Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

GS. THUYẾT LÊN TIẾNG VỀ VIỆC PHÁN XÉT BOB KERREY


Cần cái nhìn điềm tĩnh, suy nghĩ toàn diện hơn 
trước khi phán xét Bob Kerrey

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
04/06/16 12:12
 
Trường hợp của Bob Kerry tại Đại học Fulbright Việt Nam lại một lần nữa cho thấy đối diện với lịch sử chưa bao giờ là đơn giản. Song, cũng chính vì thế mỗi chúng ta càng cần có cái nhìn điềm tĩnh hơn, suy nghĩ toàn diện hơn trước khi phán xét.

Báo chí cũng như dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường. Một số ý kiến cho rằng Bob Kerry không phù hợp cho vị trí này, phía Mỹ nên bổ nhiệm một người khác để không khơi gợi những vết thương trong quá khứ.

Trường hợp của Bob Kerry lại một lần nữa cho thấy đối diện với lịch sử chưa bao giờ là đơn giản. Song, cũng chính vì thế, mỗi chúng ta càng cần có cái nhìn điềm tĩnh hơn, suy nghĩ toàn diện hơn trước khi phán xét.

Chia sẻ trên báo chí, ông Bob Kerrey cho biết dù đã công khai xin lỗi và nhắc lại lời xin lỗi người dân Việt Nam một cách rất chân thành và cầu thị, ông vẫn bị ám ảnh bởi ký ức cuộc chiến.

Sự hối lỗi của Bob Kerrey không phải chỉ thể hiện bằng lời. Cũng giống như nhiều cựu binh khác của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, Bob Kerrey sửa chữa lỗi lầm bằng cách đóng góp vào việc chấm dứt cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ủng hộ việc mở rộng quan hệ song phương và đặc biệt là có những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả vào việc thúc đẩy các dự án đào tạo nhân lực cho Việt Nam thông qua Chương trình Fulbright, trong đó có dự án thành lập Đại học Fulbright Việt Nam.

Đọc ý kiến của ông trên VietNamNet: “Tôi sẽ vui mừng mà rút lui nếu tôi tin rằng sự có mặt của tôi đặt sự phát triển của ngôi trường này vào tình thế khó khăn”, tôi nhận thấy trong thái độ sẵn sàng chấp nhận đó có cả sự ngậm ngùi lẫn trách nhiệm của ông với ngôi trường mà suốt 25 năm nay ông đã bỏ rất nhiều tâm sức xây dựng dự án, vận động tài chính để nó có thể ra đời vào đúng dịp Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, chuyến thăm không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ mà còn ghi đậm dấu ấn về tinh thần hòa hiếu, nhân văn của của dân tộc Việt Nam như cảm nhận của chính ngài Tổng thống: “sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi”.

Tôi từng nghe kể câu chuyện năm 1998, năm kỷ niệm 30 năm cuộc thảm sát Sơn Mỹ, Đài truyền hình CBS đã đưa Hugh Thompson và Lawrence Colburn – hai phi công Mỹ dùng trực thăng cứu hàng chục người dân Sơn Mỹ khỏi cuộc thảm sát bởi những lính Mỹ khác – tới Quảng Ngãi. Họ muốn có một cuộc gặp giữa hai ông với chính quyền tỉnh, nhưng Quảng Ngãi từ chối.

Đúng lúc đó thì Thủ tướng Phan Văn Khải công cán đến Quảng Ngãi và khi nghe được câu chuyện, Thủ tướng đã nói với Bí thư Tỉnh ủy: “Sao lại không tiếp họ? Ngay cả những người lính đã bắn vào mình trong cuộc thảm sát đó mà tới đây, muốn gặp, mình cũng sẵn sàng gặp để nghe xem họ muốn nói gì."

Phải chăng đó là biểu hiện của tinh thần nhân văn Việt Nam, đồng thời cũng là tâm thế rộng lượng, khoan hòa của người chiến thắng?

Theo tôi, việc bổ nhiệm một cựu Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Tổng thống làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam chứng tỏ phía Mỹ rất coi trọng sự hợp tác, coi trọng vai trò của cơ sở giáo dục đại học này.

Chúng ta đã nhiều lần đón tiếp trọng thị, gặp gỡ thân mật, hợp tác trong công việc với các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam như Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Thượng nghị sĩ John McCain,… Nước Mỹ từng cử ông Pete Peterson – một phi công từng lái máy bay ném bom Miền Bắc Việt Nam và bị cầm tù 6 năm ở nhà tù Hỏa Lò làm Đại sứ đầu tiên của cường quốc này tại nước ta. Vị Đại sứ đầu tiên này được Nhà nước Việt Nam chấp nhận, và trong thời gian làm Đại sứ cũng như sau này, ông Pete Peterson đã có nhiều đóng góp để phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tôi không nghĩ ông Bob Kerry là một ngoại lệ. Dĩ nhiên, nước Mỹ hoàn toàn có thể tìm người thay thế ông. Nhưng chúng ta có nên mở đầu một dự án đầy tham vọng về giáo dục theo cách đó không?


