Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Bà Phạm Chi Lan: CẦN LÀM RÕ AI ĐÃ ƯU ĐÃI FORMOSA

 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

Bà Phạm Chi Lan: 
Cần làm rõ những ai đã 'ưu đãi' cho Formosa
gây thảm họa môi trường

Một Thế Giới
01/07/2016 13:48 

"Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ của Formosa là ai để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào nữa, cũng như những cá nhân, tổ chức nào buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" cho Formosa để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay" chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định. 

Sau hơn 2 tháng người dân cả nước mong mỏi chờ đợi, chiều 30.6, kết luận về nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung đã được cơ quan chức năng công bố chính thức. Theo đó, việc xả thải của nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) được xác định là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt.

Dù nguyên nhân đã được giải đáp nhưng xoay quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra hiện nay. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

- Chiều ngày qua 30.6, Chính phủ Việt Nam đã công bố chính thức về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại miền Trung, bà đánh giá sao về kết quả này? 

Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc bắt Formosa phải cúi đầu chịu tội trước người dân Việt Nam, vì ban đầu thái độ của tập đoàn này rất ngông nghênh khi bắt người dân Việt Nam chọn giữa "cá và thép". Đây là một thái độ rất hỗn xược.

Do đó, trong vòng hơn 2 tháng, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội từ thái độ ngông ngênh này, có thể nói Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn.

Tuy nhiên, ở đó vẫn có 2 thông tin chưa được giải đáp. Thứ nhất là, trong bức thư mà Formosa gửi cho nhân viên thì họ nói là do lỗi của các nhà thầu phụ. Vậy ở đây, các nhà thầu phụ là ai? Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào thêm.

Ví dụ ở Việt Nam, khi các nhà thầu phụ vi phạm lỗi về môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ra thẳng quyết định là trong vòng bao nhiêu năm các nhà thầu này không được thực thi các dự án nữa. Vậy đối với trường hợp này, Formosa không những vi phạm mà còn làm ô nhiễm môi trường nặng thì Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể tuyên bố cấm hẳn từ nay những nhà thầu phụ này không được bước chân vào Việt Nam nữa.

Thứ hai là về phía Việt Nam, những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này khi buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay. Theo tôi phải làm rõ. Điều này rất cần thiết vì còn mang tính răn đe để không có trường hợp nào xảy ra trong tương lai nữa. Để những cá nhân, tổ chức này vô can là điều không thể được.

Tôi cũng rất tán thành khẳng định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là không thể đánh đổi kinh tế-xã hội với môi trường. 

- Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD. Theo bà, mức đền bù này có hợp lý? Và hậu quả đối với môi trường liệu có khắc phục được? 

Con số 500 triệu USD được cơ quan chức năng căn cứ là dựa trên những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên vẫn cần phải minh bạch hơn việc trong đó có bao nhiêu chi cho thiệt hại của người dân ở 4 tỉnh khác nhau, ở đó họ thiệt hại ra sao và sẽ đền bù cho họ như thế nào?... Điều này rất cần được minh bạch để người dân cả nước được biết.

Nếu mức bồi thường là thỏa đáng, giúp cho người dân khắc phục được những hậu quả về lâu về dài thì điều này cũng làm cho chúng ta yên tâm một phần nhưng nếu chưa tính toán về những hệ lụy về lâu về dài thì cũng là điều rất quan ngại.

Thêm vào đó, bao lâu nữa hệ quả này được khắc phục đầy đủ, bao lâu nữa thì người dân có thể ra biển đánh cá được bình thường và liệu khi đánh cá được bình thường thì những sản phẩm cá của họ có được thị trường tin dùng không hay là có những nghi ngại. Sau đó cuộc sống của họ vẫn khó khăn, vì cú sốc của thị trường là vô cùng nặng nề.

Do đó, theo tôi, con số này khó mà tính toán được. Đối với Việt Nam, tôi không biết Chính phủ dùng bao nhiêu trong 500 triệu USD để khắc phục về môi trường. Con số này liệu có phải căn cứ dựa trên đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế hay không hay tiếng nói và bài toán của họ không được ghi nhận...

Mặt khác, thời gian khắc phục môi trường biển là bao nhiêu lâu: 1 năm, 2 năm hay...70 năm. Vậy khoản còn lại sau khi đền bù cho người dân có đủ để khắc phục môi trường hay không? Con số 500 triệu USD nhìn thì rất lớn nhưng khi đưa vào giải quyết hệ quả của thảm họa này liệu có hợp lý hay không?

Hơn nữa, không thể để tình trạng Formosa đền tiền xong rồi phủi tay, các cơ quan chức năng phải lập ra tổ chức giám sát việc thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố tại cuộc họp chiều qua như: bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự...

Tất cả phải được lập kế hoạch rõ ràng để đảm bảo giám sát được những hoạt động của Formosa về sau này.

- Qua vụ việc này, phải chăng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nên khắt khe hơn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, thưa bà?

Phải thay đổi chính sách để không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không nên tin lời hứa của các nhà đầu tư vì chúng ta không thể đánh giá chính xác được các nhà đầu tư nước ngoài, cái tâm tham muốn có được về kinh tế của họ sẽ rất lớn, chứ tôi chưa nói đến việc đút lót để bất chấp môi trường. 

- Vậy, theo bà, Nhà nước cần có cơ chế nào để đảm bảo không còn tái diễn sự cố tương tự như thế này?

Những cơ chế của Việt Nam vẫn còn mang tính tập thể. Theo đó, dứt khoát phải nói không với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Ngoài ra, lãnh đạo Việt Nam cũng phải dứt khoát với trách nhiệm của mình, phải có trách nhiệm với chủ quyền dân tộc để bảo vệ thế hệ sau này. Và đặc biệt, phải dứt khoát trừng phạt nghiêm những người nào vi phạm điều này.

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cũng phải xem xét lại chế độ phân cấp quyền cho các tỉnh đối với các dự án đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng, những dự án lớn là phải dành về thẩm quyển của chính phủ Trung ương quyết định, chứ không phải là chính quyền địa phương quyết định nữa. Vì phải cân đối chung việc phát triển ở nhà nước, tránh tình trạng nhiều địa phương đua nhau đi lên bằng nhiều dự án, hay trình độ cán bộ yếu kém để đưa ra những quyết định không đúng đắn.

- Cám ơn bà!

Tuyết Nhung (Thực hiện)

14 nhận xét :

  1. Nếu công khai được thì không còn CS nữa. Cám ơn bà

    Trả lờiXóa
  2. Tán thành ý kiến của bà Phạm Chi Lan,chúc bà sức khỏe

    Trả lờiXóa
  3. Bà Phạm chi Lan nói quá hay,cần truy cứu hình sự những ai đã rước Formasa vào đây và bao che để chúng tàn phá đất nước của chúng ta tan hoang và tả tơi như thế này !

    Trả lờiXóa
  4. Bà ơi, ai có thể làm rõ? Chúng ta thấy lúc Formusa đầu độc Biển, ai là người đến thăm và động viên F? thấy đấy mà làm gì được.

    Trả lờiXóa
  5. Đây là cơ hội Nhân Dân VN tống cổ Formosa ra khỏi Nước Việt. Nêu không làm đươc việc này thì không còn gì để nói...

    Trả lờiXóa
  6. Ai tiếp tay formosa?
    Xin để lãnh đạo nước ta trả lời!

    Trả lờiXóa
  7. Chỉ cần Lãnh đạo Đg và Nhà nước nói được như Bà Ph.Ch.Lan đã là tốt rồi !

    Trả lờiXóa
  8. Nhân dân cả nước đều biết nhưng không nói được như bà, xin cảm ơn bà. Cũng hoan nghênh CP của TTg Phúc đã thực thi khá tốt với việc tìm ra thủ phạm. Nhưng thủ phạm làm được việc đó là có tiếp tay hoặc yếu kém quản lý của tỉnh, của bộ ngành TƯ. Không thể đến đây rồi im bặt là nhân dân không bao giờ đồng tỉnh ủng hộ. Phải lôi cho được quan chức VN nào có lỗi, sai phạm ra trừng trị thẳng tay mới là giữ yên lòng dân, giữ nghiêm phép nước. Nếu không thì mọi cái coi như vứt. Việc tày đình như thế mà không có quan chức nào bị xử lý là việc đáng buồn, đáng tủi nhục cho nước Việt. Qua báo chí,Ở Đà Nẵng, phá mấy chục ha rừng cấm Sơn Trà, Bà Nà đã cách chức, truy tố hàng loạt cán bộ, GĐ Sở NNPTNT mới nhậm chức cũng liên đới bị cảnh cáo. Địa phương làm được chứ TƯ không biết làm vậy sao ??

    Trả lờiXóa
  9. chẳng cần làm cũng rõ bà LAN ạ, bởi vì luật không qui định cho tôi, cho bà,và cho những ông, bà chủ khác ở đất nứơc này cấp ưu đãi cho Fomosa, luật quy định cho bọn đầy tớ của chúng ta làm việc đó, chúng nó làm đúng qui trình rồi thì sao ?

    Trả lờiXóa
  10. Theo tôi những cá nhân (chứ không phải tập thể hay tổ chức) nào đã ưu ái cho Formosa để dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay cần phải lôi ra trước vành móng ngựa.

    Trả lờiXóa
  11. Bầu bán thì ghi đích danh,lý lịch,thành tích,học hàm học vị,huân huy chương rõ là đầy đủ.Những chức vụ cũng rất rõ ràng. Vậy mà không thể quy trách nhiệm cho ai được ư?

    Trả lờiXóa
  12. Bài này chỉ thuyết phục đám quan chức để cầu mong chúng
    nghĩ lại mà thay dổi có lợi cho dân cho nước,chứ rât ít
    có khả năng gây áp lực mạnh cho chúng phải thay đổi.

    Trả lờiXóa
  13. Muốn làm rõ thì hỏi ông Võ Kim Cự ý.

    Trả lờiXóa
  14. Hậu quả do nội các của đồng chí X để lại quá tồi tệ. Chưa thấy anh Trọng lên tiêng. Một mình anh Phúc thì không làm được gì. Anh có đề xuất đóng cửa Fomorsa thì chắc là anh Trọng không đồng ý đâu. Hôm 25/4 anh mới đi thăm, còn thúc giục làm nhanh kia mà. Nó mới vận hành thử nghiệm vài ngày mà biển 4 tỉnh miền Trung đã chết. Để nó vận hành thiệt thì thôi rồi, biển sẽ "sạch" vô cùng vì không còn mùi tôm cá. "niệm vụ chính trị" cấp thời hiện nay là đóng cửa Formosa vĩnh viễn, lấy cơ sở hạ tầng của nó bán mà bồi thường cho dân. Tất nhiên là qua các bước tố tụng theo luật định. Để nó cúi đầu xin lỗi lần 2 sau khi vận hành nhà máy thì VN không còn gì.

    Trả lờiXóa