Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

LS. Lê Văn Luân: BOT - THIỆT THÒI VẪN LÀ DÂN


LS. Lê Văn Luân

BOT - THIỆT THÒI VẪN LÀ DÂN

Hợp đồng đầu tư xây dựng hạ tầng theo dạng BOT thường dành cho các nước nghèo, kém phát triển để thu hút và sử dụng vốn vay của các quốc gia khác nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho đất nước mình. Nhưng hậu quả sẽ là phải gánh chịu những bất lợi (về kinh tế) đối với các điều khoản trong hợp đồng giữa nhà đầu tư và phía chính phủ nước sở tại.

BOT là hợp đồng Xây dựng - Vận hành (khai thác) - Chuyển giao. Với đồng vốn chủ yếu của nhà đầu tư nước ngoài, một phần nhỏ là vốn đối ứng của phía chính phủ. Nếu chủ đầu tư là nhà thầu trong nước thì các điều khoản hợp đồng dễ được điều chỉnh và giải quyết hơn các trường hợp của nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, theo thống kê thì có khoảng 90 dự án BOT và các trạm thu phí mọc lên khắp các tuyến đường trên cả nước mà việc khiếu nại, bức xúc của người dân về thu phí (lộ phí) xảy ra ở nhiều nơi bởi sự bất hợp lý của vị trí đặt trạm, số trạm thu, mức phí và có cả trường hợp phi lý như ở Cai Lậy (Tiền Giang) mới đây.

Tuy nhiên, vấn đề ở trường hợp đó, tức BOT Cai Lậy, là khá rõ ràng. Nhưng trong 90 dự án BOT thì toàn bộ chúng được chỉ định thầu chứ không thực hiện việc đấu thầu công khai, dù Luật Đấu thầu có từ năm 2005, và chúng không phải là dự án thuộc công trình đặc biệt hoặc bí mật quốc gia. Nên việc chỉ định thầu 100% là trái luật hiện hành. Nhưng các dự án BOT luôn là một miếng mồi béo bở để nhóm lợi ích có thể dựa vào để khai thác triệt để nó với mục đích "phát triển kinh tế" và "hoàn thiện cơ sở hạ tầng".

Các ưu đãi, nếu có, dành cho các dự án BOT đáng ra phải là những điều kiện về thuế, nghĩa vụ về đất đai, điều kiện thi công và vận hành, chứ không phải ngay từ đầu đã "giao trọn gói" cho một nhà đầu tư được chọn sẵn, tuỳ thuộc vào cơ quan phê duyệt dự án.

BOT là các dự án sẽ đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân, những người lưu hành trên các tuyến giao thông của nhà đầu tư. Nên nếu bất cập trong các dự án này xảy ra, sẽ giáng trực tiếp vào chính lợi ích của họ, những người đang làm ăn kinh doanh trên các tuyến đường để mưu sinh. Vì vậy, nếu nói như một ông Thứ trưởng Bộ GTVT để cho rằng, vì dân mà dời trạm thu phí đi là không ổn, trong khi việc đặt trạm thu phí tại Cai Lậy là hoàn toàn bất hợp pháp, bởi đây không phải tuyến đường họ đầu tư, mà chỉ là sửa chữa, nâng cấp từ một tuyến đường đã có vẻ xuống cấp từ trước đó - thì là tạo ra thêm sự bất công thêm nữa cho những người dân.

Việc chỉ định nhà đầu tư ngay từ khi chọn hồ sơ, đã khiến cho họ tự có quyền tuyên chiến với dân -ngay cả những nạn nhân không sử dụng đường vẫn phải đóng phí - bằng cách chủ đầu tư đề xuất không nhận tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng và "xử lý nghiêm tài xế lái xe đi chậm khi qua trạm thu phí".

Lợi ích của họ quá lớn, và họ đã nhận được sự ưu ái độc tôn từ cơ quan có thẩm quyền, nên họ coi những người dân đi trên con đường, mà họ tự nhận là đầu tư, không khác những con vịt là bao.
 
 

1 nhận xét :