Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

GIA NHÂN CỦA GIA ĐÌNH CỤ TRỊNH VĂN BÔ


Tinh hoa Việt / Báo Đại đoàn kết / số 63. Ngày 10/11/2017

CỤ BÀ TRỊNH VĂN BÔ, 
MỘT TƯỢNG ĐÀI CỦA DOANH NHÂN VIỆT

Quốc Phong

Vậy là vị nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ 20- cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô đã đi xa. Cụ qua đời ngày 5/11 tại Hà Nội ở tuổi 104. Dù đã là đại thọ nhưng việc cụ ra đi vẫn để lại sự hẫng hụt thực sự của nhiều người dân Việt Nam chúng ta.Cụ chính là hình mẫu của nữ doanh nhân Việt Nam luôn trọng chữ Tín trong kinh doanh và luôn dành một phần tiền kiếm được để làm công việc từ thiện, giúp đời. Đó cũng là nét đẹp trong nếp gia phong cổ xưa mà cụ được kế thừa từ hai bên gia đình đều có truyền thống bề thế.


Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914, đúng cái năm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra ở châu Âu. Cụ sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, danh giá và cũng là thuộc tần lớp thương gia lớn của nước nhà hồi đầu thế kỷ 20. Cụ cho biết,ngay từ nhỏ cụ không biết đến cái khổ là gì. Thế nhưng các cụ thân sinh thì luôn dạy con cái phải biết quý trọng đồng tiền từ sức lao động của chính mình. 
Rất lạ, không hiểu sao cụ sớm bộc lộ cái gien kinh doanh rất tháo vát, thông minh từ lúc mới có 12-13 tuổi.

Cha bà là thương gia Hoàng Đạo Phương, một chủ hiệu buôn tơ lụa Vạn Tường khá danh tiếng ở số 21 phố Hàng Đào. Cụ đã căn dặn các con mình rằng : "Cha già rồi nên quả là vẫn chưa lo được việc nước. Sau này, nếu con nào có điều kiện thì hãy giúp nước thay cha".
Việc trọng đại đó, đối với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô , bà đã làm rất tốt. Tình thế đất nước ta khi đó mới giành Độc lập nên vô vàn khó khăn, thiếu thốn.

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã từng hiến 5.147 lượng vàng cho Cách mạng kể từ sau ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 và tiếp đó là trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi dân tộc ta giành thắng lợi. Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, họ còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỉ đồng theo thời giá bây giờ, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2.9.1945.
Bà thành gia thất với ông Trịnh Văn Bô khi còn ở độ tuổi 20 mà cũng là do các cụ vốn là bạn làm ăn cùng ngành nghề thân thiết, hợp nhau . Nhà nọ cách nhà kia có trăm mét nên hai bên đã "nhắm " cho từ trước chứ không có tự tìm đến nhau.

Nhà cụ Trịnh Phúc Lợi, thân phụ cụ Trịnh Văn Bô vốn có cửa hàng buôn tơ, lụa và vải sợi nổi tiếng. Hai cụ Bô, cũng từ hãng buôn riêng tại 48 Hàng Ngang, họ đã khéo dùng số vốn 3 chục ngàn Đông Dương cha mẹ chồng giao mở hãng buôn riêng với tên Phúc Lợi . Chả mấy chốc, bằng tài kinh doanh của người vợ trẻ giỏi giang, họ đã giàu lên nhanh chóng bởi uy tín trong khắp cả nước Việt Nam và trên thế giới ( từng buôn bán lớn với Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, Anh quốc...).

Có một chi tiết thú vị vô cùng đã khiến tôi rất để ý khi được nghe cụ bà Minh Hồ kể . Đó là khi rời thủ đô đi kháng chiến,họ đã nhờ gia nhân chôn 1,4 tấn bạc nén xuống giếng ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang rồi lấp đi. Ấy thế mà sau năm 1954, hai cụ từ vùng kháng chiến trở về thành Hà Nội, họ đào giếng lên thì thật kì lạ, hơn 1,4 tấn bạc chôn trước ngày rời đi kháng chiến đó tuyệt nhiên không hề suy xuyển lấy một nén .

