Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

BÀI VĂN LẠ VỀ THÁNH GIÓNG


Bài văn lạ về Thánh Gióng

Lời dẫn của Vấn Đề: Bài văn viết về Thánh Gióng đang gây chú ý trên mạng vì tính cách sáng tạo, nhìn vấn đề dưới đôi mắt hiện đại và sáng suốt của một em nữ sinh mặc dù còn nhiều vấn đề cần thảo luận nhưng qua bài văn này cho thấy một nền giáo dục nhồi sọ, chỉ đạo và học vẹt đã đến lúc cáo chung.


Bài văn của một nữ học sinh trung học phổ thông với đề bài phân tích truyện Thánh Gióng vừa được phát tán trên mạng, được xem như “bài văn lạ” mới, gây xôn xao cộng đồng. Nguyên văn bài viết như sau (xin đăng nguyên văn, kể cả một số từ tạm gọi là “lỗi từ vựng” của thế hệ 9X).

“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn nhưng tuổi vẫn trẻ con nên dễ ngượng trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool – thần tượng của em!

Nhưng em không chỉ hâm mộ mà còn thương anh ấy lắm, mới ba tuổi ranh, chưa biết gì mà đã buộc phải thành người lớn, phải làm chuyện người lớn trong khi chưa kịp hưởng tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ô mai như tụi em…Thật buồn, thật ghét chiến tranh đã cướp đi mất tuổi thơ của anh ấy!

Em thì ngược lại, em có tuổi thơ và thời con trẻ đầy đủ đến phát chán.Thực sự thì em chỉ mong cái tuổi thơ này kết thúc nhanh nhanh và thành người lớn cùng thần tượng của em sớm nhất có thể vì quá tuổi thơ của chúng em quá nhiều lý do để bực bội.

Này nhé: Tuổi thơ lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị chửi mắng, thậm chí dính chưởng của phụ huynh, muốn học giỏi thì lại phải quay cóp khi đi thi, em thì lại vụng nên quay toàn bị lộ. Lớp em tụi nó quay siêu lắm, có đứa còn được nhà trang bị điện thoại xịn để nhắn đầu bài, đứa thì móc với giám thị quăng phao cho. Em không biết dùng phao, chết đuối phải roài, hic hic…

Tuổi thơ lúc nào cũng bắt đi sở thú. Đi riết chán ốm vì chẳng có gì để xem. Có mấy con thú ốm nhom cứ đứng vậy hoài. Mà nghe nói một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết, người ta bảo nó bị bệnh hiểm nghèo, em nghĩ là nó đói thôi. Ba em dạo này làm ăn chứng khoán hay đất đai gì đó mà về quặu nhà hoài, kêu làm ăn thế này thì có mà chết đói cả lũ! Đấy, người còn chết đói nữa là voi… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.

Tuổi thơ chán chết vì muốn đi chơi chẳng biết đi đâu và đi bằng gì. Xe công cộng thì vừa bẩn vừa hôi, lại chen chúc và luôn chậm giờ, chẳng nhẽ lúc nào cũng bắt gia đình cho quá giang. Em thích đi chơi ngoài thiên nhiên lắm mà không có chỗ nào đi, lại dơ và nguy hiểm nên mẹ không cho. Mà sao cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ nhỉ? Sao họ cứ suy bụng ta ra bụng người thế? Đi gần thì có mỗi chỗ duy nhất là siêu thị. Dạo này kinh tế khó khăn nên chẳng ai mua gì, cứ đi vào chơi cho mát. Chỗ khu game thì lúc nào cũng phải xếp hàng, tiếng động ẩm ĩ nhức hết cả đầu, haizzz… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.

Tuổi thơ thật chán vì không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi tụi em. Cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm pà cố! Mà trong mấy cuộc thi Talent trên Ti vi thì tụi trẻ con cũng toàn bắt chước người lớn mới được giải cao đấy thôi, ai mà coi trọng con nít! Phim Việt thì vừa chán vừa toàn chuyện người lớn, mấy cái phim Mỹ hành động thì hay, vậy mà cái hay nhất chuẩn bị chiếu thì lại bị cấm mất vì nghe nói quá bạo lực. Mấy đứa bạn nhà giàu nó còn được bay qua Thái, qua Sin xem chứ em thì potay. Mà lạ thật, trẻ con bên ấy giàu hơn nhưng lại thích bạo lực hơn ở nhà mình nhỉ? Ôi, ước gì em được như Phù Đổng, ước gì em nhanh làm người lớn.

