Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

CỔ XÚY DUY TÂN, GIÓNG TRỐNG DÂN QUYỀN, PHẤT CỜ THỰC NGHIỆP



CỔ XÚY DUY TÂN, GIÓNG TRỐNG DÂN QUYỀN, 
PHẤT CỜ THỰC NGHIỆP 

(Trích đoạn tiểu thuyết THẾ KỶ BỊ MẤT của Phạm Ngọc Cảnh Nam)

Ở Điện Bàn, không ai không biết cụ nghè Trần Quý Cáp thầy tôi. Sinh năm Canh Ngọ, tự là Dã Hàng, hiệu Thai Xuyên, chánh quán thôn Thái La, làng Bất Nhị đây. Ông vốn con nhà nông nhiều đời thuần phác.Thân Phụ là Trần Quý Nhượng, vừa cày ruộng vừa đọc sách, ham làm việc làng được dân làng rất kính nể. Lúc nhỏ, nhà nghèo không có sách, ông nghè giao du với các con của cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý trong làng, mượn sách về tự học. Mười tám tuổi, theo học cụ cử Lê Trúc Trai ở Nông Sơn, cùng với Trường Giang Phạm Liệu (đỗ Đình nguyên Tiến sỹ năm Mậu Tuất) thay nhau đứng đầu các cuộc thi hạch hàng tháng.




Năm Ất Vị, được bổ vào học sinh trường tỉnh, nổi danh học giỏi. Năm Mậu Tuất cùng Ấm Nam Nguyễn Đình Hiến dự thi Hương, đỗ Tú Tài. Năm hai mươi chín tuổi, thân phụ qua đời, thầy tôi ở nhà cư tang nuôi mẹ. Nhà nghèo, bốn vách trống không mà lòng vẫn vui. Cày ruộng không đủ nuôi mẹ, ông mở trường dạy học. Học trò khắp nơi nghe tiếng ông đến xin thọ giáo rất đông. Năm Quý Mão mãn tang cha, ông cùng học trò là Võ Hoành lều chõng ra kinh ứng thí. Tại Huế, sĩ tử các tỉnh về dự thi kháo nhau phen nầy “con gọp gấm” Quảng Nam - chỉ thầy tôi - nắm chắc cái thủ khoa rồi. Sau khi thi xong, buổi sáng xướng danh, hai thầy trò trải chiếu ở cửa Đông chờ nghe kết quả. Thầy ung dung ngồi uống trà, hút thuốc lào.Trò khép nép đứng bên cạnh, cung kính quạt hầu. Rất đông sĩ tử và thân nhân lố nhố đứng chờ trước cửa trường thi.


Đúng giờ, từ trên chòi cao của quan giám khảo, tiếng loa truyền vang dậy.
- Loa loa loa...nghe đây !...Quảng Nam tỉnh! ...

Người xướng danh cố ý dừng lại. Mọi người tặc lưỡi nghĩ chắc cụ Trần rồi, chớ còn ai vô đây nữa!

-...Duy Xuyên huyện!..

Người ta ngỡ ngàng: “Ủa, không phải! mà Duy Xuyên có ai giỏi hơn “con cọp gấm” hè?”
-...Long Phước Xã!... 

Vẫn chưa ai đoán ra người đứng đầu bảng.

-...Giải nguyên... Võ Hoành!...

Như có một cái gì đó vừa oà vỡ, sĩ tử Quảng Nam nhảy lên reo hò. Mấy người bạn của Võ Hoành chạy đi tìm anh. Thấy Võ Hoành đang đứng quạt hầu thầy, họ hét:

- Hoành, Hoành, mi đậu thủ khoa rồi!

Võ Hoành vẫn kính cẩn đứng quạt hầu thầy, nét mặt không hề thay đổi. Trong khi thầy tôi thì cứ ung dung ngồi thưởng thức chén trà thơm. Tiếng loa xướng danh tiếp tục đọc qua các tên khác. Đám bạn của Hoành chựng lại, kinh ngạc. Rồi họ thấy cụ Trần chậm rãi vừa cười vừa nói vui:

-Khoa ni tau chưa muốn đỗ. Tau để học trò tau chận đầu sắp bay đã !- Rồi ông cười sảng khoái, khoát tay bảo Võ Hoành – Thôi, cho mi đi chơi với bạn mi đi!

Lúc ấy, Võ Hoành mới xếp quạt, vòng tay lễ phép cúi đầu chào thầy rồi chạy theo các bạn. Năm ấy, học trò thầy tôi đỗ Giải Nguyên, đứng đầu 31 vị Cử nhân tân khoa, còn thầy tôi thì...về nhà chờ khoa sau !

Và hôm nay, người ta thấy nhà ông nghè Trần Quý Cáp người đông nhộn nhịp. Học trò từ khắp nơi kéo về mừng ông thi đỗ Tiến Sỹ. Họ đi thành hàng đoàn, mang theo gà vịt, gạo, nếp đổ về thôn Thái La. Có người từ Khánh Hoà, Phú Yên hay tin cũng tức tốc ra dự như các ông Huỳnh Thường Trung, Trương Trọng Cầu... Căn nhà tranh nghèo trên bờ con sông Mẹ mù sương, từ ba năm nay lúc nào cũng rộn rã những tiếng “ chi hồ giả dã !” của bọn học trò, hôm nay trông trang nghiêm khác hẳn. Trên bộ phản giữa nhà, nơi thường ngày cụ nghè ngồi dạy học, sáng nay mới thay chiếc chiếu hoa Yến Nê còn thơm mùi cói. Giữa phản, bên cái hòm đựng sách, ống bút, nghiên mực, khay trầu thuốc . . . như mọi ngày, thầy tôi cùng với cụ trưởng tộc đang ngồi tiếp khách. Khách là mấy vị chức sắc trong làng như lý trưởng, tiên chỉ, thủ sắc . . ., và hai người bạn chí cốt là ông Huỳnh Thúc Kháng đồng khoa Tiến Sỹ, và ông Phó Bảng Phan Châu Trinh. Họ ngồi uống trà, đàm đạo chuyện thi cử, quan trường. Có hai học trò là Giải Nguyên Võ Hoành mặc áo the đen và Phan Bá Cảnh mặc áo lãnh bông, cầm quạt đứng hầu hai bên.

Hôm ấy tôi đi với đám học trò làng Bảo An, đến nhà thầy từ sớm. Tối qua ngủ lại ở nhà Phan Khôi, sáng dậy sớm đi đò qua làng Bất Nhị. Chúng tôi chung nhau mua một con heo khiêng tới, xin phép thầy cho mổ làm lễ gia tiên. Thầy tôi không vui, nhưng không cản. Ông Phủ Phan Trân, thân sinh của Phan Khôi còn gởi đến hai đôi chiếu hoa, trải ra trước sân cho mọi người ngồi. Tôi cùng bọn học trò trong huyện lo mổ heo, cắt tiết gà ,vịt . . . ở sau vườn . Một vài người lo tắm rửa, thay quần áo mới cho Lão Mẫu . . . Không khí nhộn nhịp náo động cả thôn Thái La, mà xưa nay chưa hề có.

Đến khoảng giờ Tỵ, sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, anh Trần Tử Kính khép nép tới xin thỉnh thầy ra lễ gia tiên. Thầy tôi xốc vội chiếc áo gấm vua ban, sửa lại khăn bịt đầu xin lỗi khách rồi bước tới trước bàn thờ cùng với cụ trưởng tộc đốt nhang bái lạy. Chừng tàn nửa cây nhang, lễ tất, mâm cỗ được thỉnh xuống đãi khách. Khách và học trò ngồi chật cả bốn chiếc chiếu ngoài sân, hai chiếu trong nhà. Còn trên cánh phản, cụ Trần cùng với vị trưởng tộc ngồi tiếp các thân sỹ và chức sắc làng.