Vẫn là những người gia nhân này, một số vẫn cùng đi theo gia đình suốt 9 năm kháng chiến, no đói họ cùng có nhau và trung thành đến thế thì thật hiếm !

Qua đó , tôi càng tò mò tìn hiểu để "hoá giải" bí quyết " dụng nhân như dụng mộc" của gia đình nhà tư sản đó.

Thế mới thấy những gia đình tư sản giàu có cỡ khủng như ông bà, nhưng giữa họ phải đối xử với đám gia nhân ấy phải như thế nào đó thì mới có được sự trung thành đến như thế. Họ tuyệt nhiên không thể nghĩ đến chuyện ham tiền mà phạm lỗi" bất trung" với chủ nếu muốn khai về Thành, báo với Pháp để lĩnh thưởng. 

Đây quả là điều đáng suy nghĩ đối với vấn đề thuộc về văn hoá và đạo đức doanh nhân xưa kia cũng như hôm nay, nhất là mỗi khi người ta đề cập đến nghệ thuật dùng người ...



Quay trở lại chuyện đi tìm nguyên nhân để giải mã câu chuyện vì sao vợ chồng cụ Bô có được những gia nhân trung thành tuyệt đối với gia chủ đến như vậy. Tôi có tìm hiểu thì được luật sư Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của hai cụ cho biết :gia đình thương gia Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã khéo léo dùng uy tín của thương hiệu Phúc Lợi và các mối làm ăn của cha mẹ để lại rồi từ đó tiếp tục sản xuất và buôn bán tơ lụa vải sợi ngày một lan toả rộng ra.

“Nhiều thương gia nước ngoài sang Hà Nội làm ăn đã nghe tiếng vải Phúc Lợi và về nước họ chia sẻ với bạn làm ăn. Từ đó, uy tín của gia đình tôi lan rộng ra các nước trong khu vực.

Tôi từng nghe mẹ kể, cha tôi nhiều lần nhận được phiếu báo nhận hàng của bưu điện. Ông ra bưu điện nhận hàng mà không hề biết ai gửi cho mình. Khi ông mở kiện hàng, ông mới biết người gửi là các thương gia ở nước ngoài. 

Gia đình chúng tôi chưa bao giờ gặp họ. Họ cũng chưa có bất cứ giao dịch làm ăn nào nhưng mà họ vẫn gửi vải cho Phúc Lợi bán vì nghe tiếng từ bạn bè nên tin tưởng gửi.

Họ nhắn cha mẹ tôi, yêu cầu bán hàng của họ trong vòng nửa năm, sau đó bên Phúc Lợi mới cần hoàn tiền. Cha mẹ tôi chỉ bán số hàng đó trong vòng 3 - 4 tháng. Nếu như là người khác trong thời gian đó, họ đã có thể gửi tiền vào ngân hàng kiếm chút lãi. Nhưng cha mẹ tôi bán được hàng là gửi ngay trả bên kia”.

"Nhờ thế, uy tín của họ Trịnh trong giới doanh nhân ngày đó cứ ngày càng tăng. Gia đình thương gia Trịnh Văn Bô liên tục được các thương gia nước ngoài tín nhiệm, mong muốn được làm ăn cùng " - ông Chính kể.

Sở hữu gia sản lớn nhưng ông bà rất gần gũi với những người bán hàng thuê và gia nhân trong gia đình. Các gia nhân trong nhà được ông bà nuôi cơm ăn, áo mặc, cuối năm họ được lĩnh một khoản tiền để về quê. Gia đình họ có đám cưới, đám ma cũng đều được mẹ ông giúp đỡ tận tình . Đây chính là nét đặc biệt để họ càng thêm thuỷ chung cùng các cụ.

Có người học việc ở tiệm vải Phúc Lợi sau khi tay nghề vững, hai cụ cũng tạo điều kiện, cho vốn để đứng ra làm ăn riêng. Đã có rất nhiều nhà buôn thành danh nhờ sự đào tạo từ gia đình cụ bag Hoàng Thị Minh Hồ.

Bởi vậy, nhiều gia nhân trung thành với vợ chồng cụ Bô. Có người nấu bếp ở với họ suốt 36 năm. Khi gia đình hiến tài sản cho các mạng và đi sơ tán, cũng có nhiều gia nhân xin được đi họ theo đến cùng.

Sau khi hiến gần như sạch banh tài sản cho Cách mạng ( trừ bất động sản ở Hà Nội ), gia đình cụ Bô rơi vào hoàn cảnh cơ cực, khó khăn. Họ tản cư lên Tuyên Quang, Thái Nguyên…. Ông Trịnh Cần Chính kể: 
"Với chút vốn còn lại, mẹ tôi quyết định buôn bán nông sản. Bà đã mua chè búp, măng tươi rồi sao tẩm, rồi sấy khô và tìm mối bán lại cho thương nhân dưới xuôi…

Triết lý kinh doanh của các cụ thân sinh ra cụ Minh Hồ đã khiến cụ thuộc nằm lòng: "Kinh doanh buôn bán thì phải tính sao để có lời. Nếu mà mình kiếm được một đồng thì nên để cho con cháu bảy hào, còn ba hào nên tính chuyện làm từ thiện". 

Và có lẽ đây chính là lý do 2 cụ Bô luôn làm từ thiện nhiều và gia nhân nhìn vào 2 cụ mà thấy trân quý cụ, nể phục các cụ, nguyện một lòng phò giúp gia đình dù có gặp nhiều cơn bĩ cực...

Việc bà tổ chức nấu cháo từ thiện cùng nhiều gia đình có điều kiện ngày đó ở Hà Nội đã cứu được không biết người qua được cảnh chết đói rùng rợn hồi năm Ất Dậu, 1945 chính là những nghĩa cử đẹp của doanh nhân có tâm với đồng bào mình . Ngày nay , tinh thần đó đã và đang được xã hội ta nhân rộng, vun đắp. 

Tuy nhiên, việc quan hệ nghĩa tình giữa giới chủ với gia nhân thì xem ra đang có vấn đề cần suy nghĩ.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ , một tượng đài về nữ doanh nhân Việt Nam đã đi xa nhưng thẫm đẫm chất nhân hậu ở người phụ nữ Việt trong quan hệ giữa người vói người bất kể sang hèn; trong sự tháo vát, trung thực trong làm ăn; sòng phẳng trong thương trường...
Tất cả đều hội đủ trong con người phụ nữ từng sống trên một thế kỷ ấy , khiến chúng ta thực sự ngưỡng mộ và cảm phục.

Q. Ph.

4 nhận xét :

  1. Doanh nhân thời Pháp thuộc giúp Việt Nam thúc đẩy sản xuất ngành tơ lụa và mở rộng thị trường ra thế giới.
    Doanh nhân ngày nay thì giúp tầu thúc đẩy sản xuất tơ lụa và mở rộng thị trường vào Việt Nam và nhất là gia nhập đông đảo vào tập đoàn cướp đất của đồng bào!

    Trả lờiXóa
  2. Quốc Phong ơi! Tớ đọc đôi câu đối treo ở nhà tớ cho câu nghe nhé. Câu đối này nói về 2 cách ứng xử của "trí thức" và "dân gian" trước thời cuộc:
    GIỮA NHÂN TÌNH LẮM CHUYỆN NHƯ ĐÙA, TRÍ THỨC THÌ THÀO: RĂNG LẠI RỨA.
    TRONG THẾ THÁI NHIỀU TRÒ NHƯ THẬT, DÂN GIAN DÍ DỦM: RỨA CHƠ RĂNG.
    "Răng lại rứa" là "Sao lại thế". "Rứa chơ răng" là "Thế chứ sao".

    Trả lờiXóa
  3. Thương cụ " Mang trứng gửi cho ác ".

    Trả lờiXóa