Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Đạo diễn Phạm Cường: VÀI KỶ NIỆM VỀ ỨNG XỬ VỚI LÊN ĐỒNG

Hầu đồng. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện.

(Đạo diễn phim tài liệu)
 
Một sinh hoạt văn hoá dân gian (Folklore) đặc sắc như vậy mà một thời từng bị vùi dập tơi tả bởi những cái đầu tăm tối vì cho rằng hầu đồng là hoạt động mê tín dị đoan. Là tàn dư của chế độ thực dân phong kiến để lại cần phải triệt phá tận gốc.

- Nhớ lại, năm 1986 tôi bắt tay vào làm bộ phim Làng Tranh Đông Hồ. Người dẫn chúng tôi đi quay dọc các làng quê Thuận Thành Kinh Bắc hồi đó là chú em Thuận nhân viên Phòng Văn hóa Huyện Thuận Thành. Cả một vùng đất ca dao nổi tiếng như thế mà giờ đây tàn tạ bi ai bởi biết bao đền thờ mẫu lớn nhỏ ở Song Hồ, Song Liễu, Thanh Khương, Trạm Lộ, Trí Quả, Đình Tổ, Gia Đông, Hà Mãn, Hoài Thượng, Mão Điền... đều bị triệt hạ không thương tiếc. Tôn tượng Mẫu Liễu linh thiêng là thế mà bị tịch thu xếp vào xe cải tiến đem đi đốt bỏ hay chất vào các kho phân đạm, xi măng của HTX nông nghiệp.

- Trước đó vào năm 1982, theo chân bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, tôi may mắn được ông Đồng Thịnh cho phép quay những món cẩn chạm sơn son thếp vàng qúi giá ở Đền Hàng Quạt Hà Nội (Phim "Tranh Sơn Mài" của đạo diễn Lương Đức). Ông Thịnh mua rẻ được khá nhiều cổ vật trong các đợt ra quân "bài trừ mê tín dị đoan" trên Miền Bắc từ thập niên 1960-1970. Trong đó có cả những sập sơn mài dùng cho việc lên đồng mà ông Tạ Đình Đề đã từng sở hữu.

- Năm sau, 1983, Hội Gióng (9/4/âm) lần đầu tiên được khôi phục sau 37 năm gián đoạn. Sự thành công của lễ hội nếu không có sự hỗ trợ của những mạnh thường quân nổi tiếng và có thực lực như ông Đồng Thịnh (Đền Dâu - Hàng Quạt Hà Nội) thì khó mà tựu thành. Là quay phim chính của bộ phim màu nhựa 35mm do đạo diễn Lê Quốc và cố vấn KH là GS Đinh Gia Khánh (Viện Văn hóa dân gian) chủ trì tôi như được tắm mình trong một diễn xướng văn hóa dân gian lâu đời ở nơi Đền Gióng (mang đậm tín ngưỡng thờ mẫu) mà bấy nay ngủ yên.

- Năm 1992, tôi mới thực sự được "giáp mặt" hình tượng MẪU ở các đền Bà Tấm (Ỷ Lan ở Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.) và Phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh linh thiêng. Từ chỗ coi Đền và Phủ chỉ là truyền bá mê tín dị đoan mê hoặc và ru ngủ nhân dân. Nay để vào được những Ban Khánh tiết của các đền mẫu đều phải là cổ cánh hẩu trong cấp ủy ở địa phương. Đó là thành quả của công cuộc “Đổi Mới” hay do sức quyến rũ của những hòm (công đức) tiền đầy ắp trong những ngày khách thập phương trẩy lễ hội đầu xuân và mỗi cuối tuần… là tùy cái nhìn của mỗi người?!
 
 

4 nhận xét :

  1. Ở Việt Nam, tất cả các đạo đều là đạo nhập ngoạị. Duy nhất chỉ có ĐẠO MẪU là đạo do chính người Việt sáng tạo ra. Vì vậy, ĐẠO MẪU chính là QUỐC ĐẠO của dân tộc VN.
    Từ xa xưa, Trung quốc có nhập sang VN 3 vị Thánh Mẫu là Tây Vương Mẫu (mậu Cửu), Bạch Y Thánh Mẫu và Quan Âm Bồ tát.Nhưng cả 3 vị đó tuy được nhân dân VN tôn thờ nhưng vẫn không thuộc Đạo Mẫu VN. Đạo Mẫu VN chỉ tôn thờ các Mẫu, các Chầu, các Quan lớn, Các ông hoàng, các cô, các cậu người VN, với tư cách là những anh hùng yêu dân yêu nước của người VN mà thôi....

    Trả lờiXóa
  2. Làng quê miền Bắc trước ngày Cm Văn hóa rất nhiều điện thờ Mẫu.
    Tôi vẫn nhớ các Bà các mẹ ở đó say mê hầu đồng, lên đồng.
    Rất nghiêm trang thành kính. Một nét đẹp của Văn hóa dân gian.
    Mong rằng Tín ngưỡng thờ Mẫu ngày nay sẽ gạn đục khơi trong để không hổ thẹn với Tiền Nhân.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn chú Tễu đã đăng bài này. Có 2 người tron bài này tôi đã từng biết và gặp. Chú Phạm Cường (nếu đúng trước đây ở khu tập thể đại học Thủy lợi) là người đã chụp cho tôi và gia đình nhiều bức ảnh những năm 1980s. Chú Cường chụp rất đẹp. Người thứ 2 chú Phạm Cường nhắc đến là đạo diễn Lê Quốc. Có lẽ đây là đạo diễn Lê Quốc quê Phù Lưu- Bắc Ninh là người có họ hàng với gia đình tôi.

    Trả lờiXóa
  4. Nghĩa đen của chữ "người vô Thần" là những người không thờ Thần thánh.Còn người có đạo thì thuộc về các tôn giáo. Đã gọi là tôn giáo thi tất nhiên không phải là người vô Thần. Không vô Thần có nghĩa là tôn thờ Thần Thánh, coi niềm tin của mình là thiêng liêng. Nói tóm lại, kẻ vô Thần thì thờ người trần, người có đạo thì thờ thần Thánh, khác nhau ở chỗ ấy thôi. Đạo Mẫu VN là Đạo của người VN. Đã gọi là Đạo, thì đấy là một tôn giáo, phải có tính Thiêng trong việc thờ phụng, không phải là vô Thần. Chẳng có gì gọi là phải gạn đục khơi trong cả !

    Trả lờiXóa