Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Bài đặc biệt: FORMOSA KHẮC PHỤC 52/53 LỖI, LỖI CÒN LẠI MỚI NGUY


FORMOSA ĐÃ KHẮC PHỤC 52/53 LỖI, 
NHƯNG LỖI CÒN LẠI MỚI LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY THẢM HỌA
Nguyen Anh Tuan
Những ngày qua, báo chí đồng loạt dẫn lời các quan chức Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định rằng Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm bị phát hiện trước đó của họ.

Con số này tạo cảm giác trong công chúng rằng Formosa đã tích cực sửa chữa sai lầm, từ đó ủng hộ hoặc ít nhất là không phản đối đề xuất của Bộ Tài nguyên Môi trường rằng: “Formosa đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao số 1 đi vào vận hành.” [1] Còn nhớ rằng tháng 11 năm ngoái khi trả lời Reuters, Phó Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Trương Phục Ninh đã cho biết nhà máy dự kiến sẽ đi vào sản xuất thương mại trong quý I năm 2017, nghĩa là không quá xa so với đề xuất trên đây của Bộ Tài nguyên Môi trường.[2]

Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là, ngay cả khi Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi đúng như nhận định của Bộ Tài nguyên Môi trường, thì lỗi còn lại là gì? Tầm quan trọng của lỗi này ra sao? Vì sao tới nay vẫn chưa được khắc phục?

Các báo dẫn lời Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết hạng mục cần khắc phục còn lại là chuyển đổi từ công nghệ dập cốc ướt sang cốc khô - như cam kết ban đầu, sẽ chỉ được hoàn thành vào năm 2019. Không thấy Bộ Tài nguyên Môi trường hay các báo nói gì thêm về tầm quan trọng của lỗi này cũng như lý do nó chưa được khắc phục.

Không quá khó hiểu cho sự im lặng này, vì lẽ nếu Bộ Tài nguyên Môi trường nói ra sự thật rằng lỗi này là nguyên nhân chính gây ra thảm họa hồi năm ngoái dĩ nhiên công chúng sẽ phản đối đề xuất của Bộ cho Formosa hoạt động trở lại.

Báo cáo chính thức hồi tháng 7 năm ngoái của Bộ Tài nguyên Môi trường, tuy không được công khai nhưng không hiểu sao Reuters lại có trong tay, đã cho biết khi Formosa bị mất điện, xưởng xử lý nước thải đã ngưng hoạt động khiến nước thải có chứa chất độc từ quá trình luyện cốc ướt xả thẳng ra biển làm cá chết. Nếu Formosa luyện cốc khô như cam kết ban đầu, thảm họa đã không xảy ra vì công nghệ này không dùng đến nước. [3]

Reuters còn dẫn lời chuyên gia người Đức Friedhelm Schroeder được chính phủ Việt Nam mời lúc đó, nhận định rằng "Formosa lẽ ra phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất cốc ngay khi sự việc xảy ra” để ngăn chặn thảm họa. Đại diện của Formosa, theo Reuters, đã từ chối bình luận về nhận định này của chuyên gia Đức. [4]

Với câu hỏi còn lại là vì sao lỗi này chưa được khắc phục ngay mà phải chờ đến năm 2019, thì dù chưa có bên nào trả lời song cũng có thể đoán được ngay là bởi công nghệ cốc khô tốn chi phí cao hơn. Ngay từ đầu Formosa đã chủ động phá bỏ cam kết, sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm hơn để tìm kiếm lợi nhuận từ việc tiết giảm chi phí xử lý chất thải, thì việc họ kéo dài thời gian chuyển đổi công nghệ lâu nhất có thể để tối đa hóa lợi nhuận là việc không có gì khó hiểu.

Điều khó hiểu duy nhất ở đây là dù kết luận Formosa sai phạm rành rành khi cố ý tráo công nghệ cốc khô (chi phí cao, ô nhiễm ít) sang cốc ướt (chi phí thấp, ô nhiễm nhiều) lúc xây dựng nhà máy, song không hiểu sao Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn cho phép Formosa sử dụng công nghệ cốc ướt này đến hết năm 2019 mới phải thay đổi? Từ giờ tới lúc đó là 3 năm, sao lại chấp nhận một rủi ro lớn đến như vậy, trong khi kẻ làm sai là Formosa? Sao không yêu cầu Formosa làm đúng cam kết ban đầu mới được vận hành trong khi hoàn toàn có đủ lý lẽ để làm điều đó?

Tuy nhiên, nếu theo dõi toàn bộ quá trình ứng phó với thảm họa của chính quyền, điều khó hiểu trên cũng không còn khó hiểu nữa.


[1] http://baohatinh.vn/…/formosa-da-khac-phuc-52-53…/131525.htm

[2] [3] [4] http://www.reuters.com/…/us-vietnam-environment-formosa-pla…

Ảnh: Formosa Hà Tĩnh nhìn từ biển (Nguồn: Thanh Niên).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét