Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Hồ sơ bịa đặt lịch sử tại Thái Bình- Bài 2: HỌ TRẦN LỘN TÙNG PHÈO


Khu di tích mộ tổ họ Trần thôn Thái Đường, xã Tiến Đức,
 huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

'Đảo lộn lịch sử, đảo lộn phả hệ họ Trần'

Nông nghiệp VN
07:50, Thứ 4, 22/03/2017

Đó là bình luận của cụ Trần Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn - Hội đồng Trần tộc Việt Nam về việc tổ chức hội thảo rồi làm đề nghị với UBND tỉnh Thái Bình công nhận đền thờ Hoằng Nghị là tổ của họ Trần Việt Nam...


Đó là bình luận của cụ Trần Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn - Hội đồng Trần tộc Việt Nam về việc tổ chức hội thảo rồi làm đề nghị với UBND tỉnh Thái Bình công nhận đền thờ Hoằng Nghị là tổ của họ Trần Việt Nam và là người sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ.
“Họ đã làm sai trái lịch sử, dám làm đảo lộn cả phả hệ của họ Trần Việt Nam, dòng thứ thành dòng trưởng”, cụ Trần Ngọc Bảo cho biết.
 
Không thể làm sai lịch sử và phả hệ họ Trần
Cụ Trần Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn – Hội đồng Trần tộc Việt Nam phản ánh:

Từ khi có tổ chức họ Trần Việt Nam ngày 7/5/1995 đến nay mà chúng tôi là những thành viên sáng lập cùng với dòng họ Trần ở các tỉnh, thành. Các hội viên có lòng tâm huyết đã đọc “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử Thông giám Cương mục”, “Việt sử kỷ yếu” và tất cả các chính sử của Việt Nam đều không có nói gì về nhân vật Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương. Sách “Từ điển Thái Bình” (2010), trong đó có hàng mấy chục trang nói về người họ Trần ở tỉnh Thái Bình, nhưng không có một chữ nào viết về Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương cả.

Có một số cuộc hội thảo về thời Trần ở Thái Bình và cuộc hội thảo về Trần Hoằng Nghị tại Hà Nội (mà chúng tôi có được dự), sau đó có một số sách xuất bản, thì nhiều chỗ nói khác nhau về Trần Hoằng Nghị và về làng Mẹo, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà. Người nói có Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương, người nói không có Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương.

PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) suy ra Hoằng Nghị đại vương chính là Trang Nghị đại vương được thờ ở làng Xuân La theo thần tích. Nếu hai người này, Hoằng Nghị và Trang Nghị là một thì đó chỉ là một mỹ từ mà triều đình phong kiến ngày xưa phong cho các ngài; hơn nữa, các ngài là thiên thần chứ không phải nhân thần.

Từ khi có tổ chức họ Trần Việt Nam hoạt động từ tháng 5/1995 đến năm 2010, tất cả các gia phả, tộc phả của họ Trần, Đặng Trần, Lê Trần, Nguyễn Trần, Mai Trần… với danh sách hội viên từ các tỉnh gửi về cho họ Trần Việt Nam, chúng tôi không thấy có tên một người nào mang chữ đệm là Hoằng cả.

Ngoài các chính sử, chúng tôi được biết có tài liệu phả hệ của dòng họ Trần do hậu duệ của Trần Ích Tắc hiện đang ở Lạc Dương (Trung Quốc) lưu giữ. Theo cả chính sử và phả hệ thì Trần Thủ Độ là dòng thứ, không phải dòng trưởng. Cụ thể, “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi Trần Thủ Độ thuở nhỏ ở với bác ruột là Trần Lý. Từ đó có thể nói không có nhân vật Trần Hoằng Nghị ở thời Trần và không phải Trần Hoằng Nghị sinh ra Trần Thủ Độ. Không thể làm sai lịch sử và phả hệ của họ Trần. Đây là sự kiện tồn nghi lịch sử có quan hệ trong cả nước với chục triệu người thuộc họ Trần. Tổ của dòng họ nào là do phả hệ của dòng họ ấy xác định.
 

Hoằng Nghị đại vương còn là một ẩn số

Thiếu tướng - PGS Đào Trần Quang Cát - Trưởng BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn bổ sung thêm:

Thiếu tướng - PGS Đào Trần Quang Cát

Chúng tôi được tin tại trụ sở UBND xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã tổ chức một cuộc hội thảo với mục đích đề nghị UBND tỉnh Thái Bình công nhận Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương là tổ họ Trần ở làng Mẹo và là người sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ; công nhận “Đền thờ nhà Ông” còn gọi là đền thờ Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương là di tích lịch sử cấp tỉnh; đồng thời công nhận ông Trần Văn Sen là trưởng tộc họ Trần - Thái Bình (hậu duệ của Trần Hoằng Nghị). Chúng tôi xin có một số ý kiến như sau.


Về Trần Hoằng Nghị. Chúng tôi đã đọc hết các sách lịch sử của ta, tuyệt nhiên không tìm thấy một quyển nào nói đến tên Trần Hoằng Nghị. Một người thuộc Hoàng tộc, được phong tới tước Đại vương thì lịch sử không thể bỏ sót. Như vậy, tên Hoằng Nghị đại vương còn là một ấn số.

