Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Cứu trợ vùng lũ: NHÀ NƯỚC & XÃ HỘI DÂN SỰ AI HƠN AI?

MC Phan Anh tặng quà và nói chuyện với người dân vùng lũ ở xã Phương Điền, 
huyện Hương Khê. Ảnh: Soha.

Cứu trợ vùng lũ: 
Nhà nước hay xã hội dân sự thắng?

VOA
Linh Đan
25-10-2016

Trong chiến dịch cứu trợ các đồng bào vùng lũ lụt ở miền Trung vừa qua, có thể thấy một sự không cân sức trong lượng tiền cứu trợ đổ về khu vực nghèo khó nhất của Việt Nam từ chính phủ và xã hội dân sự.


Theo Đời Sống Pháp Luật, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã quyên góp được từ các cơ quan nhà nước trên 6 tỷ đồng cho nhân dân ở vùng lũ miền Trung trong đó văn phòng chính phủ đóng góp 360 triệu đồng và bộ Kế Hoạch Đầu Tư đóng góp 450 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền này còn kém xa con số mà các tổ chức dân sự độc lập quyên góp được.

MC Phan Anh là một ví dụ điển hình khi anh nhận được sự đóng góp lên tới 16 tỷ đồng chỉ sau vài ngày kêu gọi quyên góp cho nạn nhân lũ lụt ở miền Trung. Theo VietNamNet đưa tin, MC Phan Anh của truyền hình Việt Nam có kế hoạch giúp 100 hộ dân trong vùng lũ nhưng với số tiền quyên góp ngoài mong đợi đã mở rộng quy mô hỗ trợ lên tới 4 xã, tương đương 4.000 hộ dân.

Không những chỉ quyên góp tiền, nhiều người trong số họ cũng như MC Phan Anh, đã đến tận vùng lũ để giúp đỡ bà con bị cô lập trong lũ. Sự tham gia của xã hội dân sự vào công tác cứu trợ nhân đạo, nhất là trong đợt lũ này, đang làm cho vai trò của họ trở nên quan trọng. VOA Việt Ngữ không thể tìm được con số thống kê tổng hợp số tiền do các tổ chức này quyên góp.

Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng là một trong những người kêu gọi quyên góp cho đồng bào lũ lụt miền Trung qua Facebook. Anh nói với VOA Việt Ngữ sau khi cùng một nhóm các nhà hoạt động đến vùng lũ lụt:

“Tôi thấy rằng thứ nhất là sự tham gia của xã hội dân sự cũng như những người dân bình thường, nhất là những người nổi tiếng có uy tín với việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai là cực kỳ quan trọng. Bởi vì bây giờ chúng ta không thể dựa vào chính quyền – mà chính quyền họ làm thì người dân mới được cứu. Cái này cần cả toàn xã hội.”

Theo truyền thông trong nước, trận lụt giữa tháng 10 đã làm ít nhất 25 người thiệt mạng và phá hủy cũng như nhấn chìm hàng nghìn căn nhà ở miền Trung. Quảng Bình và Hà Tĩnh là 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất.

Anh Dũng nói nạn tham nhũng và chậm chễ trong hoạt động cứu trợ của chính quyền là điều cho thấy sự cần thiết và quan trọng của sự tham gia của xã hội dân sự và người dân trong công tác cứu trợ:

“Cái việc mà khi mọi người tham gia vào và mọi người lại kêu gọi được nhiều hơn cả Mặt Trận Tổ Quốc thì đây là 1 điểm rất là mới – một điểm rất là phấn khởi về các hoạt động dân sự của Việt Nam.”

Với sự phổ biến rộng rãi của các trang mạng xã hội, nhiều tổ chức dân sự và nhất là các nghệ sỹ, nhà báo, doanh nhân đã kêu gọi quyên góp từ mọi tầng lớp trong xã hội trên khắp đất nước để ủng hộ tài chính cho những nạn nhân vùng lũ.

