Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Lê Luân: HÀNH TRÌNH VÀ KHỞI ĐIỂM

HÀNH TRÌNH VÀ KHỞI ĐIỂM

FB Luân Lê
12-9-2016 
 
Có nhiều người nghĩ, phải giàu có, hoặc chí ít không còn phải lo nghĩ về điều kiện kinh tế nữa thì hãy đi làm hay dấn thân vào con đường chính trị.

Mới nghe điều đó thì có vẻ như là đúng, nhưng đó là một vấn đề hoàn toàn khác của một đất nước mà ở quốc gia ấy đã có dân chủ, tức chính trị là một cuộc chơi của tất cả, nơi thể hiện tài năng về lãnh đạo, hoạch định chiến lược, hùng biện và dẫn dắt đất nước đến sự phát triển trong ổn định. Khi đó, người ta được tự do lựa chọn và coi đó (chính trị, lãnh đạo) chỉ đơn giản là một nghề, không cần giàu hay nghèo, không có độc quyền hay giới hạn, chỉ cần biết người đó có khả năng và sẽ được lựa chọn một cách trực tiếp từ dân chúng.

Bởi thế, mới có chuyện ở Hoa Kỳ, ông Obama sau hai năm đầu tại vị ở nhà trắng với chức danh quyền lực nhất thế giới mới trả hết cho một khoản nợ tồn tại từ thời sinh viên của ông. Một vài vị tổng thống khác còn đổ bể, phá sản và nghèo khổ, nợ nần gấp nhiều lần ông tổng thống thứ 44 của Mỹ này, ngay cả cho đến khi đã hết nhiệm kỳ của mình.

Còn ở những vùng đất mà quyền chính trị bị hạn chế và kìm kẹp, thì việc tham gia đòi hỏi những quyền năng đó chỉ là bước khởi đầu đầu tiên cho việc tồn tại một quyền chính trị chứ chưa thể nói đến việc sử dụng quyền đó để tham gia vào công cuộc chính trường của một quốc gia. Khi đất nước chưa có quyền chính trị cho mọi người dân, thì lẽ đương nhiên, giàu hay nghèo, nam hay nữ, già hay trẻ, phật giáo hay thiên chúa giáo, màu da hay sắc tộc nào, tất thảy đều phải lên tiếng để đòi quyền đó cho chính mình trước đã.

Chúng ta đang đi tìm quyền chính trị chứ chưa được gọi là làm hay bước chân vào con đường chính trị. Chúng ta đang đòi hỏi, chứ chưa có quyền, hoặc có, thì hoàn toàn phụ thuộc vào và bị kiểm soát đối kháng bởi một chủ thể khác.

Chúng ta, những người dân thuần túy của một quốc gia, chưa hề có quyền để làm chính trị, thì nói gì đến điều kiện để thực hiện quyền năng chưa có đó – một sân chơi không hề tồn tại, hoặc tồn tại như một sự ban phát, nhưng lại nằm ngoài sự kiểm soát của mình. Một công dân tự do, thật quá khó khăn cho việc thực hiện quyền tham gia vào bộ máy công quyền và hệ thống chính trị, mà nó được tổ chức khép kín, chặt chẽ, độc quyền bởi chỉ duy nhất một đảng phái mà không có sự hiện diện của bất kỳ tổ chức hay thiết chế còn lại nào khác.

Nói những việc trên và đem so sánh ở hai quốc gia, đơn giản như hai chuyện – một kẻ thì chưa có gạo và đang tìm kiếm chúng, còn một người với tâm thế chuẩn bị cho buổi nấu nướng và chắc chắn sẽ có một bữa cơm ngon theo mong muốn và phụ thuộc vào chính bản thân anh ta vậy.

Chúng ta, dù theo bất kỳ nghĩa nào, đều chỉ là đang đấu tranh để đòi quyền chính trị được thực thi, chứ chưa được và chưa có khả năng thực thi các quyền đó trên thực tế một cách đúng nghĩa.
 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét