Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm: GHI CHÉP Ở ĐỒNG TÂM NGÀY 15.9.2017

Dân làng đối mặt với CSCD. Ảnh tư liệu.
.
Ghi chép ở Đồng Tâm: Niềm tin đã mất!

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm
15-9-2017

Sau những ngày “Nước sôi, lửa bỏng” vụ công an Hà Nội và sĩ quan Bộ Quốc phòng hành hung bắt cóc cụ Kình và một số dân làng dẫn đến dân cầm giữ 38 cán bộ, chiến sĩ CSCĐ rồi rào làng như thời chiến… chúng tôi về Đồng Tâm.

Từ tỉnh lộ 429 rẽ vào thôn Hoành theo GPS chỉ dẫn hỏi thăm một phụ nữ nhà bên vệ đường, lúc đầu chị tỏ ra nghi ngờ nhưng sau khi quan sát và hỏi vào nhà ai, chúng tôi nói vào nhà cụ Kình thì chị bảo: “Cứ theo đường này, rẽ đường kia… không hỏi ai nữa. Nay ở đây nhiều an ninh chìm”.


Thôn Hoanh không còn mấy dấu vết của những ngày “bi thảm”, dân rào làng như chống giặc càn. Những đống gạch đá, mảng bê tông, cây cối, đồ đạc… chất ở các lối vào thôn nhằm ngăn cản một cuộc tấn công cơ giới đã được dẹp sang một bên.

Làng quê yên ả, ít người qua lại, trẻ con đang nghỉ hè chơi bời đất cát, nhiều đứa nhọ nhem, lếch thếch, người già thì gương mặt khắc khổ, gân guốc nhưng toát lên vẻ chất phác, thật thà nhìn chúng tôi bằng con mắt lặng lẽ, cảnh giác.

Thế nhưng, khi biết chúng tôi không phải là “an ninh chìm” thì ai cũng tỏ ra sắc xảo linh hoạt hẳn lên, “thao thao bất tuyệt” nhất là chuyện đất đai.

Một chị quả quyết với bạn:

– Tớ bảo mà, toàn các bác nhiều tuổi thế kia sao lại là công an! 
 
Hai chị em Đồng Tâm đến phòng tiếp dân TPHN gửi đơn nhưng không có kết quả. 
Nguồn: tác giả Nguyễn Đình Ấm gửi tới

Rồi mỗi người một câu, họ cho biết từ năm 2016 khi dân làng phản ứng không đồng ý giao đất đồng Sênh cho Viettel thì hay có xe lạ về gặp chính quyền xã, “an ninh chìm” giả dạng nọ, kia len lỏi vào các thôn xóm nắm bắt tình hình nên cuộc sống vùng quê luôn căng thẳng, cảnh giác.

Một ông dắt đứa cháu nhỏ đang đi đường thấy cụ Kình có khách rẽ vào, hỏi gia chủ vài câu gì đó rồi bảo:

– Hôm 7/7 nhiều phóng viên “báo nhà nước” về họp buổi công bố thanh tra trên huyện nhưng không được vào phòng dự về đây chúng tôi tiếp nhưng ngại cung cấp thông tin. Không thể tin họ, vì cũng rất nhiều “báo nhà nước” về rồi nhưng chẳng báo nào đăng lên sự thật mà toàn im hoặc “hùa theo” cán bộ.

Trước sự bức xúc của bà con, tôi hỏi: Thế sao trong kết luận thanh tra nói 47 điểm dân kiện cáo ở đồng Sênh đã được giải quyết cả rồi là thế nào?

Mấy bà, mấy chị hơi ngớ ra có lẽ không hiểu, sau, một anh trung niên bảo:

– Họ đánh trống lảng chú ạ. Dân chúng cháu “đấu” với thành phố Hà Nội là việc đánh, bắt cóc cụ Kình, bốn thanh niên và cánh đồng Sênh là đất nông nghiệp còn những vụ dân cháu tố cáo là sai phạm cấp, bán đất trái thẩm quyền cho 14 trường hợp ở Thá và một số nơi khác chứ liên quan gì đến đồng Sênh. Từ mấy năm qua, họ kỷ luật qua quít năm trước rồi, những đất đai, nhà cửa sai phạm có xử lý gì đâu. Cháu nghĩ bây giờ họ đưa ra vấn đề truy tố này, nọ để lừa dư luận và ông Chung là việc vi phạm ở cánh đồng Sênh là đất quốc phòng đang đã được giải quyết.

