Chính phủ nên sử dụng tiền bồi thường
của Formosa thế nào?
Formosa Hà Tĩnh đã cam kết bồi thường do gây ra thảm họa môi
trường cá chết tại 4 tỉnh miền trung số tiền tương đương 500 triệu USD.
Chính phủ sẽ sử dụng khoản tiền này thế nào và dư luận nói gì về việc
này?
Khắc phục hậu quả thảm họa môi trường biển thế nào?
Sau khi Chính phủ VN đã khẳng định Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra
thảm họa môi trường ở miền Trung. Về phía Formosa Hà Tĩnh, đã nhận
trách nhiệm gây ra sự cố môi trường và công khai xin lỗi phía Việt Nam;
đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi
trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng.
Theo báo Người Lao Động, ngày 1/7/2016 nói về vấn đề 500 triệu USD
đền bù của Formosa sử dụng thế nào? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ
đạo các cơ quan liên quan cần hỗ trợ về sinh kế cho người dân và hỗ trợ
để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại. Theo đó, Chính phủ sẽ chú
trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang
lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tính
toán phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự
cố.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khoản tiền đền bù
không phải để chi trực tiếp ngay các việc trước mắt, mà phải dành chủ
yếu cho phát triển lâu dài.
Từ Sài gòn, Nhà báo Nguyễn An Dân tán đồng chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Ông bày tỏ:
“Ngư dân nên đi đánh bắt xa bờ, nếu như có phương tiện, dù rằng có
các ý kiến phản bác việc đóng tàu vỏ sắt để đánh bắt xa bờ, tôi nghĩ đó
là không đúng. Vì đó là việc kiếm sống, hoàn toàn đơn thuần là chuyện
làm ăn kinh tế, cho nên tôi cho rằng làm thì cứ làm nhưng phải bảo vệ
được.”
Khi được hỏi, nhà nước nên làm gì với số tiền 500 triệu USD bồi
thường của Formosa Hà Tĩnh, trong việc khắc phục hậu quả thảm họa môi
trường biển?
TS. Nguyễn Xuân Diện thấy rằng, giữa biển cả và người dân sống bám
biển có sự tương tác qua lại, biển sạch thì người dân sống được. Theo
ông cần đầu tư nhiều cho công tác khôi phục môi trường biển. Ông cho
biết:
“Ngư dân là những người bám biển họ là những người hiểu biển hơn
ai hết và họ mới hiểu về quyền lợi cũng như vụ việc này hơn ai hết. Chỉ
có ngư dân mới nêu ra các yêu cầu, họ là mấu chốt của vấn đề này. Theo
tôi hiểu, ngư dân họ chỉ yêu cầu có biển sạch.”
Bà Kiều Thị Xoan, một người dân có gia đình sống bằng nghề biển ở Vũng Áng, Hà Tĩnh bày tỏ:
“Chính phủ nói rằng sẽ dùng một nửa để khôi phục môi trường, còn
một nửa thì dành cho đánh bắt xa bờ. Nhưng đa số dân ở đây đều có mong
muốn phải trả lại môi trường biển sạch, cho tương lai của họ, của con
cháu họ chứ họ không cần đề bù. Vì tính ước lượng với 11 nghìn tỷ đồng
thì về đến tay mỗi hộ ngư dân chi được khoảng 500 ngàn đồng thôi. Song
trên thực tế họ sẽ không làm được như thế, họ sẽ đưa về túi của họ.”
Theo báo Dân trí, ngày 28/6/2016, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã tuyên bố tại Quảng Trị là: “Sẽ
gấp rút xây dựng và trình Thủ tướng một đề án tổng thể vấn đề dạy nghề
và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động ở 4 tỉnh miền Trung đã bị ảnh
hưởng trực tiếp và gián tiếp về thảm họa môi trường tháng 4 vừa qua.”
Làm sao để ngư dân quay lại nghề cũ?
Nhà báo Nguyễn An Dân, cho biết trong cam kết thứ 2 của Formosa Hà
Tĩnh đối với phía Việt Nam, có đề cập tới việc hỗ trợ chuyển đổi nghề
nghiệp cho người dân trong thời gian biển hồi phục. Theo ông nhà nước
cần chú trọng vấn đề này. Ông góp ý:
“Theo tôi việc tổ chức chuyển đổi lao động là việc cần thiết phải
làm, cho đến khi biển phục hồi thì số lao động đó sẽ quay trở lại với
nghề biển. Đây là đặc tính dân sinh của ngư dân vào mùa biển động, mùa
cá biển sinh đẻ mà họ không đi bắt cá, thì họ đi lao động tạm thời, sau
đó thì họ cũng quay trở lại nghề biển. Tôi đề nghị nhà nước phải tiến
hành song song 2 biện pháp, đó là buộc Formosa phải nuôi dân trong lúc
chuyển đổi nghề và nhanh chóng khôi phục môi trường biển để ngư dân có
thể quay lại với nghề cũ.”