Tuổi thơ thì lúc nào cũng bắt đọc sách. Em cũng thích đọc lắm, nhất là mấy cuốn Manga vẽ tranh đẹp cực! Đọc lời và chữ nhiều đang chán, đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn…huhu. Nếu mà thế gọi là làm chuyện người lớn thì em cũng thích làm người lớn. Thích thế nhưng mà rất khó, mấy đứa con trai cùng lớp thỉnh thoảng cứ hay rủ đi chơi xa, vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm, nhỏ L. lớp kế bên đi chơi riết rồi tự nhiên có em bé đó, kỳ lắm. Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à, mấy cha hàng xóm mắc dịch và biến thái cứ hay gạ qua nhà làm chuyện người lớn rồi cho tiền, cho kẹo… Sao làm trẻ con khổ thế!? Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.

Mà làm người lớn cũng dễ ợt chứ có gì đâu. Em nghe nói nhỏ kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô lận. Cho nên chắc em sẽ phấn đấu thành hotgirl trước, rồi sau đó sẽ đăng ký vô mấy cuộc thi Miss sìtyn để kiếm vận may. Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. Mẹ cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn.

Đấy, sao cứ phải thời chiến mới trở thành người lớn lẹ được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành đại gia là chắc. Đẹp trai, tiền thưởng nhiều như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?

Vậy xét cho cùng thì đâu ai cần tuổi thơ nhỉ? Em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng nhanh để trở thành người lớn, em chỉ muốn có nhiều tiền, nhưng làm thế nào nhỉ? Haizzzz…”.

Nhận xét của giáo viên: “Bài không những lạc đề mà tư tưởng có vấn đề! Đề nghị gia đình chú ý giáo dục! 0 điểm”.

Lời bàn của Chu Mộng Long:

THÁNH GIÓNG XƯA VÀ THÁNH GIÓNG NAY

Một nền giáo dục nhồi sọ sẽ không chấp nhận bài văn này. Bằng chứng là em teen này bị cô giáo phê bình về đạo đức, tư tưởng và cho điểm không.

Một nền giáo dục không chấp nhận đồ thật, đồ xịn (vì họ cho là nguy hiểm, có vấn đề về đạo đức, tư tưởng) thì ắt chỉ biết chấp nhận đồ đểu, truyền bá và đề cao đồ đểu.

Nếu là tôi, tôi cho bài văn này điểm 10, xuất sắc.

Bài văn cảm thụ chính xác vẻ đẹp đầy bi kịch của "anh Gióng" ngày xưa. Tôi từng cho sinh viên tôi thảo luận về Thánh Gióng. Ai cũng nói leo lẻo về phẩm chất anh hùng, sức mạnh cao cả và vô địch của con người Việt Nam. Đứa nào có đọc sách thì cũng chỉ biết thêm về đức tính khiêm nhường của người anh hùng: đánh giặc xong không chịu làm vua mà bay về trời. Có mới chút đỉnh thì cũng chỉ nhai lại từ trong sách vở. Không trách các em vì các em chỉ là nạn nhân của sự nhồi sọ.

Tôi hỏi: Thánh Gióng có bi kịch không? Không ai phát hiện thần tượng Gióng của mình có bi kịch. Tôi gợi mở ngắn gọn: Bi kịch không được làm trẻ em?

Cả lớp ồ lên: Sao giống mình thế! Tôi bảo đó là định mệnh không chỉ của người anh hùng ngày xưa mà là của nhiều thế hệ. Bốn nghìn năm dân ta tự thổi phồng mình lên thành Phù Đổng mà đánh mất tuổi thơ của mình. Hậu quả, người Việt tỏ ra nhớn mà không lớn!

Em teen, tác giả của bài văn này, xuất sắc hơn những học sinh khác vì không bị trượt vào giáo điều của những trang sách. Em nhận ra cái bi kịch bị giấu kín trong thần tượng "anh Gióng" của mình. Nhờ đó, nhận ra bi kịch của chính mình và thế hệ của mình.

Ngôn ngữ teen thật đáng yêu và đầy sáng tạo. Nó là sự thật, thật đến trong sáng hồn nhiên chứ không phải có vấn đề về đạo đức, tư tưởng đâu, cô giáo ạ.

Kẻ bị nhồi sọ đến mất tiếng nói của chính mình - nói theo tiếng nói của kẻ khác - đó mới là kẻ có vấn đề về đạo đức, tư tưởng!

6 nhận xét :

  1. Bài văn đơn giản mà nói lên tất cả sự thật đang diễn ra trong xã hội Việt nam,
    Bây giờ mỗi người chúng ta phải "tấn công"từng mảng,từng vấn đề,chứ đừng ngồi yên 1 chỗ mà bình luận thì cũng chẳng giải quyết được việc gì đâu !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Chu Mộng Long và em học sinh viết nên bài văn này! Em đã nói được sự thật mà người khác không làm được! Nếu nhìn thấy trước bi kịch thì cuộc đời có thể tránh được bi kịch?

      Xóa
  2. Tác giả bài văn bị cô giáo cho 0 điểm là vì không chịu...thấm nhuần như cô.
    Lẽ ra,cái cô kia nên đưa em ấy ra...truy tố với tội "lợi dụng quyền tự do,dân chủ..."

    Trả lờiXóa
  3. Bài văn thật xuất sắc. Tôi cũng đồng ý với nhận xét của ông Chu Mộng Long và cám ơn bác Diện đã đăng bài viết khiến ai đọc cũng phải nhìn lại không chỉ nền giáo dục mà cả Bộ văn hóa VN khi thổi phồng các lễ hội, tôn vinh các anh hùng không có thực như Thánh Gióng, Lê văn Tám, chị Sáu, Âu Cơ, Lạc Long Quân....biến họ thành những thần tượng tâm linh để lừa mị dân sì sụp vái lạy cầu xin đủ thứ nhằm thỏa mãn lòng tham trong khi quên đi những khốn khó đời thường đang bày ra trước mắt là trẻ em đang bị cướp mất tuổi thơ, nạn tham nhũng đang hoành hành khiến dân oan bị cướp đất ngày càng đông và đất nước đang bị lũ quan tham đốn mạt bán dần cho TQ hay mờ mắt, bán rẻ lương tâm vì tiền mà rước các nhà máy rác của TQ vào gieo thảm họa diệt chủng xuống đầu dân VN, tàn phá và hủy diệt môi trường sống của nhân dân VN như Formosa, các nhà máy nhiệt điện đốt than của TQ, khai thác Bauxit hay mới đây nhất là nhà máy giấy Lee & Man đang hủy diệt sông Hậu và công ty Biển Tiên Sa đang tàn phá môi sinh của bán đảo Sơn Chà Đà Nẵng....
    Chính quyền VN đang đẩy dân VN vào bước đường cùng, kẻ nhu nhược thì nhắm mắt, qùy gối cầu xin thoát nạn và ân huệ. Những người tỉnh táo còn có chút lương tri thì đành chấp nhận điểm 0 nếu là học sinh, nhận lao tù hay bị đánh đập tàn nhẫn, bị o ép, hành hạ... để nói lên tiếng nói của sự thật, cảnh báo nguy cơ mất nước và tàn lụi giống nòi.
    Không ai thay nhân dân làm được chuyện tự cứu lấy chính mình.
    Im lặng quì gối cúi mặt cầu xin hay đứng dậy xuống đường đòi quyền được sống làm người để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ môi trường sống cho bản thân và con cháu mai sau là quyết định của mỗi người dân VN thức tỉnh.

    Trả lờiXóa
  4. Dù muốn cho điểm 10 cô giáo cũng không dám, nếu thế cô giáo chết là chắc.Không nên bàn về hành văn chính tả của bài văn, phần còn lại là những nhận thức rất rộng của thí sinh tuy chưa hoàn chỉnh, có thể thấp thoáng bóng một nhà văn chăng?
    Qua đây cũng thấy một điều là : nói thật trong xã hội ta bây giờ khó thật.Nói thật tức sẽ ngược với số đông, tức không theo những lối mòn được định trước. Lối mòn của những đầu óc vĩ đại uyên bác còn đỡ, lối mòn do các đầu bã đậu vạch ra thì quả là thảm họa cho lê dân./.

    Trả lờiXóa
  5. bài văn thật tuyệt vời

    Trả lờiXóa