Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

PHẢN ỨNG TRÁI CHIỀU VỀ SIÊU DỰ ÁN THÉP NINH THUẬN

 
Một người đàn ông vận chuyển các thanh thép tới một công trường xây dựng tại Hà Nội
vào ngày 08 tháng 6 năm 2016.

Phản ứng trái chiều
về siêu dự án thép Ninh Thuận


Nam Nguyên, phóng viên RFA
 RFA 2016-08-31 

Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây ra cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ chưa khắc phục đuợc, nhưng vào ngày 25/8/2016 vừa qua Bộ Công thương lại bổ sung một dự án thép công suất 16 triệu tấn năm ở ven biển tỉnh Ninh Thuận vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 -2025. 

Xu hướng lỗi thời 

Dự án mang tên “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” do Tập đoàn Hoa Sen của doanh nhân Việt Nam làm chủ đầu tư đang chờ giấy phép. Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD  và sử dụng 1.500 héc-ta đất ven biển để sản xuất thép là một ý tưởng táo bạo, được cho là có phần không hợp thời vì bài học Formosa đã trả giá quá đắt.

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội cho rằng, phát triển công nghiệp nặng bằng con đường sản xuất thép là lỗi thời. Theo xu hướng thời đại, làm một dự án thép lớn như thế là thất sách. Thép là ngành sử dụng nhiều nước, nhiều năng lượng, tốn nhiều nước, nhiều năng lượng là hủy hoại môi trường. Ngoài ra dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn đầu tư quá lớn chủ đầu tư sẽ phải sử dụng đòn bẩy để thu hút vốn… người ta bỏ ra một phần nhỏ nhưng xắn một miếng bánh rất lớn, cho nên mức độ mạo hiểm được khuyến khích rất cao, việc này tiềm ẩn rủi ro kinh tế rất cao. TS Nguyễn Quang A phân tích và nhấn mạnh: 

“Từ ba phương diện như thế tôi nghĩ rằng, nếu một nhà quản lý đất nước có đầu óc thì phải dẹp và cấm ngay những dự án như thế chứ không phải khuyến khích thế này thế kia...” 

Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến 2031. Theo đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn 1 được thực hiện từ 2017 - 2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn thép mỗi năm và chính thức sản xuất từ năm 2019.  Cùng với khu liên hợp gang thép, Tập đoàn Hoa Sen đồng thời triển khai các dự án thành phần bao gồm: Dự án đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Hoa Sen Cà Ná; Dự án đầu tư Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná.

Giới chuyên gia ngành thép nhận diện như thế nào về Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Trả lời Nam Nguyên vào tối 30/8/2016, ông Phạm Chí Cường chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam từ Hà Nội nhận định:

Theo tôi trong giai đoạn hiện nay Nhà nước phải cân nhắc xem xét rất là kỹ, bởi vì xu thế ở trong nước thì đã thừa thép rồi. Xu thế chung của cả khu vực và thế giới thì thép cũng đang dư thừa và nhất là Việt Nam ở gần Trung Quốc là nước dư thừa thép rất lớn và họ đang tìm mọi cách để xuất khẩu lượng thép dư thừa của họ, làm cho toàn bộ việc cân đối mặt hàng thép ở Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn mà nhà nước đang phải bảo hộ. Cho nên tôi nghĩ là, khi nghiên cứu ý đồ của Hoa Sen thì nhà nước phải rất thận trọng...” 

Cạnh tranh với ai? 

Đáp câu hỏi về khả năng cạnh tranh của thép Việt Nam với sản phẩm rẻ nhất thế giới của Trung Quốc, đặc biệt khi Hoa Sen dự kiến mở dự án mới và cam kết xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tức là chi phí cao cho vấn đề xử lý nước thải. Ông Phạm Chí Cường nhận định:

