hôm 22/12/2017
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên y án 9 năm tù giam
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đã tuyên y án sơ thẩm với nhà hoạt động
Trần Thị Nga trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 22 tháng 12 năm 2017.
Phiên tòa kết thúc lúc 17 giờ chiều cùng ngày và bà Trần Thị Nga phải
chịu mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế theo cáo buộc “tuyên truyền
chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản
1, điều 88 bộ luật hình sự.
Phiên tòa mang tính hình thức
Các luật sư biện hộ cho bà Trần Thị Nga tại phiên tòa cho rằng tòa
“không có chứng cứ hợp pháp để kết tội bà Trần Thị Nga” và các lập luận
của luật sư cũng như ý kiến của thân chủ mình đã bị tòa phớt lờ.
Luật sư Hà Huy Sơn, người biện hộ cho bà Trần Thị Nga trả lời phỏng vấn sau phiên tòa:
“Việc thu thập chứng cứ không đúng thủ tục tố tụng hay nói cách
khác là không đúng theo quy định pháp luật. Các bản kết luận giám định
không dựa trên căn cứ pháp luật nào cả. Tóm lại là không có chứng cứ hợp
pháp để kết tội bà Trần Thị Nga. Tòa chỉ lắng nghe vậy thôi nhưng mà
kết quả người ta cũng không ghi nhận bất kỳ một ý kiến nào cả.”
Theo cáo trạng, bà Trần Thị Nga đã đăng tải những bài viết, video lên
blog, youtube và mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, phỉ báng “chính
quyền nhân dân”. Đồng thời cáo trạng cũng quy kết rằng bà có tham gia
trả lời phỏng vấn các đài, báo phản động ngoài nước để cung cấp những
thông tin, tình hình sai lệch về hoạt động của Cơ quan cán bộ, công
chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; viết, dán nhiều biểu ngữ có nội dung bôi
nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, tẩy chay bầu cử Quốc hội
khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Luật sư Ngô Anh Tuấn trong một clip sau khi kết thúc phần xét hỏi vào
buổi sáng, đã nói rằng những lời khai của các nhân chứng là tự mâu
thuẫn lẫn nhau và có những điểm có lợi cho thân chủ của ông.
Các luật sư cũng nói rằng các giám định viên đã được triệu tập tới phiên tòa nhưng đã nại ra lý do để xin vắng mặt.
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết:
“buổi sáng chúng tôi đã yêu cầu hoãn phiên tòa để có mặt các giám định viên. Nhưng yêu cầu đó đã không được tòa chấp nhận.”
Phản bác lại những quy kết từ tòa án, luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ thái độ rằng:
“Việt Nam hiện nay chưa có luật nào quy định về giám định tư tưởng
của công dân cả. Nhưng hiện nay người ta vẫn dùng những văn bản kết
luận giám định, thực chất là văn bản giám định tư tưởng của công dân để
làm căn cứ kết tội người dân.”
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trần Hồng Phúc, thẩm phán tòa án
nhân dân tối cao tại Hà Nội. Có 3 luật sư tham gia bào chữa cho bà Trần
Thị Nga là ông Ngô Anh Tuấn, Lê Văn Luân và Hà Huy Sơn. Nhưng không có
bất kỳ người thân nào của bà Nga được vào bên trong tòa án kể cả chồng
của bà.
Theo luật sư Sơn thì thành phần tham gia phiên tòa đều là những “công
dân chọn lọc”, gồm các ông bà làm trong các ban ngành, hoặc tổ chức của
đảng.
Trong thông cáo phổ biến trước phiên phúc thẩm ngày 20 tháng 12 năm
2017 tại New York, ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo Dõi
Nhân Quyền Human Rights Watch, đã kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập
tức và vô điều kiện cho bà Trần Thị Nga. Ông nói rằng bà Trần Thị Nga là
mục tiêu của đợt đàn áp mà chính quyền Việt nam nhắm vào các nhà hoạt
động và bất đồng chính kiến gần đây.
Bên ngoài tòa án khốc liệt chưa từng thấy
Không khí bên ngoài phiên tòa cũng không kém phần căng thẳng khi mà
các nhà hoạt động bị bắt và đánh đập nếu có ý định quay phim chụp ảnh.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động từ Hà Nội vào Hà Nam để ủng hộ
tinh thần bà Trần Thị Nga cho biết:
“Chưa từng có một phiên tòa nào khốc liệt như thế này. Tất cả các
quán trà, café đều bị gài công an. Công an và an ninh đông đặc tất cả
quanh khu vực tòa án cách cả km quanh phiên tòa. Chúng tôi vừa mới đỗ
xe, chưa làm gì, chỉ đứng với nhau thôi là họ đã bốc lên xe một cách thô
bạo. Còn có những người vào, thì cả một lực lượng ùa vào bệnh viện để
lùng tìm người ấy. Không một người nào sót ở ngoài, họ bắt tất cả chúng
tôi.”
Bà Nguyễn Thúy Hạnh nói rằng ít nhất 9 người đã bị bắt đưa vào đồn.
Bị nhốt chung đồn ở UBND phường Trần Hưng Đạo (số 2 đường Trần Hưng Đạo,
TP. Phủ Lý) với bà có 6 người. 3 nhà hoạt động khác bị giam ở đồn khác.
Trong số những người bị bắt có ông Phan Văn Phong, chồng của bà Trần
Thị Nga.
Các nhà hoạt động cho biết công an sẵn sàng đánh đập khi ai đó giơ
máy lên quay phim chụp ảnh. Trong số người bị bắt, có bà Mai Phương Thảo
(facebooker Thảo Teresa), Nguyễn Thúy Hạnh, Hoàng Lan, các ông Trịnh
Đình Hòa, Trương Văn Dũng.. tất cả họ đều từ Hà Nội đến để bày tỏ tình
liên đới với blogger Thúy Nga.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga hay còn biết đến với tên Thúy Nga, thường
lên tiếng ủng hộ các dân oan, các tù nhân lương tâm, chống lại những sai
trái của nhà cầm quyền địa phương. Bà là một lao động tại Đài Loan bị
cả chủ và người môi giới lừa đảo buộc bà phải lên tiếng đấu tranh, và từ
sau khi trở về nước bà đã tham gia vào các hoạt động biểu tình chống
Trung Quốc xâm lược biển đảo, dấn thân đòi đòi công bằng xã hội.
Bà là một trong số ít các nhà hoạt động nữ nhiều lần bị đánh đập kể
cả bị gẫy chân tay, cũng như nhà liên tục bị sách nhiễu bằng đủ hình
thức và cấm cản các hoạt động. Ngày 20 tháng 10 vừa qua bà được tổ chức
Ân Xá Quốc Tế vinh danh là một trong 6 phụ nữ can đảm của năm 2017. Hiện
tại bà đang phải nuôi hai con nhỏ.
Trong phiên xử phúc thẩm hôm nay, luật sư Hà Huy Sơn nói bà Trần Thị
Nga trông gầy hơn, sức khỏe có vẻ suy giảm. Nhưng tinh thần và thái độ
thì cương quyết và trong phiên tòa bà đã trả lời cũng như chất vấn một
cách tự tin.
Nhận xét về bản án 9 năm tù giam 5 năm quản chế, bà Nguyễn Thúy Hạnh nói “đây
là một bản vô cùng sai trái, bất công đối với Thúy Nga cũng như với các
nhà hoạt động dân chủ nhân quyền. Những việc làm của Thúy Nga là có ích
cho xã hội, không có gì sai trái. Thúy Nga bị kết án nặng nề như thế,
là một hành động chà đạp trắng trợn lên nhân quyền.”
Phiên toà bệnh hoạn! Chỉ có những kẻ bệnh hoạn mới làm cái việc giám định tư tưởng người khác!
Trả lờiXóaChị Trần Thị Nga, một người phụ nữ yêu nước yêu dân, khẳng khái, can đảm, chân thành, tội gì mà bị 9 năm tù giam? công lý và lương tri của Pháp luật ở đâu trên đất nước Việt Nam này? Thương chị quá!
Trả lờiXóaHãy kể "tội" của chị Trần Thị Nga công khai trên mọi phương tiện truyền thông và báo chí nhà nước đi. Tôi tin chắc, sau khi nghe những "tội " này, công dân Việt Nam sẽ cõng chị Nga trên vai, và đặt tên chị cho một trong những con đường đẹp nhất đất nước.
Trả lờiXóa