Tôi ngồi ngoài sân với đám học trò Bảo An. Từ sáng đến giờ, tôi nghe xầm xì nhiều chuyện lạ. Nào là ông Thân Trọng Huề dâng sớ xin bỏ khoa cử. Nào là bài văn sách Thiên hạ đại thế luận của ông Nguyễn Lộ Trạch gây xôn xao cả kinh thành. Nào là chuyện ông Sào Nam Phan Bội Châu viết cuốn Lưu cầu huyết lệ tân thư nói cái nhục mất nước và kế sách cứu nước đem trình quan Thượng Binh Hồ Lệ . . . Ngay cả việc thầy Trần vinh quy về làng mà không đến bái yết quan Công Sứ cũng là chuyện xưa nay ít có. Kẻ chê người khen. Có kẻ nói thầy Trần vuốt râu hùm !...Một không khí hoang mang, và có phần lo lắng lan truyền trong đám môn sinh. Từ trên phản, ông Phó Bảng Phan Châu Trinh cứ chốc chốc lại nhìn xuống bọn học trò chúng tôi. Dường như ông muốn nói điều gì.

Quá trưa, khách khứa đã về hết chỉ còn bọn học trò ở lại, Thầy Trần mới gọi chúng tôi vào nói chuyện. Nhìn đám môn sinh lớn nhỏ, áo xống lơ láo ngồi chật hai chiếc chiếu trải dưới đất, một số đã có danh phận thì đứng vây quanh, Thầy tôi khẽ buông tiếng thở dài.

- Mấy năm nay ta dạy dỗ các anh, nghĩ mình cũng đã làm hết bổn phận !- Thầy nói với vẻ xúc động – Ngày nay ta vừa đỗ Tấn Sỹ thì cựu học cũng đã cáo chung. Ta là thầy của các anh, ta khuyên các anh hãy về nhà, đừng theo đuổi khoa cử nữa. Sắp tới đây, bọn ta sẽ mở trường dạy tân học cho các anh, các anh hãy rũ nhau đến học cho đông. Thầy trò ta hãy làm một cuộc Duy Tân để cứu nước. Cuộc Duy Tân đó phải bắt đầu bằng cái tân học. Đó là học chữ quốc ngữ, học chữ Pháp, học cái Tự do Dân quyền, học các ngón nghề hay của thế giới Âu Tây. Nước Nhật nhờ biết canh tân mà được cường thịnh. Còn nước Tàu kia đã trở nên hèn yếu cũng bởi vì cái Hán học hủ bại của họ, khiến đến nỗi thành miếng mồi ngon cho liệt cường xâu xé, nhục nhã vô cùng. Đó là tấm gương trước mắt các anh phải thấy !

Thầy Trần dứt lời, ánh mắt thâm trầm nhìn đám học trò đang ngồi trước mặt . Ông chợt thấy mình vẫn chưa hết trách nhiệm đối với họ. Đó là trách nhiệm mà lịch sữ đã đặt lên vai lớp người của ông. Có bao nhiêu điều không thể nói hết ra được. Đất nước điêu linh, dân tình đói khổ! Gươm súng ngoại bang cập kề bên cổ, làm sao nói được! Bọn vua quan Nam triều mãi quốc cầu vinh, lòng lang dạ sói, ai dám nói! Cuốn Lưu cầu huyết lệ tân thư của ông Sào Nam vừa trình ra đó, quan lớn nào đọc xong cũng tuyệt khẩu! Còn bảo ta phải đi bái yết cái tên Công sứ cướp nước đó ư?... Ông thấy một khuôn mặt gân guốc rám nắng, cặp mắt ngời ngời cứ nhìn sững vào ông không chớp. Ông nhận ra đó là học trò mình, nhưng mãi vẫn không nhớ tên gì...

- Bữa nay có hai ông bạn ta đây , - Thầy nói tiếp – Tiên sinh Tây Hồ Phan Châu Trinh người làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, đỗ Phó Bảng làm quan Thừa Biện Bộ Lễ; và tiên sinh Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng người làng Thạnh Bình, huyện Thăng Bình là đồng khoa Tấn Sỹ với ta, đều theo ta từ Huế về đây. Bọn ta sẽ cùng nhau lo cổ xuý Duy Tân, gióng trống Dân Quyền, phất cờ Thực Nghiệp, ta mong các anh về các thôn làng của mình tiếp tay với bọn ta thức tỉnh quốc dân, như vậy mới vẹn nghĩa thầy trò.

Thầy tôi ngừng nói, đưa tay chỉ người học trò mà ông không nhớ tên.

