Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

MỘT BỮA CỖ NÔNG THÔN VIỆT NAM QUA CON MẮT MỘT ANH TÂY


Quoc Tuan Vu

Trích 1 anh Tây tả 1 màn ăn cỗ miền Bắc:

"Tất cả bọn họ hân hoan ngồi sà xuống nền nhà bày la liệt và lộn xôn các món thơm ngon, một số chồm người qua các đĩa đồ ăn để lấy cho mình gia vị và những thứ cần thết.


Những người trung niên bắt đầu đào bới trong các đĩa đồ ăn lớn, lôi ra những thứ có lẽ là ngon nhất cho vào chén của những người già hơn, một số người già sau khi nhận được miếng ngon bắt đầu cằn nhằn và lập tức chuyển chúng sang chén của mấy đứa con nít đang ngồi xung quanh.

Không khí rất ồn ào, ai cũng nói một điều gì đấy nhưng có vẻ không quan trọng.


Noi gương những người đàn ông, đám phụ nữ thì tay lôi ra từ đĩa hay dùng đũa khoắng vào trong các nồi to hơn tìm kiếm một vài thứ mong muốn, khi vớt được một chùm trứng gà còn nhỏ, cả mấy người phụ nữa và đám con nít reo ồ lên.

Một trong số họ tiếp tục vớt đồ ăn trong các tô lớn, một số khác tỷ mẩn ngồi xé các chiến lợi phẩm để cung cấp cho lũ nhỏ.

Tôi thực sự không biết là bữa ăn đã bắt đầu hay chưa, khi ba người có vẻ lớn tuổi nhất ngồi rung rung chân liên tục và uống những ly rượu đục ngầu, một trong số họ lấy tay bốc một cây rau to, vặt lấy vài lá rồi ném cọng rau còn thừa trở về đĩa.

Số trẻ em vừa ăn vừa nói chuyện huyên náo và xô đẩy nhau rất hiếu động. Cứ mỗi lần mấy người đàn ông chọc đũa vào một đĩa xào thơm phức họ lại gào lên với những người xung quanh: Ăn đi , ăn đi.


Một phụ nữ đang múc đồ ăn cho chính mình chợt rụt phắt tay lại khi ai đó cũng thò đũa vào tô đồ ăn đó, chị ta có vẻ nhún nhường thái quá và hình như chưa ăn được bao nhiêu dù bữa ăn kéo dài đã gần 1 giờ đồng hồ, thời gian quá dài để bắt dạ dày phải liên tục nhận thêm đồ ăn.

Những vị cao niên được trọng vọng thấy rõ trong bữa ăn, họ ăn ít và thường xong đầu tiên. 

Một cô gái như từ dưới đất chui lên bưng đến một khay nước trà rất nóng kính cẩn mời những ông già, các ông mỗi người ngậm một cây tăm nhỏ xíu trong miệng liên tục cà qua cà lại như cách người ta sơn hàng rào không mỏi mệt, bắt đầu uống trà. Một ngụm trà nuốt vào sau đó họ chép miệng liên tục, rồi một ngụm nữa súc ộc ộc trong khi đám đông vẫn miệt mài ăn và thả đồ ăn vào chén của nhau.

Chợt một người phụ nữ quát to với đứa nhỏ có lẽ là con, không hiểu chị ta nói gì, nhưng thằng bé ngồi thụt ra khỏi chiếc chiếu, bẽn lẽn cúi mặt. Chị ta gầm gừ giật chén cơm trên tay nó, chan súp và lấy thêm các món khác còn lại trên mâm, giúi trở lại vào tay nó, miệng vẫn không thôi gầm gừ.

Sau này có dịp tiếp xúc với những người bạn Việt, tôi biết có một nguyên tắc trong bữa ăn với đám trẻ nít: Lúc đầu họ khuyến khích chúng ăn nhanh ăn nhiều cho mau lớn, sau đó họ nói: Ăn uống phải liên tục quan sát những người xung quanh và điều chỉnh hướng ngồi của mình cho hợp lý, còn thế nào là hợp lý và quan sát những người xung quanh để làm gì thì mỗi bà mẹ dạy con một kiểu.

