Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

ÔNG PHÍ THÁI BÌNH PHẢN PHÁO KẾT LUẬN ĐIỀU TRA


Nguyên Phó chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình: "Dự án gặp sự cố liên tiếp bản thân tôi cảm thấy rất đau xót". Ảnh: Bá Đô
  
Ông Phí Thái Bình: 'Kết luận của cơ quan điều tra chưa khách quan'

VNE
Thứ tư, 24/5/2017 | 01:08 GMT+7  
 
Thừa nhận có một phần trách nhiệm trong việc đường nước sông Đà liên tục vỡ, nhưng ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho rằng, kết luận của cơ quan điều tra chưa thấu đáo. 
 
Ông Phí Thái Bình - người vừa bị cơ quan chức năng khởi tố để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), trả lời phỏng vấn VnExpress. 

- Ông có thể cho biết, vì sao Vinaconex đầu tư dự án xây dựng đường ống nước Sông Đà vào năm 2004? 

- Năm 2002, Hà Nội bắt đầu thiếu nước tại nhiều khu vực dân cư. Vinaconex là doanh nghiệp Trung ương được TP Hà Nội tín nhiệm, tôi tham gia cấp uỷ thành phố và là người dân của Hà Nội, thấy rõ cảnh khát nước, thiếu nước như thế nào. Có đêm tôi cũng lục đục đi xếp hàng lấy nước. Vậy tại sao không đầu tư dự án sản xuất nước vì làm lĩnh vực này là nhân đạo. 

Khi chúng tôi lập dự án đầu tư nhà máy nước sông Đà trình Chính phủ, có doanh nghiệp khác trình dự án sản xuất nước mặt sông Hồng, song lúc bấy giờ tổng dự án nước sông Hồng cao, an ninh nguồn nước không đảm bảo nên Chính phủ đã cho phép Vinaconex đầu tư dự án nước mặt sông Đà. 

Đây là công trình không dùng vốn ngân sách nên chúng tôi càng phải có trách nhiệm với nguồn tiền đầu tư. 

Thời điểm trình Chính phủ thì dự án còn sơ khai, có đề cập sử dụng đường ống gang dẻo vì thời điểm đó các đường ống trong nước đều sử dụng chất liệu này. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi được một doanh nghiệp Áo giới thiệu công nghệ sản xuất sợi thủy tinh mà họ đã sản xuất và sử dụng ở  nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi cử đoàn chuyên môn sang Áo để xem công nghệ sản xuất và lắp đặt ống. Tìm hiểu thêm thông tin, phòng đầu tư Vinaconex phát hiện Trung Quốc đã sử dụng ống sợi thủy tinh đại trà nhiều nơi ở nước này. Chúng tôi lại liên hệ với một số doanh nghiệp Trung Quốc và cử đoàn kỹ sư sang Trung Quốc tìm hiểu. 

Để khảo sát thiết kế, chúng tôi đã mời hai đơn vị ở Tây Ban Nha và Phần Lan có nhiều kinh nghiệm về ống cốt sợi thủy tinh; hai đơn vị tư vấn trong nước thiết kế tuyến ống trên nền đất yếu. Sau đó, thuê một đơn vị đầu ngành của Bộ Xây dựng thẩm định dự án. 

- Căn cứ vào đâu HĐQT Vinaconex thay đổi chất liệu ống dẫn sang cốt sợi thuỷ tinh công nghệ Trung Quốc? 

- Khi đầu tư nhà máy nước sông Đà, chúng tôi suy nghĩ cần xây dựng nhà máy thiết bị vật tư để không lệ thuộc vào nước ngoài. 

Trên thế giới đã nhiều nơi làm công nghệ ống sợi thủy tinh và hiệu quả tốt. Chất liệu này nhẹ hơn ống gang, thi công lắp đặt dễ hơn, xử lý nền móng dễ hơn, ống trơn nên tốc độ nước chảy nhanh hơn. Khi hỏng hóc thì xử lý được ngay, còn nếu vỡ ống gang thì phải mất cả tháng sửa chữa vì phải nhập khẩu. Chúng tôi đã tính toán dự án sử dụng ống sợi thủy tinh tiết kiệm được 48 tỷ đồng so với ống gang. 

