Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

VÌ SAO TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG NGHỈ CHỜ HƯU?

Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 
Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân

Vì sao Tướng Trương Giang Long nghỉ chờ hưu?

BBC Tiếng Việt
05-10-2017

Trước tin Thiếu tướng Trương Giang Long vừa nhận quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí theo thông báo của Bộ Công an, cựu Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang nói ông "bất ngờ" và "ngạc nhiên" về quyết định này.

Nói với BBC hôm 04/10, Đại tá Quang cho rằng dù vì lý do nào đi nữa, Bộ Công an không nên công bố quyết định này trước Hội nghị Trung ương 6 hiện đang diễn ra.

Thiếu tướng Tiến sĩ Giáo sư Trương Giang Long là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân và Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân.


Quyết định cho ông Long về nghỉ được truyền thông Việt Nam đăng tải rộng rãi hôm 3/10.


"Bất ngờ" và "ngạc nhiên"

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 04/10/2107, Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói ông hơi bất ngờ và ngạc nhiên về chuyện Thiếu tướng Long nhận quyết định chờ hưu trí.

"Thiếu tướng Long chờ hưu tức là không phải nghỉ hưu ngay mà là chờ từ 1 năm đến 1 năm rưỡi rồi mới nhận sổ hưu", ông Quang giải thích.

"[Tôi ngạc nhiên vì] ngoài cấp hàm thiếu tướng, anh Long còn có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư. Theo quy định chung của nhà nước, những người có học hàm học vị giáo sư tiến sĩ được lưu giữ lại từ 5 đến 7 năm.

Tức là phải đến tuổi 65 cho đến 67, họ mới nghỉ hưu chính thức, mặc dù khi đến tuổi 60, theo yêu cầu, thì họ có thể "không đảm nhận công tác quản lý và chỉ làm công tác chuyên môn thuần túy."

Theo Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Thiếu tướng Long "hoàn toàn có thể vẫn ở lại tiếp tục lên lớp giảng dạy mặc dù có thể không làm viện trưởng [Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân] nữa".

Trong quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí của ông Long, không nói tới việc ông Long được lưu nhiệm lại để làm công tác chuyên môn, Đại tá Quang bình luận.

Khi được hỏi tại sao quyết định này lại được đưa ra vào lúc này, Đại tá Quang nói: "về mặt thời điểm cũng có thể là tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng ở góc độ quan hệ tế nhị giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lý do gì nữa cũng không nên công bố [quyết định này] trước Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra hôm nay."

Đại tá Quang nhấn mạnh ông không có ý nói việc này là do "chịu sức ép gì từ bên ngoài".

Có quan điểm bị Trung Quốc không thích?

Trả lời câu hỏi liệu có sự tương đồng nào giữa trường hợp của Thiếu tướng Trương Giang Long và ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, người mà giới nghiên cứu nói là từng có quan điểm phản đối Trung Quốc, đại tá Quang kể lại:

"Ông Nguyễn Cơ Thạch đã công khai nói với các quan chức của Bộ Ngoại giao trong những cuộc họp chính thức và không chính thức rằng Trung Quốc đưa ra một điều kiện là muốn cải thiện quan hệ Việt Trung thì việc đầu tiên Việt Nam cần làm và phải làm là loại bỏ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

"Đây là điều tôi được nghe trực tiếp anh Nguyễn Cơ Thạch nói trong một cuộc họp tôi có tham dự. Điều này cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cụ Nguyễn Trọng Vịnh biết rất rõ. "

Mối liên hệ với video clip về quan hệ Việt - Trung?

Trong một video xuất hiện trên YouTube hồi tháng 3/2017, mà đến nay có hàng triệu lượt người xem, ông Trương Giang Long nói nhiều về quan hệ với Trung Quốc mà ông gọi là quốc gia "có dã tâm", có "gene xấu".

Theo ông, "Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông của chúng ta."

Trung Quốc có "gene tốt thấp, gene không tốt vượt trội".

"Nhưng Trung Quốc xấu, xấu nữa, thì chúng ta cũng vẫn tìm cách phải chung sống, chỉ làm sao để họ đừng xấu hơn."

Về chính trị Việt Nam, và nhận thức bạn thù, ông nói:

"Phải tới Đại hội 12, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết là mọi chủ trương đường lối đối ngoại đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng, phải xuất phát từ lợi ích dân tộc."

