Xin mời các cụ và quý thi hữu cùng họa bài
VỊNH "VƯỜN BÁCH THÚ"
Khuyết danh
Lời dẫn của Tư Đồ Văn Kiểm: Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội rồi xây dựng được bộ máy hành chính ở Bắc Kỳ. Để khoa trương thanh thế, chúng cho tổ chức hội chợ triển lãm ở Vườn Bách thú – Bách thảo nằm đằng sau Phủ toàn quyền Đông Dương (Nay là Phủ chủ tịch và dinh Thủ tướng).
Ngay sáng hôm khai mạc, trên các điểm tụ tập đông người xuất hiện bài thơ này. Bài thơ nhanh chóng được dân Hà Thành rồi cả nước đón nhận nồng nhiệt và tán phát mọi nơi.
Tôi tìm đựợc bài thơ Vịnh Vườn Bách Thú, tác giả khuyết danh, xuất hiện đúng 80 năm trước nhân hội chợ triển lãm Bắc kỳ năm 1936 tổ chức ở Vườn Bách thú – Bách thảo.
Bài thơ đã tồn tại 80 năm nhưng tính thời sự vẫn nóng hổi, tươi rói, nay xin giới thiệu bài thơ và ba bài họa của tôi.
Nguyên tác bài thơ như sau:
VỊNH VƯỜN BÁCH THÚ
Dưới tán cây xanh một dẫy chuồng
Trong chuồng nuôi đủ Thú, Chim muông
Khù khì vua Cọp no nằm ngủ
Nhớn nhác dân Hươu đói chạy cuồng
Lũ Khỉ được ăn bày lắm chuyện
Đàn Chim chực miếng hót ra tuồng
Lại còn Gấu dại vài ba chú
Hì hục tranh nhau một cục xương !
Ba bài họa của Tư Đồ Văn Kiểm:
Bách thú thời nay rất lắm chuồng
Chứa nhiều thú lạ với chim muông
Sơn lâm chúa tể, no nằm ngủ
Nai, hoẵng, cheo cheo, đói chạy cuồng
Lũ khỉ, đười ươi bày lắm chuyện
Đàn chim, khướu, vẹt hót ra tuồng
Gấu ngựa, gấu mèo cùng gấu trắng
Hì hục tranh nhau những khúc xương !
HỌA 2
Xã hội hôm nay lắm thứ chuồng
Nhốt nhiều “thú lạ”, lẫn “chim muông”
Đầu đàn vớ bẫm no nằm ngủ
Nhớn nhác đàn em, quậy phát cuồng
Lũ khỉ bày ra muôn chuyện lạ
Bọn ma tạo cớ vét ra tuồng
Lại còn đồ đệ bầy đàn lũ
Hì hục tranh nhau thịt lẫn xương
HỌA 3
Tất tật cùng nhau nhốt một chuồng
Cả thú, cả người, cả chim muông
Đại ca, đầu lãnh no - nằm ngủ
Đệ tử, dân đen đói - chạy cuồng
Lũ nịnh thi nhau “bày” lắm chuyện
Bầy gian chực miếng “hót” ra tuồng
Lại còn một bọn chuyên đồ tể
Xẻ thịt, tranh nhau gặm sạch xương.
TƯ ĐỒ VĂN KIẾM
Tôi chọn Bài gốc và Bài họa 3!
Trả lờiXóaTheo tôi,bài 3 là hỏng nhất vì thơ bị thất niêm
Xóaở chữ thứ NHÌ (thú) thanh trắc của câu thứ 2 (đề)
mà lẽ ra phải là thanh bàng mới chỉnh.
Bài 2 hay nhất.
Nguyên tác cực hay ! Ba bài họa đều hay ! Cảm ơn TƯ ĐỒ VĂN KIỂM !
Trả lờiXóaNhững năm 1970, tỉnh Nam Hà là tỉnh ghép Hà Nam và Nam Định, tỉnh lỵ là thành phố Nam Định, Tỉnh Uỷ Nam Hà đóng ở đấy. Không biết vì sao trong sân Văn phòng Tỉnh Uỷ lại có một cái chuồng bê tông nuôi nhốt một con khỉ. Vậy nên địa phương có lưu truyền bài ca dao rằng:
Trả lờiXóaAi qua Tỉnh Uỷ Nam Hà
Mà xem con khỉ ở nhà bê tông
Khỉ ơi mày có sướng không
Chúng tao làm chủ nhưng không có nhà.
