Ngư Thủy mùa biển đắng
Ngư Thủy nổi tiếng với phim tài liệu Trở lại Ngư Thủy của đạo diễn Lò Minh. Ngày nay xã biển này chia tách thành 3 xã Ngư thủy Nam, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung. Khi phim của đạo diễn Lò Minh công chiếu những năm cuối thế kỷ 20, Ngư Thủy không có đường sá, người ta vượt cát để vào với ốc đảo này. Sau đó điện đường, trường trạm kéo về, người dân vượt khó sinh tồn. Những mùa biển bội thu đưa lại cho Ngư Thủy sức vóc khác hẳn, nhưng năm nay trải qua tháng ngày cá chết, Ngư Thủy thiệt hại ngoài sức tưởng tượng.
Vào xã cuối cùng của đường biển Lệ Thủy, Ngư Thủy Nam giáp Quảng Trị. Vùng đất này nhỉn hơn 3000 dân, 80% dân số sống phụ thuộc nghề biển, đàn ông đánh cá, đàn bà đưa cá ra chợ hay về các làng ruộng để bán. Cuộc mưu sinh như thế lăn bánh nhiều năm nay kể từ ngày 3 xã có đường. Người ta cứ nghĩ, bám vào biển Ngư Thủy sẽ thoát vượt khó khăn, không còn khung cảnh như trong phim Trở lại Ngư Thủy của đạo diễn Lò Minh năm xưa.
Nhưng ngoài khung cảnh nhà cửa xây xa, đường sá hạ tầng ổn định thì lòng người bên trong thật sự cay đắng. Cá chết gây ra bao bất trắc với cuộc sống trên xứ cát. O Huân, một trong những nữ pháo binh Ngư Thủy năm xưa thoát nghèo được là nhờ buôn bán cá mắm ở làng cho các thương lái. Năm nay, cuộc sống buôn chợ phải dừng hẳn, o nói: "Tưởng thoát được nghèo khổ rồi ai ngờ cá chết mần cho Ngư Thủy càng khó để vượt được nghèo. Răng mà Ngư Thủy khổ mãi ri hè?. Biết khi mô đi bán con cá, con mực tự tin lại được để người Ngư Thủy làm ăn trên bãi ngang bình thường như trước".
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Bí thư xã Ngư Thủy Nam kể về câu chuyện thèm cá của cá nhân ông: "Lâu quá không có cá cũng quá thèm mà đi mua mấy con cá trích tươi, nhúm lửa nướng 6 con, liều ăn 5 con cho bỏ cơn thèm nhưng không biết sau này có việc gì hay không". Ngư Thủy trước đây là ốc đảo, nhờ con đường độc đạo xuyên rú cát từ quốc lộ 1A mà ngư dân nở mày nở mặt, vươn lên làm giàu, vượt khó, nay cá chết giáng mạnh khó khăn vào bất cứ gia đình nào ở 3 xã này, ai cũng lao đao, ai cũng hoang mang. Gặp nhau cứ hỏi khi nào được ăn cá, khi nào biển sạch hoàn toàn.
O Trần Thị Sô (72 tuổi), một trong những cựu pháo binh Ngư Thủy năm xưa kể rằng: "Cá chết, không có món biển, người cứ dại đi, người nào cũng thế. Có mấy thuyền trong làng Liêm Tiến đi đánh cá nước mặt, o xin chút ít, họ cho thì kho mặn lên ăn cho đỡ thèm".
Thắc mắc thì o nói thêm: "O cùng chồng già rồi không sợ chết, chứ thèm cá quá mà có khi chết vì thèm nên liều thôi. Già rồi". Những năm trước vào mùa cá, sáng nào cũng chạy ra biển làng xin cá, xin nhiều thì bán lại cho bà con ở chợ, ít thì kho ăn hoặc phơi khô dùng mùa đông giá lạnh. Năm nay, người làng thất bát, o Sô không xin được cá, cuộc sống khó khăn lại trăm bề nan giải. Gạt hàng nước mắt, o lại hỏi: "Khi mô người bãi ngang hết cực?".
Buổi trưa, Ngư Thủy thật vắng, ngư dân quây lưới ở góc nhà, thu lu trên rảnh cát nhỏ, phận mỏng không biết hỏi ai, phận mỏng không kêu tới ai. Một ngư dân bày tỏ: "Gạo trợ cấp thì còn, nhưng không làm ăn được bình thường thì trợ cấp mãi cũng không xong, con người cần cù lao động trên biển quen rồi, chừ cứ ngồi không thế này chồn chân mỏi gối lắm. Làm lụng mới ra của cải để nuôi con cái ăn học, chứ ngồi nhận gạo trợ cấp thì con cái e lại thất học chứ không đùa".
Năm trước, khi xem một bữa cá ban sáng về Ngư Thủy Nam, tôi và đồng nghiệp được o Lâm, một trong những nữ pháo binh năm xưa nấu cho nồi cháo cá tươi, ngon đến nhớ mãi. Năm nay o kể: "Người ta bắt được cá nục, cá trích, cá cơm...ở nước mặt, cá đó vùng khác di cư về, vì thèm mà ăn len lén, cá tầng đáy đi câu không được con nào cả. Biết khi mô Ngư Thủy có cá dưới đáy mà ăn?".
Vào góc chợ của ba xã, cảnh thật xác xơ, giữa đình chợ hàng cá vắng bóng con cá biển, người Ngư Thủy ở bên chân sóng vậy mà bị trói chặt bởi cá chết đến khô cong phận mỏng bãi ngang.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét