Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

TAI VẠ THỜI NHÂN VĂN GIAI PHẨM Ở KHOA VĂN, ĐH TỔNG HỢP HÀ NỘI


Những tai nạn nghề nghiệp không phải do mình gây ra

Hồ Hải Thụy
6 tháng 3  năm 2017
 


Một hôm anh Nguyễn Tài Cẩn bảo tôi: "Từ tuần sau, anh Phan Ngọc sẽ đến giảng bài cho cậu, cậu thu xếp thời gian với anh ấy nhé." Chỉ có thế. Tôi cũng không biết giảng bài gì, nhưng cứ được học hỏi thêm là thích cái đã. Thế là cứ chiều thứ ba và thứ sáu hàng tuần, từ 2 giờ chiều, anh Phan Ngọc đến nhà tôi để giảng bài cho tôi. Tại sao phải ở nhà tôi? Mãi sau này mới biết. Lúc đó anh Phan Ngọc đang còn thụ án vụ Nhân Văn, phải làm công tác tư liệu ở Tổ tư liệu thư viện của Khoa Văn (cùng với anh Cao Xuân Hạo). Đến nhà tôi thì "bí mật" hơn, chứ làm ở Khoa thì không tiện.

Thế rồi, một hôm anh Cẩn lại bảo tôi: "Cậu chuẩn bị lên lớp cho năm thứ tư, lấy cái bài giảng anh Ngọc đã giảng cho cậu ấy." Tôi giật mình, kịch liệt phản đối. Lý do: tôi tốt nghiệp khóa 3 năm, mới ra trường được hơn 1 năm, bây giờ lại lên lớp cho sinh viên năm 4 thì "nghe" sao được. Anh Cẩn không thuyết phục được tôi. Ngày hôm sau có cậu nhân viên phòng tổ chức đến bảo tôi sáng mai lên gặp đồng chí Lê Văn Thiêm (lúc đó hình như là phó bí thư đảng ủy Trường). Anh Thiêm hỏi tôi về chuyện không nhận lời anh Cẩn dạy cho năm thứ tư. Sau cùng anh cười, hỏi tôi giọng nửa đùa nửa thật (thế mới chết chứ): "Thế nếu Đảng phân công thì cậu nghĩ sao nhỉ?" Thì tôi chỉ đành ngậm miệng ra về và chuẩn bị công việc lên lớp thôi.

Chuyện lên lớp suôn sẻ. Anh em sinh viên thiện cảm, nghe thích thú. Hình như khóa ấy có các ông Đinh Văn Đức, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Xuân Lương, và ai nữa tôi không nhớ hết.

Rồi lại một hôm, tôi đang ở nhà thì anh Lê Văn Tụng (nguyên là lớp trưởng lớp Văn 3, cùng học với tôi, anh hơn tôi 3-4 tuổi, nhưng rất thân với nhau), thư ký riêng cho ông Tố Hữu (lúc đó là trưởng ban Tuyên Giáo, nhân vật hét ra lửa) đến bảo tôi: "Mày lại giở cái trò gì ở trường thế?" Tôi ngạc nhiên, nghe anh kể mới biết là có đơn thư tố cáo lên ban tuyên giáo là "bài giảng Chicago được đưa lên bục giảng Đại học Hà Nội". Nghe khiếp chưa?

Chưa hết, ngay tối hôm đó, anh Đức (cán bộ A25 Bộ Nội vụ - nay là Bộ công an) cũng "đến chơi thăm gia đình" và nhân tiện hỏi tôi cũng về vụ ấy. Anh Đức rất thân với gia đình tôi, vì trong thời kỳ Pháp chiếm đóng Hà Nội, anh và đồng đội vẫn nhờ nhà tôi làm địa điểm hoạt động bí mật.

Sau đó tôi được biết hai anh này có đi mượn vở ghi chép của sinh viên để "thẩm tra" (kể họ cũng có tinh thần trách nhiệm bảo vệ Đảng đấy chứ). Nghe nói sinh viên cũng kể lại là không có vấn đề chính chị chính em gì trong bài giảng.

