Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

GS. CHU HẢO THẮP NÉN HƯƠNG NÀY TIỄN BIỆT VIỆT PHƯƠNG


Nhà thơ VIỆT PHƯƠNG tên thật là Trần Quang Huy, sinh năm 1928. Tác giả của tập thơ "Cửa Mở" (1970), Cán bộ Văn Phòng Chính phủ, đã nghỉ hưu; Nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (thời Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải); Nguyên Thành viên Viện Nghiên cứu IDS; đã từ trần hồi 08h50 ngày 06/5/2017 (tức ngày 11 tháng 4 năm Đinh Dậu) tại BV Hữu Nghị, hưởng thọ 90 tuổi.

Lễ viếng từ 11h30 đến 13h30 ngày 10.5.2017, (tức ngày 15 tháng Tư năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Tp Hà Nội. Sau đó là lễ Truy điệu.Hóa thân về cõi vĩnh hằng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ Văn Điển - Hà Nội.




Xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Chu Hảo tiễn biệt Nhà thơ Việt Phương. 
.
NHÀ THƠ “CỬA MỞ” ĐÃ ĐI XA…

Chu Hảo 

Anh đi thật rồi sao? Vẫn biết là anh sẽ đi, thời gian tính từng ngày… Nhưng hôm nay tôi vẫn bàng hoàng khi mới nghe tin sáng nay Anh đã vĩnh biệt trần thế về nơi chin suối. Chẳng phải cầu xin thì linh hồn anh cũng sẽ siêu thoát  đến nơi vĩnh hằng bởi tâm hồn Anh  đã “Cửa mở” từ lâu…

Mới hôm nào, cách đây vài tuần, tôi  cùng  anh Nguyên Ngọc vào thăm, nhìn Nhà văn, Anh còn thì thầm gọi: “Tây Nguyên!”.  Chị Lan bảo anh vẫn tỉnh táo, nhưng nói thì khó khăn lắm rồi! Và chúng tôi lo…

Lần đầu tiên tôi được biết đến quý danh Viêt Phương là khi bọn  học sinh 7A (Quế Lâm) chúng tôi chuyển về học cấp 3 ở Khu Học xá Trung ương  (KHXTW, Nam Nình, TQ) vào năm 1957. Được biết, mấy năm trước, trên đường tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ hội nghị Geneve về Hà Nội ghé qua TQ, Anh đã “bị” GĐ KHXTW Võ Thuần Nho xin Thủ tướng cho ở lại làm trợ lý. Nghe đồn rằng các giáo sư, thầy giáo và cán bộ của Khu thỉnh thoảng vẫn được nghe anh Việt Phương giảng lý luận chính trị thay ông  Nho mỗi khi ông đi vắng; nhiều học viên cứ mong ông đi vắng vì bài giảng của viên trợ lý trẻ (mới 25 tuổi) sinh động hơn và cứ nói một lèo, hết sức lôi cuốn mà chằng có giấy tờ gì trong tay!  Lại còn nghe có cô giáo xinh xắn, mỗi lần nghe anh Việt Phương phổ biến tin tức thời sự cho toàn trường là suốt buổi cứ “ngẩn tò te” hớp lấy từng lời. Cô giáo ấy sau này là người vợ mẫu mực, thủy chung, tận tụy  suốt đời của Anh – Chị Tú Lan, người vò võ ngày đêm suốt mấy tháng trời bên Anh từ khi lâm bạo bệnh.

Vào những năm 1958-1960 anh Việt Phương rất nổi tiếng với những bài phát biểu trước thanh niên Hà Nội. Tôi thường không bỏ qua các buổi diễn thuyết ấy; và say mê đến độ hay “diễn thuyết lại” những bài ấy cho bạn bè mình nghe với niềm hứng khởi không tả được. Nghe nói chính Thủ tướng Phạm  Văn Đồng cũng đã “phát hiện”  ra người trợ lý trẻ của mình qua các buổi diễn thuyết của Chính ủy trung đoàn Nam tiến 20 tuổiViệt Phương,  trong các hội nghị thanh niên, từ hồi  1947, khi ông phụ trách “Chỉnh phủ Miền Nam Trung bộ” . Như vậy tôi biết anh Việt Phương như một Nhà hùng biện đúng nghĩa. Trong suốt cuộc đời làm việc của Anh, các bài phát biểu thường là những bài diễn thuyết hùng hồn sắc sáo và luôn luôn mới lạ. Anh ra đi vào lúc cái văn hóa diễn thuyết đang suy tàn, kém xa cái thời “ Buổi Diễn thuyết người đông như hội/ kỳ Bình văn người đến như mưa” cách nay hơn một thế kỷ. Tiếc lắm thay!

