Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Ngô Thị Kim Cúc: DƯỚI TRĂNG ĐÂU CŨNG LÀ TRI KỶ…


 
DƯỚI TRĂNG ĐÂU CŨNG LÀ TRI KỶ…

“Dưới trăng đâu cũng là tri kỷ/ Trước gió ai mà chẳng cố nhân” là hai câu thơ Vương Bột mà Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã đề tặng tôi tập "Đường Thi Quốc Âm Cổ Bản".

Còn tập "Ca Trù- Phía Sau Đàn Phách" lại được đề tặng với hai câu thơ Vũ Hoàng Chương: “Mặt nhìn mặt còn ngờ trong giấc mộng/ Phải rằng đây vang bóng một thời xưa”.

Khi thấy tôi khoe sách mới trên FB, Nguyễn Xuân Diện đã nhắn tin: “Tễu muốn mua sách/ Ko làm bộ để xin sách của chị/ Chỉ xin chữ ký và lời đề thôi”. Lời nhắn làm tôi quá chừng cảm động. Nghĩ ngợi một lúc, tôi nhắn lại: “Tễu đừng gởi tiền, gởi sách cho mình đi”. Vậy là Xuân Diện bảo ngay sáng mai sẽ đi gởi chuyển phát nhanh, khiến tôi cũng lập tức làm giống y như vậy.


Hai quyển sách đều mới trình làng quý 1/2017, nội dung giá trị và được in rất đẹp.

"Đường Thi Quốc Âm Cổ Bản" như tên gọi, gồm 222 bài thơ nổi tiếng của 75 nhà thơ nổi tiếng nhứt từ Sơ Đường, Trung Đường đến Vãn Đường, do Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông sưu tập và biên dịch. Mỗi bài đều kèm văn bản chữ Nôm công phu, và bên cạnh bản dịch của Đông Sơn Cư Sĩ cùng dịch giả khuyết danh, còn có nhiều bản dịch rất hay của Tú Xương thi sĩ.

Tập thơ xứng đáng là sách gối đầu giường cho tất cả những ai vẫn nghe âm vang trong mình tiếng khóc vô thanh khi những nhà thơ xưa chấm bút lông vào máu mà ghi lại những vẻ đẹp-buồn-đau-đớn của nhân loại... Bởi vì, vẻ đẹp nào mà chẳng sinh thành từ những nỗi đau…

Tập "Ca Trù- Phía sau đàn phách" với tôi lại đúng là “Buồn ngủ gặp chiếu hoa” (chớ không phải “chiếu manh” như trong nguyên bản dân gian). Tôi vốn đã bị coup de foudre với Ca Trù ngay lần đầu tiên được nghe, nên tôi đã đọc một mạch hết quyển sách ngay khi nhận được. Và tôi cảm ơn Nguyễn Xuân Diện rất nhiều, bởi tác giả đã thu-về-một-mối tất cả những thông tin cần thiết liên quan tới ca trù.

Ca Trù với tôi, chính là sự sang cả độc đáo, chỉ-có-một, và thuộc loại tinh túy nhất trong tài sản văn hóa-nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Không chỉ “mê” tiếng hát, tôi còn “mê” cả dung nhan người đào nương xưa cũ. Đó đích thực là bức chân dung quá đẹp, một bức tranh Tĩnh đến tối đa, làm nền cho duy nhứt chỉ một thứ được phép Động, và vô cùng lung linh, hút hồn, bay bổng: đó là Nhạc. Nhạc trong Ca Trù là sự chưng cất tinh lọc từ tiếng hát đào nương, tiếng đàn Đáy, tiếng phách, tiếng trống… quyện vào nhau, nâng nhau lên, nhảy múa tài tình trên trái tim người nghe đang ngây say vì mê đắm.

Tôi rất yêu gương mặt không hề bộc lộ cảm xúc của người đào nương xưa, bởi bao nhiêu tinh hoa đều đã được chắt hết, gởi hết vào trong tiếng hát. Đào nương hoàn toàn hạn chế việc chớp mắt, môi cũng không hề chúm chím làm duyên mà chỉ là nơi âm nhạc phát ra. Mọi chuyển động của cơ mặt đều được tắt đi, đặt tất cả vào trạng thái yên tĩnh bất biến, chỉ cho phép chuyển động duy nhất: những thanh âm tuyệt vời của Nhạc và cả của Thần, Khí....

Thật đáng tiếc khi các đào nương hiện nay lại đeo lông mi giả và trang điểm theo kiểu để có một nhan sắc “hiện đại”. Ước gì họ hiểu rằng việc bảo tồn vẻ đẹp quý phái cổ điển của người đàn bà Việt nhiều trăm năm tuổi trong Ca Trù nên trở thành khuôn thước, vì chính chất sang cả ấy mới thật sự tương xứng với vẻ đẹp của ca từ đầy cổ kính. 

Chỉ cần chút phấn son vừa đủ, để dung nhan đào nương thật sự đại diện cho một thành phần quan trọng, tạo ra một giá trị văn hóa lớn đã được trau chuốt qua nhiều thế kỷ. Văn hóa càng có bản sắc riêng lại càng giá trị, và số tuổi càng nhiều thì giá trị của văn hóa chỉ có tăng lên chớ không bao giờ là ngược lại…

Vậy còn Nguyễn Xuân Diện là ai?

Tôi luôn nhớ, Nguyễn Xuân Diện là một trong hai người (người thứ hai là thạc sĩ Nguyễn Đức Toàn) vào cuối tháng 3/2009 đã dịch tờ lệnh điều động dân quân từ đảo Lý Sơn ra đảo Hoàng Sa (dưới triều Minh Mạng). Và ngày 10/4/2009, báo Thanh Niên đã đăng bài “Tờ lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa” với đầy đủ nội dung bản dịch, khi dòng họ Đặng của Lý Sơn hiến tặng tài sản vô cùng quý giá đó cho nhà nước, để làm bằng chứng đòi lại chủ quyền của Việt Nam trước dã tâm xâm chiếm Hoàng Sa của Trung cộng.

Nhớ tên người dịch, tôi đã nhận ra Nguyễn Xuân Diện trong các hình ảnh đầu tiên trên FB, khi người dân Hà Nội xuống đường biểu tình lên án quân xâm lược Trung cộng. Và cũng chính nhờ FB, chúng tôi đã trở thành bạn như hiện nay. 

Một tình bạn quả không hề ảo… Nếu “Dưới trăng đâu cũng là tri kỷ” thì, “Trên Facebook đâu cũng là bằng hữu” hình như nghe cũng tương đối ổn…


.

1 nhận xét :

  1. Dưới trăng đâu đâu cũng là tri kỷ
    Trước gió lúc nào mà chẳng cố nhân

    Trả lờiXóa