Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Ngư dân Quảng Bình: BỊ TQ BẮT KÝ CÔNG NHẬN HOÀNG SA CỦA TQ

Ép ngư dân ký công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc? 

Người lao động
26/06/2015 23:50

17 ngư dân Quảng Bình tố cáo giới chức Trung Quốc đã ép họ ký hàng chục văn bản bằng tiếng Trung, trong đó có 1 văn bản tiếng Việt với nội dung: “Tôi chứng kiến vùng biển Đông và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc”



Chiều 26-6, 17 ngư dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thuật lại với phóng viên Báo Người Lao Động những thời khắc kinh hoàng mà họ đã trải qua khi vô cớ bị bắt giữ, giam lỏng, đe dọa tại cảng Tam Á (đảo Hải Nam, Trung Quốc).


Không ký thì đánh


Trước đó, ngày 16-6, khi đang khai thác thủy sản tại vùng biển cách đảo Hải Nam khoảng trên 30 hải lý, 2 tàu của ngư dân Võ Văn An (SN 1976, chủ tàu) cùng 8 thuyền viên mang số hiệu QB 93694 TS và tàu của anh Võ Văn Toàn (SN 1982 - chủ tàu) số hiệu QB 93480 TS với 7 ngư dân nhận được tin báo có gió lớn cấp 7-8 nên rất lo lắng. Trong lúc đang loay hoay tìm nơi trú ẩn, họ nhìn thấy 1 tàu hải quân và 3 tàu chụp mực của Trung Quốc áp sát, bắt giữ.


Anh Võ Văn An rất lo lắng vì tàu của anh vẫn bị Trung Quốc tạm giữ trái phép
Anh Võ Văn An rất lo lắng vì tàu của anh vẫn bị Trung Quốc tạm giữ trái phép


Theo chủ tàu Võ Văn An, phía Trung Quốc có 5 người mang theo 1 khẩu súng, 2 roi điện nhảy lên tàu của ngư dân rồi ép tất cả thuyền viên trên tàu dồn về phía mui. Sau khi tịch thu toàn bộ giấy tờ của tàu cá, họ bắt tất cả thuyền viên cùng tàu cá về cảng Tam Á.



Tại đây, phía Trung Quốc dồn 17 thuyền viên vào một nơi tạm giam. “Họ dẫn tôi và chủ tàu Toàn cùng 15 anh em khác về giam một chỗ, sau đó một số người Trung Quốc xuất hiện trùm kín mặt tôi và anh Toàn rồi dẫn chúng tôi đến một nơi khác. Họ giam lỏng chúng tôi 1 ngày, 1 đêm” - anh An thuật lại.


Sau đó, họ bắt mỗi thuyền viên phải ký ít nhất 8 tờ đơn còn 2 chủ tàu thì bị ép ký trên 100 tờ đơn đều bằng tiếng Trung Quốc. “Họ bảo nếu ký theo yêu cầu của họ thì nhanh chóng được thả về Việt Nam còn không nghe lời thì họ dọa nạt, đòi đánh. Vì quá sợ hãi nên chúng tôi buộc phải làm theo” - anh Toàn kể.


Trong khoảng 100 tờ đơn mà phía Trung Quốc buộc phải ký có 1 tờ đơn ghi vài dòng chữ tiếng Việt Nam với nội dung: “Tôi chứng kiến vùng biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.


Khi đọc xong tờ đơn, các ngư dân hiểu rõ rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam nên nhất quyết không ký, sau đó phía Trung Quốc ép 3 lần và nói nếu ký vào sẽ để tàu ngư dân chạy về Việt Nam, bằng không sẽ giữ tàu lại. Theo thuyền trưởng An, trước thái độ kiên quyết của các ngư dân, sau 5 ngày giam lỏng, nhóm người Trung Quốc đẩy 17 ngư dân lên 1 chiếc tàu của anh Toàn rồi thả họ về, còn tàu của anh An bị giữ lại không trả.


Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, đến sáng 21-6, 17 ngư dân đã cập cảng Roòn (xã Quảng Phú) trở về quê hương an toàn.


Vẫn quyết tâm bám biển


Mặc dù người đã được thả về an toàn nhưng tàu cá QB 93694 TS của ngư dân Võ Văn An vẫn bị Trung Quốc tạm giữ. Anh An cho hay gia đình anh bao đời bám biển mưu sinh. Cuối năm 2013, sẵn có vốn 400 triệu đồng tích góp bằng nghề đi biển, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 120 triệu và 600 triệu đồng từ người thân để mua lại con tàu công suất 740 CV với trọng tải 30 tấn để đánh bắt hải sản, ngoài làm kinh tế thì giúp một số lao động địa phương có việc làm. Tuy nhiên, kể từ khi bị Trung Quốc giữ tàu, gia đình anh rất lo lắng vì nợ nần chồng chất mà phương tiện mưu sinh không còn.


Có mặt tại căn nhà nhỏ nằm ở cuối thôn Hải Đông, chị Đoàn Thị Hoa (31 tuổi, vợ chủ tàu An) buồn bã: “Chồng về tới nhà mạnh khỏe là mừng rồi nhưng bây giờ tàu bị Trung Quốc giữ rồi, không biết khi nào họ mới trả về. Không đi biển được gia đình tôi không biết làm chi để trả đống nợ hàng trăm triệu đó”.


Các thuyền viên khác cũng đang rất lo lắng bởi tất cả đều là lao động chính, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi bị Trung Quốc thả về, họ chỉ biết quanh quẩn đầu làng ngõ xóm mà không biết làm việc gì để mưu sinh.