GS. Nguyễn Minh Thuyết
.

16 nhận xét :

  1. Nhân dân VN vốn vị tha, nhưng vẫn có những kẻ muốn ngăn chặn mối quan hệ của hai nước nên bới to chuyện này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Tha thứ".
      "Vị tha" - "Sống giúp người.

      Xóa
  2. Ý kiến của GS Thuyết, cũng như ý kiến của Nhà Văn Nguyên Ngọc, đến ...Ý kiến của Bí thư thành ủy Đinh La Thăng là ý kiến của đại đa số nhân dân Việt Nam khát khao hòa bình và phát triển, một tầm nhìn lớn và đậm nét nhân văn của dân tộc VN chúng ta ! Nếu bạn vẫn chưa đủ lòng vị tha, thì bạn cũng chưa đủ văn hóa để khát khao sụ tiến bộ?
    Cảm ơn GS Nguyễn Minh Thuyết!

    Trả lờiXóa
  3. Chiến tranh là mất mát đau thương và kẻ thắng chưa chắc đã là kẻ không có tội. Kẻ có tội chính là kẻ gây ra cuộc chiến nồi gia nấu thịt.

    Trả lờiXóa
  4. Giết người dân vô tội trong CCRĐ, Mậu Thân 1968.... đã có người VN gây ra chuyện này, có ai luận tội không.

    Trả lờiXóa
  5. Có những tên đẩy dân tộc vào cuộc nội chiến giết mấy triệu người , Thế Giới liệt vào danh sách phạm tội ác diệt chủng , sao không lên án đi .
    Đúng là VN mình ngộ quá .Giết mấy triệu người thì trở thành vĩ nhân ,còn giết mấy người là phạm nhân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì bác không thấy đám trẻ say xĩn trộm một con vịt để nhậu phải ở 2-5 năm tù CÔN AN giết dân thì chỉ có 5 năm.

      Xóa
  6. Nhiều kẻ cố tình phá hoại mối quan hệ VN- Mỹ, để trung thành bán nước cho dễ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng.
      Số phản đối khá ít. Người đi qua 2 cuộc chiến bi hùng như Nguyên Ngọc cũng ủng hộ và đưa ra những suy tư day dứt.
      Tuy nhiên, anh Huy Đức thông tin có "còi" thổi việt vị ý kiến ông Đinh La Thăng. Chờ xem.

      Xóa
  7. Đồng ý. Lỗi không tại Bob Kerrey, ông ta chỉ phải làm theo lệnh cấp trên LÚ LẪN và ĐỘC ÁC của ông ta.

