Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Dự án Nhổn - Ga HN: LÒ ĐỐT TIỀN CỦA NHỮNG KẺ VÔ TRÁCH NHIỆM




Dự án tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội 
Đường sắt Nhổn - Ga HN: 
Thẩm định 1 ngày, đội giá 300% 

Đất Việt

Thứ Tư, 11/01/2017 06:57

Công tác phê duyệt gói thiết kế kỹ thuật của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chỉ được tiến hành 1 ngày, đến nay đội vốn 300%.
'Bơm'thêm 393 triệu Euro dự án đường sắt đoạn Nhổn-ga Hà Nội
Cần cẩu đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sập, đè nhà dân

Thẩm định và phê duyệt chỉ trong 1 ngày


Ngày 10/1, Tiền phong đưa tin, gói thầu thiết kế kỹ thuật (TKKT) Dự án Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội được giao cho Cty Systra (Pháp) thực hiện. Theo Quyết định công ty này phải hoàn thành gói TKKT sau 12 tháng, nhưng sau gần 2 năm Systra mới trình ra bản chính thức.

Ngay sau đó, tháng 12/2012, Tư vấn thẩm tra là Cty Senner (Tây Ban Nha) công bố kết quả thẩm tra hồ sơ TKKT số 3 do Cty Systra lập chưa đáp ứng một TKKT hoàn chỉnh, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của TKKT cho dự án đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, thay vì yêu cầu Systra làm lại TKKT theo đúng nhiệm vụ đã được phê duyệt, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (BQL) lại gấp rút tổ chức thẩm định và phê duyệt TKKT của gói thầu số 3 chỉ trong 1 ngày.

Do TKKT không đạt yêu cầu và không thể chuyển sang bước Thiết kế bản vẽ thi công nên dự án tuyến Đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Hà Nội đã làm kéo dài thời gian thực hiện dự án hơn 7 năm chưa xong tuyến đường dài 12,5km và tăng chi phí.
Sau đó, HN có yêu cầu BQL phải rà soát lại nhiệm vụ của Cty Systra theo Hợp đồng tư vấn thực hiện dự án đã ký để giảm trừ khối lượng công việc thiết kế, tuy nhiên, ngày 12/3/2014, BQL đã ký hợp đồng trọn gói với Cty Systra không giảm trừ do khối lượng TKKT, ngược lại còn đồng ý bổ sung 6.652.428 Euro (khoảng 190 tỷ đồng) cho nhà thầu này, khiến chi phí tăng 300% so với hợp đồng ban đầu.

Trước thông tin về sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/1, TS Phạm Anh Đức - Trưởng Khoa QLDA, Trưởng Bộ môn Quản lý Dự án Xây dựng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết: "Đưa ra đánh giá thẩm định một dự án cần phải có thời gian, trong 1 ngày thì không thể đủ để xem xét và phê duyệt dự án.

Bây giờ chủ đầu tư muốn xem xét hồ sơ cho khách quan thì có thể nhờ đơn vị tư vấn độc lập đưa ra ý kiến đánh giá, các nhà tư vấn cần phản biện lại, đáp ứng được câu hỏi một cách khách quan thì sẽ không có gì lạ.

Nhưng nếu đưa ra đánh giá nhanh vội như vậy chắc chắn có lỗi cho từ 2 phía, để tổ chức một Hội đồng thẩm định có nghĩa là phải trải qua một quá trình dài đánh giá, xem xét từng nội dung trong đó.

Còn về nguồn vốn đầu tư có nhiều lý do để phát sinh, đó là lý do vì sao tăng từng bước tích lũy sơ bộ, khi đề xuất hợp lý.

Tăng vốn có thể do tại thời điểm lập hồ sơ thì gía thị trường thấp, nhưng 1-2 năm sau nó vượt quá dự phòng của mình. Còn vấn đề địa chất kỹ thuật của khu vực xây dựng, thay đổi công nghệ, trong hướng dẫn có nói nhiều yêu cầu hợp lý tạo ra sản phẩm tốt hơn".

Riêng đối với dự án trên, lỗi do đâu, theo ông Đức thì phải xem xét, dựa theo tình huống cụ thể, cũng chưa khẳng định là lỗi cho đơn vị tư vấn thiết kế hay do BQL.

Cũng cần phải xem xét lại hình thức hợp đồng áp dụng cho bên đơn vị tư vấn Pháp theo Luật VN hay luật Pháp, quy định có kèm theo giá không đổi, thời gian giao hàng, hợp đồng ghi thêm trường hợp vi phạm và không vi phạm, xử lý ra sao hay không, khi đó mới có thể kết luận và xử lý.

Sai ở đâu, xử ở đó

Cũng đưa ra quan điểm về sự việc trên, GVC.ThS. Lê Văn Lạc - Chủ nhiệm khoa, Trưởng bộ môn cầu hầm - ĐH Bách Khoa ĐN cho hay, TKKT phải phù hợp với thiết kế cơ sở đã phê duyệt, đảm bảo thực hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, là căn cứ để triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công. Nếu chưa hoàn chỉnh mà lại phê duyệt thì không đúng với yêu cầu chung đối với bất cứ dự án nào.

"Thẩm định cả một công trình lớn, khó VN chưa có nhiều kinh nghiệm như đường sắt đô thị mà chỉ trong 1 ngày là điều quá lạ lùng, tôi chắc chắn là thẩm định một cách đại khái, làm chiếu lệ cho có.

Không thể một hồ sơ lớn chỉ thẩm định 1 ngày, phê duyệt đưa vào làm ngay, vì nó có quá nhiều hạng mục từ máy móc, nguồn nhân lực, thi công, đơn giá, đền bù giải tỏa, điện nước...Tất cả các hạng mục phải làm đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình hiện hành, đơn giá hiện tại, bao nhiêu thứ làm sao 1 ngày là làm xong, có nhiều dự án phức tạp thẩm định còn cả tháng, nói gì 1 ngày.

Riêng đơn giá từng giai đoạn 1 ở nước mình còn bao gồm rất nhiều thứ, từ văn bản này đến văn bản khác, dùng cái gì cũng phải qua con người đối chiếu, chi tiết bên trong.

Vì thế, ông Lạc khẳng định: "Đây chỉ là cách làm để hợp thức hóa, có thể họ thỏa thuận với nhau, làm cho xong chiếu lệ không thể chính xác.

Bây giờ nhiều vấn đề dích dắc, "đi đêm" trong đó khó giải thích, cũng có nhiều trường hợp thỏa thuận hai bên giữa đơn vị tư vấn và BQL dự án hợp thức hóa hồ sơ, việc này là sai hoàn toàn. Tất cả những việc này dẫn đến hồ sơ dự án không tốt, đằng nào cũng chậm thì giờ chấp nhận chậm thêm. Và tất yếu trong đó có yếu tố lợi ích nhóm, lợi ích tư nhân".

Việc cần làm hiện nay là phải có một cơ quan có năng lực thật mạnh để họ thẩm tra cho kỹ càng. Sai ở đâu thì phải xử lý ở đó mới chấm dứt được tình trạng này tái diễn ở các công trình khác.

Bài học đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và giờ là bài học Nhổn - Ga Hà Nội đều chung một hiện trạng đội vốn, chậm tiến độ, nên về phía quản lý VN cũng cần nhìn nhận và đánh giá lại.
Châu An

1 nhận xét :

  1. Chưa có con buôn nào lời nhanh như vây . Chỉ trong một ngày đã lãi gấp 3 lần !

    Trả lờiXóa