Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

CÓ THỂ THU HỒI DỰ ÁN FORMOSA ĐƯỢC KHÔNG?

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: RFA.

CÓ THỂ THU HỒI DỰ ÁN FORMOSA ĐƯỢC KHÔNG?

Blog RFA

Nguyễn Anh Tuấn
3-7-2016

Vài ngày gần đây, không hiểu vô tình hay hữu ý mà có một số bài viết khẳng định như đinh đóng cột rằng không thể đóng cửa Formosa được.

Họ loại trừ phương án TỐNG KHỨ FORMOSA đi.

Tổng hợp các bài viết này, có 2 lý do được đưa ra:

(1) “Hợp đồng giữa Chính phủ và Formosa KHÔNG CHO PHÉP THU HỒI dự án trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vì bất kỳ lý do gì.”

Tuy nhiên các bài viết đều không đưa dẫn chứng nào cho chi tiết này.

Cũng hợp lý thôi, vì dẫu đã có nhiều lời kêu gọi công khai toàn bộ những giao kèo giữa Chính phủ với Formosa – một việc hết sức đơn giản nhưng lại rất cần thiết, nhưng tới nay công luận vẫn không thể tiếp cận được với thông tin này.

Mấy ngày rồi thử tìm hiểu thì tình cờ thấy Báo Pháp luật Việt Nam cách đây 2 năm có đề cập đến hợp đồng thuê đất của Formosa năm 2009, trong đó có viết:

“Đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến hành thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện” [1]

Nghĩa là việc không thu hồi dự án không phải là TUYỆT ĐỐI, mà có một ngoại lệ: Quốc phòng – An ninh.

Giữ Formosa lại có gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương hay không?

Formosa tiếp tục vận hành gây ô nhiễm môi trường như vừa rồi có ảnh hưởng tới an ninh biển đảo của Việt Nam không khi mà ngư dân không còn động lực ra khơi?

Vậy đã đủ lý do để thu hồi, theo đúng giao kèo đã ký kết hay không?

(2) “Thu hồi dự án Formosa sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư”

Lý do này lại càng không hợp lý.

Giả sử bạn là một nhà đầu tư lương thiện, hoàn toàn không có ý định gây ô nhiễm môi trường để trục lợi.

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, bạn thấy nước này đóng cửa nhà máy của một tập đoàn tai tiếng hàng đầu thế giới về gây ô nhiễm môi trường, từng bị trao giải Hành Tinh Đen 2009, được đưa ra làm ví dụ về tàn phá môi trường trong sách giáo khoa ở Mỹ, thế thì:

Bạn có đầu tư không?

Dĩ nhiên là có rồi vì bạn đâu có định làm giống Formosa, tiết kiệm chi phí xử lý chất thải để trục lợi.

Còn nếu ngược lại, bạn là nhà đầu tư kiểu Formosa, thì Việt Nam không tiếc gì nếu bạn tránh tầm mắt khỏi Việt Nam đâu.

Vậy thì ngang đây cho thấy các lý do đưa ra để loại trừ phương án TỐNG KHỨ FORMOSA có vẻ chưa có sức thuyết phục.

Ở chiều ngược lại, lý do cần phải tống khứ nhà máy này đi thuyết phục hơn nhiều:
2007 nhiều tầng lớp người dân Đài Loan khác nhau đã đấu tranh và dừng được dự án xây nhà máy thép của Formosa ở nước họ, sao Chính phủ Việt Nam lại rước đúng cái của nợ đó về, để cả quốc gia bây giờ sống trong thấp thỏm?

[1] Lật lại hồ sơ Formosa: “Đại gia” xin đủ thứ (Kỳ 1) (PLVN).
____
.
Blog RFA
Nguyễn Anh Tuấn 
3-7-2017

CỔ ĐÔNG KHÔNG GÓP VỐN CỦA FORMOSA

Từ khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết đến nay, hầu như ngày nào tôi cũng dành thời gian nói chuyện với các nhà báo, nhà hoạt động môi trường Đài Loan để tìm hiểu suy nghĩ của các bạn ấy xung quanh sự việc này. 

Các bạn ấy đều không ngạc nhiên về cách thức Formosa và Chính phủ Việt Nam xử lý thảm họa:

Đóng tiền bồi thường để tiếp tục hoạt động tiếp.

Đơn giản, đây là cách thức Formosa đã từng áp dụng nhiều lần ở Đài Loan khi bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường. 

Theo thống kê của các luật sư đang đại diện cho 74 gia đình ở Vân Lâm, Đài Loan khởi kiện Formosa thì trong 5 năm qua, đã có 645 vụ vi phạm pháp luật môi trường của Formosa được ghi nhận với tổng số tiền phạt khoảng 9.3 triệu USD. [1]

Số tiền này, theo các luật sư, ‘không là gì cả’ so với những lợi nhuận Formosa thu được từ việc vi phạm. 

Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì mà Diana Wilson – nhà hoạt động môi trường nổi tiếng của Hoa Kỳ, người đã có gần 30 năm theo dấu Formosa khắp nơi trên thế giới để tranh đấu cho môi trường một cơ hội tồn tại trước Formosa – đã mô tả trong diễn văn trao giải Hành Tinh Đen 2009 cho tập đoàn này. [2]

Đó là, cách thức làm giàu của tập đoàn này từ khi mới thành lập khá đơn giản: Họ mua lại các nhà máy hóa chất trên bờ vực phá sản bởi không chịu nổi chi phí vận hành, rồi cắt giảm các chi phí xử lý chất thải và an toàn lao động. Nếu bị phát hiện thì nộp phạt để tiếp tục hoạt động. Nhờ vậy mà họ thu được lợi nhuận khổng lồ để tiếp tục đi mua các nhà máy sắp phá sản khác.

Trước một tập đoàn có bề dày tai tiếng lấy việc gây ô nhiễm môi trường để thu lợi làm thành chiến lược hoạt động, mọi lời hứa ‘khắc phục’ hoặc ‘cải thiện’ của họ không thể không nghi ngờ.

Không gây ô nhiễm biển, không cắt giảm các chi phí xử lý nước thải và chất thải rắn, Formosa có kiếm được lợi nhuận?

Người Đài đã có một kinh nghiệm đáng buồn, khi một số cư dân địa phương quanh nhà máy Formosa ở Vân Lâm chịu thiệt hại đã đồng ý nhận tiền bồi thường và di dời tới nơi ở mới cách xa nhà máy.

Họ để lại một thảm cảnh môi trường nơi họ rời đi, khiến những tiếng nói phản đối Formosa bỗng dưng trở nên yếu ớt.

Thế thì số tiền ấy, theo cách các nhà báo Đài Loan nói, khác gì đâu một khoản chia cổ tức của Formosa từ khoản lợi nhuận khổng lồ mà tập đoàn này kiếm được bằng việc gây ô nhiễm môi trường.

500 triệu USD mà Formosa vừa cam kết sẽ trả để tiếp tục được hoạt động cũng sẽ là khoản cổ tức chia cho Chính phủ Việt Nam – một cổ đông không góp vốn của họ.
-------------

[1]http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2015/08/15/2003625417
[2] Xem diễn văn của Diana Wilson trong lễ trao giải Hành Tinh Đen 2009 cho các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới ở đây:

4 nhận xét :

  1. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có lý khi đòi đóng cửa FORMOSA, nhưng không có quyền. Những người có quyền đóng cửa FORMOSA nhưng lại muốn duy trì hoạt động của nó cũng có lý theo cách nghĩ của họ: quỹ thời gian của ta sắp hết, vì vậy ta phải tranh thủ kiếm tiền, còn biển chết, an ninh quốc gia hay sự tồn vong của dân tộc chả nghĩa lý gì với ta cả, lúc ấy ta đã cao chạy xa bay với một đống tiền rồi.

    Trả lờiXóa
  2. QUYỀN TRẢ LỜI CÂU HỎI NÀY THUỘC VỀ NHÂN DÂN VIỆT NAM, VÀ CÂU TRẢ LỜI LÀ CÓ!
    Không cần bàn cãi thêm về các mối nguy mà Formosa Hà Tĩnh sẽ áp đặt lên Dân và Nước Việt nam, vì từ nhiều năm qua, dư luận xã hội đã bàn rất nhiều! Cho đến khi Chu Xuân Phàm ngang nhiên thách thức người dân Việt nam chọn Thép hay chọn Cá, thì hầu như tất cả nhân dân Việt nam đều hô to: “Chúng tôi chọn Cá”!
    Chính phủ Việt Nam cho tới nay – dù không trực tiếp và công khai bảo vệ để Formosa HT tồn tại, nhưng việc làm và tuyên bố chính thức của họ cho thấy điều đó. Như vậy, người dân có quyền và cần phải nói lên nguyện vọng của mình, và chính phủ phải nghe dân!
    Một thực tế phải nhìn thấy là trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, cho dù có ý chí và phương pháp đúng, cũng phải mất 5-10 năm mới điều tra và công bố đầy đủ, chính xác các hệ lụy mà Formosa HT đã gây ra! Nếu trong thời gian đó Formosa HT vẫn tiếp tục hoạt động thì tai họa là không thể nói hết!
    Vì vậy, CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM KHÓA 14 VỪA MỚI ĐƯỢC BẦU PHẢI THỰC THI TRÁCH NHIỆM VỚI DÂN VÀ VỚI NƯỚC NGAY, bằng việc:
    1. Đưa vào Nghi trình Phiên họp thứ 1 QHVN thảo luận và ban hành một Nghị quyết về vụ Đầu độc Biển Miền Trung Việt Nam mà Formosa HT đã nhận tội;
    2. Trong Nghị quyết này, nêu rõ: Giao cho Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định Tạm ngưng tất cả các hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, chờ Kết quả điều tra và các Quyết định tiếp theo của QHVN;
    3. Thành lập Ủy ban Điều tra Hỗn hợp của QHVN về các hậu quả trước mắt và lâu dài của vụ Formosa Đầu độc Biển Miền Trung, các Phương pháp, Thời gian và Kinh phí cho việc khôi phục nguyên trạng Vùng biển bị ảnh hưởng, chỉ ra trách nhiệm về mọi mặt của CÁC BÊN LIÊN QUAN;
    4. Tổ chức một cuộc Thăm dò Dân nguyện độc lập, có giám sát của các tổ chức XHDS trong nước và các tổ chức XHDS Quốc tế về sự tồn tại của Formosa tại Việt Nam, đồng thời ban hành một Dự thảo Biện pháp khung cần phải áp dụng khi chấm dứt hoạt động vĩnh viễn của Formosa ở Việt Nam;

    Trả lờiXóa
  3. Chính phủ lạm quyền, đó là lý do bãi bỏ Fomosa!

    Trả lờiXóa
  4. TRƯNG CẦU DÂN Ý

    Trả lờiXóa