    Trả lờiXóa
  8. Là một cựu chiến binh tôi đã hiểu chiến tranh là thế nào. Trước năm 1975, những thanh niên miền Bắc lên đường tòng quân vào Nam chiến đấu. Tôi cũng là một trong số đó. Trong thâm tâm không ai muốn chiến tranh, vì chiến tranh đã cướp đi nhiều thứ của tuổi trẻ. Ước mơ vào đại học của tôi cũng như của nhiều thanh niên miền Bắc không thể thực hiện. Sau giải phóng, những người lính từng nuôi mộng học vấn lại lao vào học để thực hiện dự án bị dang dở. Nhiều người sau khi ra quân, ở lại Sài Gòn học đại học. Có người phải đi bán thuốc lá lẻ ban đêm để có tiền ăn học. Không có chỗ ở, phải tá túc nhờ gia đình một sĩ quan quân đội VNCH đi học tập cải tạo. Tôi là một trong số người "lê la" như thế ở SG. Bạn bè chuyển sang ngành CA thì ổn định, còn những thằng tự nguyện làm sinh viên già như tôi thì khổ như thế đấy! Cũng nhờ bạn làm CA mà tôi được xem một phiên tòa xử gián điệp ngoại quốc sau hơn 3 năm giải phóng. Lúc đó có một ông được giới thiệu là trưởng khoa tiếng Anh của ĐH ngoại ngữ Hà Nội và chị Tôn Nữ thị Ninh làm phiên dịch.
    Lúc đó, thực tình là rất hâm mộ chị Ninh, một trí thức miền Nam. Chị dịch rất hay. Có nhiều lúc ông trưởng khoa TA không dịch được thì chị lại hỗ trợ ngay. Giọng Huế ấm ngọt và dáng vóc cao ráo, là thằng trai trong rừng ra, chưa vợ sao không mê được. Mặc dù biết chị hơn tôi 1 tuổi, nhưng lòng vẫn mơ mình có được một người phụ nữ giỏi giang như thế làm bạn. Đó chỉ là mơ, vì lúc đó chị đang là cô giáo. Sau này biết chị thăng tiến nhanh, tôi cũng không ngạc nhiên!
    Cái làm tôi ngạc nhiên là Tôn Nữ Thị Ninh phản đối việc ông Bod Kerey làm giám đốc Fulbright VN. Là một người lính chiến trường, tôi hiểu thế nào là chiến tranh, chết chóc. Những người lính chúng tôi sau trận chiến không có thù hận nhau, bới đều là lính, đều phải chĩa sung vào nhau để giành chiến thắng. Chiến tranh là vậy. Tôi chắc rằng chị Ninh không nếm mùi súng đạn như chúng tôi nên khó thông cảm lắm! Chị giỏi, khả năng ngoại ngũ tuyệt vời nên chị được trọng dụng. Nhưng cũng có nhiều người giỏi như chị hoặc hơn chị không những không được trọng dụng mà còn bị vùi dập, vì họ không biết học thuộc nghị quyết, phát ngôn một chiều như chị.
    Việc phản đối ông Bod Kerrey như ý kiến của chị là một hành độnh nhẫn tâm. Vì cái gì? Vì những người đã khuất ư? tôi không tin! Hay vì ĐH Fulbright hiện diện ở Viêt Nam làm lu mờ đi dự án giáo dục của chị? Hay chính phủ Hoa Kỳ phải bổ nhiệm chị làm giám đốc ĐG Fulbright VN thì mới hợp lý?
    Trong các hội nghi quốc tế về nhân quyền, chị bảo vệ quan điểm của VN rất hăng, nhưng đó là cái hăng của sự ngụy biện, không đúng với thực tế. Nó cũng giống như cá chết ở miền Trung chưa công bố kết quả, nhưng vẫn nói lấy được để vu vạ, khoác lên người biểu tình phản đối Formosa cái áo "thế lực thù địch", "nhận tiền nước ngoài". Một người học vấn cao, giỏi giang như chị sao không thấy được án oan, không thấy được người dân vô tội bị CA đánh chết, không thấy được các cháu học sinh cả năm trời không biết thịt cá là gì, không thấy được trẻ em đu dây đi học, ... Những cái đó đều là nhân quyền cả đấy chị Ninh a.
    Vì vậy, tôi phản đối ý kiến chị Ninh.

    Trả lờiXóa
  9. Ước gì cụ Võ Văn Kiệt còn sống để nghe cụ lên tiếng. Cụ Phan Văn Khải còn sống và hình như vẫn tham gia công tác tại hội khuyến học TPHCM, chẳng thấy nói gì

    Trả lờiXóa
  10. Chúng tôi muốn nói to :Nhân dân Việt Nam chúng tôi tha thứ cho Ông Bob Kerry!

    Trả lờiXóa
  11. Bà NINH luôn thù hận chứng tỏ con tim lạc lối. Không phân biệt đúng sai , không nhìn về tương lai của tổ quốc ...chứng tỏ không có cái đầu. Con người không có trái tim, không có khối óc.... thì gọi là gì nhỉ. Bà NINH tự hiểu mong rằng sẽ sữa đổi để đất nước vươn lên.

    Trả lờiXóa
  12. Còn tụi Tàu +, chúng cướp- giết cả dân tộc ta chẳng thấy ai hé răng, mở miệng cả,mà lại tung hô ca ngợi, đón tiếp trang trọng đến thế!

    Trả lờiXóa
  13. "Theo tôi, việc bổ nhiệm một cựu Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Tổng thống làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam chứng tỏ phía Mỹ rất coi trọng sự hợp tác, coi trọng vai trò của cơ sở giáo dục đại học này.
    Chúng ta đã nhiều lần đón tiếp trọng thị, gặp gỡ thân mật, hợp tác trong công việc với các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam như Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Thượng nghị sĩ John McCain,… Nước Mỹ từng cử ông Pete Peterson – một phi công từng lái máy bay ném bom Miền Bắc Việt Nam và bị cầm tù 6 năm ở nhà tù Hỏa Lò làm Đại sứ đầu tiên của cường quốc này tại nước ta. Vị Đại sứ đầu tiên này được Nhà nước Việt Nam chấp nhận, và trong thời gian làm Đại sứ cũng như sau này, ông Pete Peterson đã có nhiều đóng góp để phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.

    Tôi không nghĩ ông Bob Kerry là một ngoại lệ. Dĩ nhiên, nước Mỹ hoàn toàn có thể tìm người thay thế ông. Nhưng chúng ta có nên mở đầu một dự án đầy tham vọng về giáo dục theo cách đó không?"
    Hoàn toàn ủng hộ quan điểm của GS. Nguyễn Minh Thuyết. Cảm ơn Giáo sư.

    Trả lờiXóa