“Tôi hoàn toàn nghĩ là sự cạnh tranh của Việt Nam với thép dư thừa và giá rẻ của Trung Quốc là một thử thách rất là lớn. Bởi vì Việt Nam phát triển ngành thép trong điều kiện gọi là không có gì thuận lợi, do quặng không có cũng phải nhập, than mỡ để làm ra than cốc cung cấp cho lò cao cũng phải nhập. Cho nên không có ưu thế gì về mặt nguyên liệu để làm ngành thép. Nếu phải nhập tất cả mọi thứ như thế vào đầu tư ban đầu, trong khi Trung Quốc dư thừa công suất, họ đã có những liên hợp cực lớn rồi, đã sản xuất và khấu hao từ lâu rồi thì việc cạnh tranh của Việt Nam là điều hết sức khó khăn. Hiện tại nhà nước buộc phải ra những chính sách tự vệ và bảo hộ cho ngành thép trong nước, đánh thuế rất cao đối với những loại thép xây dựng, tôn mạ màu…Tôi cho rằng thể hiện sự cạnh tranh của mình là rất khó khăn.” 

Giả dụ Dự án được thực hiện và Hoa Sen đạt tới công suất 16 triệu tấn thép mỗi năm, thì vấn đề giá thành cạnh tranh với thép Trung Quốc là khó khả thi, nhất là khi Hoa Sen bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, hay nói cách khác chi phí cao cho vấn đề xử lý nước thải, chất thải kể cả khói thải.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận sáng 27/8 với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Phước Vũ Chủ tịch    Tập đoàn Hoa Sen cam kết không để một giọt nước thải nào chưa qua xử lý chảy ra biển. Rất hùng hồn, ông Vũ cố gắng thuyết phục là sẵn sàng ký kết với đại diện chính phủ về việc đóng cửa nhà máy và bàn giao toàn bộ tài sản cho nhà nước nếu vi phạm qui định bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 1 năm 2017-2018, Dự án thép Hoa Sen Ninh Thuận mới chỉ triển khai trên diện tích 240 ha, nhưng theo dự án đầy đủ Hoa Sen xin thuê tới 1.500 ha đất ven biển. Có ý kiến cho rằng, vấn đề quyền sử dụng đất ven biển chính là lời giải đáp cho dự án quá khổ của một tập đoàn tư nhân Việt Nam, nhất là hiện nay sản xuất thép và xi măng là những mặt hàng khó đem lại lợi nhuận.

“Những doanh nghiệp mà phất lên ở Việt Nam đều là ăn vào chênh lệch của đất, tức là chiếm đất với một giá rất là rẻ, xong rồi đầu tư một chút, rồi biến nó thành đất công nghiệp, đất định cư và lúc ấy có thể là một vốn năm bảy chục lời…Tôi nghĩ là những dự án như thế chuyện tận dụng đất đai ở Việt Nam là hiển nhiên.” 

Ninh Thuận là một tỉnh nghèo, cho nên chính quyền địa phương làm mọi cách để mời gọi đầu tư hầu cải thiện tăng trưởng kinh tế. Một dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná cùng cảng nước sâu trên diện tích 1.500 ha, khiến liên tưởng tới Khu liên hợp gang thép Formosa và cảng nước sâu Sơn Dương trên diện tích đất và mặt nước tổng cộng 3.300 ha.

TS Nguyễn Quang A nói rằng, chính quyền chỉ nghĩ đến tiền, nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và nhà máy thép Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh đã thể hiện sự sai lầm vô cùng lớn. Nay lại đến Ninh Thuận cũng đang hồ hởi đi theo vết xe đổ, xúc tiến một dự án sai lầm không kém.

 

6 nhận xét :

  1. - Thế giới đang dư thừa quá nhiều thép (http://satthep.net/tin-tuc/tin-thep-the-gioi/the-gioi-dang-du-thua-qua-nhieu-thep-49657.html)
    - Thế giới đang “bội thực” thép Trung Quốc (http://vsa.com.vn/the-gioi-dang-boi-thuc-thep-trung-quoc.html).
    - Hơn 6,5 triệu tấn thép giá rẻ trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam (http://petrotimes.vn/hon-65-trieu-tan-sat-thep-gia-re-trung-quoc-o-at-vao-viet-nam-466051.html).