Rồi mọi chuyện cũng qua. Tôi đặc biệt cảm động về tinh thần trong sáng, vô tư, vì khoa học của sinh viên năm đó. Họ không hề biết chuyện đó là do anh Cẩn chủ trương, thông qua sự chuẩn bị của anh Ngọc, và tôi chỉ là người thực hiện. Họ cũng không biết là anh Lê Văn Thiêm ép tôi phải dạy. Xin nhớ là lúc đó, anh Thiêm và anh Cẩn đều ở trong đảng ủy, và hình như cũng đang "có vấn đề". Đặc biệt là sinh viên không "khai" với hai anh cán bộ đi điều tra là lúc có sinh viên khen tôi một câu là bài giảng của tôi hay quá, thì tôi buột miệng: "Đi mà khen cái ông tác giả người Mỹ chứ khen gì tôi." Hú vía! Chứ mà họ thu thập được cái bằng chứng là tôi thích Mỹ (lúc đó) thì chắc là tôi hết nước làm ăn. (chưa hết, còn tiếp). 


2.

Đọc xong post "Lẵng quả thông" của ông Ta Van Thong, cảm cái lãng đãng của Pau, nên chợt nhớ một cái tai nạn cũng chỉ vì cái lãng đãng.

Lúc đó tôi đang học năm thứ 3, Văn khóa 3, ĐHTH Hà Nội. Có 3 tác phẩm đang tấn công vào đầu lũ sinh viên Văn thời đó là Bông hồng vàng của Paustovsky (Vũ Thư Hiên dịch, nhưng không hiểu sao khi in lại năm 1982, lại ghi là Kim Ân dịch), Mùa lạc của Nguyễn Khải và Trăng sáng của Nguyễn Ngọc Tấn (sau này lấy bút danh là Nguyễn Thi, nổi tiếng hơn).


Một số bạn trong lớp bắt đầu bình loạn lên về văn học Việt Nam nên đi theo xu hướng nào. Đa số cho rằng phải trăn trở, trằn trọc, lăn lộn với "kiếp người" như kiểu Nguyễn Khải. Mặc dầu lúc đó ai cũng mê cái lãng đãng nhẹ nhàng của Pau, nhưng chỉ tán thôi, và coi đó là của Liên Xô. Riêng tôi, đã trót thích Pau rồi thì cứ nói thẳng ra là tôi thích Nguyễn Ngọc Tấn, vì cũng cùng luồng với Pau. Hình như lúc đó ý kiến của tôi bị cô đơn. Tôi muốn lôi kéo đồng minh. Người tôi chọn nổ phát súng đầu tiên là một bạn gái cùng lớp, vì tin rằng nếu bạn ấy đứng về phía tôi thì sẽ có một số người nữa theo. Nhân có dịp ra bích báo, tôi bèn vẽ chân dung bạn nữ ấy (quên mất cái tai nạn "Cưỡi Vespa lên chủ nghĩa xã hội" từ hồi năm thứ nhất). Đến lúc đem dán lên tường thì tự nhiên nghĩ sao lại thêm chú thích dưới bức vẽ một câu "Em chã" để kích thích sự đáp ứng.


Tai họa thứ nhất là bạn nữ ấy phản ứng kịch liệt và đứng về phe kia ngay.


Nhưng tai nạn là mấy hôm sau lại được có người xuống thăm: "Sao đồng chí lại có thể dùng những lời lẽ từ những kiểu tác phẩm lưu manh, dâm ô để gán vào cho các đồng chí đảng viên, đoàn viên chúng ta ngày nay được?"


Thế là tôi quyết định không bao giờ vẽ bích báo nữa. Sau này những khi có nhiệm vụ viết bích báo, tôi thường copy một số đoạn trong xã luận báo Nhân dân để làm bài báo của mình. Hoàn toàn yên ổn.


H.H.T

12 nhận xét :

  1. Đọc bài này chả hiểu tác giả muốn truyền đạt cái gì anh Diện ạ. Hay tại em ngu ngu ý nhỉ! Nói về vụ Nhân Văn Giai Phẩm thì cái này chả là gì so với các ông Lê Đạt, Trần Dân, Văn Cao... Còn về cái đoạn 2 thì cũng chả có gì hay ho để truyền đạt cả, chỉ xếp vào dòng tạp văn thì chuẩn?

    Trả lờiXóa
  2. Đã đọc nhiều về Nhân Văn, nhưng mỗi khi có dịp đọc về vụ này, tim vẫn đập nhanh hơn và máu dường như chảy ít hơn lên não. Vẫn có cái cảm giác chống chếch, choáng váng.
    Phải thú thực, những lại liên quan đến Nhân Văn đều ít hay nhiều góp phần tạo nên một tượng đài hiếm có trong tình thần và tư tưởng Việt.