Ai đó sau khi mút đũa chụt chụt bỗng dùng chính đôi đũa đó gắp thả vô trong đĩa tôi một miếng thịt hình thù kỳ dị, tất cả ồ lên: "Ngon Lắm Ngon Lắm". Tôi hơi ghê và băn khoăn liệu rằng những thứ mà họ thấy ngon thì tôi có thấy ngon hay không?

Bằng sự thận trọng cần thiết, tôi hiểu rằng phải nhường nó cho người lớn tuổi. Miếng Ngon đó đi lòng vòng rất lâu trong các đôi đũa ướt nhẫy, cuối cùng nó thuộc về người chủ thực tế của gia đình, một người đàn ông gầy và khắc khổ, vừa nhai nát nó, anh ta vừa rên rỉ trong miệng những lời bình luận thì phải.

Không ai nghe và cũng không ai trả lời, mọi người còn túi bụi thu gom các thứ cần thiết để cho vào một miếng "Bánh Đa" vừa được nhúng trong nước cùng với rau sống được vẩy lung tung ướt cả mặt người ngồi bên.

Cái chính rút ra được là: Có những thứ sẽ thừa rất nhiều, có những thứ bị thiếu ngay trong chục phút đầu. Tôi cho rằng đây không chỉ là lỗi của đầu bếp, mà còn chính là lỗi của những người ăn, khi họ không chỉ ăn mà lại tự thấy có trách nhiệm thúc ép người khác phải ăn những món mình thấy ngon.

Và như tôi đã trải qua khi lấy một miếng ức con Gà: "Đừng ăn Đừng ăn Không ngon Không ngon???"...tức là ngăn cản người khách ăn một món mà chính họ bày ra đĩa vì nó ...không ngon ???.

Khi bữa ăn kết thúc không ai dám động vào miếng "Chả" cuối cùng nằm lại trên đĩa như kiểu nó bị tẩm thuốc độc, cũng không hiểu vì sao.

Ôi ! Một phong cách ăn uống độc đáo! Dù sao tôi thấy bữa ăn của họ tuy căng thẳng, mất trật tự và vất vả quá mức những cũng rất khó quên và rất thân mật với các nguyên tắc vừa mơ hồ vừa nghiêm khắc...


17 nhận xét :

  1. Một bài tả thực rất sinh động. Hay. Bái phục óc quan sát.
    Nhưng nhìn nhau như vậy, thảo nào có thánh chiến, có IS.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tây nhìn thấy thế nào, thì viết thế ấy, không mầu mè, cũng không dối trá. Họ không giống người Việt và TQ bởi tính trung thực đấy bạn ạ. Những kẻ tăm tối lại chỉ muốn giữ mãi cái tập tục thời đồ đá, bắt con người không được sống văn minh để làm nô lệ cho chúng, nên mới có Hitler, IS và đặc biệt là CS đấy bạn ạ. Đây đúng là văn hóa của ĐCSVN muốn lưu truyền đấy. Họ không thể sống văn minh được đâu.

      Xóa
  2. Một bài văn tả thực vô cùng sinh động. Nếu chấm điểm thì bài văn của chàng Tây này sẽ được điểm 10.
    Nếu một trường THPT nào đó ra đề thi tốt nghiệp " em hãy tả lại một bữa cỗ quê em" thì chắc chắn sẽ có nhiều "phao" của bài văn này.

    Trả lờiXóa
  3. Văn hóa ăn uống của người Việt tôi thấy còn nhiều điều đáng chê trách, nếu như không nói là "man rợ".
    - Dùng đũa rất mất vệ sinh, nhiều khi nhìn các cụ khoắng đũa vào bát canh hoặc nồi lẩu sau đó lại cho vào mồm mút, thấy ghê ghê, không dám ăn...
    - Món ăn thì thôi rồi, cứ con gì quay lưng lên trời là người Việt chén hết;
    - Uống rượu, bia thì uống lấy chết, hai ba dô để làm gì?
    - Ồn ào, ầm ĩ, hò hét hết cỡ;
    - Ăn cỗ về mệt 3 ngày.

    Trả lờiXóa
  4. Không biết là vào năm nào, có lẽ cỡ 100 năm hay hơn về trước.
    Đây là văn hóa ăn thời bấy giờ.
    Và có lẽ cái văn hóa ăn này vẫn phảng phất còn cho đến hôm nay.