- Anh kia ! - Ông gọi - Trò tên chi sao ta không nhớ ?

- Dạ, thưa thầy, con là Cả Hinh, Phạm Hinh làng Mã Châu đây ạ! - Tôi vội vàng đứng lên thưa.

- À ta nhớ ra rồi, phải cái anh học trò cụ Tú Nghĩa không ?

- Dạ phải!

- Thôi được, trò ngồi xuống đi nghe ta nói. Có phải ngày xưa anh nói anh đi học là để cho biết nghĩa lý ở đời chớ không phải để đi thi ra làm quan không? Có phải anh đã nói với ta lời đó không?

- Dạ phải! Thưa thầy, vì con nghèo ...

- Vì lời nói đó mà ta cho anh học. Anh đã nói ra một lời rất sâu xa mà sau đó ta đã nhiều lần tự tỉnh, anh đâu có biết.- Rồi thầy quay sang đám học trò – Này các anh, từ xưa nay người Nam ta chỉ biết có học để đi thi rồi ra làm quan hưởng bỗng lộc triều đình. Đi thi thì cứ chăm chăm lo chuyện tỵ huý, khiếm đài, khiếm trang... chỉ cốt sao cho vừa lòng quan chấm thi chớ nào dám nói ra ý riêng của mình. Còn học thì chỉ quanh quẩn trong mấy cuốn Tứ thư, Ngũ kinh, Nam Bắc sử, Xuân Thu, Đường thi...là những thứ đã có hàng mấy nghìn năm nay rồi. Để đến khi Âu Tây mang tàu sắt, súng đồng, máy móc cơ khí đến xâm chiếm bắt làm nô lệ, thì mấy cuốn Tứ thư, Ngũ kinh đó có thể đem ra chống giặc được chăng? Ta mong các anh suy nghĩ cho kỹ, phải tự tỉnh mà hành sự cho đúng.

Bọn chúng tôi ngồi im phăng phắc. Những trò đã đỗ Tú Tài, Cử Nhân thì nhìn nhau ái ngại. Ngồi trên phản, hai ông Mính Viên và Tây Hồ chăm chăm nhìn chúng tôi.

- Hai bác có điều chi nói thêm không? – Thầy tôi quay lại hỏi.

- Tôi chỉ muốn nói chuyện làm quan của tôi cho mấy trò đây nghe chơi! – Ông Tây Hồ mỉm cười nói - Chắc các anh em đây ai cũng mong có ngày thi đỗ để ra làm quan.Tôi lúc trước cũng ôm cái mộng đó ghê lắm. Đến kỳ thi đậu Phó Bảng rồi, cư tang anh một năm, năm sau ra kinh được bổ làm Thừa Biện Bộ Lễ. Lúc đầu, tôi cũng vào ra với bọn liêu thuộc, nghĩ rằng chắc có nhiều việc phải làm. Tôi ngồi riết ba ngày, thấy chẳng có việc chi cả. Kỳ thiệt chẳng có việc chi để làm cả. Hỏi các thuộc viên trong Bộ, người nào cũng nói phải lo học tập chính sự, hoặc một năm hoặc hai năm sẽ được bổ ra làm tri phủ, tri huyện. Nhưng than ôi, cái chính sự đó là chi? Thì ra ai cũng lo chiều lòng quan trên, lòn gối, cúi đầu, dua hót để được thăng trật, được bổ làm quan to. Đó là tập cho thành cái thói quen, rồi đến khi mình được bổ ra làm quan cũng hoảnh choẹ bắt người khác phải dua hót, luồn cúi mình. Khi đã hiểu ra chuyện đó rồi, tôi thì tôi đi câu cá, bắn chim, giao du với bằng hữu, mượn sách để đọc chớ không chịu vào ra lòn cúi như bọn kia đâu.Tôi ở kinh hai năm đã thấy rõ chánh giáo mình hủ bại, sỹ phu mình liệt nhược, cái nguồn gốc hư hỏng của nước mình là tại đó. Công cuộc cải cách to lớn không thể trông chờ cái bọn hủ quan đó được. Nên tôi với Mính Viên, Thai Xuyên về đây muốn cùng với anh em mình xắn tay lo việc lớn. Các anh hãy bỏ cái mộng khoa cử đi, cùng với bọn ta cổ xúy tân học, mở trí khôn cho dân, mở trường dạy thực nghiệp cho dân....

- Thầy nói rứa chẳng là qua cầu dứt cầu hay sao? - Một trò mạnh dạn hỏi.

- Phải! Bọn ta qua cầu dứt cầu mà không thèm ngó lại nữa đâu? – Ông Tây Hồ nói dứt khoát - Sớm muộn gì cũng sẽ bải bỏ thi cử. Tôi đã từ quan về đây. Còn Mính Viên, Thai Xuyên cũng không thèm ra làm quan đâu!

Bọn chúng tôi lặng im, ngơ ngác. Có người dường như còn chưa tin vào tai mình. Tôi cũng nghe toàn thân lạnh ngắt. Ngôi nhà ba gian bỗng lặng phắt như tờ. Ông Tây Hồ mỉm cười, nói thêm về tình hình thế giới hiện nay. Chuyện Nhật đánh bại Tàu năm Giáp Ngọ. Rồi Canh Tý liên binh đánh vào Bắc Kinh, lũ vua quan “Thiên triều” nhà Thanh khiếp nhược chạy trốn như bầy chuột nước. Chuyện chiến tranh Nga Nhật hiện nay. . . khiến chúng tôi càng thêm sững sờ đến tội nghiệp. Rồi ông thốt nhiên im bặt, cặp mắt trầm ngâm nhìn đám môn sinh một lúc, dường như đắn đo một điều gì.

- Tối nay, hãy ở lại đây ! – Ông nhỏ nhẹ nói - Bọn ta còn nhiều điều muốn nói với các trò.

Đêm hôm ấy, tôi cùng các bạn ở lại nghe ba cụ nói chuyện tới khuya. Ông Tây Hồ nói sau cùng và nói nhiều nhất. Ông ngồi giữa phản, chỉ mặc bộ bà ba trắng, đầu để trần, cặp mắt như sao Rua chiếu thẳng vào bọn chúng tôi. Từ đầu chí cuối ông chỉ nói về Dân quyền, Dân chủ, về nước không có vua. Dường như ông đã dành sẵn những vấn đề nầy để vào đêm nay, nói cho chúng tôi nghe. Ông nói « Quốc dĩ dân lập, dân dĩ quốc tồn. Vô dân tắc quốc hà do thành, vô quốc tắc dân hà sở tý... ». ( Nước do dân lập nên, dân nhờ nước mà sống được. Không có dân làm sao có nước. Không có nước thì dân biết nương vào đâu). Ông nói « Quốc do dân kiết hiệp nhi thành, cố công cộng chi quy tắc tự đương do dân công nghị ; ư thị hữu lập hiến chính thể... » . ( Nước do dân hiệp lại mà thành, cho nên luật pháp phải được do dân bàn luận. Bởi lẽ đó mà có chính thể lập hiến ). Ông nói “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” ( Dân là quý, rồi đến đất nước, còn vua thì thường thôi ). Giọng ông trầm trầm, rành rọt, ai nghe cũng hiểu.

- Vậy cho nên, - ông lớn tiếng nói - chính dân mới là người chủ của nước. Nhưng từ ngàn năm nay ở nước ta, cũng như ở các nước đồng văn với Tàu, chỉ biết nước là của Vua, tức là của dòng họ đang làm vua. Vua coi nước là của riêng của dòng họ mình, muốn làm gì thì làm, muốn đem cho ai thì cho. Còn dân chỉ là nô lệ, muốn chém muốn giết lúc nào cũng được. Bọn quan lại thì ra sức dua nịnh vua để được thăng chức, để được mặc sức đục khoét, hút máu dân lành; không có chút chi gọi là thương dân, thương nước cả. Vậy cho nên khi ngoại bang tới thì không có sức để chống đỡ. Đã không chống đỡ được lại a dua theo nó mà tàn hại dân lành, đem dân ra cung phụng cho giặc. Ai có lòng thương nước mà chống giặc thì cho là phản nghịch, bắt đánh bắt giết không thương tiếc. Thế cho nên...