Bài thơ này nguyên văn là của cụ Đặng trần Lộc nguyên tác là;
XóaAi về Nam Định quê ta,
mà xem lũ khỉ ở nhà bê tông.
Khỉ ơi khỉ có sướng không, chúng ông làm chủ mà không có nhà
Ngẫm nghĩ dân ta ở một chuồng
Trả lờiXóaCùng chung bầy thú lẫn chim muông
Ngày ngày cắn xé không ngơi nghĩ
Tháng tháng tranh giành chẳng bỏ buông
Lúc đói cùng lao vào xé thịt
Khi no phè phỡn ngó làm tuồng
Hét hò hý hững nhìn dân đói
Sót lại trong chuồng mấy cục xương...
BÀI HỌA
Trả lờiXóaCó mấy triệu con nhốt một chuồng
Chỉ toàn là khỉ với chim muông
No ăn khỉ chúa lăn ra ngủ
Đói bụng khỉ đàn chạy khắp chuồng
Khỉ đỏ hung hăng leo thoắt thoắt
Khỉ vàng động cỡn nhảy luông tuồng !
Lũ chim lặng lẽ xem trò khỉ
Khỉ cụ một con cố gặm xương !
Tiếc quá! Cả 3 bài họa của bác Tư Đồ Văn Kiếm đã đều mắc 1 lỗi khá “ấu trĩ” là lỗi khắc lục. Đó là việc đã lặp lại các chữ chim; chạy; ra. Không những thế còn bê nguyên xi nhiều đoạn của bài xướng nữa: “ no nằm ngủ”; đói chạy cuồng; “ hót ra tuồng”. Một bài thất ngôn bát cú có 56 chữ mà nhai lại gần hết bài xướng thì chán quá!!
Trả lờiXóaBài "Vịnh vườn Bách thú", Tư Đồ Văn Kiếm dẫn ra, có in trong
Trả lờiXóacuốn sách "Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội" của cụ Doãn Kế Thiện
xuất bản từ 1959. Trong cuốn này tác giả sưu tầm rất nhiều tư liệu quý về Hà Nội. Sở Văn Hóa Hà nội nên cho tái bản để phục
vụ bạn đọc ngày nay.Vì bản in cũ bằng giấy bổi,đóng lại rất
kém, chỉ bông đứt hỏng rất nhanh, chắc các thư viện ngày nay không còn!
(Trong bài dẫn ra trên, câu 2 khác với bản in của sách.
Nguyên bản như sau:"Mỗi chuồng nuôi một thứ chim muông")
Cho đến lúc tôi gửi bài này tất cả các bài xướng lẫn họa đều làm theo thể TRẮc .,theo gương các bài xướng họa thời danh của các cụ Tôn thọ Tường và Phan Văn Trị thì người ta nên đối TRẮC với BẰNG và ngược lại nên tôi sẽ họa với thể BẰNG kèm theo đây . Sợ không đủ chỗ:
Trả lờiXóaTrong vườn Cầm Thảo có nhiều chuồng
Chứa chấp dã nhân với thú muông
Chúa tể núi non no : Bụng phưỡn !
Thường dân biển ruộng đói: Chân cuồng !
Hai con khỉ độc toan trờ dởm !
Một ả gà tre tính diễn tuồng :
Gáy gở te te cho chúng chửi
Đáng cho cả nước đập tan xương
Trân trọng
LTĐQB(ĐầuXanh05@Gmail.com)
Dẫu biết thơ thẩn cũng chỉ ngồi nhai chữ thôi.Nhưng đang lúc nảy ý sinh tình mà không gõ phím,cái tay chẳng chịu yên.Góp vui một chút vậy.
Trả lờiXóaĐỔI LỐT
Muốn hưởng vi vu,thoát ở chuồng
Ngỡ lìa lốt thú được thành muông
Trời thêm sải cánh bay hồ hởi
Đất hết co chân chạy cuống cuồng
Cố mượn hình hài lên kịch bản
Rồi vay điệu bộ sắm vai tuồng
Bản năng cắn xé còn muôn thuở
Tóe máu giống nòi,chỉ miếng xương !
Lý Đức Quỳnh