    Văn hóa giao thông, văn hóa xếp hàng, các loại văn hóa khác đều na ná như nhau.

    Bao giờ cho đến VĂN MINH.

    Trả lờiXóa
  5. Lúc rượu tê tê rồi còn phun mưa nữa chơ

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết này hay, tác giả không khen cũng không chê, chỉ thấy nó không hợp lý với tác giả mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Mình ghét nhất là lúc uống rượu , kiểu " 1-2-3 zô" cực kỳ thiếu VH và ngu xuẩn. Các cụ ngày xưa chỉ nhâm nhi chén rượu bằng cái hạt mít . Các cụ hiểu rượu nếu uống nhiều sẽ hại gan thận , nhưng hậu thế thì nốc tràn lan. Bệnh này có lẽ bắt đầu từ bên quân đội mà ra : tay nào uống khỏe-lên chức sớm!

    Trả lờiXóa
  8. Đọc bài này thật đáng xấu hổ cho cái gọi là "văn hóa ẩm thực
    của dân mình. Thực tình chính tôi đã từ lâu muốn bài trừ cái
    lối "dĩ thực vi tiên", ưa nhậu nhẹt ồn ào vô điều độ,vừa
    lãng phí sức người sức của (thực phẩm)này của dân mình.
    Nhưng mình chỉ thuộc về thiểu số, chẳng biết làm sao được! Từ hồi còn là học sinh, đọc chuyện "Việc Làng" của cụ Ngô Tất Tố đã thấy sự "hủ lậu", thiếu văn hóa của cái gọi là"văn
    hóa ẩm thực" của các cụ xưa rồi. Thế mà ngày nay xem ra vẫn
    chẳng thay đổi mà xem ra còn được "nâng lên một tầm cao mới", thêm phần "tệ hại" hơn!? Cứ nhìn "tầm cỡ" các đám "hiếu hỷ" được coi là có thêm cả nghi thức lễ nghi trang
    trọng nữa, mà đâu có kém phần ồn ào một cách xô bồ thiếu văn hóa!? Có lẽ muốn thay đổi được điều này, hẳn phải có
    luật mới quy định văn hóa ẩm thực chăng?

    Trả lờiXóa
  9. Bài văn của anh Tây này tả rất hay, rất thực...nhưng cũng rất ngượng vì cái " văn hóa ẩm thực " của dân An Nam chúng ta !

    Trả lờiXóa
  10. Bài viết mô tả khá đầy đủ thói ăn uống theo kiểu truyền thống với đầy rẫy thói hư tật xấu của người Việt mình, nó đang hàng ngày diễn ra ở khắp các bữa cơm, mâm cỗ từ làng quê cho đến các bữa tiệc tùng ở các cơ quan Nhà nước. Ăn uống thì đúng là " vừa ăn, vừa uống" rất thoi tục, chuốc nhau uống rượu, bia cứ rầm rầm, mặt đỏ tía tai, nói đủ thứ chuyện cứ oang oang như cái chợ vỡ, làm bắn hàng ngàn giọt nước bọt, mảnh thức ăn văng ra từ những cái miệng đang nhai nhồm nhoàm vào mâm cỗ ( mà nhiều người không nhận thấy). Thật đúng là kinh khủng !

    Trả lờiXóa
  11. Chấm chung 1 bát nước mắm là cực kỳ mất vệ sinh!
    Ấy thế nhưng, nếu bạn múc riêng nước mắm cho mình 1 bát, sẽ bị kết tội là "sống thiếu văn hóa"?
    Rối vãi!

    Trả lờiXóa
  12. Ở Đức gần đây đọc 1 bài cũng thấy thú vị ai rỗi đọc chơi!
    http://thoibao.de/nguoi-viet-o-duc/10677/kieu-sinh-hoat%252c-an-uong-cua-nhieu-nguoi-viet-tai-duc-nhu-vay-co-nen-chang%3F.htm