    Những loại tin tức về "khủng hoảng thừa thép" trên đây có rất nhiều trên mạng internet, không lẽ chính phủ VN không biết điều đó, và cả lãnh đạo tập đoàn Hoa Sen cũng không biết điều đó? Chắc chắn rằng nếu đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn cho môi trường thì làm sao mà thép của tập đoàn Hoa Sen có thể cạnh tranh về giá với thép ngoại nhập được, nhất là thép Trung Quốc?.
    Biết rõ điều đó mà vẫn cố tình đầu tư (đối với tập đoàn Hoa Sen) và cho phép đầu tư (đối với CP Việt Nam) có phải là hành động "húc đầu vào đá"? hay "chui đầu vào bụi rậm". Còn nếu không phải vậy thì có lẽ đang có một "âm mưu" nào đó dưới sự chỉ đạo của Tàu Cộng?. Hay là tập đoàn Hoa Sen đứng tên, còn đồng tiền được chi ra để đầu tư là "đồng nhân dân tệ"?.

    Ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế" nhưng thực chất trong vụ này, ông đang đánh đổi môi trường để làm suy thoái thêm nền kinh tế VN.
    Nhân dân thực sự không hiểu nổi chính phủ này nữa>

    Trả lờiXóa
  2. Dự kiến Ninh Thuận sẽ có nhà máy điện hạt nhân, giờ lại thêm nhà máy thép nữa, cũng chẳng khác hạt nhân là mấy, hai sản phẩm này sẽ tàn phá Ninh Thuận, tàn phá đất nước.
    Những cái đầu ngu dốt đã và đang rước họa về cho đất nước vốn dĩ đã xác xơ này. Chỉ vài chục năm nữa thôi, trên mâm cơm của mỗi gia đình Việt chỉ còn có món...thép. Con em chúng ta sẽ chẳng còn hình dung ra con cá, con tôm nó như thế nào.

    Trả lờiXóa
  3. Quỹ đất dành cho thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp của Việt Nam không còn nhiều, số lượng dân oan vì mất đất không thể tăng lên mãi. Do đó, nhu cầu sử dụng thép nội địa không còn cao trong khi đó thép của Việt Nam rất khó xuất khẩu để cạnh tranh với thép của nước ngoài. Nhãn tiền, vụ án Formosa khổng lồ còn đang quá nhức nhối, chưa giải quyết được. Bởi vậy, xây dựng thêm nhà máy thép hoành tráng của tập đoàn Hoa Sen để làm gì?

    Trả lờiXóa
  4. Tôi thì nghĩ ngược lại , cứ cho nhà máy thép của anh Vũ thành lập vô tư luôn chứ ngăn cản chi ! Anh cứ phá nát môi trưởng càng nhiều càng tốt , cứ cho nhà máy Hột Nhơn xây , nếu nó xì ra càng nhiều càng tốt luôn .
    Để cho thấy cái đám dân ngu sáng mắt ra , cho nó sống trong tận cùng của sự ngu dốt thì mắt sẽ sáng lên , để cho bọn DLV lòi mắt ra .
    Phải chi hồi đó cho nó làm ĐSCT để hs đi học , để các bà đi chợ , để chứng minh IQ cao ( lời anh Nghị NT Cảnh ) . Chứ ngăn cản thì đám DLV nó bù lu , la hét nhứt hết cả đầu .

    Trả lờiXóa
  5. Chúng nó có ý đồ xấu mà thôi!

    Trả lờiXóa
  6. Tập đoàn Hoa Sen này rõ ràng chủ thật sự là Tàu khựa , chẳng có người VN nào có 1 tỉ đô la mà ngu xuẩn bỏ ra làm ăn tại VN trong khi tương lai VN sắp bị TQ nuốt chửng . Người TQ và VN giàu có đã lo chạy ra nước ngoài cã rồi .
    Người VN cho dù có thân thế , chổ dựa vững chắc , lớn cở nào cũng phải sợ quan chức đó bị thay đổi , CNCS bị sụp đổ , chỉ có ngu như bò mới bỏ cã 10 tỉ đô làm ăn lâu dài tại VN , do đó dứt khoát , duy nhất chỉ có Tàu khựa mới dám làm vì tương lai lâu dài được bảo đảm . Hiện tại nhiều tập đoàn , cty lớn ở VN mang tên người VN nhưng chủ thật sự phía sau là người TQ .

    Trả lờiXóa