Càng ngày dân đến càng đông, họ tranh nhau trình bày, người nói với bác Nguyễn Đăng Quang, người tâm sự với nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, với anh Nguyễn Tiến Dân, doanh nhân Phan Khang…

Khi tôi hỏi về trường bắn Miếu Môn nay thành trường bắn ASEAN, anh tên Chi (Thi) nói:

– Trường bắn lấy những 300 ha dân cháu không được bồi thường tí nào, mà họ có dùng hết đâu, nghe nói năm 2011 bộ đội xin chính phủ 176 ha ở trường bắn làm sân gôn nhưng chưa được làm, cháu nghĩ đoạn này họ cố chiếm đồng Sênh để làm sân golf thôi chứ nếu Viettel làm nhà xưởng gì thì quá lắm dăm bảy ha là cùng chứ cần tới những 200-300ha?

Có ai nói chen vào.

– Cánh đồng Sênh phần đất nông nghiệp có hai bề mặt tiền bằng phẳng đã có 14 hộ dân được chính quyền cho mượn hay mua gì đó ở từ nhiều năm họ phải đóng thuế này nọ. Ông Viễn chỉ có cái nhà cho thuê mỗi tháng kiếm 10 triệu, một năm 120 triệu. Một suất đất ở mặt tiền đường 429 ngang 6 mét, sâu 30 mét giá bét cũng 300 triệu. Nếu họ chiếm được thì chỉ cần bán ít suất ở thì cũng vớ của!

Một bác xen vào.

– Nếu họ công nhận đồng Sênh là đất nông nghiệp thì Viettel phải bồi thường hàng trăm tỷ, còn họ gán là đất quốc phòng thì họ chỉ cần “bôi trơn” cho các sếp vài chục tỷ… Khôn đấy!

Một bác xưng cựu chiến binh, tóc hoa râm, dáng người xương xẩu, nói trong nghẹn ngào.

– Quân đội do dân đẻ ra, nuôi nấng để đánh giặc nay giặc chiếm biển đảo hoành hành khắp nơi, chúng cướp giết ngư dân ta “như ngóe” thì làm ngơ lại đi chiếm đất đai ở sân bay, đồng ruộng của “cha mẹ”. Họ có lương ăn, quân trang, quân nhu đầy đủ, các ông về đây ai cũng béo mầm, đi xe sang trọng vào quán nhậu “đập phá”, gọi toàn món “độc”. Ba mươi bảy năm nhận đất của dân không làm sân bay, lại không trả dân để sinh sống bỏ đất hoang phí, khi dân làm lại bắt dân nộp tô thuế như địa chủ ngày xưa. Họ thật vô lương tâm, bất nhân, bất hiếu với dân.

Có tiếng xì xầm.

– Cả cái ông Chung cũng coi dân chẳng ra gì, nói dân không được biết hàng trăm ha đất thu của dân quân đội làm gì. Thế thì ai đẻ, nuôi quân đội? Ngày chống Pháp các ông “nãnh đạo” toàn ẩn núp trong dân, dân nuôi, dân bảo vệ. Thời chống Mỹ, cả tiểu đoàn quân núp ở với dân để luyện tập đi nam, nếu dân lộ ra thì máy bay ném bom chết sạch. Nếu Viettel có làm gì thì vẫn là con em dân làm cho họ chứ ai? Bạc bẽo quá!

Một cháu thanh niên trắng trẻo, có vẻ sinh viên về nghỉ hè nói thêm.

– Ông ấy còn bảo, ở Mỹ có những bang bỏ hoang. Ý nói việc họ bỏ hoang 208 ha đất dân cũng không được thắc mắc. Làm gì có bang nào ở Mỹ bỏ hoang, cháu đã truy tìm trên mạng, đọc kỹ địa lý nước Mỹ bang Alaska đóng băng vẫn có các thành phố, thị trấn, làng mạc, bang Texas gần Mehico sa mạc cằn cỗi bậc nhất ở Mỹ người ta có bỏ hoang đâu, thành phố Sonoran, Victoria… sầm uất ở Arizona. Cháu đố ai tìm ra ở Mỹ bang nào bỏ hoang.