    Trả lờiXóa
  13. Bài văn của ông Tây tả một bữa tiệc ở vùng nông thôn Băc Bộ VN ! Sao không thấy ghi xuất xứ ? Có lẽ mọi người gốc Bắc bô xuất thân từ nông thôn mà ngày nay cư ngụ tại các tp như Saigon , đọc bài này cũng cảm thấy chạm tự ái ! Thực ra ngày nay nhiều gia đình gốc miền Bắc VN , dù ở đâu , cũng hay giữ thói quen trải chiếu xuống nền nhà để bầy tiệc chứ không bầy tiệc trên bàn ! Cái huyên náo và lộn xôn như trong bài văn như ông Tây tả tất nhiên là có nhưng ở những gia đình nề nếp cảnh này ít xảy ra ! Trong khu vực dành cho bọn trẻ tức là chiếu dưới luôn luôn có sự lộn xộn , cả hỗn láo và thiếu dậy dỗ . Có khi còn ăn chực những món ngon ngay trên bếp. Còn khu vực dành cho người lớn , tức là chiếu trên thì khá nghiêm chỉnh, nhất là khi có khách , các cụ lớn tuổi và vai vế lớn tham dự ! Cái cảnh nhiều đôi đũa cùng ngoáy trong một tộ canh là có và cảnh gắp miếng thịt to bỏ vào bát người lớn hay người khách ép ăn , ngày nay cũng vẫn còn phổ biến . Cách ăn của người Việt Bắc Bộ còn mang nặng dấu ấn thời xưa, thuở thiếu ăn thiếu mặc , thiếu đồ dùng !

    Trả lờiXóa
  14. Chẳng nói gì nông thôn, làng quê, nhìn cán Bộ công chức từ tỉnh đến huyện tại cac hội nghị, đám cưới, tiệc tùng cũng ăn uống như loạn xạ, ho " zô, zô, 1-2-3 Zô, 1-2-3 zô, 1-2-3 uống, 1-2-3 cạn, rồi tất cả đưa chén lên " nốc cạn", rồi cười nói hoan hỉ, bắt tay nhau cả lượt, nói bô bô làm bắn những mảnh thức ăn, nước bọt từ miệng ra, " bay" xuống các bát đĩa thức ăn trong mâm, rồi mọi người cứ vô tư gắp, múc, chan, chấm...ăn uống xì xụp, rồi có nhiều ông có lẽ " quên" mất cái khái niệm " đánh răng" rồi...ôi, văn minh ẩm thực Á Đông . Xin chào thua !

    Trả lờiXóa
  15. Tôi cho rằng, việc gắp thức ăn cho người khác trong bữa ăn cứ tưởng là hay, tôn trọng người khác, nhưng thực ra đó là một HỦ TỤC cần sớm loại bỏ ngay, bởi nhiều khi đó là món mà người kia không thích ăn nhưng bị bỏ vào nên đành nhắm mắt mà nuốt, hoặc là cứ để nguyên cho hết bữa. Còn một thói XẤU mà dân Việt mình mắc phải là dù đã có môi, thìa nhưng không sử dụng mà cứ vô tư ngoáy đũa vào, cực kỳ mất vệ sinh.Nước chấm thì chung một bát, ăn thì nhai ngồm ngoàn, miệng thì chem chép, không biết mím môi lại như người Âu...Tóm lại, là người Việt, đã gần 60 tuổi, có 6 năm sống và học tập ở thủ đô 1 nước châu Âu, tôi có thể khẳng định rằng: Văn hóa ăn và uống của người Việt là bẩn thỉu,khó có thể chấp nhận. Nếu ai không bằng lòng với kết luận của tôi, tôi sẵn sàng đối chất qua hòm thư sau: lhl01vietnam@gmail.com

    Trả lờiXóa
  16. Chúng ta không nên lấy Tây ra làm hệ quy chiếu, vì ngay trong bữa ăn của họ cũng rất sòng phằng: bố là bố con như nhau, thằng nào thích ăn gì thì cứ...cướp mà chén. Thế nhưng người Việt ta thì lại rất kính trọng người cao tuổi và yêu thương, chăm sóc trẻ em.
    Cần phải nói thêm rằng, nhìn vào bữa ăn của người Việt, chúng ta thấy sự ấm cúng, mang đặc trưng riêng. Còn nếu nói là man dợ thì chúng ta nhìn sang Ấn Độ - một nền văn minh lớn và lâu đời thế - chúng ta bàn luận thế nào? Cho nên, nhận xét về văn hóa phải rất tinh tế và có vốn học vấn, "phông" văn hóa tương đối rộng mới có thể...chém được.

    Trả lờiXóa