Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Lê Văn Luân: PHẬN NGƯỜI


Phận người

LS. Lê Văn Luân
Luân Lê 


Đến lúc này tôi chỉ thấy thương cảm cho ba loại phận đời, phận người trong xã hội mình:

1. Những người đang lâm vào thảm cảnh hạn hán, xâm ngập mặn ở miền Tây, và hàng vạn triệu người trong thảm hoạ biển nhiễm độc miền Trung. Họ quả thực đang sống mòn trong sự chờ đợi cùng chút hy vọng lay lắt từng ngày trước sự im lặng đến đáng sợ của những người có chức trách. Họ gần như bị bỏ rơi trong những ngờ vực chất chứa đầy những nỗi hoang mang.

2. Những người công nhân, cử nhân hay cả một đống thạc sỹ còn đang thất nghiệp. Họ ra trường hay học xong không thể xin được việc ở đâu hay sao cho phù hợp với "tấm bằng" cũng như các môn học của mình. Sau 5 đến 7 năm ngửa tay xin tiền cha mẹ để học cho xong, rồi cuối cùng cầm tấm bằng trên tay thì lại thành kẻ bơ vơ, lạc lõng giữa lòng xã hội. Họ lại tìm cách nhờ mối quen, thân để lo cửa xin việc vào đâu đó ăn lương, rồi lại quay ra giục cha mẹ chạy tiếp một khoản tiền không nhỏ mà thực hiện việc mua bán, đổi trao ấy. Tôi đồng cảm và xót xa cho họ, nhưng tôi trách họ vì họ có được học hành - dù là họ biết, hoặc có thể không biết, những môn học suốt bao năm bị nhồi nhét vào đầu có để làm gì sau này hay không, nhưng họ vẫn học - và họ lại còn tiếp tục tư tưởng chạy chọt, lo lót, ỷ lại vào người khác, mà họ không bao giờ nghĩ họ có quyền lên tiếng hay đòi hỏi về một xã hội tốt đẹp hơn, nơi có nhiều cơ hội và lương cao hơn và dành cho họ. Nhưng họ không hề tư duy như thế, họ là thành phần nòng cốt để đưa xã hội đi lên nhưng lại không bao giờ có trí não tư duy độc lập và có sự phản biện lại những gì mình được tiếp nhận hay đang thụ động được duy trì trong nó. Thói quen xã hội đã tạo nên sự chấp nhận của tính cách cá nhân. Nghĩa rằng, nó là hành vi phản xạ có điều kiện, được hình thành bên trong cá thể nhưng lại xuất phát từ phía bên ngoài là xã hội - đó là, cứ khi ra trường thì họ nghĩ ngay đến việc xin xỏ, nhờ người quen tìm chỗ, chạy chọt, lo lót,..họ không bao giờ nghĩ đến sự liêm chính, phẩm chất hay tài năng của bản thân là yếu tố quyết định cho vấn đề tìm việc và phát triển sự nghiệp. Đó là sự thất bại của cả một nền giáo dục và não trạng của một thế hệ.

3. Những người phải thừa hành một cách răm rắp những mệnh lệnh mà không có sự trao đổi, phản ứng hay được (phép) đưa ra chính kiến nào về một mệnh lệnh nào đó, họ chỉ được nghe lệnh và thực hiện nó, không có lựa chọn thứ hai, dù đó có thể không còn nằm trong giới hạn cho phép của luật pháp hay đạo đức con người nữa. Tôi gọi đó là trạng thái - lệnh thức tiếm đoạt ngoại vi.

Có hai điều kiện để xảy ra trạng thái này:

(i). Được định hướng ý thức trước về đối tượng sẽ và bị tác động là một thực thể xấu, tiêu cực mà hành vi của người chấp hành sẽ trở thành một giải pháp đúng;

(ii). Được ấn định bằng trách nhiệm công quyền và gắn với lợi ích khi thực hiện, bằng tinh thần hoặc vật chất, cấp bậc, chức vị,...để là thứ thôi thúc cho những mệnh lệnh của cấp trên trở nên hợp lý, đúng đắn hơn và ngay bản thân họ cũng tự thấy mình được an ủi, nếu thực hiện nó, tức những mệnh lệnh, lại thấy đó là điều ngược lại.

Những kiểu người ấy, họ có nhiều lý do để giải thích và biện hộ mang tính ngay tình, để từ đó dễ được thông cảm, cho việc họ làm kể cả đối với người giao việc hoặc với đối tượng bị tác động.

Nhưng thực ra, họ lại đang là người bị lợi dụng bởi ý thức của người khác khi đã tự đưa mình vào hai điều kiện ấy mà làm theo không còn chút suy tính. Và nếu hậu quả xấu xảy ra, thì chắc chắn không phải cấp trên của anh ta, chỉ có người thực hiện hành vi sẽ là người lãnh hậu quả nặng nề nhất. Điều đó giải thích cho những cuộc canh nơi ở, bắt bớ, đánh đập một số người trí thức, doanh nhân biểu tình trong thời gian vừa qua. Nhưng quả thực rất khó để những người này tự nhận ra được họ đáng thương và đang bị lợi dụng cho những mục đích hay hành vi xấu, mà nó đã thực sự xảy ra, không chỉ một mà là nhiều lần và cả nhiều nơi khác nhau.

Ba lớp người rơi vào vòng luẩn quẩn của chuỗi ý thức, lợi ích và sự duy trì quyền lực công. Và chỉ khi nào nền giáo dục quốc dân được khai sáng, con người được tự do, nhất là về tư duy, thì khi ấy những thứ ma quái đang luẩn quẩn trong lòng xã hội này mới mong thoát khỏi ra được.

Ảnh: Nền giáo dục từ nứt mắt đến hết đời vẫn luôn chỉ là những tấm bằng thành tích vô ích, nó đã cầm tù và nhốt chặt những trí não của biết bao con người, bao thế hệ trong tư tưởng nô lệ mang tính thoả mãn theo dạng bậc thang.

3 nhận xét :

  1. Bài viết của bạn rất hay. Cảm ơn về sự chia sẻ của bạn.
    Trương Cầm
    Beautyful girl at Sakura Beauty Corp

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn bức ảnh. Thuyền nằm bãi chờ biết khi nào biển sạch cá về để ra khơi buông lưới...?
    Ngư dân dõi mắt nơi xa trong vô vọng.
    Mà lá cờ đỏ rực vẫn giần giật tung bay vô cảm trên đầu. Tội nghiệp, đến nước này mà vẫn không nguôi yêu thương và hy vọng.Hỏi có đất nước nào người dân hiền lành tốt bụng như đất nước mình. Ôi thương quá Việt nam.

    Trả lờiXóa
  3. xót thay cho cái phận người
    nơi thì hạn mặn, nơi thì biển đau
    chữ thừa thất nghiệp xót nhau
    nơi răm rắp lệnh mà đau nhân tình !

    Trả lờiXóa