Dưới nhan đề "Phép nước Việt Nam không được mua bằng tiền", Nhà văn Hoàng Quốc Hải lo ngại rằng:
“Còn như đào tạo cho hơn 1 triệu lao động đó chuyển nghề và bỏ biển,
thì đây lại là một thảm họa khôn lường. Nó tựa như việc ta tự dâng biển
đảo của ta cho giặc vậy.”
Theo TS. Nguyễn Xuân Diện, nếu ngư dân bỏ nghề biển thì sẽ dẫn đến các nguy cơ về an ninh và chủ quyền biển. Ông nhấn mạnh:
“Đào tạo nghề gì, đào tạo xong thì có thể sử dụng được không? Đó
là vấn đề rất lớn. Tôi rất là lo ngại khi mà 1 triệu ngư dân và những
người bị ảnh hưởng từ vụ việc này. Biển bây giờ đã chết mà còn lại
trống, biển vô chủ, nghĩa là trên thềm lục địa của ta không còn ngư dân
nữa. Lúc đó chỉ có cảnh sát biển, bộ đội biên phòng… thì lúc đó tàu
Trung Quốc sẽ ra vào một cách ngang nhiên. Và 500 triệu USD mà để biển
thành vô chủ thì tôi nghĩ đó là nguy hiểm vô cùng.”
Tuy vậy, Nhà báo Nguyễn An Dân đã phản bác sự lo ngại này. Ông giải thích:
“Theo tôi, ở đây người ta đang lẫn lộn giữa nguy cơ và mục đích.
Cái mục đích của nhà nước là thôi biển cũng đã ô nhiễm rồi, nên vấn đề
giải quyết công ăn việc làm cho lao động là cái việc cần thiết và bắt
buộc phải làm. Còn cái chuyện nguy cơ biển vắng bóng ngư dân thì là
chuyện nguy cơ. Anh không thể kêu goi 1 triệu người đi biển nếu biển
không còn cá. Còn về vấn đề chủ quyền Biển Đông, trong thời gian ngư dân
tạm thời gián đoạn do chuyển đổi nghề nghiệp, khi chờ biển phục hồi thì
lực lượng quân đội phải đảm nhiệm.”
TS. Nguyễn Xuân Diện bày tỏ sự lo ngại của ông đối với việc triển
khai khắc phục hâu quả môi trường của Chính phủ Việt Nam. Ông cho biết:
“Đây là một vấn đề rất lớn nên tôi rất lo về vấn đề này, trước hết
là khoản tiền bồi hoàn 500 triệu USD nó sẽ được chi tiêu thực là bao
nhiêu, còn bao nhiêu thì rơi vào túi của các quan chức tham nhũng từ
trung ương đến địa phương. Đây là điều lo ngại thực sự, vì việc trợ giúp
của Chính phủ đối với các gia đình ngư dân vừa qua, mỗi gia đình mấy
chục cân gạo và mấy triệu đồng thôi mà cũng đã có nhiều tiêu cực rồi.
Huống chi bây giờ là khoản tiền 11.500 tỷ VNĐ”
Tất cả các ngư dân chúng tôi được tiếp xúc đều bày tỏ mong muốn chính
quyền Việt Nam cần khẩn trương và có các biện pháp tích cực trong việc
khôi phục môi trường, để trả lại môi trường biển trong sạch cho họ. Để
họ có thể sớm ổn định được cuộc sống của mình.
Ông Bộ trưởng LĐ - TBXH Đào Ngọc Dung có biết rằng đào tạo nghề cho một người dễ hơn rất nhiều so với việc tạo ra việc làm cho người đó? Tạp chí Economics Review của Mỹ tính toán sơ bộ cho thấy, ở Mỹ để tạo ra 1 việc làm phải chi khoảng 60000 -70000 US$. Giả thiết rằng chi phí này ở VN bằng 1/10, túc 6500 US$. Như vậy, ông Bộ trưởng Dung phải chuẩn bị thêm 6,5 tỷ US$ để 1 triệu lao động được ông đào tạo ra có việc làm? Ông có số tiền đó không? Chắc ông đang nằm mơ giữa ban ngày, hay lại chơi trò chạy dự án để kiếm hoa hồng?
Trả lờiXóaÔng không nói ra chẳng ai chê ông câm đâu!
Trên nguyên tắc luật pháp, Formosa phải bồi thường thiệt hại VÀ clean up - dọn dẹp làm sạch môi trường. Thí dụ, trước mắt như cá chết, rong biển chết, v.v... phải được chính Formosa dọn dẹp làm sạch sẽ. Tuy nhiên, ở đây Formosa lại bồi thường tiền cho VN qua một sự dàn xếp thoả thuận với nhà nước VN - A Settlement Agreement, chứ không phải qua một phán quyết của toà VN hay toà án QT nào. Do đó số tiền phạt 500 triệu coi như là "trọn gói" và Formosa hết trách nhiệm.
Trả lờiXóaTóm tắt, VN nhận tiền phạt qua thoả thuận riêng thì mặc nhiên VN từ nay nhận lãnh hậu quả sinh thái môi trường bị tiêu diệt và VN có nhiệm vụ tự mình làm sạch môi trường trở lại. Formosa đã phũi tay.