Ngư dân Mạnh Văn Trường (thuyền viên trên tàu QB 93694 TS) tâm sự dù nguy hiểm, tai tương trên biển xa luôn rình rập nhưng đã là ngư dân thì phải bám biển đến cùng vì đó là cái nghiệp bao đời nay.


Cạnh nhà chủ tàu Võ Văn An, ngôi nhà nhỏ của chủ tàu Võ Văn Toàn trong những ngày này tấp nập người đến thăm hỏi, động viên. Dù phía Trung Quốc trả tàu nhưng anh cũng bị cướp toàn bộ thủy hải sản mà ngư dân đánh bắt được và tất cả các ngư cụ. Anh Toàn buộc phải sắm lại toàn bộ ngư cụ mới để tiếp tục ra khơi vào ngày 30-6.


Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho hay sẽ có văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng cấp trên nhằm can thiệp để mong Trung Quốc sớm trao trả tàu cho ngư dân.


“Những ngư dân Quảng Phú bao đời ra biển Đông hành nghề khai thác hải sản không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan công an và biên phòng sớm có văn bản trình lên cấp trên nhờ can thiệp để phía Trung Quốc trao trả tàu cho bà con ngư dân”.


Sau khi các ngư dân về nước an toàn, Phòng LĐ-TB-XH huyện Quảng Trạch đã đến thăm hỏi sức khỏe, bước đầu trao cho mỗi ngư dân 1 triệu đồng động viên tinh thần các thuyền viên.


Bài và ảnh: Hoàng Phúc.
 

9 nhận xét :

  1. Ép ngư dân VN ký "công nhận Hoàng sa là của TQ, không ký là đánh". Đây là một trong những điểm "tương đồng" giữa VN và TQ mà tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thừa nhận?!

    Trả lờiXóa
  2. Chưa thấy trong lịch sử loài người quốc gia nào lại đốn mạt như tàu khựa

    Trả lờiXóa
  3. Nhà cầm quyền thấy chưa? Ông bạn vàng của các người đang đối xử với những người đang đóng thuế, những người đang nuôi bộ máy cầm quyền các người hoạt động đấy!

    Trả lờiXóa
  4. Đây là một việc làm có ý đồ và rất thâm độc của CSTQ, nếu Việt Nam không ra công hàm bác bỏ và phản đối thì sau này chúng sẽ lấy đó làm chứng cứ để khẳng định chủ quyền của CSTQ.
    Ôi một chính quyền luôn khẳng định độc lập tự chủ, đã từng đánh thắng lũ bành trướng Bắc Kinh mà sao nay để đến nỗi bỏ mặc dân giữa biển khơi và để chúng coi dân mình không bằng con chó?

    Trả lờiXóa
  5. Năm 1958 thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký rồi, sao nay TQ lại bắt ép ngư dân VN phải ký nữa ?

    Rõ là lắm chuyện !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Năm 1988 BT bộ quốc phòng Lê Đức Anh đã ra lệnh cho hải quân Việt Việt không được nổ súng (dưới sự chỉ đạo của TBT Nguyễn văn Linh) kết quả là 74 lính hải quân VN bị TQ thảm sát và VN mất 7 đảo (nổi và chìm). Như vậy cũng có thể nói năm 1988 BCT của đảng CSVN đã tiếp tục và trực tiếp giao biển đảo Trường Sa cho TQ. Cuộc chuyển giao biển đảo này hoàn toàn được BCT đảng CSVN giấu nhẹm cả nhân dân trong nước và dư luận quốc tế.
      Cần nói thêm lúc đó lực lượng hải quân VN còn yếu, nhưng không quân mạnh hơn TQ và hoàn toàn có thể oanh tạc TQ để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

      Xóa
  6. Mẹ kiếp chúng nó!
    Ngư dân bây giờ biết dựa vào ai mà để sống và làm người đây

    Trả lờiXóa
  7. Bây giờ chỉ còn nước,muốn kiếm sống ngư dân hãy yêu cầu Chính phủ bố trí hải quân,cảnh sát biển,kiểm ngư cùng ngư dân bám biển mà thôi.Bởi Trung Quốc đây chưa phải là bước cuối cùng mà chúng sẽ còn lấn tới,biết đâu sinh mạng liệu còn bảo đảm được không?À còn có thêm một cách nữa yêu cầu CP,nếu không may bị TQ giết chét thì đặc cách cho gia đình vợ con được tặng nhà và công ăn việc làm ở Hà Nội thì chiến tới cùng bà con ạ.Đây mới thực sự hy sinh đời bố củng cố đời con mà lại vì nước vì dân chứ không như bọn quan chức tham nhũng nhé

    Trả lờiXóa
  8. Về tranh giành trái phép chủ quyền biển đảo và lãnh thổ, Trung Quốc rất chủ động và có nhiều thủ đoạn tinh vi.

    Và tỏ ra có hiệu quả!

    Việt Nam luôn thụ động, lép vế, yếu thế, bất ngờ.

    "...họ bắt tất cả thuyền viên cùng tàu cá về cảng Tam Á", "...tàu cá QB 93694 TS của ngư dân Võ Văn An vẫn bị Trung Quốc tạm giữ".

    Đảng và chính quyền Việt Nam đã không bảo vệ được công cuộc làm ăn sinh sống của nhân dân mình!

    Trả lờiXóa