Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Lê Văn Luân: TÀU VÀ TA - KHÁC NHAU TỪ TRONG PHIM ẢNH

Hình quảng cáo cho phim Diệp Vấn.

.
Luân Lê

HỌ

Nếu ai đã từng xem những bộ phim như Diệp Vấn (phần 1, 2, và 3), Trần Chân, Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, đều thấy rõ một triết lý cốt lõi được toát lên sau rốt các bộ phim võ thuật lịch sử này, đó là - niềm tự tôn dân tộc Trung Hoa trong con người nước họ.

Với những trận tỷ thí đấu võ quyết định đến danh dự quốc gia được ấn định trên võ đài, mà các đối thủ là người của những nước đến Trung Quốc xâm chiếm hoặc cai trị như Anh (quyền anh) hay Nhật (Judo, võ đạo).


Họ luôn dựng lên những nhân vật của các quốc gia mà đến nước họ với mục đích là xâm lược, dùng những hành động bạo ngược, tạo nên một hình tượng rất xấu xa, với thái độ luôn coi thường và tỏ ra khinh bỉ người Trung Hoa. Người Hoa thì được khắc hoạ ngược lại, rất hiền hoà, nhân nhượng và cả đức tính chịu đựng nữa. Tức họ luôn ở trạng thái phải nhẫn nhục trong sự hà hiếp phi lý từ kẻ khác. Điều đó đã đánh mạnh vào lòng yêu nước, sự tự tôn dân tộc, nòi giống của người Hoa và thông qua những màn đấu võ thuật để từ đó phân thắng thua, cao thấp và kể cả là nhân cách, sang hèn - khi khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc tỷ thí luôn là người Hoa đứng vững và giơ cao sự "tha thứ" dành cho đối thủ đã ngã xuống sàn đấu mà trước đó chính họ là người đã chà đạp, áp bức hay nhục mạ những người Trung Hoa.

Những bộ phim ấy, người Hoa xây dựng lên được, trong những bối cảnh lịch sử có thật, từ những nhân vật có thật của võ học Trung Quốc. Và thông qua những thước phim ấy, họ giáo dục và truyền được lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc, sự thiêng liêng và cao cả của nó, vào trong huyết quản mỗi con người nước họ, ngày một sâu sắc hơn. Họ đã khơi dậy, thức tỉnh được lòng yêu nước cũng như tình đoàn kết của những người Hoa khi đất nước cần mà vốn họ luôn là những thể nhân có cái tôi hay lòng đố kị rất lớn trong cuộc sống thường ngày.

Chúng ta, không bao giờ làm được điều đó. Và đến giờ, việc các nghệ sỹ Hoa Ngữ lên tiếng bảo vệ quan điểm đường lưỡi bò cũng như cho rằng đó là quyền lợi quốc gia của mình bị xâm phạm, đó đều là điều chính đáng và có thể hiểu được, và bảo vệ thứ ấy cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của họ. Hãy nhìn vào những bộ phim được truyền chiếu khắp nơi như Diệp Vấn, Trần Chân, Hoắc Nguyên Giáp hay Hoàng Phi Hồng để thấy người Hoa đã giáo dục người dân của họ như thế nào về tính tự tôn dân tộc khi cần thiết, tuy rằng trên thực tế nó là một thứ mang tính cực đoan chủ nghĩa và bất chấp chứ không cao thượng như những bài học về lòng bao dung mà các thước phim kia đã khắc hoạ và mô tả rõ ràng.

Đừng trách chúng ta, những người dân, là những người chỉ nghĩ đến lợi ích nhỏ mọn, chỉ muốn kiếm tiền và mong mỏi an phận sống đời mình mà không màng gì đến phận sự xã hội hay chuyện quốc gia. Vì chúng ta đã được giáo dục và tuyên truyền rằng, mọi thứ đã có đảng và nhà nước lo. Nên chúng ta đã trở nên thờ ơ với vận mệnh dân tộc, mỗi người dân như củ khoai tây rời rạc và lăn lóc tứ phương, tám hướng. Lên tiếng cũng cần định hướng, chỉ tay dẫn đường.

Họ khác biệt ta, ở điều đó. Họ có giá trị kết tinh vào dân tộc và truyền qua các thế hệ. Ngược lại, ta không có gì để tìm thấy điều gì là cốt lõi bên trong lòng của dân tộc mình.

Ảnh: Chúng ta chỉ được quyền "yêu nước" ở nước ngoài, và lần lượt để các nước như Mỹ ra nghị quyết về biển đông (yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 ra khỏi lãnh hải Việt Nam), rồi người Nhật đề nghị G7 ra tuyên bố chung về sự bành trướng của Bắc Kinh, đến người Philippines kiện "hộ" chúng ta về đường lưỡi bò phi lý. Và người dân những quốc gia này cũng lại "biểu tình" thay cho nước ta. Trong khi đó, quốc hội của Việt Nam lại chưa bao giờ có được bất kỳ một động thái hay Nghị quyết nào về vấn đề biển đông của chính đất nước mình.

.

2 nhận xét :

  1. Ta NGU còn họ ĐỘC

    Trả lờiXóa
  2. Phim của chúng luôn cổ súy đương đại đi đánh chiếm và chém giết. Trong Tam quốc diễn nghĩa có câu kết "trả món nợ non sông trước mắt; mặc đời sau thiên hạ luận bình". Chém giết nhau ngay cả trong cùng giang sơn mà coi là "trả nợ non sông". Vậy đi xâm lược là để "trả nợ truyền đời" của lũ bá bành. Cha ông chúng truyền lại cho con cháu như vậy đó.

    Trả lờiXóa