Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

TECHCOMBANK XỬ LÝ CÔNG NỢ THEO KIỂU CÔN ĐỒ ĐÒI NỢ THUÊ

Ngân hàng Techcombank xử lý công nợ
theo kiểu "côn đồ đi đòi nợ thuê"

Môi trường và Đô thị
31.5.2017


Phải chăng, hành vi hăm dọa kiểu "côn đồ đi đòi nợ thuê" là chủ trương của Lãnh đạo Ngân hàng Techcombank đang áp dụng cho tất cả các khách hàng? Và đây chính là văn hóa doanh nghiệp, là "giá trị cốt lõi" của Ngân hàng Techcombank: "Khách hàng là trên hết có nghĩa là mỗi việc chúng ta làm chỉ có giá trị khi thực sự mang lại lợi ích cho khách hàng, đồng nghiệp..."?! 

.
Phải chăng, hành vi hăm dọa kiểu "côn đồ đi đòi nợ thuê " là chủ trương
của Ngân hàng Techcombank đang áp dụng cho tất cả các khách hàng?

Ngồi máy lạnh, thẩm định tài sản "trên giấy".

Ngày 04 tháng 10 năm 2004, gia đình ông T có mua căn hộ tầng 5, nhà B26, Nam Thành Công, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội của gia đình ông bà Nguyễn Thiện Trưởng và Nguyễn Thị Thúy Ái với diện tích xây dựng: 34.0m2; loại nhà chung cư tập thể 5 tầng. Việc mua bán căn hộ bằng hình thức viết tay giữa hai bên. Vì thời điểm này căn hộ này chưa được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Đến cuối năm 2004, gia đình ông T đã tiến hành sửa chữa toàn bộ lại căn hộ và đã chuyển về đây sinh sống. Năm 2007, gia đình ông T đã nhập hộ khẩu toàn bộ gia đình về và hiện nay có 08 nhân khẩu đang sinh sống ổn định tại căn hộ này.

Tuy nhiên, ngày 14/5/2016, bà Đỗ Thị Hằng là con dâu ông Nguyễn Thiện Trưởng có thông báo cho gia đình ông T sự việc bà đem toàn bộ căn hộ 2/3 (105) + 1/3 (203) của bà Hằng và căn 1/2 căn hộ tầng 5 của nhà ông T đi thế chấp Ngân hàng Techcombank để vay vốn kinh doanh (Hợp đồng tín dụng: 56730/HĐTD/TH-TN/TCB-HSO ngày 27/11/2013). Trong quá trình làm ăn kinh doanh thua lỗ, bà Hằng không có khả năng thanh toán cho Ngân hàng. Do vậy, Ngân hàng Techcombank đã phải làm thủ tục xử lý tài sản thế đảm bảo. Điều này đã làm cho gia đình ông T hết sức bất ngờ, vì trong suốt gian sinh sống từ 2004 đến nay, gia đình T không được biết việc bà Đỗ Thị Hằng làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất toàn bộ căn hộ nêu trên từ bố mẹ chồng ông Nguyễn Thiện Trưởng sang tên cho vợ chồng con dâu Đỗ Thị Hằng và Nguyễn Thiện Thi (GCN số: BI 472410; số vào sổ cấp GCN: CH 01637/3067.2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 do UBND quận Đống Đa cấp) mà không tách căn hộ tầng 5 ra.

Đồng thời, gia đình ông T cũng không hề hay biết việc bà Đỗ Thị Hằng đem cả căn hộ tầng 5 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình T đi thế chấp Ngân hàng. Thật lạ lùng, bản thân gia đình ông T cũng không hề thấy bất kỳ cán bộ tín dụng nào của Ngân hàng Techcombank đến nhà để kiểm tra, thẩm định xem tài sản đảm bảo có thuộc sở hữu hợp pháp của bà Đỗ Thị Hằng trước khi làm thủ tục cho vay không? Điều này cho thấy, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Techcombank chỉ ngồi trong phòng máy lạnh mà thẩm định tài sản đảm bảo "trên giấy" ?!

Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, việc Ngân hàng Techcombank cho bà Đỗ Thị Hằng vay vốn đã không tuân thủ quy trình thẩm định tài sản cho vay. Theo quy định, sau khi có thông tin khách hàng vay vốn, Ngân hàng Techcombank phải tiến hành thẩm định khách hàng, phải đến tận nơi thực địa nhà ở, nơi làm việc và ngôi nhà dùng để thế chấp để kiểm tra, đánh giá. Sau đó dùng các biện pháp nghiệm vụ để đối chiếu, xác minh xem khách hàng có trung thực không, từ đó xác định các điều kiện cần và đủ thì mới trình duyệt cho vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, tài sản mà Đỗ Thị Hằng đem đi thế chấp là 2 căn hộ độc lập của 3 tầng khác nhau nằm trong cùng một dãy nhà chung cư tập thể 5 tầng. Như vậy, "Ngân hàng Techcombank đã bỏ qua các bước quan trọng là kiểm tra, thẩm định tài sản thế chấp. Do vậy, khi xảy ra rủi ro thì Ngân hàng Techcombank phải tự chịu trách nhiệm..." Luật sư Hải cho biết thêm.

Trong buổi làm việc với Ngân hàng Techcombank và gia đình ông T ngày 15/05/2016, bà Đỗ Thị Hằng đã thừa nhận có hành vi gian dối đem tài sản của gia đình ông T đi thế chấp và không báo cho ông T biết, cũng không thông báo cho Ngân hàng biết đó là tài sản đã được bán cho gia đình ông T từ năm 2004. Tại buổi làm việc, gia đình ông T đã thẳng thắn đưa ra quan điểm:

Thứ nhất: Gia đình ông Nguyễn Thiện Trưởng và vợ chồng bà Đỗ Thị Hằng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự ý sang tên Giấy CNQSDĐ mà không tách căn hộ tầng 5 của gia đình T đã mua từ năm 2004.

Thứ hai: Vợ chồng bà Đỗ Thị Hằng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Ngân hàng và pháp luật về việc đem tài sản đi thế chấp ngân hàng, trong đó có phần tài sản căn hộ tầng 5 của gia đình T mà không thông báo, không được sự đồng ý của gia đình ông T.

Thứ ba: Việc Ngân hàng Techcombank trước khi cho bà Đỗ Thị Hằng vay vốn mà không đến thực địa nhà ông T để thẩm định, định giá tài sản đảm bảo là thể hiện sự thiếu kiến thức chuyên môn, vô trách nhiệm và tự phải chịu trách nhiệm về việc rủi ro trên. Liệu có sự thông đồng giữa cán bộ tín dụng của Ngân hàng Techcombank với bà Đỗ Thị Hằng hay không?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiện - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, vụ việc vay vốn tại Ngân hàng Techcombank cho thấy rõ, vợ chồng bà Đỗ Thị Hằng đã có mưu đồ, hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản, khi biết chắc chắn căn hộ tầng 5 là không phải tài sản của mình mà lại đem đi thế chấp để vay vốn thì cần phải khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định của Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, Ngân hàng Teckcombank phải yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý.

Xử lý công nợ theo kiểu "côn đồ đi đòi nợ thuê"

Sự việc gặp gỡ, trao đổi, thương lượng giữa Ngân hàng Techcombank và bà Đỗ Thị Hằng về sau này như thế nào thì gia đình ông T không được biết. Tuy nhiên, sáng ngày 30/5/2017, có 3 người (2 nam, 1 nữ) đến gia đình ông T, chìa bản thông báo phô tô ký từ 13/11/2016 và nói là người của Ngân hàng Techcombank đã có hành vi hăm dọa, đòi đuổi người thân của gia đình ông T ra ngoài, ăn nói như kiểu xã hội đen, rồi sau đó yêu cầu người thân gia đình ông T ký nhận giấy và yêu cầu trong vòng 7 ngày phải chuyển đồ đạc đi, nếu không sẽ đến trục xuất ra ngoài. Việc làm theo kiểu "côn đồ đi đòi nợ thuê" của Ngân hàng Techcombank đã khiến cho gia đình ông T vô cùng bức xúc.

Phải chăng, hành vi hăm dọa kiểu "côn đồ đi đòi nợ thuê" là chủ trương của Ngân hàng Techcombank đang áp dụng cho tất cả các khách hàng? Và đây chính là "giá trị cốt lõi" của Ngân hàng Techcombank: "Khách hàng là trên hết có nghĩa là mỗi việc chúng ta làm chỉ có giá trị khi thực sự mang lại lợi ích cho khách hàng, đồng nghiệp..."?! 
.
Sáng ngày 30/5/2017, có 3 người đến (2 nam, 1 nữ) đến gia đình ông T, 
chìa bản thông báo phô tô ký từ 13/11/2016 và nói là người của Ngân hàng Techcombank đã có hành vi hăm dọa, đòi đuổi người thân của gia đình ông T ra ngoài...

Gây ô nhiễm môi trường và lại đe dọa dân

Trong một diễn biến khác, vào cuối tháng 12/2016, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã từng phản ánh về một số sai phạm gây ô nhiễm môi trường liên quan đến công trình xây dựng do Ngân hàng Techcombank tài trợ tín dụng. Đó là công trình Chung cư cao cấp M-One Nam Sài Gòn (đường Bế Văn Cấm, phường Tân Kiểng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh). Công trình này do TCO Development & Thảo Điền Investment làm chủ đầu tư; Ngân hàng Techcombank tài trợ tín dụng; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Uy Nam (Unicons) thuộc tổng công ty Coteccons thi công.

.


Dự án M-One Nam Sài Gòn do Ngân hàng Techcombank tài trợ tín dụng,
trong quá trình xây dựng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Cụ thể, trong quá trình xây dựng công trình đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của cư dân lân cận bởi việc xây dựng đã làm nứt, sụt lún nhiều nhà dân, thậm chí có vài nhà nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó là việc thi công suốt ngày đêm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi của mọi người cũng như khói bụi gây ô nhiễm môi trường, làm cộng đồng dân cư bức xúc.

Trong 2 tháng 11 và 12/2016, Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên tục nhận được đơn kêu cứu của cư dân 2 tổ 15 và 18, khu phố 4, phường Tân Kiểng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh về việc công trình chung cư cao cấp M-One đang xây dựng làm đảo lộn cuộc sống của cư dân. Cụ thể là, các đội thi công thay nhau làm việc suốt ngày đêm, người dân bị những tiếng ồn đinh tai nhức óc không thể nào nghỉ ngơi được. Xung quanh công trình đều là các hộ lao động nghèo, hàng ngày phải bôn ba để mưu sinh nhưng không ngủ được thì làm gì có sức khỏe để đi làm kiếm sống. Bên cạnh đó, hàng ngày mọi người phải hít khói bụi do công trường mang lại, người già, trẻ em đa phần bị các bệnh về đường hô hấp. Nghiêm trọng hơn là công trình đã tác động, làm sụt lún, nứt nhà của hơn 100 hộ dân nhưng đơn vị thi công chỉ thỏa thuận đền bù với giá rẻ mạt, không đủ tiền công thợ chứ đừng nói là sữa chữa nhà…

Theo ghi nhận của Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, có 3 vấn đề mà người dân phản ánh là hoàn toàn có thật. Có rất nhiều nhà nằm sát công trình, đưa tay ra là chạm vào tường bảo vệ, thậm chí hầm để xe của chung cư tiếp giáp với vách nhà vệ sinh của dân vì vậy khi đơn vị thi công đưa máy vào đóng cọc gây sụt lún và nứt nhà là lẽ đương nhiên.

