Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: ĐỨC ĐANG CÂN NHẮC ĐỂ TRỪNG PHẠT

Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Bắc Đức vào ngày 7 tháng 7 năm 2017.

Đức: sẽ có hành động nếu yêu cầu trả Trịnh Xuân Thanh không được VN đáp ứng

RFA
2017-08-09

Đức vào ngày 9 tháng 8 cho biết đang xem xét những bước thực hiện sau khi Việt Nam không phản hồi Berlin về yêu cầu trao trả ông Trịnh Xuân Thanh mà Đức tin là bị nhân viên mật vụ Việt Nam sang nước này bắt cóc đưa về nước.


 
Hãng tin Reuters loan tin và nhắc lại cáo buộc mà Bộ Ngoại giao Đức đưa ra đối với Việt Nam là Hà Nội cho bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin quy chế tỵ nạn tại Đức.

Một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức vào ngày thứ Tư 9 tháng 8 được Reuters dẫn lời là người này lấy làm tiếc vì yêu cầu trao trả ông Trịnh Xuân Thanh của Berlin đưa ra chưa được Hà Nội phúc đáp.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức nói với báo giới là Đức từng hy vọng có cơ hội hàn gắn sau khi xảy ra vụ việc vi phạm trầm trong luật pháp Đức và luật quốc tế trong vụ Trịnh Xuân Thanh từ phía Việt Nam như thế.

Người phát ngôn này nói thêm là thật không may sự việc không diễn tiến như mong đợi nên Đức đang xem xét những biện pháp có thể làm để cho đối tác Việt Nam thấy rõ là Berlin không chấp nhận hành vi từ phía Hà Nội vừa qua.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức nói rõ một vấn đề nghiêm trọng như thế không cách nào đóng lại được. Vị này không cho biết chi tiết những khả năng có thể xảy ra; nhưng nhấn mạnh rằng Việt Nam đã nhận một khoản viện trợ phát triển đáng kể từ nước Đức.

Trong năm 2015, Đức cam kết viện trợ phát triển cho Việt Nam trong khoản thời gian hai năm là 220 triệu euro, tương đương hơn 257 triệu đô la Mỹ.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức cho biết mọi giải pháp đều đang được đề ra.

Một phát ngôn nhân chính phủ Đức còn tiết lộ là hai chính phủ Đức và Việt Nam đã có nói chuyện với nhau.

------------

Đức ‘cân nhắc hành động’ do VN ‘phớt lờ’ 
vụ Trịnh Xuân Thanh

BBC
9-8-2017

Đức hôm thứ Tư 9/8 tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’ hồi cuối tháng Bảy.


Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức “chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh” và đó là hành vi mà Đức thấy là “không thể chấp nhận”.

Luật sư tại Đức của ông Thanh nói ông tin rằng thân chủ của mình đã bị lôi lên xe hơi, cưỡng bức đưa về Việt Nam chứ không phải tự nguyện quay về.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Tư nói ông lấy làm tiếc là đòi hỏi của phía Đức trong việc Hà Nội phải để ông Thanh quay trở lại Đức đã không được trả lời.

“Chúng tôi đã hy vọng là sẽ có khả năng nhằm… sửa chữa sau lỗi vi phạm nghiêm trọng luật Đức và luật pháp quốc tế,” phát ngôn viên nói với các phóng viên.

“Thật không may là điều đó đã không xảy ra, cho nên chúng tôi đang cân nhắc xem cần làm gì để đối tác Việt Nam của chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó,” ông nói.

Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện ‘ra đầu thú’, và công bố đoạn video trong đó ông Thanh dáng điệu mệt mỏi nói rằng ông “đành phải về để đối diện sự thật”.

Đoạn video được phát trong chương trình thời sự của Việt Nam cũng công bố hình ảnh “đơn xin tự thú” được cho là của ông Thanh viết tay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức từ chối nói rõ về các khả năng cụ thể là gì, nhưng nhấn mạnh rằng Việt Nam nhận viện trợ phát triển từ Đức ở mức đáng kể.

Trong năm 2015, Đức cam kết trợ giúp Việt Nam 220 triệu euro (257,8 triệu đôla Mỹ) viện trợ phát triển trong vòng hai năm.

“Mọi lựa chọn đều đang được đặt trên bàn,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói, và cho biết thêm là đã có các cuộc trao đổi giữa chính phủ hai nước.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam
 

2 nhận xét :

  1. Đức hành động thì dân Việt khổ thôi chứ cha đó vẫn cứ béo tốt phây phây ra.

    Trả lờiXóa
  2. Chính quyền phải thay đổi cách hành xử. Hình ảnh VN trở nên xấu xí hơn bao giờ hết. Người trong nước có thể thông cảm với đảng và nhà nước trong công cuộc chống tham nhũng. Nhưng chống như thế nào để hình ảnh nước ta sáng sủa ra, chứ chống bằng cách bất chấp luật pháp thì hình ảng ta đen là cái chắc. Một mình đảng không chống được đâu. vì những người tham nhũng do đảng đào tạo ra mà. 90% cán bộ đv có chức quyền đều dính tham nhũng thì chống kiểu gì? Hối lộ tiền, hối lộ tình để được thăng quan tiến chức đang là vấn nạn quốc gia. Đã gọi là đi mua chức quan bằng tiền, bằng tình, mua rồi thì phả kinh doanh. Không có lãi ai mua làm gì. Cái vòng tròn luôn hồi quay vòng ngafuy càng rộng ra.

    Trả lờiXóa