Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

GS. Mạc Văn Trang: NHU CẦU VÀ ĐỘNG CƠ

NHU CẦU VÀ ĐỘNG CƠ
 
Vừa qua ngành CA cũng như Tuyên giáo, điển hình là VTV với “60 phút mở” luôn muốn truy bức người có hành vi nào đó “VỚI ĐỘNG CƠ GÌ”? Ở đây có sự lầm lẫn, hay cố tình đánh tráo khái niệm giữa NHU CẦU và ĐỘNG CƠ. Thực ra việc đi biểu tình, bãi công, tụ tập đông người, chia sẻ trên facebook, bầy tỏ quan điểm, đòi tự do biểu tình, tự do ngôn luận, đảm bảo quyền con người … phải được xét từ mặt NHU CẦU của con người, chứ không phải động cơ. Nhu cầu là vấn đề sống còn của con người. NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI LÀ NHỮNG ĐÒI HỎI TẤT YẾU, KHÁCH QUAN PHẢI ĐƯỢC THỎA MÃN ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN.

Nhu cầu thể hiện ra ở đòi hỏi, momg muốn, nguyện vọng, ham muốn… Được thỏa mãn thì vui vẻ, khoan khoái, hài lòng…; không được thỏa mãn thì khó chịu, bực tức, đòi hỏi giành lấy…Hãy xem mô hình hệ thống thứ bậc nhu cầu rất nổi tiếng của A. Maslow (Hình: Tháp nhu cầu của A. Maslow).

Người ta ai cũng có nhu cầu sinh lý: đòi hỏi được ăn uống, thở hít khí trời, quan hệ tình dục, vệ sinh sạch sẽ…; ai cũng muốn được sống an toàn, yên ổn, sợ bị đe dọa, bất an…; ai cũng có nhu cầu xã hội: được giao tiếp, yêu thương, chia sẻ, bao bọc, gắn kết cộng đồng; Ai cũng đòi hỏi được tôn trọng nhân phẩm, quyền sống, giá trị bản thân, quyền lợi, địa vị của mình…; 

Ai cũng đòi hỏi được thể hiện bản thân: bộc lộ tài năng, giá trị của mình, ý kiến, quan điểm, tư tưởng, cá tính… của mình trước xã hội; hơn nữa còn khao khát hiện thực hóa những ước mơ, khát vọng lý tưởng của mình… Hồ Chí Minh đã diễn đạt nhu cầu cao cấp của con người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, đồng bào tôi ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cũng là nhu cầu – một đòi hỏi khẩn thiết của con người, của cả một dân tộc. “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”! Nhu cầu về độc lập, tự do của con người còn cao hơn cả mạng sống. Tự do hay là chết!... Cho nên chúng ta hãy hiểu và đồng cảm với TRẦN HUỲN DUY THỨC đang tuyệt thực để đòi được Nhà nước tôn trọng quyền lựa chọn của anh.
.
Hình: Tháp nhu cầu của A. Maslow
.
Những người lãnh đạo có hiểu biết, có tâm bao giờ cũng nghiên cứu, quan tâm đến nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội. Nhà nước tạo ra các điều kiện thỏa mãn nhu cầu của người dân thì dân hài lòng, phấn khởi, an vui, xã hội phát triển lành mạnh. Ngược lại, bất chấp nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp xã hội, đè nén, kìm kẹp, cấm đoán thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người thì sẽ tích tụ sự bất mãn gây nên trạng thái căng thẳng, trầm uất và rồi tích gió thành bão, tức nước vỡ bờ! Đó là quy luật xã hội phổ biến. 

Tôi xin nhắc lại, việc tụ tập đông người, biểu tình, đòi tự do ngôn luận, bầy tỏ quan điểm, tư tưởng, nhân quyền, giao lưu, kết bạn, chi sẻ, tâm tình, tự thể hiện bản thân… là những NHU CẦU cơ bản của con người. ĐỘNG CƠ được xem xét ở khía cạnh khác. Tôi đã có bài viết khá dài về ĐỘNG CƠ, nếu các bạn có nhu cầu tìm hiểu tôi sẽ post lên FB. 

01/6/2016
M.V.T

6 nhận xét :

  1. Báo chí không chính thống hiện nay trên một số lĩnh vực đã hơn hẳn báo chí gọi là chính thống .Nhanh nhạy , sự thật , thể hiện rõ ràng quan điểm . Đặc biệt trên lĩnh vực lý luận ,tuy gọi là lề trái mà lại rất sắc bén ,chuẩn mực ,sâu sắc hơn hẳn lý luận của lề phải , với nhiều tên tuổi đáng kính nể .Bài viết ngắn của GS Mạc Văn Trang trên đây là một ví dụ .

    Trả lờiXóa
  2. Em Tạ Bích Loan khi đặt câu hỏi "Động cơ của bạn là gì?" Thật sự mình cứ tưởng Tiến sỹ tạ Bích loan là Thượng sỹ an ninh Tạ Bích Loan? Bác Trang thật hiền dịu mà thâm thúy! Dạ thưa? Bích Loan đã có hàm GS chưa?!

    Trả lờiXóa
  3. Ông Mạc Văn Trang phân tích chí lý lắm! Ông hãy đăng lại bài giải thích thế nào là "động cơ" để cho các "trí thức gạo cội"như Tạ BL, HT Quang... và những kẻ "đấu tố" Phan Anh trên VTV1 hôm trước cùng những kẻ đồng tình với trò hề thô lỗ và lố bịch này được rõ, để họ trở thành người tử tế hơn cho xã hội được nhờ!Cảm ơn ông!

    Trả lờiXóa
  4. Rất mong các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức , các nhà lý luận có tâm với đất nước, với tổ quốc thân thương này hảy phản biện để vạch trần sự cường quyền của chế độ này.

    Trả lờiXóa
  5. Từ góc độ khoa học, bài viết của GS. Mạc Văn Trang rất có giá trị. Truyền thông chính thống và một số nhà cầm quyền không phân biệt nổi hay cố tình đánh tráo khái niệm, quẳng tất cả vào một rọ cho tiện đàn áp? Nhưng ngay cả nếu quy tất nhu cầu về "động cơ" thì cũng không thể tùy tiện, vì động cơ là cái mà về mặt nhận thức thì không dễ nắm bắt, về mặt pháp lý thì hoàn toàn không có chứng cớ. Cho nên các điều luật của các nước văn minh hầu như chỉ xét các yếu tố cấu thành tội phạm thông qua các hành vi, chứ không qua cái gọi là "động cơ".

    Trả lờiXóa
  6. Hỏi Tạ BL và HTQ xem động cơ của Trần Dân Tiên khi vừa đi đường vừa kể chuyện.

    Trả lờiXóa