Tôi hỏi câu mà cứ băn khoăn mãi từ hôm dân cầm giữ hơn 30 cán bộ, chiến sĩ CSCĐ và cán bộ huyện Mỹ Đức:

– Cả đại đội CSCĐ vũ khí đến tận răng sao bà con tay không tấc sắt mà lại bắt giữ được họ là thế nào? – Người dân nói như đồng thanh.

– Không có dùng sức mạnh gì, khi các chú xuống xe bà con quây lấy khuyên các chú vào làng, mỗi người một câu và các chú đi theo thôi chứ làm sao mà bắt CSCĐ được. Các chú về nhà văn hóa chúng tôi cấp ăn mỗi ngày 70 nghìn, mua quần áo thay, tắm rửa, nước nôi đầy đủ, trước khi về ai cũng có bản tường trình… Các bác muốn xem chúng tôi phô-tô cho!Dân chỉ lo các chú về bị cấp trên kỷ luật. Cũng may mùa hè chứ mùa rét phải mua mỗi chú cái chăn thì cũng mệt. Việc giữ các chú ở đây lúc đầu căng thẳng nhưng sau đều yên tâm, được nghe dân tâm sự họ thấu hiểu dân. Có chú phát biểu thẳng khuyên cấp trên hãy nghe tâm tư của dân. Riêng chú lãnh đạo nói “được điều động về đây để giữ gìn an ninh trật tự” là “nói kiểu lãnh đạo”. Ở đây chỉ có công an, sĩ quan quân đội bắc cóc, đánh cụ Kình và bốn người dân, ban đêm thay phiên nhau rú ga xe quanh làng để uy hiếp, phá dân ngủ, soạn “bài” vu khống, bôi bác, xúc phạm cụ Kình phát loa cả ngày, đêm là gây rối chứ làng xóm có gì lộn xộn, có ai đánh ai, ai đánh lại quân đội, công an đâu mà phải về “giữ an ninh, trật tự”.

Có lẽ chính quyền Hà Nội và lãnh đạo nói chung sợ điều này chăng? Ông Nguyễn Phú Trọng nói công an phải “còn đảng còn mình” nhưng có khi các chiến sĩ lại “còn dân, còn mình” thì đáng lo thật. Mà lịch sử đầy rẫy ra đấy, khi nhà cầm quyền đem con em dân làm việc bất chính thì chắc gì họ làm theo. Có những người có thể không biết nhưng cũng có những người biết ai đẻ ra, ăn cơm, mặc áo của ai chứ.Ngày 19/8/1991 lực lượng “bảo hoàng” đảo chính ở Liên Xô dùng lực lượng Alpha của KGB rất tinh nhuệ, lương cao, lộc hậu như công an ở ta hiện nay ra lệnh đánh vào trụ sở quốc hội Nga cướp chính quyền của tổng thống Elsin nhưng không thực hiện được do binh lính không chấp hành mệnh lệnh là như thế! Trong lịch sử đã có biết bao ví dụ chính quyền không thể sai phái lực lượng vũ trang chống lại nhân dân.

Có lẽ do bản tính hiền hậu và rất “thông cảm” cho nỗi lo của nhà cầm quyền nên dân Đồng Tâm cực kỳ nhũn nhặn chân tình đón tiếp đoàn của chủ tịch Hà Nội, từ đầu đã khẳng định vẫn tin tưởng đảng CS và nhận mình vi phạm pháp luật khi giữ người.

