Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

QUYỀN ĐƯỢC RÊN – MỘT KIỆT TÁC CỦA NHÀ VĂN LÊ MAI

 
QUYỀN ĐƯỢC RÊN 
– MỘT KIỆT TÁC CỦA NHÀ VĂN LÊ MAI

TS. Nguyễn Ngọc Kiên 

Cầm truyện ngắn “Quyền được rên” trên tay, ngườì đọc nghĩ ngay đến Hà Nội những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhà chật chừng hai mươi mét vuông mà chứa đến ba cặp vợ chồng. Mọi sinh hoạt thật bất tiện! Ngay cả rên khi quan hệ tình dục cũng phải ý tứ nhìn trước ngó sau! Nhưng “Quyền được rên” không phải truyện viết về tình dục hay sinh hoạt vợ chồng. Truyện viết về cuộc đời thực của nhà văn Hoàng Công Khanh, người đã được nhà nước đặt tên đường ở Kiến An Hải Phòng.

Trong công ước LHQ về quyền con người có nói, mọi  người đều có quyền được lao động học tập và nghỉ ngơi (Each person has the right to work, to rest and to housing). Rồi quyền hội họp, quyền biểu tình…, nhưng không thấy nói đến quyền được rên.

Có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng “Quyền được rên” của nhà văn Lê mai có thể xếp trên “Sống mòn” của Nam Cao;  vì “Sống mòn” viết về cuộc đời của ông giáo Thứ rất khổ cực trước cách mạng tháng Tám. Ở đây nhân vật chính là Hoàng không những vô cùng cực khổ mà còn phải chịu trăm đắng ngàn cay! “Quyền được rên” còn xếp trên “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, có dung lượng mấy trăm trang, cuối cùng chỉ đi tìm câu trả lời vì sao mình bị tù. “Quyền được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang, nhưng nó có tầm tư tưởng rất lớn của một tiểu thuyết. Nó được viết ra không phải để gây thù chuốc oán hoặc khắc sâu thêm mối hận thù. Mà nó rất bao dung để nhớ lại một thời ấu trĩ! Đúng như có lần nhân vật chính đã “thủ thỉ nói với con và cũng như nói với lòng mình: 

Ông - Con ơi! Oán hờn mà trả bằng oán hờn thì oán hờn ngày càng chồng chất. Con người hơn con vật ở chỗ đối xử với nhau có nghĩa có nhân. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Thánh Găng Đi nói: “Tôi không bao giờ tự hạ thấp mình ngang tầm của bạo lực.” Cái gì đã qua bố con mình cùng cho qua con nhé! Chớ để bụng, đừng thù oán ai cả… Càng đớn đau mình phải sống càng nhân hậu, con có hiểu không?” 

Đó cũng chính là tư tưởng nhân văn xuyên suốt của mạch truyện.

Cách hành văn có những đoạn đảo ngữ, nói lên được cái phi lý không thể giải thích được. Nó hệt như các truyện của Kafka, phi lý nhưng rất đúng “quy trình” ở xã hội Việt nam hôm nay!

“Quyền được rên” giống như câu thành ngữ của người Anh: “thanh gươm Damocles (the sword of Damocles) treo lơ lửng trên đầu” nhà văn. Viết văn là nghề hết sức nguy hiểm. Nhà văn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nguyên nhân chính là người ta nghi ông có dính dáng đến “Nhân văn giai phẩm” và bắt ông vào tù.

Nhân vật Hoàng, tức Hoàng Công Khanh bắt đầu được biết đến qua vở kịch thơ Về Hồ được diễn ở Hà Nội chào mừng quốc hội khóa một nước Việt Nam dân chủ cộng hòavà sau đó được công diễn trên nhiều vùng kháng chiến khắp cả nước. Thời gian đầu kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 3, ông giữ nhiều chức vụ quản lý trong ngành văn hóa và vẫn viết đều tay. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám đến 1950, ông xuất bản hai tập truyện ngắn Trên bến Búng (1947) và Chuyện người tù binh Algérie (1948), hai vở kịch nói Màn cửa vàng (1950) và Nhập ngũ (1950) cùng tập thơ Hà Nội không ngủ (1950). Các sáng tác của Hoàng Công Khanh thời kỳ này chủ yếu có mục đích phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.Từ giữa năm 1950 đến 1954, ông về Hà Nội viết văn, viết báo, làm tổng biên tập tạp chí Dân ý, một tạp chí có sự lãnh đạo của thành ủy Hà Nội. Những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất của Hoàng Công Khanh được viết trong thời gian này. Ông đã cho xuất bản các tác phẩm Mối tình đầu (tiểu thuyết, 1951), Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu (tiểu thuyết, 1953, tái bản 1991), Yêu chỉ một lần (tiểu thuyết, 1954), Trại Tân Bồi (tiểu thuyết, 1953), Bạn đường (tiểu thuyết, 1953), Éo le (tiểu thuyết, 1954), Bến nước Ngũ BồCung phi Điểm Bích (kịch thơ, xuất bản 1953, tái bản 1991). Các vở kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích được dựng lại trên sân khấu vào các năm 2007, 2008 và đều được đánh giá rất cao. Riêng Cung phi Điểm Bích còn được Giải A giải thưởng sân khấu 2007 của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Cuộc đời của nhân vật Hoàng (Hoàng Công Khanh) đầy tài năng và lừng lẫy như vậy nhưng đầy những nghịch lý:

-  Nghịch lý thứ nhất, ông làm nhà văn, và viết văn khi chẳng biết làm nghề gì khác. Với một nhà văn lừng lẫy như thế, khi ra tù nhớ nghề lúc rảnh, ông lại viết. Ông biết “ Văn chương là thứ cực kỳ nguy hiểm. Vinh quang chẳng đáng là bao mà nhục nhã ê chề thì vô tận. Ngày ra tù ông đã ngầm tự hứa sẽ cai nó, sẽ cạch nó đến già. Nhưng gió, nhưng nắng, nhưng hương đồng gió nội, nhưng những thôn nữ dịu dàng, e ấp như lúa, như ngô… khiến thi hứng giờ đây cuồn cuộn trào dâng. Ông chặc lưỡi . Sao mình lại không viết?” 

Thấy ông ngồi viết, đứa con gái ông sợ hãi – một nỗi sợ mơ hồ, đã phải kêu lên: 

“Bố ơi! Bố đừng viết nữa con sợ lắm. Thảo nào thi sĩ Phúc, văn sĩ Lam cứ phải viết chui, viết lủi. Mỗi lần viết cứ phải lén lút như tội phạm. Những câu thơ hay, những áng văn hay thẫm đẫm tình người – tình vật phải chịu chung số phận đớn đau nơi gầm giường, nóc bếp, đống rơm, chuồng lợn… 

Có lần, ông nghiêm túc nói với con: 

“- Bác Trần vừa tề gia nội trợ - nữ công gia chánh để bác gái bán hàng vừa viết truyện. Ông Trương vừa bới rác nhặt rau nuôi lợn vừa viết kịch. Bác Phùng vừa cắt tóc vừa làm thơ. Bác Loan vừa câu cá vừa vẽ… Chẳng lẽ bố lại không vừa làm lái chó vừa viết văn được sao?
.
Không đọc không viết bố thấy tiếc thời gian lắm, tủi mình và chưa xứng với mẹ, với các con. Vả lại, không viết nữa tức là bố công nhận mình sai, phải đi tù là đúng” 

- Nghịch lý thứ hai, một ngày ở ngoài nghìn thu ở tù. Bạn bè phải thốt lên, khi ông được vào tù - cái chi  tiết thật đắt và cũng hài hước, chỉ có ở Việt Nam: 

“- Học tập xong rồi hả? Giác ngộ rồi, đến giáo huấn ta đấy phỏng?... Ngẫm kỹ thấy anh cũng giỏi. Giỏi lắm! Người đời phải gây tội mới được tù. Còn anh, chẳng phải nhọc xác gây gì cũng được tù. Thời Pháp đi tù thời Pháp. Thời ta đi tù thời ta. Thời nào cũng được tù. Dễ thường nghề tù cũng đến kịch bậc rồi chứ kém cỏi gì!” 

Cuộc đời ông này ở tù đâm ra lại còn sướng hơn ở ngoài. Ở tù ông có cơm ăn, áo mặc và có công ăn việc làm. Ra tù thì chẳng có việc gì để làm. Để kiếm kế sinh nhai ông đã từng làm kéo xe, rồi làm người buôn chó, rồi dùng sức “chân cò tay vượn” của mình để đi đào hầm thuê.

Ra tù, có lúc không việc làm, những bạn bè, “đồng chí” một thời cũng xa lánh ông như xa lánh hủi: 

“Ngày ra tù, về nhà con thấy đấy. Nhà mình vẫn hoang lạnh như nấm mồ hoang. Bạn bè thân thiết, hàng xóm láng giềng có ma nào đến sẻ chia với mình đâu. Thậm chí ra ngoài đường có người chẳng may gặp bố, họ còn kéo mũ che mặt lảng đi.” 

