Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

THƯ GỬI THẦY GIÁO CŨ


Bùi Văn Thuận

THƯ GỬI THẦY GIÁO CŨ

Nhận được tin nhắn trên facebook của thầy (thày) em vừa mừng vừa buồn thầy ạ. Mừng vì thầy còn nhớ đến em sau gần mười năm không gặp, mừng vì thầy đã dùng facebook. Còn em buồn vì nội dung tin nhắn của thầy.

Trước hết, em kính chúc các thầy cô sức khỏe, niềm vui, bình yên. Mong rằng các thầy cô có niềm vui trọn vẹn trong ngày 20/11.

Trước khi trả lời nội dung tin nhắn của thầy, xin phép thầy cho em được nhắc vài "sự kiện" để thầy thấy rằng em chưa bao giờ quên việc gì, đặc biệt là những người có ơn với em. Chắc thầy quên rồi, nhưng em vẫn nhớ mùa đông năm 1999 rất lạnh, có lúc xuống đến 4 độ, em đi học mà môi tím ngắt, tay cóng không viết được. Chiều hôm đó thứ 7, mấy thầy trò học đội tuyển gần như em không viết được vì giá rét. Thưa thầy, em suốt từ nhỏ đến năm lớp 12 chưa hề biết chiếc áo ấm, áo khoác là gì. Lúc đó, em chỉ mặc một chiếc áo len mỏng, bên trong là một chiếc áo phông số, bên ngoài thêm một chiếc áo sơ mi, chân không hề có giày tất gì cả mà muôn đời là dép, lạnh 4 độ thì viết sao được thầy? Tối đó thầy và cô (vợ thầy) đã mang vào cho em một túi quần áo trong đó có một chiếc áo khoác mà thầy mặc lúc chiều đi dạy, đó là chiếc áo ấm đầu tiên trong đời của em, chiếc áo đó rất ấm và hiện nay em vẫn còn giữ ở quê thầy ạ. Ngoài ra, còn có chiếc áo "mút lào" cũ nhưng còn đẹp cộng với 2 chiếc quần bò (jeans), 4 cái áo sơ mi (2 cái mới) còn rất đẹp. Túi quần áo của thầy cô đã giúp em giữ ấm và có thể cầm bút viết tiếp và viết mãi đến tận sau này, những chiếc quần áo đó còn đi theo em đến tận 3 năm sau (trừ áo khoác đến bây giờ). Em không quên thầy ạ, không bao giờ quên.

Thầy dạy em từ một người dốt đặc môn Hóa học ở lớp 10 thành một "cao thủ" cỡ tỉnh, công ơn đó em không dám quên. Thầy là người truyền đam mê về tri thức cho em, làm cho em có động lực không ngủ trưa mà tranh thủ ngồi đọc sách, thầy chỉ dẫn, cho mượn sách tham khảo (tất nhiên, em không thể nào mua nổi sách tham khảo) để em đọc em học, vướng vấn đề gì thì tranh thủ gặp thầy để hỏi. Rồi những lúc bọn em học mà đói quá thì cô và thầy lại lôi cả đám sang nhà ăn cơm, thậm chí cô bán ở căng tin còn liên tục cho em bánh gối, bánh rán ăn cho đỡ đói. Quên sao được thầy, những chuyện đó ám ảnh em mãi.

Em chăm đọc các sách về khoa học xã hội cũng một phần nhờ thầy, thời điểm năm lớp 10 em rất kính nể thầy về kiến thức lịch sử nên em cũng lao vào đọc sách xã hội, lịch sử và các môn khoa học khác kể cả Mác Lê em cũng đọc rất chăm chú. Năm lớp 12, thầy khuyên em nên thi vào ĐHSP Thái Nguyên là nơi trước đây thầy từng học, rồi thầy hứa lo cho sách vở tài liệu khi đi học, lo giới thiệu các thầy cô ở khoa Hóa ĐHSPTN cho em, rồi bảo ra trường thầy lo chỗ làm cho em... Nhưng em đã không nghe lời thầy, em muốn học trường khác, ngành khác. Em xin lỗi nhưng đó là lựa chọn của em và em muốn tự mình quyết định tương lai cho mình. Còn nhiều chuyện khác nữa em vẫn nhớ thầy ạ

Rồi bọn em tốt nghiệp 12, đi học khắp nơi, thằng thì suôn sẻ, đứa thì lận đận trong đó có em. Mải mê với cuộc sống, mải mê chơi, mải mê nhiều thứ mãi năm 2007 em mới gặp lại thầy, rồi từ đó vì cuộc sống em đi suốt, đau khổ vì những chuyện tình thời sinh viên, đau đớn vì tiền bạc, có tất cả rồi mất tất cả, vật vờ như cái xác không hồn cũng đã trải qua, mệt mỏi, bê tha cũng không còn lạ. Em vẫn chưa có dịp gặp lại thầy cô.

