Từ đó mất niềm tin cuộc sống hiện tại và mất định hướng tương lai. Biểu hiện là : Chùa chiền, miếu mạo ngày càng mọc lên như nấm, nhiều tầng lớp nhân dân từ ít học đến trí thức, quan chức .. đến chùa thắp hương khấn phật xin được phù hộ an toàn cho bản thân và gia đình. Các hiện tượng XH hiện nay cho thấy " dương suy, âm thịnh" đúng như luật ngũ hành âm - dương trong bát quái. Một sự kiện dù nhỏ hay to như gần đây, như đề xuất đổi mới "chữ viết" của PGS Bùi Hiền , đề xuất không dùng "Chí phèo , thị nở" vào chương trình dạy văn lớp 11 của tác giá Sóng Hiền , vụ BOT cai Lậy, vụ bắt ô. Đinh La Thăng.. đều tạo ra những đợt "sóng dư luận" trên báo chí nhà nước và báo XH . Đó chính là hiện tượng bức xúc , bị tù túng về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận , nay có điều kiện thì " tức nước , vỡ bờ" . Dấu hiệu đó báo trước sự lệch pha, bảo thủ của chính quyền với Nhân dân VN đang biến động mạnh mẽ. Cách tốt nhất tránh lũ là biết cách phân lũ, xả lũ một cách khoa học để tránh tổn thất có thể xảy ra khi "nước lũ " đổ về hạ du .
Trả lờiXóa