Anh Bùi Xuân Hùng, nhà ở tổ 15, công nhân làm ở cảng Sài Gòn cho biết, nhà của anh thì tầng trên cách công trình một con đường nội bộ 6m, tầng dưới thì sát với vách hầm của nhà để xe nên khi công trình xây dựng nhà của anh bị nứt khá nhiều. Trong cuộc họp do phường và đại diện bên thi công tổ chức, anh được thỏa thuận đền bù 20 triệu đồng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà gia đình anh bỏ ra để sữa chữa nhưng bên thi công dọa rằng, nếu không nhận thì sau này số tiền sẽ còn ít hơn nên gia đình buộc phải nhận để mà có thêm chút tiền sửa chữa. Bây giờ ngày nào gia đình anh Hùng cũng phải chịu đựng những tiếng ồn đinh tai nhức óc từ công trình, nhất là ban đêm thì không tài nào ngủ được vì công nhân thi công đến sáng. Các cánh cửa đều phải đóng kín vì khói bụi tuôn vào nhà, không có thời gian lau chùi, dọn dẹp.

Anh Phạm Văn Trung, nhà ở số 30/99/8/16 đường Lâm Văn Bền, một lái xe đầu kéo lại càng bức xúc hơn. Anh bảo, gia đình tôi ở đây đã hơn 20 năm, chạy vạy khắp nơi mới xây được căn nhà khoảng 3 năm nay, khi nhà bị lún, nứt do công trình xây dựng, anh có khiếu nại thì được thỏa thuận đền bù 15 triệu đồng nhưng anh kiên quyết không nhận vì số tiền đó chưa đủ để trả công cho thợ nói gì mua vật tư để sữa chữa. Công ty Unicons cũng đã yêu cầu cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) kiểm định ghi nhận hiện trạng căn nhà bị nứt của anh Phạm Văn Trung theo hợp đồng số 15257/DV.32/SCQC ngày 3/11/2015, phía SCQC cũng đã có kết quả kiểm định ngày 27/11/2015 ghi nhận: nền, lầu 1, tường, cột… đều có các vết nứt ngang, dọc và kiến nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công cần phối hợp với chủ sở hữu để quan trắc nghiêng lún công trình, thường xuyên kiểm tra, khảo sát hư hỏng. Trong trường hợp có phát sinh hư hỏng (nứt dầm, nứt tường, nứt cột, nghiêng lún công trình…) cần có biện pháp gia cường, xử lý kịp thời (trích biên bản kiểm định), tuy nhiên, đại diện đơn vị thi công chỉ mời chủ nhà lên thương lượng để đền bù 15 triệu đồng, coi như xong trách nhiệm (!). Anh Trung còn có một mẹ già gần 70 tuổi bị tai biến đang dưỡng bệnh nên sẽ không chịu đựng nổi nếu công trình cứ thi công không ngơi nghỉ như thế này.

Tương tự, nhà anh Xuân Tùng, một cán bộ công an cũng được Unicons mời SCQC kiểm định theo hợp đồng số 010/DV/1538/CTK ngày 17/2/2016 và đã có bản kết luận ngày 18/3/2016 ghi nhận: nền bị trồi gạch, nứt, các tường đều nứt dọc…và SCQC kiến nghị: Qua khảo sát hư hỏng và đo đạc nghiêng lệch cho thấy công trình có hiện tượng nghiêng lệch với độ nghiêng vượt quá giới hạn TCVN 9381:2012. Để đảm bảo an toàn trong thời gian thi công móng và tầng hầm dự án khu nhà ở cao tầng cần có biện pháp chống đỡ hoặc tạm ngưng sử dụng công trình (trích kết luận kiểm định).

Tuy nhiên, gia đình anh Xuân Tùng cũng chỉ được đại diện thi công mời lên thương lượng đền bù 10 triệu đồng nên anh không nhận. Phóng viên cũng đã vào xem hiện trạng ngôi nhà của anh Tùng, xem các vết nứt ngang, dọc khắp nơi. Quả là bên thi công quá xem thường tính mạng và tài sản của người dân khi chỉ muốn hoàn thành tốt công việc của mình.

Dạo một vòng trong các khu nhà thuộc tổ 15, khu phố 4, phường Tân Kiểng, quận 7, Phóng viên được bà con kể lại với rất nhiều nỗi bức xúc. Ông Võ Văn Mạnh nhà ở số 30/99/10 đường Lâm Văn Bền chỉ cho chúng tôi xem nhà ông bị nứt nhiều chỗ, cửa sổ đều phải dủng dây để cột lại vì không đóng được, kiến nghị nhiều lần nhưng chẳng ai đến xem xét. Nhà ông Tạ Văn Huệ ở số 30/99/14 Lâm Văn Bền thì bên thi công có đến khảo sát, thỏa thuận đền bù 12 triệu đồng nhưng ông không chấp nhận vì riêng tiền sửa sân vừa qua gia đình phải bỏ ra hơn 3 triệu, thuê thợ đến xem để sữa chữa nhà họ đòi gần 40 triệu.

Nghiêm trọng hơn, nhà cụ bà Nguyễn Thị Hợi, 82 tuổi, ở số 30/99/8/2A Lâm Văn Bền và nhà ông Nguyễn Văn Em, 47 tuổi, ở ngay sát công trình đang có nguy cơ đổ sập, đại diện thi công đã đi thuê nhà trọ cho 2 gia đình này ở tạm nhưng mức thương lượng đền bù cũng không vượt quá 30 triệu (nhà ông Em) và 21 triệu (nhà bà Hợi). Liệu với số tiền này họ có đủ trả tiền cho công thợ xây dựng không?

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phán, tổ trưởng tổ dân phố 15, ông cho biết, khoảng tháng 10/2015, do cư dân khiếu nại và phản ánh nhiều nên Ủy ban phường Tân Kiểng có tổ chức 2 cuộc họp giữa các hộ bị ảnh hưởng do công trình thi công với bên thi công để thỏa thuận đền bù. Tuy nhiên, bên thi công có ý đe dọa rằng, nếu người dân không chịu mức thỏa thuận như họ đưa ra thì sau này mức tiền đền bù sẽ thấp hơn, nếu không chịu thì cứ đi khiếu nại (!). Người dân phần vì sợ, phần vì mệt mỏi vì đi lại quá nhiều lần nên một vài hộ cắn răng nhận số tiền đền bù ít ỏi đó để bù vào việc sửa chữa nhà. Những hộ không chấp nhận giờ vẫn đang tiếp tục khiếu kiện vì họ không có khoản nào bù đắp cho việc sửa nhà.





Đơn thư kêu cứu gửi BBT của các hộ dân cư sinh sống tại số 30/99 KP4
đường Lâm Văn Bền, P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM

Dự án chung cư cao cấp M-One theo thiết kế có khoảng 25 tầng, nay chỉ mới xây lên được chục tầng mà người dân kêu trời không thấu, vậy khi thi công lên các tầng còn lại liệu việc hư hỏng các ngôi nhà tiếp theo có xảy ra hay không? Và với tiến độ thi công như hiện nay, cư dân chung quanh chịu đựng được bao lâu nữa khi sống cùng khói bụi và tiếng ồn rầm rập suốt ngày đêm? Hay là dọn nhà đi nơi khác chăng?

Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về cách hành xử thiếu văn hóa mang "giá trị cốt lõi" của Ngân hàng Techcombank vào bài báo tiếp theo./.

Diệp Anh
-------------
Mọi thông tin bạn đọc phản ánh, vui lòng gọi đến đường dây nóng Tòa soạn :
0913.220.939 - 0972.521.669 * Email: phapluatvamoitruong@gmail.com

1 nhận xét :

  1. Đây là thiên đường hay dịa ngục ? Sợ rằng ,địa ngục cũng không thể so sánh bằng .!

    Trả lờiXóa