Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

THƯ GỬI ÔNG TÔ LÂM, BỘ TRƯỞNG CÔNG AN

Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh báo Lao Động.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - GĐ Công ty Sách Thái Hà: Nay mình nghĩ thêm 1 ý tưởng nữa là MANG SÁCH VÀO NHÀ TÙ. Tù nhân cần đọc sách. Và mình đã ký công văn và đã gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm. Mình mong các cơ quan, các báo đài, những ai có quan hệ hay quyền lực giúp mình để thông điệp này được Bộ trưởng xem xét. Mình đăng nguyên văn công văn và cả bản scan công văn nữa ạ. Xin cám ơn rất rất nhiều ạ.... 

------------

Kính gửi: Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an

Bằng văn bản này, xin được thành tâm cám ơn đồng chí và lãnh đạo Bộ Công an vì đã luôn hết mình lãnh đạo ngành công an bảo vệ sự bình an của đất nước. An toàn, an ninh và sự bình an là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam của chúng ta.

Là người được mệnh danh là “Tiến sỹ văn hóa đọc”, trong gần 10 năm qua tôi đã hết mình vì VĂN HÓA ĐỌC và TRI THỨC của đất nước Việt Nam ta. Tôi là tác giả của TẾT SÁCH và đã triển khai suốt 9 năm qua rất thành công. Tôi cũng đã đưa ra ý tưởng “Ngày Hội Đọc Sách” và đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch tổ chức được 4 lần trong 4 năm liên tiếp tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tôi cũng âm thầm tham gia tích cực và làm tất cả những gì có thể để Thủ tướng ra quyết định có ngày SÁCH VIỆT NAM.

Tôi cũng đã cùng với các doanh nhân và các nhà tri thức tâm huyết, các nhà tâm lý học bàn và muốn triển khai bền vững chương trình nói chuyện và giảng bài cho các tù nhân, đặc biệt là nhóm tù nhân mới nhập trại và nhóm sắp mãn hạn tù chuẩn bị quay lại cuộc sống đời thường. Tuy nhiên việc này gặp rất nhiều khó khăn từ các quy định của ngành công an. Chúng tôi vẫn đang tìm cách và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Công An.

Tôi luôn tâm niệm rằng tất cả chúng ta cùng nhau nghĩ cách để giúp các tù nhân cải tạo tốt nhất, tạo cho họ động lực để họ thay đổi. Chúng ta cùng nghĩ cách để giúp họ thấy rằng ai cũng có thể phạm tội, bởi tiếng Nga có câu tục ngữ “Át chua rơmư i at xum mưi nhe xtra khui et xa” tức là “Ai cũng có thể trở thành ăn mày và có thể bị giam tù”.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải làm cho các tù nhân thấy rằng trên thế giới này luôn đầy ắp những cơ hội.Chúng ta cần quan tâm đến họ, cảm thông với họ, tìm cách để động viên họ.

Trên cơ sở các suy nghĩ này tôi đề xuất để các nhà tù có thư viện sách, hoặc ít nhất là các tủ sách. Chúng ta mang những cuốn sách tốt, thiện, lành, những cuốn sách đổi đời, thay đổi tư duy, những cuốn sách đạo đức, rồi sách hướng nghiệp đến với các tù nhân. Ngân sách sẽ một phần từ Bộ Công an, phần còn lại là xã hội hóa và kêu gọi các nhà hảo tâm trên cả nước.

Tôi nghiên cứu và thấy rằng, ở Brazil, chính quyền đã có chương trình ĐỌC ĐỂ HOÀN LƯƠNG. Ở đó, cứ mỗi lần đọc xong một cuốn sách, tù nhân được xóa 4 ngày án.Các tù nhân có một tháng đọc rồi viết bài thu hoạch chứng minh rằng mình hiểu những gì viết trong sách. Bài thu hoạch phải “sử dụng cách viết dễ hiểu và không sai văn phạm”. Tù nhân có thể chọn đọc tới 12 cuốn sách một năm. Có nghĩa là, họ có thể được giảm án đến 7 tuần. Và cứ 7 năm án thì họ được xóa 1 năm. 14 năm thì được xóa 2 năm. Đây là một cái cớ thiết thực để tù nhân ham thích đọc sách có cơ hội ra tù sớm. Trong lúc đọc sách, tù nhân biết được là ngoài song sắt là cả một cuộc sống khác đang chờ đón. Những gì từ sách giúp họ hiểu cuộc sống thật sự bên ngoài.

Từ trước đến nay tôi hay tập trung vào phát triển văn hóa đọc cho giới doanh nhân, trí thức, các doanh nghiệp, các cơ quan, các trường đại học tại thành phố. Bạn Nguyễn Quang Thạch thì tập trung phát triển sách cho nông thôn... Mỗi người một sứ mệnh và một nhóm đối tượng khác nhau và tất cả vẫn là vì văn hóa đọc. Nhưng tại sao không nghĩ đến và có kế hoạch “sách hóa nhà tù”.

Tôi rất muốn mang sách và văn hóa đọc vào nhà tù, để các tù nhân có thói quen đọc sách, thu thập thêm kiến thức, thay đổi đời và hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù, giúp họ nhận ra sai lầm và ngoài xã hội vẫn có rất nhiều người tốt và nhiều cơ hội.