Thời điểm đó, dây chuyền công nghệ sản xuất đường ống sợi thủy tinh được doanh nghiệp Áo chào giá sản xuất 100 km đường ống mỗi năm là 20 triệu Euro, phía Trung Quốc chào giá 1,5 triệu USD. Hai dây chuyền đều theo công nghệ G7, khác nhau là phía Áo được tự động hóa hoàn toàn, còn công nghệ Trung Quốc có một số công đoạn cơ khí. Trong thực tế phía Trung Quốc đi trước mình nhiều năm và đã dùng đại trà, chúng tôi quyết định tìm công nghệ sản xuất ống sợi thủy tinh hiện đại nhất của Trung Quốc. 

Sau đó, chúng tôi đấu thầu quốc tế mua dây chuyền công nghệ Trung Quốc để sản xuất ống sợi thủy tinh trong nước với giá 872.000 USD, trong khi đó phía Tây Ban Nha chào 20 triệu USD. Mọi người nói Vinaconex ham rẻ song trong bối cảnh nước ta còn khó khăn, vốn doanh nghiệp hạn chế, dân cần có nước nhanh. Chúng tôi phải khẩn trương sản xuất ống để đáp ứng được tiến độ của nhà máy nước. 

- Nếu được chọn lại, ông vẫn chọn đường ống nước cốt sợi thuỷ tinh công nghệ của Trung Quốc hay có giải pháp nào khác? 

- Hiệu quả kinh tế hơn nhiều nên tại sao ta không chọn? Nó giúp tiết kiệm hàng triệu đô thời điểm đó nên phải cân nhắc. Hơn nữa ống cốt sợi thuỷ tinh không bị rỉ sét như ống gang. Quan điểm của tôi ống cốt sợi thuỷ tinh không có tội, công nghệ không có lỗi mà do quá trình sản xuất có đúng theo yêu cầu không. Chúng ta cần phải nhìn một cách khách quan, chứ không chỉ đổ cho công nghệ của Trung Quốc. Lúc bấy giờ, phía Trung Quốc cho người sang hỗ trợ để lắp đặt nhà máy sản xuất, đứng trực tiếp dạy vận hành và đến khi kết thúc, thẩm tra dự án họ mới về. 

Nhìn rộng ra, Vinaconex chưa bao giờ xây nhà 34 tầng trước đó song đã xây được nhà 34 tầng cao nhất Hà Nội, cũng như mạnh dạn làm thủy điện, xây cầu... Chúng tôi mạnh dạn, táo bạo nhưng thận trọng, chứ không phải làm bừa làm ẩu. Tôi từng lo ngay ngáy trong lòng là làm sao kịp tiến độ, cho tốt, hiệu quả kinh tế đảm bảo.

ong-phi-thai-binh-ket-luan-cua-co-quan-dieu-tra-chua-khach-quan-1
Đường ống nước sông Đà liên tục gặp sự cố trong những năm qua. Ảnh: Bá Đô
- Thời điểm đó, ông dành thời gian xuống giám sát quá trình thi công, lắp đặt đường ống nước như thế nào? 

- Vinaconex xây dựng và làm hàng loạt dự án lớn nhỏ không riêng gì dự án cấp nước sạch Sông Đà. Hội đồng quản trị của tổng công ty phân nhiệm vụ cho từng cán bộ, chủ tịch làm gì, phó chủ tịch và các giám đốc dự án có nhiệm vụ gì đã rõ.  Ở dự án này, chúng tôi lập ban quản lý và giao cho một phó tổng giám đốc phụ trách, cắm chốt ở dưới công trường để giám sát việc thi công, sản xuất. Mọi việc được báo cáo thường xuyên và thống nhất.

- Vậy tại sao đường ống nước sông Đà liên tục vỡ?

Tôi cho rằng, nếu lắp đặt đúng thì sẽ không xảy ra vỡ. Qua thống kê thấy rằng có 20 ống vỡ được sản xuất những năm 2007-2008, trong khi những ống sản xuất từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2006 chưa xảy ra vỡ ống nào.
Cũng cần phải đặt ra câu hỏi, tại sao 54 dự án sử dụng ống cốt sợi thuỷ tinh của nhà máy sản xuất Vinaconex trong nhiều năm qua, trong đó có 4 nhà máy thuỷ điện đã sử dụng để dẫn nước mà không bị vỡ, nhiều công trình có áp lực nước lớn gấp đôi đường ống nước sông Đà.

- Ông thấy trách nhiệm của mình đến đâu trong vụ việc này?

- Dự án gặp sự cố liên tiếp, bản thân tôi cảm thấy rất đau xót vì công sức của mình giờ đây không được trọn vẹn và đặc biệt điều buồn hơn nữa là nhiều lãnh đạo, anh em cùng tâm huyết, tận lực để xây dựng đường ống nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân giờ đây lại vướng vào vòng lao lý. Khi đường ống vỡ, bản thân nhà tôi cũng bị mất nước, sinh hoạt đảo lộn. Việc người dân bức xúc về vỡ đường ống nước là điều đương nhiên, và tôi thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó.

- Ông đánh giá thế nào về kết luận điều tra của công an cảnh sát điều tra?

Về kết luận của cơ quan điều tra, tôi không có đánh giá gì nhiều, chỉ có điều việc này chưa được thấu đáo và khách quan cho lắm. Đáng ra cơ quan điều tra phải xem xét trên nhiều phương diện như kỹ thuật, phân đoạn thời gian và cần hơn nữa là cá thể hoá trách nhiệm của từng người phụ trách, chứ không phải cứ dồn trách nhiệm về chủ trương chỉ đạo. Đặc biệt phải xem xét phương tiện kỹ thuật, khâu sản xuất ống, thi công lắp đặt, vận chuyển hay nguyên vật liệu đầu vào sản xuất ống cốt sợi thuỷ tinh.

Cơ quan điều tra cần phối hợp với đơn vị chuyên ngành khoa học kỹ thuật để kiểm định lại toàn bộ đường ống, chứ không phải chỉ những đoạn bị vỡ. Kiểm định rõ vỡ do đâu, điểm sản xuất ống như thế nào, ai là người giám sát trực tiếp mọi việc thời điểm đó. Đây là dự án đầu tiên do Vinaconex tự lắp đặt, thiết kế, thi công, vận hành và áp dụng vật liệu mới nên ít nhiều có trở ngại và hư hỏng nhất định. Cũng giống như các hãng xe nổi tiếng trên thế giới, họ sản xuất cũng bị lỗi và bị triệu hồi, tuy nhiên họ không hình sự hoá nó mà xem xét trên các phương diện khác.


Đoàn Loan - Bá Đô

5 nhận xét :

  1. Ông nói đau xót. Nhưng vẫn bảo lưu quyết định của mình là đúng. nay chất lượng đường ống liên tục bị vỡ. Tưởng rẻ, hóa đắt. Bài học như thế này nhiều lắm ông bình ạ. Đặc biệt là những công trình dùng công nghệ Trung quốc.

    Trả lờiXóa
  2. Tởm quá, sai thì nhận mẹ đi, còn cố cãi, thiên hạ chỉ tổ ghét thêm. Đã làm láo, lại còn ra vẻ "thấy rõ cảnh khát nước, thiếu nước như thế nào. Có đêm tôi cũng lục đục đi xếp hàng lấy nước. Vậy tại sao không đầu tư dự án sản xuất nước vì làm lĩnh vực này là nhân đạo". Sao bây giờ quan chức chúng nó bỉ thế, không còn biết xấu hổ là gì

    Trả lờiXóa
  3. tóm lại là hàng đểu tiền thật, phần chênh lệch giá mấy chục % thì chúng mày đút túi chia nhau, quân tham ô, ăn cướp

    Trả lờiXóa
  4. Ông không cần phải phản pháo! Muốn hỏi ông còn thế lực không? Nếu còn, ông cứ im hơi lặng tiếng cũng chẳng ma nào dám sờ đến ông! Nhé!

    Trả lờiXóa
  5. Đúng ông này mang họ Phí ! Đọc hết bài trả lời phỏng vấn của Phí đại ca Vinaconex xong , chỉ biết thốt một câu : phí giờ giờ. Tưởng Phí đại ca còn sót chút lương tâm ân hận hậu quả do mình gây ra . Nhưng nội dung trả lời toát lên đây là con người bảo thủ, ngụy biện, ngoan cố và vô lương tâm. Người dân Hà NỘi chỉ cần ông trả lời : Tại sao nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản như rứa , lãnh đạo Vinaconex "tận lực, tận tâm" như rứa mà đường ống nước liên tiếp 20 lần bị vỡ ? Chính tiền "tiết kiệm" ấy để các ông xây nhà 34 tầng, đẻ các ông họ Phí này mua chức phó chủ tịch Hà Nội và phá tán tiền bạc của nhân dân?. Đề nghị Tòa án nghiêm khắc trừng trị những tên tham quan, vô lại như tên họ Phí này.

    Trả lờiXóa