Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

LUẬT SƯ BÀO CHỮA CHO CÁC TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ, ANH LÀ AI?

Nữ luật sư Hồ Liên Thành (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: FB Liên Thành

LS. Hồ Liên Thành

LUẬT SƯ BÀO CHỮA CHO CÁC TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ,
ANH LÀ AI?


Những ngày qua, khi dư âm vụ kỷ luật Luật sư Võ An Đôn chưa dứt, tiếp đến những chuyện thị phi của một số luật sư từng được xem là các “chuyên gia” án chính trị lại râm ran kéo dài, khiến tôi nghĩ đến việc cần phác họa chân dung luật sư chuyên bào chữa cho bị cáo trong các vụ án chính trị, còn gọi là các tù nhân lương tâm, hay gọi đúng hơn là các tù nhân chính trị.

 
Theo tôi, Luật sư bào chữa cho các tù nhân chính trị, phải là:

1. Trước hết, luật sư này phải là người có “phông” văn hóa cao. Vì sao? Các tù nhân chính trị là những người thường có trình độ học vấn cao, trưởng thành hoặc chín muồi về mặt nhận thức xã hội, có chính kiến rõ rệt, ý thức chính trị một cách độc lập, hành động mang tính tự giác, khả năng tư duy và lý luận vượt trội hơn người bình thường. Để làm thầy cãi cho họ, tự thân công việc này đòi hỏi luật sư phải có tầm văn hóa, tri thức tương ứng, nếu không muốn nói là còn cần phải cao hơn họ. Cho nên, không phải cứ có bằng cấp luật và thẻ luật sư là làm tốt việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng “đặc tuyển” này!

2. Luật sư bào chữa cho các tù nhân chính trị ắt phải là người có bản lãnh chính trị. Vì sao? Các vụ án chính trị, tức là các vụ án “xâm phạm an ninh quốc gia” được xếp vào loại án “đặc biệt nguy hiểm” theo quan điểm hình luật Việt Nam và luôn luôn được xem là các vụ án “nhạy cảm”. Nếu như luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong các vụ án này mà không đủ bản lãnh chính trị thì không dám nhận án chứ chưa nói phát huy hết kỹ năng tranh tụng trong phiên tòa. Bản lãnh chính trị của luật sư còn thể hiện ở chỗ tận lực, tận tâm bào chữa cho bị cáo, đứng về quyền lợi của bị cáo để bảo vệ bị cáo, nhưng không bị lôi cuốn theo hành động của bị cáo, vẫn giữ được tâm thế độc lập của luật sư, ranh giới luật sư - thân chủ.

3. Luật sư bào chữa cho các tù nhân chính trị, muốn thành công phải là luật sư giỏi và dạn dày kinh nghiệm. Thành công trong các vụ án chính trị, không đo bằng sự dao động của số năm tháng tù dành cho bị cáo, mà bằng sự tôn trọng và hài lòng của bị cáo, gia đình bị cáo, của người dự khán và cộng đồng xã hội. Lẽ cố nhiên, luật sư giỏi và giàu kinh nghiệm phải là luật sư biết xử lý tốt nhất tài liệu và chứng cứ của vụ án, sử dụng tốt nhất ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói tại phiên tòa, phác thảo và trưng ra chân dung thân chủ của mình một cách tươi sáng, khác biệt chân dung bị tô màu xám xịt của bản cáo trạng.

Theo tôi biết, trong đội ngũ luật sư Việt Nam hiện nay không thiếu những luật sư có tâm và có tầm, vấn đề là làm sao gia đình những tù nhân chính trị tìm gặp được luật sư như mong muốn! Nó giống như một bệnh nhân đau nặng rất cần tìm được bác sĩ có lương tâm và lành nghề vậy!

P/s: Theo tôi, những luật sư nào tự xét thấy mình chưa đủ phẩm chất đáp ứng yêu cầu để bào chữa cho các tù nhân chính trị thì cũng đừng vì lý do nào đó nhận vơ nhiều vụ án vào tay mình để rồi không giúp được gì cho người cần hỗ trợ pháp lý, làm cho họ mất cơ hội, còn bản thân luật sư thì chẳng được thêm danh dự gì, ngoài để lại các bài phát biểu bào chữa nhạt như nước ốc và chuốc lấy tiếng thị phi. 

Liên Thành

8 nhận xét :

  1. Nhà nước thì căm hờn tù nhân chính trị và không muốn nhìn mặt luật sư bào chữa cho chính trị phạm, thế thì nhà nước phải thực hiện thành công điệp vụ chia cắt thông tin giữa luật sư nào muốn giúp tù nhân chính trị. Chia cắt thông tin, dò xét, rà soát tư tưởng của luật sư qua những kênh thông tin phi chính danh, đe doạ và không chế và ngăn cản luật sư tác nghiệp. Nếu những biện pháp trên không làm vị luật sư chùn bước thì chơi đòn bẩn!

    Trả lờiXóa
  2. Bài hay. Cám ơn nữ luật sư .

    Trả lờiXóa
  3. Nữ LS viết bài này đã đủ chứng tỏ là người có tâm và có tầm.

    Trả lờiXóa
  4. Đây là bài viết thứ hai của chị Liên Thành mà tôi được đọc, cũng như bạn Vân Bach nhận xét tôi thấy chị Liên Thành là một LS có tâm và có tầm. Ở bài này tôi hoàn toàn đồng ý về những ý kiến của chị ngoại trừ câu: "nhưng không bị lôi cuốn theo hành động của bị cáo, vẫn giữ được tâm thế độc lập của luật sư, ranh giới luật sư - thân chủ."
    Theo tôi: Những người đấu tranh cho dân quyền và một Việt Nam phát triển thoát khỏi nguy cơ mất nước vào tay giặc Bắc Kinh, hiện nay họ rất cô đơn (không một tổ chức nào bảo vệ tính mạng, không một tổ chức nào trợ giúp vật chất, tinh thần), trong khi họ chịu tù đày, sự đàn áp, khủng bố vô cùng khốc liệt ở mọi lúc mọi nơi, mọi thủ đoạn - như mượn tay côn đồ, công an giả dạng côn đồ đánh đập tàn bạo, bao vây kinh tế ...
    Điều đáng buồn là vì sợ sự đàn áp bằng nhiều thủ đoạn cho nên không những nhiều trí thức (đa số) mà nhiều tầng lớp khác, không những người già mà cả lớp trẻ đầy nhiệt huyết (thanh niên) đều sợ bị liên luỵ chính trị, sợ đến mức vô cảm, vô trách nhiệm với mọi bất công xung quanh, vô trách nhiệm với đất nước với cả chính mình. Nhưng điều đáng buồn hơn nữa là chính chị Liên Thành lại cũng muốn các LS tránh xa các nạn nhân không để bị lôi cuốn: "nhưng không bị lôi cuốn theo hành động của bị cáo, vẫn giữ được tâm thế độc lập của luật sư, ranh giới luật sư - thân chủ.". Không tôi không đồng tình với chị, tôi muốn trong lúc quyền con người bị chà đạp, trong lúc Tổ Quốc đang lâm nguy thì không ai khác là giới LS (những người trí thức hiểu luật) phải dấn thân phải gánh vác trên vai mình trọng trách mà lịch sử, nhân dân và LƯƠNG TÂM giao phó, nói cụ thể hơn là các LS không những là người bào chữa cho các tù nhân lương tâm (tù chính trị) mà phải là người lính đi đầu. Phải không chị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thiển nghĩ, có lẽ, ngày xưa, người đời quen gọi luật sư là thầy kiện, thầy cãi, nên cứ nghĩ luật sư phải bênh thân chủ, dù sai. Nhưng thực ra, luật sư bảo vệ công lý cho thân chủ. Với tù chính trị hiện thời, luật sư chỉ cần bảo vệ cho pháp luật công minh, thì công lý đã chiến thắng và bị cáo vô tội rồi. Tôi nhận thấy, nữ luật sư viết đúng và chặt chẽ về câu chữ.

      Xóa
    2. Giặc nội xâm, giặc Bắc Kinh đang hoành hoành trên mọi miền của đất nước và trên khắp các lĩnh vực kinh tê, quân sự, chính trị, văn hoá v.v... mẹ Nấm, mẹ Nga, anh Hoá và hàng trăm anh hùng dân tộc (tù chính trị - tù nhân lương tâm) đang bị giam cầm bị chết dần trong lao tù, những người tử tế như LS Đôn, cha Nam, Phan Anh ... đang bị cô lập, Tổ Quốc đang lâm nguy. Trong khi đó mọi người đang chìm đắm trọng sợ hãi và mưu sinh, đến mức vô cảm bàng quan. Chính vì vậy tôi muốn mỗi chúng ta hãy làm một việc dù nhỏ để cứu mình, cứu Tổ Quốc. Chính vì vậy tôi càng quý chị Liên Thành, càng hy vọng nhiều ở chị cũng như giới LS.

      Xóa
  5. LS H.L.Thành viết như vậy là cố gắng lắm rồi, trong tình hình VN hiện nay như vậy là tốt . Bạn nên xem thêm bài viết " Nỗi niềm LS Võ An Đôn ", qua đó để biết LS Thành có tâm có tầm với Đất Nước, Con Người VN, kể cả với đồng nghiệp của mình lắm đấy.

    Trả lờiXóa
  6. Như ở Mỹ rất nhiều tổng thống xuất thân là luật sư , Canada là thủ tướng cũng vậy.Bởi vì làm chinh trị và làm luật sư đều cần sự rất khôn kéo , khi làm việc luôn tinh ba , bốn bước phía trước và một , hai bửơc phiá sau nếu phải lùi cộng với lại thông hiểu về luật " nói có sách ... luật , mách có chứng " thì làm sao không giỏi không thắng . Nhưng điều nay chỉ sẩy ra ở nơi có tự do dân chủ , tam quyền phân lập , không có luật rừng .

    Trả lờiXóa