Đột ngột ông dừng lại. Giữa đêm khuya thanh vắng, giọng ông trầm hẳn xuống, thì thầm, tha thiết như tiếng gió lòn qua khe cửa, lai láng xúc động như tiếng mẹ ru con :

- Không được bạo động chống lại người Pháp, vì bạo động chắc chắn sẽ chết. Bây giờ phải mau mau chấn hưng dân khí, khai mở trí khôn cho dân, làm cho dân biết mình có những quyền gì, được làm những gì, làm sao để khỏi nghèo đói..., chớ không phải chỉ biết cúi đầu cam phận nô lệ như từ xưa tới nay ...- Rồi đột nhiên ông mở tròn mắt nhìn thẳng vào từng người chúng tôi, nói như cật vấn - Trong các trò đây, làm sao tạo được một số anh em đồng chí dám có cái nhìn đảo lộn ngai vàng, đảo lộn quý tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đẩy vua quan vào hậu trường, đưa Nho giáo vào tàng viện, đặt Dân quyền lên ngai vàng, đảo lộn cả phong tục tập quán xưa nay... để làm tiên phong cho phong trào...

Phan Khôi nhỏ tuổi ngồi ngay hàng đầu phía trước, sát bên cánh phản. Càng nghe cậu càng thấy ngứa ngáy khắp người, giống như nằm ngủ trên ổ rơm bị rận cắn. Cậu loi nhoi người mãi, mấy lần liếc về phiá sau xem phản ứng của những trò lớn tuổi ra sao. Thấy mọi người cứ cúi đầu làm thinh mãi, Phan Khôi không dằn lòng được nữa, mạnh dạn đứng lên, vòng tay lễ phép nói :

- Thưa thầy, cứ nghe thầy nói thì giống như... xúi làm chuyện bất trung, bất nghĩa. Sách có câu : «Quân thần chi nghĩa, nhân chi đại luân dã ». Nghĩa vua tôi là cái nhân luân lớn của con người. Nay thầy biểu phế vua, đưa Nho giáo vào tàng viện nghe thiệt...ngứa cái lỗ tai quá ! ...

Chưa nghe hết câu, ông Tây Hồ đã bật cười rũ rượi:

- Ôi... cái « cụ » đồ non !!! thế « cụ » có nghe câu : « Thiên hạ quy chi, chi vị vương ; thiên hạ khứ chi, chi vị vong. Cố Kiệt, Trụ vô thiên hạ, nhi Thang, Vũ bất thi quân » không ? (Thiên hạ quy phục thì gọi là vua, thiên hạ mà bỏ thì gọi là mất. Cho nên Kiệt, Trụ không còn thiên hạ nữa nên không còn là vua. Mà vua Thang, vua Vũ giết Kiệt, Trụ không phải là giết vua). Nước Nam ta đã bị mất vào tay người Pháp, thì cái triều đình nhà Nguyễn kia làm vua với ai ? Chúng lại còn hùa theo người Pháp cho quan quân đi lùng bắt những nghĩa đảng cần vương đem về xử tội. Thế có đáng cho ta vọng bái tôn thờ không ?

Phan Khôi không chịu thua, cố gân cổ lên cải :

- Nay xã tắc tuy không còn, nhưng thiên hạ vẫn còn đó, sao thầy nói là không ? Còn thiên hạ thì còn cần có vua. Minh hồ thiên hạ chi sở dĩ loạn giả, sinh ư vô chính trưởng, thị cố tuyển thiên hạ chi hiền khả giả, lập dĩ vi thiên tử ! - Cậu đọc một câu trong chương Thượng hiền của Mặc Tử ý nói thiên hạ rối loạn là do không có vua nên phải kén chọn người lập lên làm vua để trị vì thiên hạ, rồi tiếp – Nay xã tắc không còn, theo nghĩa thì phải xả thân giúp vua lấy lại xã tắc mới là đức xả sinh thủ nghĩa của người quân tử chớ !

Nghe Phan Khôi nói, ông Tây Hồ nghiêm hẳn sắc mặt lại nhìn mọi người rồi từ tốn bảo :

- Chà chà ! Anh đã dẫn Mặc Tử thì tôi cũng dẫn tiếp theo cái đoạn anh vừa xướng để các trò biết. Cố cổ giả thánh vương minh thiên quỷ chi sở dục, nhi tỵ thiên quỷ chi sở tăng, dĩ cầu hưng thiên hạ chi lợi, trừ thiên hạ chi hại ( Thánh vương xưa biết làm theo cái trời muốn và tránh cái trời ghét để làm lợi cho thiên hạ và trừ cái hại cho thiên hạ - Măc Tử ). Vì vua không hưng thiên hạ chi lợi, không trừ thiên hạ chi hại nên nước phải mất. Các nước Âu Tây cũng nhờ biết hưng thiên hạ chi lợi mà được cường thịnh. Tức là họ biết dĩ dân vi bổn ( lấy dân làm gốc). Mạnh Tử cũng nói dân vi quý, nhưng không nói cách làm sao để được dân vi quý. Tức chỉ nói suông mà thôi. Trong khi vua vẫn cứ giáng sưu cao thuế nặng, vơ vét của dân để cung phụng cho bản thân vua và giòng họ vua chớ không hề biết dân đang đói khổ thế nào; lại còn coi dân như cỏ rác, động một chút là bắt đánh, bắt giết không thương tiếc. Hãy xem Âu Tây họ đã xây dựng được một chính thể mà trong đó người dân được làm chủ thật sự, mọi công việc đều do dân bàn bạc cử người ra đảm đương để giúp dân làm ăn sinh sống. Ai làm không tốt thì dân có quyền hạ bệ xuống để bầu người khác lên thay. Nhờ vậy mà nước được cường thịnh, dân được sung sướng, ấm no. Còn cái nghĩa mà anh nói đó, sai rồi. Đó là cái nghĩa của Tống Nho, của bá đạo tà đạo, chớ không phải vương đạo. Nghĩa, là phải hưng thiên hạ chi lợi, trừ thiên hạ chi hại, chớ không phải nghĩa là đui mù chạy theo khuông phò một ông vua nào, một giòng họ nào, huống chi là các ông vua bán nước. Cho nên, bọn ta đề xướng khai trí trị sanh chính là làm cái việc hưng thiên hạ chi lợi, trừ thiên hạ chi hại đó vậy. Anh có đồng ý với ta như thế không ?...Thế nào ?... có đồng ý không ?...- Ông Tây Hồ nhìn thẳng vào mặt Phan Khôi hỏi dồn.

- Dạ...dạ, thầy nói thì nghe hay nhưng dễ...mất đầu...- Phan Khôi đỏ mặt lên, vẫn cố cãi cối.

- Trò . . . sao nhát gan quá vậy ? – Ông Tây Hồ cười vui vẻ – Ta nói điều lợi cho dân, truyền bá cái văn minh của mẫu quốc cho dân biết mà học theo, thì nhà nước bảo hộ cũng như triều đình phải khen mà ủng hộ ta chớ. Ta không chống lại ai, sắp tới đây ta xin phép mở trường học tức là làm cái việc mà đáng lý ra nhà nước phải làm, sao trò lại sợ mất đầu ? ... 

Buổi nói chuyện kéo dài đến gà gáy lần thứ hai mới tạm ngưng. Sáng ra, mọi người nhìn nhau cảm thấy mọi cái đã thay đổi, mọi cái đều trở nên mới mẻ không còn như ngày hôm qua nữa. Đối với đám học trò chúng tôi, cái ngày hôm qua ấy đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Tôi không đi bộ theo đường cũ nữa, mà đi đò thẳng về nhà. Dòng sông Thu Bồn quê tôi giờ sao trở nên mênh mông . . .
Nguồn: FB Huynh Ngoc Chenh
 

1 nhận xét :

  1. Các trí thức nho học này có một điều mâu thuẫn: Bản thân biết là khoa cử hán học vô tích sự, nhưng cứ đi thi, đỗ cao rồi thì quay sang khuyên người khác đừng đi theo. Vậy thì ai nghe, Thầy khuyên người ta đừng đi thi, sao thầy cứ thi? Chả khác gì bây giờ, hô hào chống tham nhũng nhưng bản thân ăn đẫy tễ, nhà đất khắp nơi, thế thì chống cái gì.

    Trả lờiXóa