Theo nghiên cứu, ở Brazil, người điều hành dự án tặng sách cho tù nhân chính là luật sư Andre Kehdi ở São Paulo. Ông cho biết: “Bằng cách này, tù nhân ra tù được khai sáng hơn, có cái nhìn về thế giới rộng lớn hơn. Và chắc chắn khi mãn hạn tù, họ sẽ là người tốt hơn.” Nhà báo Erwin James của tờ Guardian cho rằng việc làm này rất hiệu quả. Chính ông từng bị kết án tù chung thân vì tội mưu sát ở Anh. Đọc sách giúp ông chuyển hóa thành người nhân văn hơn và ông được ân xá sau 20 năm lĩnh án chung thân.

Trên tờ Guardian, ông viết: “Những cuốn sách tôi đọc trong tù không giúp tôi giảm án, nhưng chính những cuốn sách ấy đã giúp tôi trở thành bản thân mà tôi nên trở thành ngay từ đầu.” Những cuốn sách ấn tượng với ông lúc khởi đầu, không ngạc nhiên lắm, chính là những cuốn sách viết về người tù: Prisoners of Honour, Crime and Punishment, One day in the Life of Ivan Denisovich, Borstal Boy. Đó là những cuốn sách đem lại một tia sáng mới trong tình cảnh tối tăm lúc ấy. Đó là những cuốn sách giúp ông thấu hiểu hoàn cảnh và quan trọng hơn cả, hiểu quay đầu là bờ rất quan trọng. Những cuốn sách này hướng ông vào thế giới văn chương rộng mở hơn. Erwin James giờ đây đã viết hai cuốn sách bán chạy và hoạt động trong các hội thiện nguyện, cũng như trở thành cây viết cho tờ Guardian. Tất cả là nhờ vào việc ông đã đọc sách trong tù.

“Mục đích của việc cầm tù không phải chỉ là giam giữ người ta, không hiệu quả đâu. Mục đích phải là thay đổi hành vi con người mới đúng”. - Dave Trott “Một với một là ba.” Tôi kính mong đồng chí Bộ trưởng Bộ Công An dành tâm huyết chỉ đạo dự án này, để ý tưởng của tôi được hiện thực hóa, để cả xã hội cùng chung tay góp sức để có sách trong các nhà tù, để hướng dẫn tù nhân đọc sách và làm sao để có các chương trình huấn luyện, giao lưu, chia sẻ và cảm thông với tù nhân.

Công ty CP sách Thái Hà và cá nhân tôi rất mong nhận được ý kiến chỉ đạo của Đồng chí và lãnh đạo Bộ Công an. Chúng tôi thật sự tâm huyếtvà luôn hết lòng, toàn tâm làm mọi nhiệm vụ được giao.

Mọi thông tin, xin đồng chí và lãnh đạo Công an liên lạc trực tiếp với tôi về email hungnm@thaihabooks.com và chị Phạm Thị Thủy – Phó Tổng giám đốc về
090224 2422, email thuypt@thaihabooks.com.

Xin gửi đến Đồng chí lời chào trân trọng nhất và mong rằng chúng ta sẽ có những bước đột phá vào năm 2017 này.

CHỦ TỊCH HĐQT KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC
TS Nguyễn Mạnh Hùng


 

8 nhận xét :

  1. Trước hết tôi hoan nghênh ý tưởng đem sách vào nhà tù. Nhưng tôi nghĩ đó là điều tự nhiên.Năm 1982, tôi có đến thăm nhà tù giam giữ Lenin ở thàng phố Sankt- Pêtrburg, ở đây Lenin có nhiều sách để đọc.

    Trả lờiXóa
  2. Ý tưởng cung cấp sách cho tù nhân thì đáng hoan nghênh và các nhà làm công tác nghệ thuật như ca sỹ các nước vẫn vào nhà tù hát cho trù nhân nghe, nhưng việc đọc sách để giảm số ngày tù sợ không ổn – cần cân nhắc, vì như thế bao nhiêu người đi tù không biết chữ vừa không được hưởng ân huệ đọc sách, vừa không được giảm ngày tù sẽ lại là bất công! Và không muốn bất công thì nếu tổ chức như ông TS Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất thì phải có chương trình riêng phù hợp cho người chưa biết chữ hay học kém không đủ sức đọc và hiểu sách nói gì!

    Trả lờiXóa
  3. Thiết nghĩ ngoài sách ra nên tạo điều kiện cho tù nhân thưởng thức nghệ thuật ( nhạc, họa v.v...) và thể thao nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Thiết nghĩ ngoài sách ra nên tạo điều kiện cho tù nhân thưởng thức nghệ thuật ( nhạc, họa v.v...) và thể thao nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Vấn đề là ông Tô Lâm có đọc văn bản này hay không. Vấn đề thứ hai là ông Tô Lâm có hiểu và công nhận giá trị của việc đọc sách hay không. Bao lâu ông thấm nhuần được giá trị của sách và việc đọc sách thì bấy lâu mới có hy vọng sách vào được nhà tù!

    Trả lờiXóa
  6. Một khi sách vào được nhà tù thì cũng còn phức tạp lắm! Đó là loại sách nào tù nhân dược đọc! Chắc chắn chỉ có các loại sách đại loại như lịch sử đảng, ruồi trâu, vớ vẩn thế thôi!

    Trả lờiXóa
  7. Giời ơi đọc sách nó sáng dạ làm sao mà lãnh đao được.

    Trả lờiXóa