Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

NHỮNG GÓC KHUẤT LỊCH SỬ

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.
Ảnh chụp màn hình bài báo Tuổi Trẻ. 
 
NHỮNG GÓC KHUẤT LỊCH SỬ

Luân Lê
24-2-2017

Trả lại sự trung thực và sự thật của lịch sử, là trả lại sự trong sạch cho những nỗi oan khuất của dân tộc.

Trong bài báo này đã nêu rõ hai vấn đề rất quan trọng của lịch sử đã bị (cố tình) lãng quên suốt bao nhiêu năm, né tránh và đôi khi là cố tẩy xoá để hòng không cho nó được minh diện.

Một là, cải cách ruộng đất giai đoạn 1953 – 1957, đảng cộng sản đã nhận rõ sai lầm, nhưng sai như thế nào, hậu quả ra sao (bao nhiêu người chết), vì sao dẫn đến việc “phải đạt chỉ tiêu mỗi (làng) xã phải có 5% địa chủ, cường hào, gian ác phải bị trừng trị? Tại sao gia đình bà Năm Cát Hanh Long – một gia đình đại địa chủ tư sản đã có công đóng góp tài sản và nuôi những cán bộ nòng cốt cách mạng cộng sản lại nằm trong đối tượng bị tiêu diệt đầu tiên và là khởi dầu cho công cuộc cải cách sai lầm hãi hùng tới 4 năm ròng? Người cày có ruộng, nhưng rất nhiều xác người đã bị giết hại dã man, tài sản điền địa bị “cướp bóc” mà không thông qua xét xử hay trưng mua. Trong nền cộng hoà miền Nam việc cải cách ruộng đất cũng được thực hiện trong thời gian này nhưng chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã áp dụng chính sách “người cày có ruộng, nhà nước trưng mua”. Bởi thế không có tình trạng chủ đất bị giết hại hay tước đoạt tài sản ngang nhiên.

Hai là, công lao của nhà Nguyễn. Một thời chúng ta được giáo dục và học lịch sử dưới góc nhìn thụ động của việc tuyên truyền rằng vua Nguyễn Ánh là kẻ bán nước hại dân, cõng rắn cắn gà nhà. Tuy nhiên, vua Nguyễn Ánh là một vị vua sáng suốt và rất độc lập, với tâm thức tự cường dân tộc rất lớn. Ông đã không muốn ký kết hay để cho Pháp hiện diện trên đất nước mình, với Ông, để Pháp vào nước ta thì chẳng khác nào dâng nước cho họ, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho đế quốc Pháp không sớm thì muộn. Nhưng tiếc rằng do triều đình phong kiến lúc đó với lực lượng yếu, kinh tế nghèo nàn, khoa học không tốt nên đã bị chiếm đánh bởi Pháp khi họ xâm lược năm 1858, một cách nhanh chóng chỉ trong vài tháng với vài nghìn binh lính, tàu chiến chúng ta đã trở thành thuộc địa của họ.

Cho tới những dòng lịch sử bị lãng quên.

Để nói về lịch sử dù rất đáng tự hào nhưng cũng đầy đau thương, mất mát và sai lầm, chúng ta không thể không nhắc tới những dòng lịch sử đã từng bị đối xử bất công, mà thậm chí là tàn nhẫn.

Đó là chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc với quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 do Đặng Tiểu Bình ra lệnh tổng tấn công chỉ để “dạy cho Việt Nam một bài học”, chúng ta cũng không nhắc tới mà còn cố tình lãng quên trong hàng chục năm qua. Cuộc chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988 cũng không được tưởng nhớ đến mà chỉ nằm lặng lẽ trong tầm thức và nỗi đau đớn của những người trong cuộc. Cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 được phát động bởi Mao Trạch Đông cũng không được nhắc tới trong những trang sử của dân tộc.