Tôi biết Anh như một Nhà thơ đặc biệt: Nhà thơ chính luận, vị nhân sinh đã đành, nhưng cũng vị Nghệ thuật không kém. Có rất nhiều câu thơ hết sức cảm động về tình người, về số phận con người hòa cùng cảnh vật… rải rác trong các bài thơ của Anh. Những trăng sao huyền ảo, nắng  gió lung linh,  khói mây bảng lảng, giòng sông, bến nước … được Anh vẽ trong thơ như những bức tranh thủy mạc, nhìn đến nao lòng. Đương nhiên, thuộc thế hệ đàn em của Nhà thơ, chúng tôi không thể không “thích” bài thơ mà vì nó Anh vướng vào “tai nạn nghề nghiệp”: bài “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”. Đấy là bài chính luận, lần đầu tiên phát biểu công khai những nhận thức có tính chất  phản tư của những người “đi trước thời đại”- những người trí thức có trí tuệ và có lương tâm, qua các câu “thơ”: “Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ”, “ Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”, “Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao/Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao”. Anh là nhà thơ của cuộc đời, của cuộc đáu tranh giữa cái Thiện và cái Ác…

Những  năm gần đây, trước khi anh mệt nặng,  tôi còn  vinh hạnh được  cùng Anh tham gia nhóm nghiên cứu  tự nguyên, thảo luận về những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, góp phần vào việc đổi mới tư duy và nhận thức  để phát triển đất nước. Ở đây anh là một nhà chính trị dầy dặn kinh nghiệm, hết sức tâm huyết, giàu trí tuệ và đầy trách nhiêm. Anh thường là người cuối cùng duyệt lại các văn kiện chính luận mà nhóm nghiên cứu chúng tôi nhất trí công bố. Với nhãn quan chính trị xa rộng, không ai có thể làm tốt hơn anh trong việc giữ thái độ chừng mực, chính xác hóa các khái niệm và thuật ngữ, gọt bỏ những chố trùng lặp v.v…Một Nhà chính trị nhân văn đã đi xa…

Tôi xin thành kính thắp nén hương này để tưởng nhớ anh Việt Phương -  một Nhà Hùng biện, một Nhà Thơ, một Nhà Chính trị nhân văn của chúng ta vừa mới ra đi…

Viện Phan Châu Trinh, Hội An ngày 6 tháng 5 năm 2017.
Chu Hảo

3 nhận xét :

  1. Tôi định bụng tòm gặp ông Trần Quang Huy để tìm hiểu thêm về kế đề cương cachs mạng miềm Nam, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho Hoàng Tùng và ông chấp bút. Nhưng tra lên mạng thấy mấy người trùng tên. Đến khi đọc bài của Hoàng Tùng và Dương Kỳ Anh mới biết ông chính là nhà thơ Việt Phương thì đã muộn. Kính viếng hương hồn ông.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bài viết của anh Chứ Hảo đã mô tả những nét đặc trưng về thân thế sự nghiệp cuộc đời Ông Việt Phương làm chúng ta rất khâm phục và quý mến. Tôi đã từng đứng nghe ông nói 1 mạch vài giờ đồng hồ mà không hề thấy ông phải liếc mắt xem đề cương chuẩn bị trước còn người nghe đứng yên lặng dưới trời nắng mùa hè oi bức để như muốn các lời nói ủa ông. Đến nay đã 59 năm(1958-2017)mà tôi vẩn còn hình dung hình ảnh của ông thời trẻ trước hàng ngàn sinh viên có tôi trong đó...
    Sau này qua IDS vài lần lại được gặp ông ở 53 Nguyễn Du như những kỷ niệm cuối cùng của ông với IDS.
    Ông Phương ơi! Xin ông hãy yên nghỉ ở cõi Vĩnh hằng..

    Trả lờiXóa
  3. Trần Đăng Ẩnlúc 10:53 7 tháng 5, 2017

    Xin gửi lời chia buồn đến gia quyến nhà thơ Việt Phương. Cầu cho ông sớm siêu thoát nơi chín suối!

    Trả lờiXóa