Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

QUANH CHUYỆN ÔNG PHẠM XUÂN NGUYÊN TỪ CHỨC, BỎ HỘI

“Người ta muốn gạt ông Nguyên” (Phạm Xuân Nguyên). 
“Người ta muốn gạt ông Nguyên” (Phạm Xuân Nguyên).

Ông Phạm Xuân Nguyên từ chức: 
Nỗi niềm kẻ ở, người đi



Nông Hồng Diệu
Báo Tiền Phong
07:08 ngày 18 tháng 06 năm 2017 

TP - Không khí oi nồng ở làng văn Hà Nội đã lan từ lâu trong giới văn chương. “Trái bom” chính thức nổ khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tuyên bố từ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đồng thời ra khỏi Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Đây không phải câu chuyện của kẻ “đốt đền” để “nổi” khi kẻ ở, người đi còn quá nhiều tâm tư muốn giãi bày. 

Đẹp, Sang hay… bất lực? 


Trong tuyên bố từ chức, Phạm Xuân Nguyên đã nêu rõ lí do ra đi. Với hai nguyên nhân cơ bản:  Vì sự chậm trễ đại hội nhiệm kỳ XII của Hội nhà văn Hà Nội và vì sự bất đồng sâu sắc trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội. Với trách nhiệm của một người đứng đầu hội, với danh dự của một người làm văn học Phạm Xuân Nguyên từ chức ở Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN), Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (HLHVHNTHN), đồng thời ra khỏi HNVHN, HLHVHNTHN.   


Tuyên bố này đã được Phạm Xuân Nguyên đọc tại cuộc họp BCH HNVHN sáng 13/6/2017 và được đăng công khai trên trang cá nhân của ông,  tạo nên một làn sóng nhiều chiều trong dư luận. Có người coi Phạm Xuân Nguyên như “người quân tử có đủ “Nhân Trí Dũng”. Người khác lại khen: “Rất đàng hoàng, khảng khái,  đầy khí chất”.… Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn bình thẳng trên trang cá nhân của Phạm Xuân Nguyên: “Thế là cuối cùng PXN đã… chịu nghe lời góp ý chân thành của bà già PTTN, tuy là quá muộn! Sẽ có nhiều người cho là một hành động Đẹp và Sang nhé”. 


Kết nối với Phạm Xuân Nguyên ngay sau tuyên bố từ chức, nhà phê bình không  mang tâm trạng “trên mây”: “Người hùng gì đâu? Tôi vẫn là một người bình thường thôi. Từ chức trong xã hội văn minh là điều bình thường nhưng ta chưa quen nên thấy bất bình thường”. Bên cạnh dư luận vỗ tay, vẫn có một bộ phận những người muốn đào sâu sự việc thắc mắc với tuyên bố từ chức của ông: “Phải chăng vì nhiệm kỳ tới biết chắc không đắc cử nên nhà phê bình rút cho sang trọng?”. Phạm Xuân Nguyên gạt ngay: “Ngay cả  thế thì Phạm Xuân Nguyên vẫn có thể đàng hoàng làm đến đại hội chứ? Nhưng Nguyên không phải như thế!”.

Câu hỏi tiếp theo của PV TPCN: “Sao anh không từ chức khi hết nhiệm kỳ (2010-2015) mà phải đợi đế tận 2017 mới tuyên bố từ chức?”. Và vấn đề đã được mở toang: “Cái chính là ở chỗ đó, vì trong quá trình kéo dài năm rưỡi không đại hội được, bởi thành phố tìm mọi cách loại ông Nguyên, mà ông Nguyên thì kiên quyết đấu tranh lại. Các hội chuyên ngành hay HLHVHNTHN làm đại hội rất ngon ơ nhưng với HNVHN lại không làm được, vấn đề then chốt là vì ông Nguyên. Người ta không cho đại hội vì vấn đề nhân sự, muốn gạt ông Nguyên. Ông Nguyên đấu tranh  để làm rõ ra, mọi việc cho dù có chỉ đạo đi chăng nữa thì quyền quyết định cao nhất vẫn  là đại hội. Tôi đấu tranh vì điều đó. Nhưng đến lúc này, đã qua một năm rưỡi, tôi thấy bất lực và thấy “kinh” một số gương mặt xung quanh tôi”. Phóng viên hỏi: “Anh có thể nói cụ thể gương mặt nào?”. Không ngần ngại Phạm Xuân Nguyên “khai”: “Bằng Việt”.