Khi được hỏi liệu có mối liên hệ gì giữa những phát biểu của ông Long trong clip này và quyết định chờ nghỉ hưu mà ông Long vừa nhận, Đại tá Quang cho biết, theo quan điểm của cá nhân ông, có sự nhạy cảm và rất có thể có liên quan gì đó đến quan hệ Việt-Trung mặc dù không có thông tin chính thức hay bằng chứng gì.

Bình luận thêm về video clip dài khoảng 30 phút này mà ông đã "nghe đi nghe lại", Đại tá Quang nói:

"Tôi không biết video clip này được tiết lộ một cách cố tình hay vô ý, nhưng những nội dung mà anh Trương Giang Long nói là hoàn toàn thực tế. Đấy là thực tại trong các cơ quan Việt Nam hiện nay.

"Các cơ quan an ninh của Việt Nam biết rất rõ Trung Quốc đã hoạt động cài cắm người vào các cơ quan như thế nào.

"Đây là một vấn nạn mà các cơ quan an ninh Việt Nam phải đối phó."

Đại tá Nguyễn Đăng Quang cũng nói thêm, dù không trực tiếp biết Thiếu tướng Long, ông đánh giá ông Long là "người có năng lực, một Giáo sư tiến sỹ sắc sảo và có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ".

"Có thể khẳng định anh Trương Giang Long hoàn toàn xứng đáng là một thiếu tướng và hơn nữa, còn xứng đáng quân hàm cao nhất cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị theo quy định của nhà nước là hàm trung tướng", Đại tá Nguyễn Đăng Quang bình luận. 
 

4 nhận xét :

  1. – Việc kiểm soát du lịch,thâm nhập về văn hóa giáo dục cũng là đặc điểm của khu tự trị.
    Bây giờ đi vào sâu hơn ta sẽ xét những bằng chứng khó chối cãi sau đây:
    – Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc : đào tạo thái thú cho khu tự trị .
    – Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương với Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc : kế hoạch kinh tế dài hạn của khu tự trị đã phải tuân thủ theo kế hoạch kinh tế dài hạn của nước mẹ.
    – Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và cho vay song phương trung, dài hạn giai đoạn 2017-2019: Tiền tệ nợ nần của khu tự trị đã bàn giao cho nước mẹ.
    – Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025: quân đội của hai bên đã hòa vào nhau thành một.
    – Hiệp định khung hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc : công nhận về mặt lãnh thổ giữa hai bên đã không còn khái niệm biên giới.
    – Kế hoạch hợp tác Du lịch Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2017-2019 : lãnh thổ của khu tự trị và nước mẹ đã là một, du khách nước mẹ có thể thoải mái đặt chân đến khu tự trị để du lịch.
    – Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017-2021: Sách báo tuyên truyền về văn hóa ,chính trị, giáo dục đã về chung một nhà.
    -Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc : Hai đài tiếng nói của hai bên đã không còn đối nghịch nhau trong vấn đề tuyên truyền nữa. Nếu có cũng chỉ là kịch mà thôi.
    Với những bằng chứng hiển nhiên đó thế nhưng dân Việt nam vẫn mơ hồ chẳng hiểu thế nào là khu tự trị để cãi. Việt Nam đã biến thành một tỉnh của Trung Quốc theo thỏa thuận ngầm và điều này không cần 90 triệu dân Việt nam đồng ý mà chỉ cần Tập Cận Bình phát biểu trước quốc hội Việt nam vào năm 2015 sau đó tuyên bố trước quốc tế ở hội nghị châu Á không lâu sau đó. Tập đủ sức dàn dựng một clip bảo rằng nhân dân Việt nam đồng ý sát nhập vào Trung Quốc. Vấn đề là clip này chưa cần thiết phải tung ra mà thôi.
    Tội nghiệp các chú cừu bây giờ vẫn còn mơ ngủ.
    FB Dương Hoài Linh

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ bằng một bài nói của GS.TS Trương Giang Long được hàng triệu độc giả trong và ngoài nước hào hứng đón nhận ,phải thấy nó có tác dụng lớn lao như thế nào . Dù có phải nghỉ hưu sớm , ông có thể tự hào về bản thân mình , đáng để mọi người trân trọng .

    Trả lờiXóa
  3. Bác này không có 1 ngày nào làm CA trước khi bác được bác X mang ra HN làm thiếu tướng.
    Vậy xóa cái hàm tướng này âu cũng là chuyện bình thường.

    Trả lờiXóa
  4. Một đời công tác làm được một việc có ích và ảnh hưởng sâu rộng như vậy cũng là đủ .

    Trả lờiXóa