Một ông già cỡ tuổi 75 chân quần “ống thấp ống cao” vác cái cuốc còn dính bùn lơ thơ mấy sợi cỏ vừa ở đâu về cũng ghé vào nói:

– Việc sai đúng phân xử chưa xong mà ngày 14/11/ 2016 huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã đem 600 quân vũ trang, xe cứu thương, xe bắt người, phá sóng… để uy hiếp trấn áp bà con chúng tôi cho Viettel xây công trình, ngày 15/4/2017 thằng trung tá Mạc Văn Tin, Nguyễn Văn Tài gì đấy với đám công an vào làng mời chúng tôi ra đồng Sênh để “xác định mốc giới” nhưng khi đến mốc 15 thì họ bảo cụ Kình “mời bà con về hết chứ đông quá không làm việc được”. Tưởng thật, cụ Kình khuyên bà con về. Khi mọi người về gần hết tự nhiên họ nổ hai loạt súng thị uy, tên Trần Thanh Tùng (Phó công an huyện Mỹ Đức) đá cụ Kình trọng thương rồi hai người xốc nách ném lên ô tô chở về Hà Nội. Cũng may là hôm ấy cụ này (ông chỉ vào cụ Kình) kịp vứt tập tài liệu cho người khác. Khi về nhìn kỹ tôi thấy tập tài liệu dính đầy máu.Chúng bắt cụ Kình đưa lên ô tô chạy đi bốn cháu thanh niên dùng xe máy đuổi theo đến Bình Đà, họ cũng bắt nốt đem về Hà Nội hỏi cung, tra khảo, đánh đập… Thằng Tùng, thằng Tin và đám công an chỉ tuổi cháu tôi mà hỗn hào, thất đức!

Cháu Lê Đình Uy nói chen vào:

– Họ chở cháu đến số bảy Thuyền Quang gì ấy (Số 7 Thiền Quang là trụ sở của Cảnh Sát Hình Sự Hà Nội (PC45) đánh đập, tra khảo, hai lần cháu bị ngất.

Mải chuyện trò quá trưa lúc nào không biết, chúng tôi xin phép ra về thì đã thấy mâm cơm bày ra trên bàn, dưới chiếu. Biết dân nghèo khó, chúng tôi xin ra về nhưng gia đình và bà con dứt khoát cản lại. Thấy mâm dưới chiếu có 3-4 cháu thanh niên ngồi, tôi nói:

– Cụ nhiều con cháu nhỉ, quý hóa quá.

Bà hàng xóm nói:

– Các cháu là thanh niên trong thôn, chúng nó vẫn qua đây trông nom, bảo vệ cụ Kình, đêm có mấy cháu ngủ lại.

Một cháu cho hay:

– Nhà cháu có đủ liệt sĩ, thương binh nhưng đợt này có thể cháu cũng chết nốt nếu bọn tham nhũng vào bắt dân làng, cướp cánh đồng Sênh.

Tôi hơi lo cho cháu và dân làng nếu lời nói đó không chỉ là cho bõ tức!

Đến những ngày gần đây khi bà con cứ tuần lại họp thể hiện quyết tâm giữ đồng Sênh bằng bất cứ giá nào mới hiểu lời của cậu thanh niên là thật, nguy nhiểm quá! Vừa hôm qua, 13/9/2017 dân Đồng Tâm lại cho biết sau nhiều ngày công an Hà Nội, cục điều tra hình sự bộ QP gửi giấy triệu tập bừa bãi, tràn lan tới 70 người không có kết quả, họ lại vừa gửi giấy triệu tập “bị can” đến anh Lê Đình Công (Trưởng thôn Hoành, con trai cụ Kình) – một trong 5 người bị công an Hà Nội bắt cóc lên Thiền Quang hôm 15/4/2017, tình hình lại càng căng thẳng.

Chuyện ở Đồng Tâm thì nhiều lắm không thể kể hết. Mong rằng chính quyền Hà Nội, quân đội hãy tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân dân. Nếu biết chắc hàng nghìn người kia “tham lam” nhận bừa “đất quốc phòng” ở Đồng Sênh thật thì phải tổ chức đối thoại bình đẳng, công khai, đưa ra các bằng chứng thuyết phục bà con chứ không nên lừa dối, bội ước, dùng quyền hành, bạo lực với dân như lần trước để dẫn đến những điều đáng tiếc. 
 