Ông Phạm Xuân Nguyên từ chức: Nỗi niềm kẻ ở, người đi ảnh 1 
“Làm sao sai ngớ ngẩn như ông Nguyên nghĩ được?” (Bằng Việt).


Đổ vấy cho người khác?
 

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch HLHVHNTHN không muốn nói quá nhiều về tuyên bố từ chức của Phạm Xuân Nguyên: “Tôi chỉ có thể nói là ngày 15 tháng 6, Ban chấp hành (BCH HNVHN-PV) đã họp xong và đưa ra nghị quyết chấp thuận việc thôi chức danh và ra khỏi hội của ông. Phạm Xuân Nguyên sẽ bàn giao công việc cho nhà văn Nguyễn Sỹ Đại, Phó Chủ tịch phụ trách HNVHN. Thông báo được gửi tới tất cả các hội viên HNVHN.  Ông Nguyên đã gửi tuyên bố từ chức thế nào thì thông báo này cũng gửi giống thế, để không ai thắc mắc  nữa”. 


Tuy nhiên khi phóng viên TPCN cho biết, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tỏ thái độ bất bình với Bằng Việt, vị Chủ tịch HLHVHNTHN đã khẳng định:  “Tôi không có gì cay cú với ông ấy đâu”. Ông Bằng Việt lại cho rằng chính nhà phê bình đang trong trạng thái “cay cú” nên mới đổ hết tội cho lãnh đạo thành phố, Sở Nội vụ và cũng có thể ông với tư cách ngươi đứng đầu Hội LHVHNTHN đã giục giã, thúc đẩy, phê bình Phạm Xuân Nguyên về lí do chậm đại hội nên bị “ghét lây” chăng? 


Một bộ phận dư luận coi tuyên bố từ chức của Phạm Xuân Nguyên như một hành động “anh hùng” còn người quản lí văn học nghệ thuật Hà Nội không thấy vậy: “Làm gì có anh hùng ở đây? Ở lại không được nữa, không còn chỗ lùi nữa thì ông ấy ra đi. Bởi vì  BCH HNVHN đã ra một nghị quyết, từ ngày 27 tháng 3 đến trung tuần tháng 6, tức ngày 15 tháng 6, không tổ chức được đại hội, có thể vận dụng mấy nguyên tắc, trong đó có thông tư số 03/2013 của Bộ Nội Vụ  về quyền cách chức người đứng đầu. Quá 6 tháng không đại hội đã có thể cách chức, đằng này đã quá đến năm rưỡi rồi. Và thay trưởng ban tổ chức đại hội để thúc đẩy tiến trình nhanh hơn. Buổi họp hôm 13 tháng 6 vừa qua ông Nguyên nắm văn bản trong tay, không có đường lùi nữa nên mới nói “thôi thôi, tôi không cần nghe” rồi rút lui,  tuyên bố từ chức, xin ra khỏi hội. 


Còn về bức xúc mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói đi nói lại nhiều lần: Cơ quan chức năng ứng xử “sai luật”. Ông Bằng Việt khẳng định: “Đúng quá, có gì mà sai. Những người nắm văn bản nhà nước không sai những lỗi ngớ ngẩn như ông Nguyên nghĩ”. Trong danh sách dự kiến nhân sự BCH HNVHN nhiệm kỳ 2016-2021 có 5 cái tên: PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn báo chí- ĐH Văn hóa Hà Nội; Trần Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân Dân; Đỗ Bích Thúy, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Phạm Xuân Nguyên, Trưởng phòng Văn học So sánh, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam; PGS.TS Lưu Khánh Thơ, Trưởng phòng tạp chí nghiên cứu văn học, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên 3 cái tên: Đỗ Bích Thúy, Lưu Khánh Thơ, Phạm Xuân Nguyên không được sự đồng ý của cơ quan chủ quản để tham gia BCH HNVHN nhiệm kỳ tới. Phóng viên TPCN trao đổi điều này với Viện trưởng Viện Văn học, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đã xác nhận: Viện văn học muốn Phạm Xuân Nguyên tập trung vào chuyên môn, không tham gia BCH HNVHN khóa tới, theo chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam. 