Rồi chuyện ông Ngô Đình Diệm không hề ác ôn bằng cách “lê máy chém khắp miền Nam” để giết người như được tuyên truyền và giáo dục cho các thế hệ trẻ mấy thập kỷ qua. Ông Diệm cũng là một người yêu nước và đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu khi không muốn Mỹ can thiệp và đưa quân tới miền Nam Việt Nam. Chính vì thế mà ông mới bị quân đội đảo chính và bị giết để thay thế. Ông Diệm coi Trung Quốc mới là kẻ thù của quốc gia, còn Bắc Việt là người cùng một nhà, nên không cần lo lắng nhiều, điều ông ấy để tâm là sự bành trướng thâm độc của Trung Cộng đối với cả dân tộc và con người Việt trên dải đất chữ S và cùng với đó là mối lo về sự lan rộng của chủ thuyết cộng sản sẽ gây hại cho người dân và xã hội thời bấy giờ.

Và còn nhiều sự kiện lịch sử được nguỵ tạo hay thêu dệt nên bởi “Bên thắng cuộc” (cộng sản) như thiếu niên anh hùng tẩm xăng Lê Văn Tám với “ngọn đuốc sống” đốt cháy thân mình phá kho xăng địch.

Trong lằn ranh của sự thật và dối trá, nhiều hình tượng đã được tạo dựng lên hay tô đẹp hơn thêm, phần còn lại là những nhân vật “phản diện” bị bôi đen trong bàn tay của kẻ chép sử trong vai người chiếm lĩnh lịch sử hay bị bụi phủ trong những lát cắt thời gian.

Nếu chúng ta không thể nhìn nhận lịch sử dưới góc nhìn trung thực một cách toàn diện, khách quan và khoa học thì hình hài dân tộc chúng ta, giống như một con Voi, sẽ được biến thành những thứ hoàn toàn khác nhau trong con mắt của những thày bói mù loà. Thế thì quả thực vô cùng nguy hiểm đối với dân tộc, khi những giá trị quốc gia lại được xây dựng trên nền nhận thức của những thế hệ lệch lạc, lầm sai và thiếu hụt.

Những bài học kinh nghiệm được rút ra nhờ những sai lầm.

Những giá trị hữu ích được tạo nên nhờ những thiếu sót.

Những tri thức đúng đắn được hình thành nhờ những cứ liệu tổng thể.

Tương lai tươi đẹp chỉ được kiến tạo nên bằng những chất liệu trung thực đầy đủ của quá khứ.

Và đương nhiên, một đất nước, không thể văn minh và tử tế nếu con người ta trong xã hội ấy lại không ngần ngại để mà dối trá nhau, ngay cả với lịch sử của chính dân tộc mình.
 
 

8 nhận xét :

  1. Nhà Nguyễn đã bàn giao cho thế hệ sau một dải đất hình chữ S lụa là từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Và tất cả biển đảo.
    Cái ải Nam Quan khi xưa là nơi cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi chia tay nhau trong dàn dụa nước mắt, cha Nguyễn Phi Khanh trong ngục tối của quân thù phương bắc để rồi con Nguyễn Trãi quay về lòng đau dạ cắt quyết tâm dùi mài kinh sử trả thù nhà đên nợ nước, đó là cái ải ghi dấu tình phụ tử, nghĩa quân thần, ai có đến đây hay nghĩ về nó cũng còn thấy xao xuyến cho trái cảnh, đau thương trong cuộc đời cụ Nguyễn Trãi. Thế mà cái quân khốn nạn ấy nó xắn mất của dân tộc, chẳng ai dám làm gì nó cả, thậm chí còn tỏ tình anh em với nó thì ngược ngạo, cay đắng quá!

    Trả lờiXóa
  2. Cả một chiều dài lịch sử với sự tột cùng dối trá. Tư Mã Thiên của VN, xin các vị sử học hãy trả lại sự trung thực, đúng đắn của lịch sử. Đât nước sẽ tồn tại hàng ngàn năm, sớm muộn sự dối trá này sẽ phơi bày, hiển lộ

    Trả lờiXóa
  3. Tôi có một ý kiến ngoại đề về "áo tứ thân cổ truyền" đã bị "hề hóa" trong các hội nghị nghiêm túc.
    Vấn đề này tôi bức xúc lâu rồi mà không có dịp nào để bày tỏ.
    Nay may mà có Lâm Khang tiên sinh cho đăng lại bài HỘI THẢO KHOA HỌC về "Vương triều nhà Nguyễn" từ báo Tuổi Trẻ, kèm theo bức ảnh chụp có hai tiếp viên mặc y phục dân tộc cổ truyền, vậy nên xin được nêu lên những suy nghĩ của mình trên hiên trà này.

    Áo tứ thân là một trang phục nữ xưa (xưa cũng chưa đầy một thế kỷ), của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
    Nó vừa là thường phục, cũng là lễ phục của mọi giai tầng và mọi lứa tuổi của phụ nữ trưởng thành.
    Nó được may bằng vải (hoặc lụa) dệt thủ công, nên khổ vải rất hẹp (chừng 40cn thôi), nên thân áo sau phải được ghép từ hai khổ vải.
    Do là thường phục nên áo được mặc cả khi đi làm đồng hay đi chợ, và do thân áo phủ dài gần khắp cơ thể nên sự mòn cũ và hư hỏng ở các phần là sớm muộn khác nhau.
    Chóng sờn rách nhất là phần tay áo từ khuỷu tay trở xuống, rồi đến phần thân áo trên, trong khi đó phần thân áo dưới (từ ngang lưng trở xuống) cả vạt trước và vạt sau, thì còn lành lặn nguyên.
    Vì túng thiếu cũng có, vì sẻn so cũng có, các bà các chị nghĩ ra cách tận dụng các phần còn lành của tấm áo đã rách nên giữ lại phần vải còn tốt mà chỉ thay vải mới cho những phần đã hư hỏng thôi.
    Chính vì lý do đó mà áo tứ thân mới có nhiều màu vải cũ mới (thường là hai màu thôi), chứ áo mới thì cũng chỉ có một màu.
    Nhưng vì lý do thẩm mỹ và cũng vì niềm tự trọng về sự khiêm nhường của phụ nữ Việt Nam, nên hai vạt trước của áo dứt khoát phải cùng một loại vải, cùng một màu và cùng một độ cũ mới.
    Thân sau của áo cũng là vậy, nửa trên và nửa dưới của thân áo có thể khác màu (nhưng khác biệt càng ít càng tốt), nhưng hai khổ vải ghép ở thân áo trên phải hoàn toàn đồng nhất. Thân áo dưới cũng vậy.
    Hai ống tay áo từ khuỷu tay trở xuốn cũng phải đồng nhất.
    Ngay cả trong những trang phục lòe loẹt nhất như trong hát chèo hay hầu đồng tứ phủ, thì áo tứ thân người ta cũng làm theo phép tắc này.
    Vậy mà không biết từ bao giờ, và do ai, mà cái áo tứ thân của các bà các chị lại bị xuyên tạc đến kệch cỡm và nhố nhăng như vậy.
    Bây giờ, thân sau của áo có thể được ghép tới ba màu sặc sỡ, thậm chí đến bốn màu lòe loẹt chói chang.
    Còn đâu là nét e lệ của các thôn nữ Việt, hay vẻ đoan trang của các bà mẹ Việt.
    Mà nhố nhăng nhất là họ mặc "cái áo hề" này ngay cả trong các hội nghị nghiêm túc, và cả các lễ đón tiếp mang tính ngoại giao.
    Cũng tại là do chưa có ai lên tiếng, nên nhiều người tưởng đó chính là nguyên mẫu của áo tứ thân cổ truyền.
    Tai hại vậy thay.
    Cũng cần nói thêm là, áo tứ phân chỉ mặc với khăn vấn bỏ tóc đuôi gà chứ không dùng chung với vương miện nhiều lớp quấn của "Nam Phương Hoàng hậu".

    Mạo muội trình bày, xin các bậc cao minh trên hiên chỉ giáo.

    Trả lờiXóa
  4. Sai lầm của CCRĐ được thực thi bằng pháp luật thời đó. Nếu chỉ đứng trước Quốc hội khóc và nhận lỗi thi số phận pháp lý của những người bị kết án oan và gia đình con cháu, dòng họ của họ vẫn còn đó, có nghĩa là họ vẫn là người có tội, con cháu họ qua nhiều đời vẫn là con cháu của những "kẻ" tội đồ bị pháp luật trừng trị bằng hình phạt tử hình, chưa ai giải oan cho họ. CCRĐ được thực thi bằng pháp luật và do tòa án xét xử. Khóc và xin lỗi mới chỉ mang ý nghĩa cảm xúc. Đó không phải là sự minh oan cho những người bị oan! Họ đã bị pháp luật xử oan thì họ phải được giải oan bằng pháp luật. Luật pháp Việt Nam quy định, dù người bị kết án oan đã qua đời thì họ vẫn phải được giải oan bằng trình tự tố tụng tư pháp! Thế nên, dù đã khóc và xin lỗi, nhưng từng trường hợp bị oan phải được giải thông qua tòa án. Tòa án hiện nay cũng là sự tiếp nối của hệ thống tòa án từ khi nước VNDCCH ra đời, thể chế nhà nước, chế độ chính trị vẫn là một, và do một đảng lãnh đạo thì hà cớ gì không minh oan cho những người bị kết án oan thời cải cách ruộng đất? VN có tổ chức nghề nghiệp luật sư, lại có hội luật gia sao lại không thể đưa vụ đại án oan trong CCRĐ ra yêu cầu xem xét lại để giải oan theo trình tự giám đốc thẩm? Làm được điều này thì đảng cs được cộng điểm uy tín vốn đã mất từ lâu chứ không phải vì thế mà mất uy tín và yếu đi. Đại án oan CCRĐ nếu không được giải oan thì nó vẫn như một viên đạn nằm trong cơ thể người không được phẫu thuật để gắp ra, cứ trái gió trở trời là lại đau đớn! Thời phong kiến một ông vua anh minh đã giải oan cho Nguyễn Trãi thì hà cớ gì, thời đại "dân chủ, công bằng, văn minh" lại không làm được cái việc đó cho hàng chục (hoặc hàng trăm) nghìn người bị chết oan bởi tòa án của một nước "dân chủ cộng hòa"?

    Trả lờiXóa
  5. Thời Liên Xô (cũ), lịch sử các nước cộng hòa nói chung và lịch sử nước Nga nói riêng đều không được quan tâm giảng dạy như với lịch sử ĐCSLX. Riêng lịch sử của 28 kỳ đại hội ĐCSLX cũng đã làm cho học sinh, sinh viên Liên Xô (cũ) và sinh viên các nước du học tại LX hồi đó "thất điên bát đảo".

    Trả lờiXóa
  6. http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170223/ghi-nhan-cong-lao-nha-nguyen/1269184.html
    Không phải là "ghi nhận công lao" mà là phải trả lại sự thật cho lịch sử.

    Trả lờiXóa
  7. Rồi đây một ngày nào đó những sự thật về nguyên nhân và ý nghĩa của cuộc chiến Nam Bắc cũng phải được đem ra giãi bày.
    Cuộc chiến tranh tương tàn mà có người cho là 'chiến tranh chống Mỹ' và có người gọi là ' chiến tranh chống Cộng sản'.
    Khác với những chiến tranh bình thường khác, sau chiến
    tranh thì mọi người bắt đầu xây dựng hàn gắn lại nhưng trong cái chiến tranh VN, đảng CS tạo nên một hậu quả lâu dài và tai hại cho cả dân tộc về văn hoá, lịch sử, con người vì những tuyên truyền bóp méo, sai sự thật. . ta thấy hậu quả này kéo dài từ nhiều thế hệ cho đến hôm nay vẫn còn.Những ngộ nhận mà đảng CS cố tình gây ra ngay từ trong cách giáo dục của đứa bé. Bây giờ ta phải nói là nó đã ăn rể và làm hư nhiều thế hệ.

    Trả lờiXóa
  8. "Lịch sử" luôn bị bóp méo. Vấn đề là chúng ta phải tỉnh táo nhìn nhận, đừng nghe theo lời đường mật tuyên truyền.

    Trả lờiXóa