Vai trò của xã hội dân sự đã trở nên nổi bật ở Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ sau thảm họa cá chết ở miền Trung. Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức từ các trang mạng xã hội bởi các nhóm dân sự và họ đã đóng góp tiếng nói rất lớn để kêu gọi chính quyền xử lý việc công ty Formosa xả thải độc hại ra biển. Tuy nhiên, gần đây một tiến sĩ có tên tuổi của Việt Nam, Đoàn Hương, lại cho rằng mạng xã hội, nhất là Facebook, là “ảo” và 1 nửa số lượng người dùng là hạng “vô công rồi nghề.” Nhà hoạt động nhân quyền Dũng không đồng ý với quan điểm đó. Anh nói Facebook là một mạng xã hội hữu ích:

“Tôi nghĩ rằng đây không phải là mạng ảo mà đây thực sự là mạng thực – mạng rất là thực bởi vì ở đây toàn là những người thật việc thật và họ nói những việc rất trung thực và chính xác.”

Theo số liệu thống kê của Statista.com, số người dùng Facebook ở Việt Nam sẽ đạt gần 40 triệu vào năm 2018, tăng hơn 5 triệu so với năm nay. Với số lượng người dùng mạng xã hội ngày càng tăng ở Việt Nam, vai trò của tổ chức dân sự cũng trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực. 

5 nhận xét :

  1. Một cái tổ chức to đùng, kềnh càng, tiêu tốn hàng năm đến cả ngàn tỉ đồng, có mặt ở khắp đất nước nhưng khả năng cứu trợ đồng bào lũ lụt lại không bằng một người như MC Phan Anh thì thật trớ trêu và buồn cười!
    Vậy thì cái MTTQ to đùng ấy phải xem lại sự hiện diện của mình trong xã hội có còn cần thiết không? Rõ ràng là không cần thiết vì làm việc không hiệu quả.
    MTTQ nếu muốn hoạt động thì nên tự tạo ra kinh phí riêng mà hoạt động, thật vô lý khi chi phí cho cái tổ chức này hoạt động lên đến cả ngàn tỉ đồng lấy từ ngân sách của dân mà chỉ huy động được 6 tỉ đồng, chưa được một nửa khả năng của MC Phan Anh.
    MTTQ xấu hổ quá!

    Trả lờiXóa
  2. MTTQ chỉ để phục vụ đ chứ đâu làm gì phục vụ dân ! Cứ xem cái logo của CQ : Đảng Ủy, HĐND, UBND, MTTQ là thấy nó không giống ai . QH, HĐND là đủ rồi , MTTQ nếu có chỉ thành lập khi cần rồi giải tán , duy trì các Co quan thường trực den CQ cap Xa chỉ tốn tiền NS .

    Trả lờiXóa
  3. Sự kiện MC Phan Anh là phép thử dối với uy tín của những tổ chức thuộc đảng và nhà nước. Nó đặt ra dấu hỏi liệu thiết chế xã hội như bấy lâu nay có là hợp lý và hiệu quả chưa khi ứng cứu hoặc đáp ứng nhu cầu ổn định xã hội.
    Sự kiện MC Phan Anh cũng đặt ra vấn đề khả tín của những người lãnh đạo các tổ chức trên khi họ và tổ chức của họ với nhân lực khổng lồ mà không đủ khả năng vận động và kêu gọi nhân dân giúp sức khi xảy ra thiên tai hoặc biến cố.

    Trả lờiXóa
  4. Sự kiện MC Phan Anh đã bắn đi một tín hiệu rằng xã hội dân sự có vai trò sắp xếp lại trật tự xã hội mới nhân bản hơn, tình người hơn và khơi dậy niềm tin nơi người dân.

    Trả lờiXóa
  5. Rõ ràng sau sự kiện MC Phan Anh, đất nước mở ra một cục diện mới, đó là sự cạnh tranh giữa hai giá trị: một của đảng, và một của xa hôi dân sự. Đây là một cuộc cạnh tranh giá trị lành mạnh, vì mục tiêu của cuộc cạnh tranh là hướng về phục vụ đất nước và dân tộc, dân quyền, dân sinh.
    Xã hội dân sự không bao giờ đối đầu với đảng. Đảng nên nhìn lại và nhìn nhận giá trị thực tế của xã hội dân sự, nên trả tự do cho các blogger. Các blogger là những nhà yêu nước. Đảng nên cư xử một cách hiệp sĩ thì đảng sẽ nhận được sự ủng hộ của những người trước kia không mấy cảm tình với đảng.
    Sự thật nên được tôn trọng. Sự thật vừa là phương tiện đối thoại vừa là mục tiêu hướng tới của tất cả mọi người!

    Trả lờiXóa