Ông Bằng Việt cũng giải thích thêm: “Văn bản của Sở Nội vụ chỉ có tính chất thông báo và khuyến cáo không phải lệnh của cấp trên bắt chúng tôi không được bầu những người này. Sở đã làm đúng chức năng. Nếu vẫn muốn bầu những cá nhân trên thì xin lại ý kiến của cơ quan chủ quản, nếu cơ quan thông cảm để kiêm nhiệm thì được, nhưng họ không đồng ý thì chịu”. Rồi ông Bằng Việt kết luận: “Đó là câu chuyện liên quan nhiều người nhưng chỉ ông Nguyên khùng lên phản ứng”. 


Vì sao ông Phạm Xuân Nguyên “khùng lên”, theo ông Bằng Việt: “Vấn đề chỉ ở chỗ này thôi: Ông Nguyên không bao giờ nhận lỗi tại ông nên đại hội chậm đến năm rưỡi, ông chỉ đổ chậm là do thành phố ép ông, trong khi quả bóng đang nằm trong chân ông, với cương vị chủ tịch hội. Nguyên tắc để tổ chức đại hội là anh phải có đầy đủ hồ sơ, có người ứng cử chủ tịch, ứng cử ban chấp hành… anh gửi hồ sơ đó sang Sở Nội vụ, người ta căn cứ vào đó mới chuyển lên thành phố để cấp phép cho việc tổ chức đại hội. Họ vẫn luôn nói là: Chúng tôi có tài liệu gì trong tay đâu, sao lại nói lỗi của chúng tôi được, lỗi ở các anh (tức HNVHN- PV). Một năm rưỡi rồi mà hồ sơ vẫn nằm ở HNVHN, trong khi đó lại đổ lỗi tại thành phố là rất sàm sỡ, đổ vấy cho người khác”.

Có hay không câu chuyện Phạm Xuân Nguyên bị “ghét” buộc dẫn đến tuyên bố từ chức? Ông Bằng Việt thẳng thắn nhận: “Rõ nhiều người không ưa anh vì anh cũng có nhiều cái dở”. Song ông khẳng định: “Nhưng cơ quan nhà nước chỉ làm theo nguyên tắc. Hồ sơ chưa xong thì đổ tại ai được? Lý lẽ của ông Nguyên không chắc chắn, thậm chí hơi vu vạ. Không buồn cãi vì quá non nớt”. 



3 nhận xét :

  1. Bằng Việt: “Văn bản của Sở Nội vụ chỉ có tính chất thông báo và khuyến cáo không phải lệnh của cấp trên bắt chúng tôi không được bầu những người này. Sở đã làm đúng chức năng. Nếu vẫn muốn bầu những cá nhân trên thì xin lại ý kiến của cơ quan chủ quản, nếu cơ quan thông cảm để kiêm nhiệm thì được, nhưng họ không đồng ý thì chịu”!!!???
    Nghe quen quen: "mua công trái là tự nguyện mà cũng là bắt buộc!"

    Trả lờiXóa
  2. Thằng Bằng Việt mặt thớt
    Là con điếm văn chương
    Nên ăn nói xảo trá
    Chẳng có chi khác thường

    Trả lờiXóa
  3. Việt ơi cháu đã đi quá xa
    Chẳng còn nhớ khói bếp của bà
    Chẳng còn nhớ tình dân ta mộc mạc
    Áo cà sa vứt bỏ mặc áo ma
    Tình nghệ sĩ cho vào sọt rác
    Uốn lưỡi đen nói chữ rất đen
    Ham quyền lực áo sặc mùi quyền lực
    Mở mắt ra cháu ơi tháo kính râm xuống
    Lại gần anh em giữ ngòi bút đừng cong!

    Trả lờiXóa