Thưa thầy, bây giờ em xin nói về nội dung tin nhắn của thầy: "Thuận, em còn nhớ những gì mà đảng và chính phủ đã làm cho em không?". Em hơi bất ngờ vì câu hỏi của thầy, có vẻ như thầy hờn trách em gì đó, hay em làm sai gì đó. Em đã suy nghĩ gần 10 ngày nay vì tin nhắn của thầy, một người mà em vừa mang ơn vừa rất kính trọng. Có lẽ vì những "tin đồn" về em nên thầy nhắn cho em phải không ạ? Em xin nói là "tin đồn" đó có thật thầy ạ, và em thấy đó là con đường đúng đắn nhất cho tất cả mọi người. Nếu một người có lương tâm, có hiểu biết sẽ phải lên tiếng trước những bất công, trước những thực trạng tồi tệ của đất nước.

Em không muốn đao to búa lớn, không dám "lên mặt" với thầy. Nhưng xin thầy hãy nhìn xung quanh, nhìn thực trạng đất nước, nhìn bằng tất cả trái tim và khối óc. Em chỉ đơn cử trong ngành giáo dục thôi thầy nhé:

- Có chuyện chạy chọt cho con vào trường này trường kia không ?

- Có chuyện bớt xén, tham nhũng trong các dự án giáo dục, dự án xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trong các trường không?

- Có chuyện lạm thu, thu tiền của phụ huynh học sinh một cách vô tội vạ không?

- Có chuyện "chạy, mua" nơi làm việc, mua biên chế, chạy chuyển trường không?

- Có chuyện "đường dây", cơ cấu trong bổ nhiệm lãnh đạo các trường và cả Sở GD không?

- Có chuyện bớt xén tiền ăn, tiền hỗ trợ của học sinh các trường nội trú, bán trú không?

- Có chuyện trù dập học sinh để bắt học sinh đi học thêm không?

- Có chuyện chạy các danh hiệu "giáo viên dạy giỏi", "trường chuẩn"...không?

- Có chuyện học sinh như những con vẹt, như cái máy không?

- Có chuyện chạy theo thành tích mà làm hỏng rất nhiều thế hệ học sinh không?
....

Còn nhiều những thứ khác nữa thầy ạ, đó không phải là "hiện tượng cá biệt" nữa mà những thứ đó là căn bệnh của giáo dục, một căn bệnh phải chữa từ gốc rễ, không thể chắp vá. Mà gốc rễ của vấn đề là "triết lý giáo dục" là thể chế chính trị. Hiện nay, có lẽ thầy cũng nhận thấy giáo dục của Việt Nam mình đang là một hệ thống nói dối khổng lồ, có ai biết CNXH là gì đâu mà đòi đào tạo con người, đào tạo người học thành những con người "Xã hội chủ nghĩa"? Còn nhiều chuyện về giáo dục lắm ạ, nhưng đó mới chỉ là một mảng của đất nước này,còn kinh tế,còn hệ thống luật pháp, còn quyền con người, còn dân chủ thật sự, còn ô nhiễm, còn nợ công, còn tham nhũng, còn y tế, còn tàn phá tài nguyên, còn mất đất đai biển đảo vào tay giặc, còn sự vô cảm, suy đồi về mặt đạo đức trong xã hội... Những thứ đó là sai lầm có hệ thống và nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong đó có thầy và em, đến gia đình và con cháu của chúng ta nữa thầy ạ.

Vậy thầy bảo em phải làm sao? Im lặng trước những chuyện đó, sống như một cái máy, sống vô cảm bịt tai, bịt mắt lại để khỏi nghe khỏi thấy? Hay cố gắng "chen chân" vào hệ thống đó để kiếm ăn kiếm sống mặc kệ những người xung quanh? Xin thầy hãy cho em biết, em phải làm sao thầy ơi? Giá như em ngu dốt, mất trí, hoặc thiểu năng đi để khỏi nhìn khỏi nghe khỏi nghĩ thì hay biết mấy.