- Nghịch lý thứ ba, nỗi buồn khi hết chiến tranh. Người ta thì vui mừng khi nghe tin chấm dứt chiến tranh. Đối với ông, hết chiến tranh đồng nghĩa với việc ông bị thất nghiệp. Hết chiến tranh thì ai còn thuê ông đào hầm nữa! Cuộc đời đầy chua chát! 

“Sư cha cái anh Giôn Xơn, nó lại tuyên bố: Ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nghĩa là, nó ngừng ném bom ở khoảng không gian mà ông sống và đào hầm để kiếm sống. Thế là… ông lại thất nghiệp.” 

Nghịch lý thứ tư, ông đi tù mà không biết mình phạm tội gì. Ở trong tù, ông hỏi quản giáo:

“Thưa cán bộ, trường hợp tôi bao giờ thì được ra toà?”  Ra tòa! Phải! Ra tòa! Các phạm kinh tế hay hình sự ở lán ông ai cũng đã được ra tòa. Họ có án đàng hoàng. Họ biết rõ ngày đi – cũng biết rõ ngày về. Còn ông… Ông mong ước được ra tòa. Ra tòa – ông nghĩ: Mọi việc sẽ được phân định rõ ràng. Trắng ra Trắng. Đen ra Đen. Lúc ấy, dẫu có phải đi tù ông cũng không oan ức. Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống chân rồi khinh khỉnh nói: 

-   Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt thế! Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì? 

Những câu trả lời ngô nghê của người quản giáo là minh chứng hùng hồn cho một thời quá ư là ấu trĩ: 

Ông lạnh người nhận ra cái tuyệt đúng, tuyệt gọn, tuyệt dễ hiểu của lời lẽ anh quản giáo, nhưng như thế thì mông lung quá, mịt mờ quá… Ông rụt rè thưa tiếp:

- Nếu không ra tòa, không có án tôi biết sao được tội gì? Hình phạt là bao nhiêu năm? 

Và đây nữa, lời anh quản giáo mới thật hài hước như lời một diễn hài: 

“Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ ý thông cảm:

- Dốt thế, ở tù cũng đáng... Ông là đi học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập, đi cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý mà! Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi, phấn khởi nhé!. 

Cái tư tưởng nhân văn của tác phẩm được gói lại ở đoạn đối thoại với vợ ông, khi ông bộc bạch – đây là cái đoạn cũng rất con người: 

“Vợ con khóc tu tu: Tiếng Tây tiếng Tàu đầy người…Tù thì còn hiểu được chứ. Đẩy xe bò thì không thể nào hiểu nổi”. 

Và cuối cùng Hoàng đã trả lời vợ: 

“Mà bà còn lạ gì tôi, nào có biết hận thù, căm uất ai đâu mà bà phải lo, phải sợ. Họ đánh mình đau quá thì mình rên. Rên cho nó đỡ đau, bà ạ! Con người ai chẳng có quyền được Rên. 

Nhưng thật hài hước khi mà ở một xã hội đến rên cũng không thể được, thì không thể nói quyền làm gì khác của con người. Vợ ông nói: 

- Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ ngây thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư?  Các ông ngày xưa ngợi ca – hát ông ổng còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ hơ…quyền được Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…” 

Vĩ thanh 

Tóm lại “Quyền được rên” là một kiệt tác của Lê Mai. Cách hành văn trong sáng, ngắn gọn, khúc triết, dung lượng của truyện được nén rất chặt. Nội dung tư tưởng và tính nhân văn rất rõ được thể hiện qua từng nhân vật.  Mặc dù trải qua những ngày tháng tù đày phải chịu “trăm đắng ngàn cay” nhưng cuối cùng ông đã được minh oan.  Tên Hoàng Công Khanh đã được đặt tên đường. Tác phẩm của ông đồ sộ và có giá trị ghi dấu ấn một thời như vậy, nhưng nhà văn chưa một lần được giải thưởng (phải chăng đây lại là một nghịch lý). Nhà văn Hoàng Công Khanh giờ đây hẳn cũng ngậm cười nơi chín suối.  Mỗi tác phẩm đều có số phận riêng của nó. Nhưng người viết tin rằng “Quyền được rên” sẽ sống mãi cùng hậu thế, bất chấp thời gian.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét