Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

BBC: TÒA KHÁNH HÒA TUYÊN MẸ NẤM 10 NĂM TÙ

Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù

BBC Tiếng Việt
29.06.2017


Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên án 10 năm tù cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 29/6.

Luật sư Võ An Đôn, một trong ba luật sư có mặt tại phiên tòa, cho BBC hay bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày. 


Theo ông Đôn, gia đình bà Quỳnh và nhiều người đã biết trước từ cách đây hai tuần bản án sẽ là 10 năm tù. 

"Những vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia thì luật sư có cũng như không. Chỉ nói mà chẳng ai nghe hết", ông nói với BBC.

Tại cuộc họp báo trong khi phiên tòa đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam.  

'Bản án mang tính chất răn đe'

Về bản án 10 năm tù mà bà Quỳnh phải nhận, luật sư Đôn cho rằng "bản án này mang tính chất răn đe rất là mạnh đối với những người có quan điểm trái ngược với chính quyền".

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh yêu cầu 5 luật sư bào chữa, nhưng có mặt tại tòa chỉ có ba luật sư.

Các luật sư đã yêu cầu hoãn phiên tòa để luật sư phối hợp bào chữa nhưng hội đồng xét xử không chấp thuận. 

Trước phiên tòa, luật sư Đôn nói ông đã viết đơn yêu cầu được gặp bị cáo nhưng yêu cầu này bị hội đồng xét xử từ chối. 

Luật sư Võ An Đôn cho BBC biết tại phiên tòa, "các luật sư bào chữa đều chứng minh rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là không có tội". 

"Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ viết bài trên Facebook thể hiện quan điểm cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam quy định tại Điều 25 trong hiến pháp cũng như những công ước mà Việt Nam ký kết."

Trong vòng 15 ngày tới, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền kháng cáo. Nếu bà kháng cáo, tòa án sẽ mở lại phiên tòa phúc thẩm, mà theo luật là trong vòng hai tháng, ra tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Đà Nẵng xét xử. 

Ông Đôn cho biết sau khi tòa tuyên án, ông đã khuyên bà Quỳnh "phải kháng cáo". 

Greg Rushford, một nhà báo độc lập người Mỹ, nhận xét với BBC sau phiên tòa:

"Điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam, hình sự hóa tự do ngôn luận, đã là vi phạm các ràng buộc pháp luật quốc tế của Việt Nam."
"Bộ Ngoại giao Mỹ và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump đã từng tôn vinh blogger Mẹ Nấm vì là người phụ nữ dũng cảm."


Gia đình không được tham dự

Sáng ngày 26/9. bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói với BBC bà không được trực tiếp tham dự phiên tòa mà phải theo dõi qua tivi ở một phòng riêng.

Bà mô tả rằng "trong phần tranh luận họ không cho Quỳnh trình bày hết ý". 

"Họ quy chụp giáo điều. Trong bản cáo trạng thì họ ghi vậy nhưng lúc xét xử họ lấy mọi thứ ra để nói.

"Họ nói con tôi lợi dụng Hoàng Sa, Trường Sa, nói con tôi chống Trung Quốc làm ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế hai bên. Đó là nói láo!"

"Họ nói con tôi tuyên truyền không đúng về Formosa làm ảnh hưởng đến người dân. Và truy tố con tôi vì tàng trữ bài thơ của Bùi Chát và bài hát của nhạc sĩ Tuấn Khanh"


Bà Lan cũng cho biết phiên tòa vừa kết thúc thì bà được tin cháu gái, em họ của bà Quỳnh bị bắt lên phường vì chụp ảnh cổng tòa án. Bà phải vội lên phường yêu cầu công an thả cháu mình. 

Quá kinh khủng

Trịnh Kim Tiến, cũng là một blogger thân thiết với blogger Mẹ Nấm, người cùng bà Lan đến phiên tòa sáng nay cho BBC biết:
"Thực sự đây là một mức án quá gây bức xúc, sự phi luân, đốn mạt. Đây là sự thù hằn theo kiểu riêng tư chứ không phải lợi dụng chức quyền để bức tù người phụ nữ đơn thân.

"Không có bằng chứng xác thực, vô cùng mơ hồ, vô lý. Đây là một mức án quá kinh khủng cho một người phụ nữ đơn thân với hai con nhỏ. 

"Họ coi thường dư luận, coi thường người dân, như thể ý kiến người dân không có gía trị gì hết. Nếu như chị Quỳnh mà bị tuyên án tám đến 10 năm thì bất kì ai cũng bị đi tù chỉ vì nói lên sự thật.

"Mức án này là mức án hành vi vô nhân đạo," Trịnh Kim Tiến nói thêm. 


Mẹ Nấm là ai?

Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Công an tỉnh Khánh Hòa khi bắt bà Quỳnh cáo buộc bà đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân..."

Trước đó bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại Biển Đông, và phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan trong vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung.

Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận. 

Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm. Tháng Ba năm 2017, cô được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói với các nhà báo hôm 30/3 năm nay: 

"Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước." 

Gia cảnh mẹ già hai con nhỏ

Hôm 15/6, trả lời BBC qua điện thoại từ Nha Trang, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, nói: 

"Tính đến hôm nay là 248 ngày, tức hơn tám tháng tôi chưa được gặp con gái mình, thậm chí muốn gửi một lá thư hỏi con có khỏe không cũng không được."

"Và mới đây thì họ lại thông báo gia hạn tạm giam đối với Quỳnh thêm hai tháng, tức là đến ngày 18/8/2017."

Thật sự là tôi cũng không biết chắc có đúng là con gái mình đang bị giam ở trại của Công an tỉnh Khánh Hòa tại xã Phước Đồng như phía công an thông báo."

"Vì mỗi lần tôi đến trại tạm giam gửi thực phẩm cho con thì cả nửa tháng sau mới nhận được giấy xác nhận đã gửi."

"Tôi tha thiết mong được gặp con, hai cháu ngoại được gặp mẹ, nhưng từ trại giam đến viện kiểm sát, tòa án cứ chỉ lòng vòng, trong khi lẽ ra hết hạn điều tra thì tôi phải được gặp."

Cuối cùng, nhà chức trách cho bà Nguyễn Thị Tuyết Lan gặp con gái trong vài phút trước phiên tòa.


8 nhận xét :

  1. Có những lý do kết án thật buồn cười: lưu giữ một bài thơ, một cd nhạc của các thi sĩ, nhạc sĩ hoàn toàn hợp pháp trên đất nước Việt Nam thì thật khó hiểu.
    Việc trả lời phỏng vấn đài nước ngoài thì đấy là tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp và là ngoại giao nhân dân mà nhà nước từng ký kết với các nước.
    Và tất cả lý do thật khó hiểu và buồn cười để kết thành tội trạng.

    Trả lờiXóa
  2. Không có luật nào cấm nhận giải thưởng quốc tế kèm theo hiện kim, hiện vật. xử án đã vi phạm hiến pháp.

    Trả lờiXóa
  3. Việc thu thập thông tin về 31 công dân chết sau khi làm việc với công an là hoàn toàn chính đáng. Lẽ ra chính phủ phải mở cuộc điều tra đến nơi đến chốn dù chỉ là một công dân bị chết trong đồn công an!

    Trả lờiXóa
  4. Chưa có định nghĩa chính xác thế nào là tuyên truyền chống phá. Việc quy kết này đã mở đường cho các điều luật mơ hồ 88, 79, 258, 87, 245 kết tội công dân .

    Trả lờiXóa
  5. Việc tuyên phạt blogger Mẹ Nấm nặng như thế là hành động có cân nhắc của đảng và nhà nước về đối ngoại cũng như đối nội.
    _Về đối ngoại thì khá bất lợi về mặt ngoại giao sau khi tuyên án, nhưng nhà nước chỉ chú trọng đến xuất khẩu (tức là mặt kinh tế) mà thôi. Về xuất khẩu thì thị trường Mỹ ngày nay không còn mầu mỡ nữa, việc xuất khẩu sẽ khó khăn khi TT Donald Trump đưa VN vào danh sách các quốc gia làm "mất cân bằng thương mại" với Mỹ. ở Tây Âu thì các nước này bảo hộ nền nông nghiệp và hàng rào kiểm dịch gắt gao, mức tiêu thụ không lớn bằng thị trường Mỹ. Do đó nếu cải thiện nhân quyền thì cũng chẳng được lợi gì!
    _Về đối nội thì hiện nay kinh tế Việt Nam không có lối ra, ngành căn bản nhất là nông nghiệp thì mất phương hướng, phải kêu gọi nhân dân giải cứu hết nông sản rồi lại đến gia súc. Các hiện tượng tiêu cực không giảm, các bài báo về biệt phủ ở Yên Bái gần đây, tình trạng thất nghiệp cao của các cử nhân, cao học, VTV thống kê có đến 80 phần trăm lao động trẻ làm việc mà không có bảo hiểm xã hội, việc làm bấp bênh. Tất cả những điều này khiến cho tình cảm của người dân sa sút, niềm tin không còn.
    Cân nhắc giữa đối nội và đối ngoại thì thấy rằng giữ vững an ninh trật tự là điều cấp bách, sống còn vì vậy việc kết án blogger Mẹ Nấm là hành động cảnh cáo và răn đe của đảng và nhà nước đối với nhân dân.

    Trả lờiXóa
  6. món quà dâng quan thầy

    Trả lờiXóa
  7. Phiên tòa của bọn thực dân thì làm gì có công lý, vẫn biết là vậy nhưng vẫn bất ngờ vì sự bạo ngược của nó
    Điều này sẽ thúc đẩy những người muốn đấu tranh chuyển sang các hoạt động bí mật và bạo lực
    Rất cảm ơn những con người như Chị vì nếu không cuộc sống của dân đen chúng tôi còn khốn nạn hơn nhiều

    Trả lờiXóa
  8. Xin chia buồn với bà Tuyết Lan khi con bà bị kết án bất công và phi pháp nhưng bà hãy hãnh diện vì con bà là một trong những người phụ nữ yêu nước can trường mà đất nước
    ta cần phải có lúc này để báo động tình hình đất nước ta
    đang lâm nguy như "ngàn cân treo sợi tóc" !

    Trả lờiXóa