Gần đây, nhiều nhà sử học đã sưu tầm được nhiều tư liệu mới giá trị, chính xác hơn nhiều, xuất xứ từ những gia phả, bia mộ cổ. Chúng tôi cũng mới tìm thấy một tư liệu lịch sử nói về thân phụ Trần Thủ Độ. Tư liệu này nói rõ thân sinh ra Trần Thủ Độ là một người có tên khác, không phải là Trần Hoằng Nghị. Chúng tôi đang tìm thêm chứng cứ để xác minh và công bố.

“Đại Việt sử ký toàn thư” viết Trần Thủ Độ khi nhỏ ở với bác là Trần Lý chứ không ở với cha. Điều này rất phù hợp với tư liệu mà chúng tôi mới được biết. Và cũng vì thế khi nói rằng đền thờ Hoằng Nghị đại vương thờ thân sinh của Trần Thủ Độ là chưa hợp lý. Từ đó, có thể thấy miếu Ông, miếu nhà Ông, miếu Gốc đa là miếu thờ ông tổ của chi họ ông Trần Văn Sen. Ngày nay, nhờ ăn nên làm ra, ông xây nhà thờ lớn, to, đẹp để tôn vinh tổ của mình là điều đáng mừng nhưng không thể vì vậy mà biến ông tổ của một chi họ (chưa rõ lai lịch) thành ông tổ họ Trần của cả nước. Ở đây có sự mập mờ, lừa người ít hiểu biết về lịch sử.
“Họ Trần có mộ tổ ở nơi phát tích là thôn Thái Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thờ tổ tiên: cụ Trần Kinh (truy tôn Mục tổ Hoàng đế), cụ Trần Hấp (truy tôn Linh tổ Hoàng đế), cụ Trần Lý (truy tôn Nguyên tổ Hoàng đế). Vì vậy, không thể để bà con họ Trần Việt Nam cũng như nhân dân cả nước lặn lội về làng Mẹo, bái lạy cầu khấn một người được gọi là tổ của họ Trần nhưng không rõ nguồn gốc hoặc lại là một người nào khác” (Ông Trần Quang Thiện - Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần Hà Nội - Hậu duệ dòng trưởng Trần Liễu - Trần Hưng Đạo).
 

Khải Mông

7 nhận xét :

  1. Khui mối quan hệ giữa đại gia Sen và đại sử gia họ Dương là ra ngay đầu đuôi thôi mà! Đức Thánh Trần linh lắm đó nghe hai ông tướng!

    Trả lờiXóa
  2. Chắc cụ này trước kia chỉ bán beer nên không được chính sử ghi lại

    Trả lờiXóa
  3. Không phải tất cả người họ Trần đều cùng dòng họ với vua Trần, cũng như không phải tất cả người họ Nguyễn đều có cùng dòng họ với Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng. Việc ông Trần Văn Sen bỏ nhiều tiền của cho việc tôn vinh dòng họ vua Trần là điều đáng khen ngợi. Nhưng việc họ Trần nhà ông có phải cùng dòng họ với vua Trần hay không lại là chuyện khác. Và việc ông tổ nhà ông có phải là ông tổ dòng họ vua Trần hay không lại càng khác nữa. Không thể dùng tiền bạc thay đổi lịch sử được đâu.

    Trả lờiXóa
  4. Lại một ông trọc phú , trưởng giả học làm sang . Nhầm nhọt ra trồng trọt . Mấy ông PGS, GS , nhà nghiên cứu làm theo đơn đặt hàng của ông Sen mà phán xằng thì liều thật đấy . Một mai tìm thấy danh tính cha đẻ của Trần Thủ Độ thì cái gọi là nhà thờ tổ họ Trần Việt Nam dùng vào việc gì nhỉ ? Loạn thật rồi !

    Trả lờiXóa
  5. Hài, con cháu làm cái việc đảo lộn tổ tông thế này thì loại khỏi dòng tộc chứ để làm gì nữa!

    Trả lờiXóa
  6. trong xã hội loài người luôn tồn tại hai loại người
    1-loại người có chức có quyền :chúng luôn muốn dùng quyền lực để đè bẹp nhân cách đạo đức và lẽ phải ,đạp lên nhân quyền ngồi xổm trên pháp luật
    2- một loại người hợm của hợm tiền chúng luôn nghĩ rằng có thể dùng đồng tiền để thay trắng đổi đen được mọi chuyện
    Chính hai loại người này gây nên bất ổn cho xã hội gây nên biết bao đâu khổ cho con người
    rất cần phải loại bỏ chúng ra khỏi nhân loại

    Trả lờiXóa
  7. Đây chỉ là trò xằng bậy, nhảm nhí đến trơ trẽn hòng lừa gạt những người ít hiểu biết và mê muội thôi chứ chẳng phải nghĩa cử cao đẹp gì đâu.Nứt mắt danh mà dám láo hỗn vơ quàng vơ xiên ông bành tổ. Càng lòi cái tham, càng lòi cái hám danh ra thì càng lòi cái gốc ngu muội mà thôi.

    Trả lờiXóa