Còn chuyện ơn đảng ơn chính phủ, em xin phép được "cãi" thầy. Những thứ bọn em là người dân tộc thiểu số được "hưởng" khi đi học như SGK, chăn màn, cơm ăn, không phải đóng học phí... tất cả những thứ đó là tiền từ ngân sách tức là từ nguồn thuế của người dân. Chính đảng và chính phủ cũng đang phải ăn bám vào nguồn thuế, phí của dân thì lấy gì ra để "bố thí" cho người dân tộc như bọn em? Nếu mang ơn, em phải mang ơn tất cả những người dân đóng thuế của đất nước này. Mong thầy tha lỗi vì em đã dám nói thẳng, nói thật.

Em biết, thầy lo lắng cho em, có thể rất giận em. Nhưng có lẽ thầy cũng nhận thấy, em làm đúng, nghĩ đúng. Em không dám trách thầy, hay giận thầy, chỉ mong rằng thầy hiểu cho em. Em không biết nói gì hơn, chỉ mong thầy cô luôn bình an khỏe mạnh. Bất cứ khi nào em cũng mong nhận được tin nhắn, cuộc gọi của thầy. Nếu có thể, xin thầy hãy thường xuyên nói chuyện với em, để thấy rằng em vẫn như ngày xưa vẫn là đứa học trò của thầy.

Một lần nữa chúc thầy cô bình an, mạnh khỏe.
 
 

8 nhận xét :

  1. Những lời này cũng là dành cho cha mẹ ông bà chúng ta, những người luôn đặt đảng, chính phủ, HCM lên đầu

    Trả lờiXóa
  2. Hậu sanh khả úy! Thầy Cô chúng ta có khi phải học lại các trò.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi vẫn luôn nói với các học trò của mình rằng : Trước hết phải học làm một con người tử tế chứ không phải học để nhăm nhăm làm ông nọ bà kia. Và tôi cũng luôn luôn tự hào về các trò của mình vì các em biết làm Người

    Trả lờiXóa
  4. "...những gì mà đảng và chính phủ đã làm cho em không?". "Ông Thầy" không hiểu là Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam bây giờ không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam trước đây. Đã thoái hóa biến chất.

    Trả lờiXóa
  5. Còn đây là bài của một người thầy bên Trung Quốc. Ông ấy không huênh hoang ơn đảng ơn chính phủ Tập tiếc nào cả mà đầy ưu tư lo lắng cho tương lai các thế hệ học trò dưới chế độ độc tài.

    http://soha.vn/bai-dien-thuyet-ve-dao-lam-nguoi-gay-chan-dong-trung-quoc-20161008193550607.htm

    Trả lờiXóa
  6. "Còn chuyện ơn đảng ơn chính phủ, em xin phép được "cãi" thầy. Những thứ bọn em là người dân tộc thiểu số được "hưởng" khi đi học như SGK, chăn màn, cơm ăn, không phải đóng học phí... tất cả những thứ đó là tiền từ ngân sách tức là từ nguồn thuế của người dân. Chính đảng và chính phủ cũng đang phải ăn bám vào nguồn thuế, phí của dân thì lấy gì ra để "bố thí" cho người dân tộc như bọn em? Nếu mang ơn, em phải mang ơn tất cả những người dân đóng thuế của đất nước này. Mong thầy tha lỗi vì em đã dám nói thẳng, nói thật ". Cảm ơn trò đã nói hộ thầy cũng như rất nhiều người nghĩ mà không nói ra được.

    Trả lờiXóa
  7. "Em biết, thầy lo lắng cho em, có thể rất giận em. Nhưng có lẽ thầy cũng nhận thấy, em làm đúng, nghĩ đúng. Em không dám trách thầy, hay giận thầy, chỉ mong rằng thầy hiểu cho em. Em không biết nói gì hơn, chỉ mong thầy cô luôn bình an khỏe mạnh. Bất cứ khi nào em cũng mong nhận được tin nhắn, cuộc gọi của thầy. Nếu có thể, xin thầy hãy thường xuyên nói chuyện với em, để thấy rằng em vẫn như ngày xưa vẫn là đứa học trò của thầy". Có lẽ thầy không giận trò đâu, trò đáng mến lắm.

    Trả lờiXóa