Giấy triệu tập ông Lê Đình Công


7 nhận xét :

  1. Đọc mà rớt nước mắt. Thương dân Đồng Tâm quá! Thương dân tộc VN quá.
    30 năm nội chiến từng ngày! Bây giờ chỉ vì không muốn đối thoại với dân Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội lại muốn "nồi da xáo thịt" chăng???

    Trả lờiXóa
  2. Thời thế non sông
    (Nhân sự kiện Đồng Tâm 4-8/2017)

    Trông vời non nước lệ trào tuôn
    Sự thế nhiều khi ngẫm thấy buồn
    Mộng ước tương lai còn tít tít
    Ăn mày dĩ vãng cứ om om
    “Dân gần trăm triệu ai người lớn
    Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”*
    Canh sáo mười voi không một bát
    Tiền dân đất tổ cứ hao mòn

    Tiền dân đất tổ cứ hao mòn
    Đồng ruộng muôn đời chuyện nước non
    Đất tổ quan thu thành đất “Mật” (Đất QuốcPhòng)
    Tiền dân thuế đóng lập sân gôn
    Miệng quan trôn trẻ không còn giẻ
    Đồ khó dân lành vẫn nhọ thâm
    Chân gẫy thân già tay trói chặt
    Dân cày mất ruộng có đau không?./.

    Trả lờiXóa
  3. 15.9.2017
    Năm học mới đã khai giảng được mười ngày rồi.
    Mà sao:
    -"Trẻ con nghỉ hè chơi bời đất cát, nhiều đứa nhọ nhem, lếch thêch..."
    Có sự nhầm lẫn nào chăng.

    Trả lờiXóa
  4. Lợi dụng chính sách rồi bỏ đất hoang hoá thì cần xử lý
    Liên quan đề nghị miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm, nhất là đất nông, lâm trường.
    tien that thoat vu an pham cong danh du mien thue cho nong dan 300 nam hinh 2
    Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm về đất nông, lâm trường. (Ảnh: Quốc hội)
    Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, hiện nay nhiều nông, lâm trường, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật để trục lợi...
    “Thực tế có việc sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng trái phép gây lãng phí nguồn lực nhà nước, trục lợi. Diện tích này lớn, nếu không quản lý được mà còn miễn giảm thì tạo ra kẽ hở lớn trong quản lý đất đai. Chính phủ cần có khảo sát đánh giá thực trạng để xem có nên miễn giảm cho đối tượng này hay không” – ông Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến.
    Ở góc độ khác, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị chú ý các đối tượng được miễn giảm không chỉ là nông dân mà ai sử dụng đất nông nghiệp là thuộc đối tượng được hưởng chính sách, vì chúng ta đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
    “Đằng sau đấy phải giải quyết câu chuyện miễn thuế nhưng đất bỏ hoang, cũng như với chính sách xoá đói giảm nghèo thì có hiện tượng ỷ lại, trông chờ, không chủ động phát triển. Cứ lợi dụng chính sách mà để đất bỏ hoang thì cũng phải có chế tài xử lý. Rồi có chuyện phát canh thu tô, lợi ích nhóm” – ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo chính sách vào cuộc sống, đúng đối tượng thụ hưởng.
    Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng người sản xuất nông nghiệp không hẳn là nông dân vì chúng ta đang quy hoạch phát triển sản xuất, thu hút đầu tư nên cần nghiên cứu thêm về đối tượng được hưởng chính sách. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nên có chế tài xử lý bỏ đất hoang hoá, sử dụng sai mục đích./.
    Ngọc Thành/VOV.VN
    Đăng 26 minutes ago bởi nvphamvietdao5.blogspot.com

    Trả lờiXóa
  5. Đất nước với 80% là nông dân , nếu có một cuộc chiến bảo vệ tổ quốc thì nông dân sẽ là lực lượng dự bị lớn nhất , vì vậy cần phải làm sao dân đỡ khổ .

    Trả lờiXóa
  6. Trước đây hàng ngàn năm . Mạnh Tử đã dậy : Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh . Này những kẻ cầm quyền thời mới coi Dân tệ như những cục cứt , coi trí thức sĩ phu không hơn những cục phân !

    Trả lờiXóa
  7. cuộc chiến giữa dân nghèo và nhóm lợi ích chưa có hồi kết...

    Trả lờiXóa