Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Bích Ngà: BẢN CHẤT CỦA BIỂU TÌNH TẠI VIỆT NAM

Người dân Sài Gòn biểu tình phản đối chính sách bá quyền của Trung Quốc. Ảnh: internet
BẢN CHẤT CỦA BIỂU TÌNH TẠI VIỆT NAM

FB Nguyễn Thị Bích Ngà
21-3-2017

Tất cả các cuộc biểu tình ở VN cho đến thời điểm hiện tại và trong tương lai gần về bản chất chỉ là CUỘC CHIẾN VỀ TRUYỀN THÔNG. Đã đến lúc đặt vấn đề để nhìn nhận đúng bản chất, đúng thực tế, nhằm hiểu rõ mục tiêu và mục đích, từ đó tìm ra giải pháp và phương thức đúng cho các cuộc biểu tình.


Để trình bày một cách cặn kẽ về vấn đề này, tôi sẽ viết khá dài. Bạn nào lười nên ngừng tại đây.

Biểu tình là gì? Có nhiều hình thức biểu tình và mỗi một hình thức mang một bản chất khác nhau tùy theo mục tiêu, mục đích mà nhóm biểu tình đề ra.

Lấy ví dụ về cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong. Mục đích của cuộc biểu tình đó là: đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, cụ thể là được quyền đề cử Đặc khu trưởng mà không phải thông qua quyết định của ủy ban bầu cử. Mục tiêu đề ra là: Phải đạt được mục đích hoặc đạt được các thỏa thuận tương đối.



Và ta thấy, khi đã xác định rõ mục đích và mục tiêu cụ thể, sinh viên Hong Kong làm tất cả nhũng gì có thể: Truyền thông, gây thiện cảm, lôi cuốn nhiều người nhiều thành phần từ khắp nơi trên thế giới quan tâm, kiên trì ngày qua ngày đêm qua đêm, chiếm trung tâm, giữ ôn hòa… Tất cả mọi việc đều vì một mục đích duy nhất. Cuối cùng, tuy mục tiêu đề ra chưa đạt được nhưng các bạn ấy đã cố gắng hết sức và gây được tiếng vang rất lớn trên thế giới, làm cho giới lãnh đạo phải dè chừng.

Ba Lan: Công Đoàn Đoàn Kết ra đời từ tháng 8/1980 và tổ chức đình công. Mục đích: đòi tăng lương, phản đối chính sách kinh tế, chính trị, xã hội của nhà nước. Mục tiêu: CHo đến khi đạt được mục đích hoặc thỏa thuận tương đối. Và họ đã tổ chức đình công lan rông cả nước kiên trì với mục tiêu đề ra để đạt được mục đích. Ngày 31 tháng 08 năm 1980, chính phủ đã phải ký kết với Ủy ban Đình Công Toàn Quốc đồng ý tăng lương, thả những người bị bắt trong các cuộc đình công, v.v… Và phong trào lớn mạnh cho đến tháng 04 năm 1989, đảng cầm quyền buộc phải chấp nhận “Hội nghị bàn tròn” với Công Đoàn Đoàn kết và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ vào quốc hội và thượng viện. Tháng 06 năm 1989, trong cuộc bầu cử dân chủ, Công Đoàn Đoàn kết thắng lớn. Công Đoàn Đoàn kết cùng các lực lượng đối lập là Đảng Nhân dân Thống Nhất và Đảng Dân chủ đứng ra lập chính phủ liên hiệp.

Qua hai ví dụ trên, ta thấy, các cuộc biểu tình, đình công của Ba Lan, Hong Kong (và nhiều nơi khác) đề ra mục đích và mục tiêu cụ thể, rõ ràng và họ làm bằng được mới thôi.

Việt Nam: Đã có nhiều cuộc biểu tình của nhân dân diễn ra theo rất nhiều mục đích với từng sự vụ cụ thể: Năm 2007 một loạt các đợt biểu tình đã diễn ra chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, kêu gọi lòng yêu nước. Rất nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối chính sách đền bù đất đai của nhà nước. Phản đối giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. Phản đối Trung Quốc tôn tạo xây cất trái phép trên các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải ra biển làm ô nhiễm vùng biển bốn tỉnh miền Trung, đòi công ty Formosa phải đền bù thiệt hại, cải tạo biển và đòi chính phủ phải minh bạch thông tin, đòi chính phủ phải đuổi công ty Formosa ra khỏi Việt Nam do các vi phạm môi trường…Và mới đây là các cuộc biểu tình theo lời kêu gọi của Cha Lý.

Điểm lại các cuộc biểu tình tại Việt Nam trong thời gian qua, ta thấy, các cuộc biểu tình có đặt ra mục đích. Nhưng không hề đặt ra mục tiêu.

Ví dụ: Dân oan phản đối chính sách đền bù đất đai của nhà nước. Mục đích là gì? Phải chăng là phải đạt được mức đền bù theo thỏa thuận với giá trị thực hiện hành? Vậy mục tiêu là gì? Phải chăng là cho đến khi nào đạt được mục đích? Nhưng, ta thấy, dân oan không hề kiên trì với mục tiêu nhằm đạt được mục đích. Dân oan sáng đi biểu tình, chiều về làm đồng. Ở miền Nam thì còn theo thời vụ, rảnh việc đồng mới đi biểu tình.

Ví dụ: Biểu tình phản đối giàn khoan 981, đòi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam. Chủ nhật cuối tuần, rảnh công việc thì người dân xuống đường biểu tình phản đối, đến trưa về nhà còn đón con, chăm gia đình hoặc đi đá bóng. Trung Quốc nó rút giàn khoan hay không thì…mình còn phải đi làm nuôi gia đình. Tuần sau chủ nhật biểu tình tiếp.

Biểu tình đòi chính phủ minh bạch về Formosa và đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam. Cũng một hình thức: Cuối tuần xuống đường biểu tình hai, ba tiếng buổi sáng, về nghỉ, sang ngày đi làm, tuần sau biểu tình tiếp. Không hề kiên trì mục tiêu và làm mọi thứ để thực hiện mục tiêu.

Các cuộc biểu tình kể trên không đặt ra mục tiêu cụ thể là khi nào đạt được mục đích hoặc đạt được thỏa thuận thì mới thôi. Không có tính liên tục, không có tính áp lực, không đạt được mục đích đặt ra. Do đó, về bản chất, các cuộc biểu tình đó chỉ là hình thức tuần hành nêu lên tiếng nói của người dân đối với chính phủ.

Và khi đã là tuần hành nêu lên tiếng nói thì đó chỉ là CUỘC CHIẾN VỀ TRUYỀN THÔNG. Chính phủ chỉ gặp áp lực về truyền thông. Chính phủ dập tắt các cuộc biểu tình, đàn áp, bắt bớ, đánh đập…cũng chỉ là vì không muốn phe biểu tình thắng về truyền thông khi biểu tình tự do. Cho đến giờ, họ có gặp áp lực với một mục đích cụ thể nào để phải thỏa thuận nhằm đáp ứng mục đích của người dân biểu tình chưa? Chưa.

Trong bối cảnh phần lớn người dân Việt Nam còn chưa biết quyền hiến định của mình, còn nghe tuyên truyền biểu tình là xấu, là gây mất ổn định, là phản động, là bị xúi giục…thì chưa thể có được các cuộc biểu tình kiên trì với mục tiêu đề ra để đạt được mục đích cụ thể, bởi không có được số đông, không có sự đồng thuận, không có sự đồng lòng để tổ chức chặt chẽ.

Từ những phân tích trên, đã rõ, khi chưa thể có được điều kiện cần và đủ để có được các cuộc biểu tình với mục đích và mục tiêu cụ thể thì các cuộc biểu tình diễn ra theo sự vụ chỉ là cuộc chiến về truyền thông. Trong cuộc chiến đó, ai biết cách làm truyền thông sẽ thắng.

Đừng hô hào to tát, đừng đặt ra mục đích cao xa khi chưa đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu, thậm chí không dám đề ra mục tiêu và thực hiện cho kỳ được. Nhìn nhận đúng thực tế tình hình để suy nghĩ cách làm truyền thông cho tốt khi tổ chức biểu tình trong thời điểm hiện tại là bước đi nhỏ nhưng chắc và thực tế.

“Chiếm trung tâm?!” Vâng, rất kêu, nhưng trước hết hãy nhìn xung quanh mình đi đã ạ.

Bài này, tôi biết sẽ vấp phải những ý kiến tranh cãi rất dữ, và tôi sẽ nhận rất nhiều lời chụp mũ hoặc thái độ thù ghét từ cả ba bên bốn phía. Nhưng, đã đến lúc chúng ta hãy thôi ảo tưởng mà nhìn lại cho đúng để học. Có nóng lòng, có sốt ruột thì cũng phải chịu. Phải chấp nhận học đi trước khi chạy, không thể khác. 

3 nhận xét :

  1. Bạn nói quá đúng!

    Trả lờiXóa
  2. Đối với người dân, trước mắt chỉ là cơm gạo! Chính trị là cơm gạo! Là bệnh tật! Là giáo dục! Là nhà ở! Người dân chỉ quan tâm tới giới cầm quyền khi đời sống của họ bấp bênh và bị đe dọa!
    Cái chính quyền này đang đe dọa nồi cơm, đe dọa mái nhà, đe dọa viên thuốc, đe dọa trang vở học sinh! Chỉ thế thôi!
    Người dân đã thể hiệnnguyện vọng qua những dòng chữ viết trên áo dân oan!
    Bây giờ không phải là lúc đặt lại ý nghĩa của biểu tình mà là lúc đặt lại thiện chí của giới cầm quyền, về một thể chế đã có tính chính danh hay không!
    Người dân thì mãi mãi chính danh!

    Trả lờiXóa
  3. cực kỳ hoan nghênh bài viết của bạn bài viết của bạn rất hữu ích đối với những người có tinh thần quả cảm đi biểu tình .chỉ có như thế mới có kết quả .hi vọng nhiều người đọc và nhận thức được điều nảy để khỏi uổng phí công sức của mình .cảm ơn bạn nhiều nhiều

    Trả lờiXóa