    Trả lờiXóa
  3. Em đọc hết bài này, cũng như bác Nặc danh 20:19 9 tháng 3, 2017, chẳng hiểu tác giả muốn truyền đạt cái gì.

    Nhưng em "kết" nhất câu cuối: "Sau này những khi có nhiệm vụ viết bích báo, tôi thường copy một số đoạn trong xã luận báo Nhân dân để làm bài báo của mình. Hoàn toàn yên ổn."

    Thằng bé nhà em đang làm luận án tiến sĩ ở Đại Học UC Berkeley. Nếu nó cứ ham "yên ổn" kiểu này thì chẳng mấy chốc bị tống cổ ra khỏi trường (đúng ra, chẳng biết có "vào trường" được không chứ đừng nói chi "ra").

    Bởi vậy Việt Nam ta có bao nhiên ngàn ông "tiến sĩ," mà có cái công trình nào cho ra hồn đâu!

    Trả lờiXóa
  4. Tác giả bài này không bị quy kết chính thức, chưa trở thành nạn nhân.
    Nhưng tác giả cho ta thấy hồi đó khó thở tới mức nào, mọi người run sợ tới mức nào.
    Thế hệ sinh sau năm 1956 chỉ biết những tượng đài Lê Đạt, Phùng Quán... làm sao hiểu được sự sợ hãi bao trùm khi đó?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đấy!, ngột ngạt và sức mạnh kì bí của "đảng phân công"... Ghi chuyện vặt nhưng mở rộng sẽ thấy khổng lồ. Ở đại học Bách khoa, những khoá đầu, ngoài ít chuyên gia Nga, "đảng phân công" người vừa tốt nghiệp trung cấp ở Trung quốc về dạy đại học!. Họ vừa dạy vừa học chuyên tu cấp tốc hệ 2 năm. Khi sinh viên khoá 4 Bách khoa nhận bằng kỹ sư, một số thầy của họ cũng nhận bằng kĩ sư (tại chức khoá đầu). Do tố chất giáo dục Pháp để lại, các thầy trung cấp dạy đại học sau này nín lặng, yên ổn.

      Xóa
  5. Xin được vỗ đùi đánh đét một cái, kèm với lời cảm thán: Đảng phân công tài thật!

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết chi có 1 thông tin ban đầu, GS Phan Ngọc không được giảng bài, phải chuyển bài cho HHT dạy thay, và câu cuối cùng copy xã luận báo Nhan Dân là có giá trị thông tin... NÓi chung chưa nói lên được gì đáng kể về vụ NHÂN VĂN-GP ở ĐHTH Hà NỘi

    Trả lờiXóa
  7. Tôi đọc và cảm thông với tác giả phải đối phó để vượt qua thời buổi khó khăn. Nhưng rồi ngà nước đã nhận ra sai lầm và chiêu tuyết cho nhiều văn nghệ sĩ rồi. Tuy nhiên cũng phải nhắc lại để cảnh tỉnh,kẻo lại xảy ra vụ nhân vă lần 2, thì văn nghệ Việt Nam sập tiệm.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi chẳng hiểu nổi-tác giả bài viết muốn gì ? Chẳng lẽ muốn mọi người trở thành văn nô-bút no cả hay sao ?

    Trả lờiXóa
  9. Té ra ông Hồ Hải Thụy là đồng môn của tôi. Ngày xưa vô Văn khoa, tôi cũng nghe có người nhắc đến tên nhưng chưa diện kiến. Vừa rồi, kỉ niệm 60 năm hình như người ta cũng quên mất. Bác Thụy ơi, có kỉ niệm nào nữa cứ kể hết đi. Hậu thế đang rất cần biết những "mẩu" kí ức như thế này.

    Trả lờiXóa
  10. "Hoàn toàn yên ổn."?!
    Chắc rằng đây là vị thế của con cừu, nhỉ?

    Trả lờiXóa
  11. Nhắc nhân văn giai phẩm
    Càng nhớ tới ông Lành
    Sau này chắc hậu thế
    Sẽ vô cùng VINH DANH

    Trả lờiXóa