Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Đoan Trang: VI PHẠM NHÂN QUYỀN TRONG TIẾN TRÌNH BẦU CỬ 2016


Phạm Đoan Trang
BẦU CỬ PHI DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM

Nguyên bản Tiếng Anh: Pham Doan Trang
Người dịch: Trần Anh Hòa - Nguyễn Thanh Mai - Khởi Minh - Nguyễn Xuân Tùng



MỤC LỤC

Phần 2:

IV. VI PHẠM NHÂN QUYỀN TRONG TIẾN TRÌNH BẦU CỬ 2016

Đánh giá chung

Các vi phạm nhân quyền điển hình 

(1) Ứng viên độc lập bị công an theo dõi chặt chẽ
(2) Ứng viên độc lập không được phép tìm kiếm sự ủng hộ.

(3) Truyền thông bị ngăn cản gặp ứng viên độc lập
(4) Ứng viên độc lập và những người ủng hộ không được phép gặp nhau tại nơi công cộng. (5) Nhiều cử tri không được thông báo về các hội nghị cử tri ở nơi cư trú
(6) Cử tri bị công an và chính quyền địa phương gây áp lực
(7) Nhiều ứng viên độc lập bị đe dọa.
(8) Báo chí thiên vị
(9) Luật pháp thiên vị
(10) Không có cơ quan giám sát độc lập
(11) Công an, tòa án và các cơ quan nhà nước khác đối xử không công bằng giữa các ứng viên 

(12) Các trở ngại vướng mắc về thủ tục đăng ký.
(13) Ứng viên độc lập không được tổ chức vận động bầu cử.
(14) Không khiếu nại được.


IV. VI PHẠM NHÂN QUYỀN TRONG TIẾN TRÌNH BẦU CỬ 2016


Đánh giá chung

Giai đoạn trước bầu cử là một cơ sở hết sức quan trọng để đánh giá xem việc bầu cử có tự do và công bằng hay không.

Trong phần dưới đây, cuộc bầu cử 2016 ở Việt Nam sẽ được đánh giá theo hai khía cạnh: tự do và công bằng đối với các ứng viên thực sự độc lập (loại “độc lập” thứ hai), trong giai đoạn trước ngày bỏ phiếu chính thức, 22/5.

Tự do
Tự do đi lại
Ứng viên độc lập bị công an theo dõi chặt chẽ (1).
Tự do ngôn luận và biểu đạt
Ứng viên độc lập không được kêu gọi ủng hộ. Họ không được nói chuyện với dân chúng, không được phát tài liệu tự vận động/ quảng cáo (2)

Các phương tiện truyền thông (cả báo chí chính thống lẫn truyền thông độc lập, “lề trái”) đều bị ngăn cản, không cho gặp gỡ ứng viên độc lập. (3)
Tự do tụ tập
Ứng viên độc lập và những người ủng hộ không được gặp nhau tại các nơi công cộng. (4)
Tự do thông tin
Cử tri, đặc biệt thanh niên và các nhà hoạt động nhân quyền, không được thông báo về các cuộc hội nghị cử tri nơi cư trú, nhất là những hội nghị đấu tố các ứng viên độc lập. (5)
Không bị bất cứ sự ép buộc nào
Cử tri bị gây áp lực, thậm chí còn bị đe dọa bởi công an và chính quyền địa phương tại một số đơn vị bầu cử. (6)

Nhiều ứng viên độc lập bị công an mặc thường phục, chính quyền địa phương và những người ủng hộ chính quyền đe dọa. (7)
Công bằng
Minh bạch
Các phương tiện truyền thông (cả báo chí chính thống và truyền thông độc lập, lề trái) không được viết bài về các ứng viên do Đảng đề cử, nhất là không được viết về tài sản, của cải của họ.

Ứng viên độc lập thì ngược lại, bị buộc tội, vu khống và phỉ báng bởi những người ủng hộ chính quyền, gồm cả các dư luận viên (8)
Luật pháp công bằng
Luật pháp chỉ bàn về các ứng viên Đảng cử và dành cho họ các ưu thế tuyệt đối, trái ngược hẳn đối với các đối thủ độc lập không được công nhận. (9)
Cơ quan giám sát độc lập và vô tư
Không có cơ quan nào như vậy để quan sát hay giám sát quá trình bầu cử. (10)
Đối xử công bằng với mọi ứng viên
Hầu hết các ứng viên độc lập bị công an, quân đội, tòa án, và các cơ quan công quyền các cấp hành xử như thể họ là tội phạm. (11)
Bình đẳng trong cơ hội ứng cử
Ứng viên độc lập bị cản trở ngay từ lúc đăng ký, bị yêu cầu phải khai rõ họ có phải là thành viên của tổ chức chính trị ngoài Đảng hay nhóm tôn giáo không được công nhận hay không. (12)
Bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực
Ứng viên độc lập không được phép tổ chức bất cứ cuộc vận động tranh cử nào.
Họ không được phép kêu gọi tài trợ, không được tiếp cận mọi sự tài trợ. (13)
Khả năng khiếu nại
Rất ít khiếu nại về bầu cử được xử lý thỏa đáng. (14)

Các vi phạm nhân quyền điển hình 

(1) Ứng viên độc lập bị công an theo dõi chặt chẽ. 

Điện thoại của họ bị nghe trộm. Họ bị công an mặc thường phục bám theo ngày đêm. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những trí thức bất đồng quan điểm được kính trọng và có ảnh hưởng nhất, bị các tốp công an khác nhau đeo bám, mỗi tốp 2-3 người một ca làm việc. Ông thậm chí còn bị theo dõi khi đến dự họp với các nhà ngoại giao tại sứ quán các nước phương Tây.

(2) Ứng viên độc lập không được phép tìm kiếm sự ủng hộ.

Họ không được trò chuyện với công chúng, không được phát tài liệu vận động/quảng cáo.

Các hội nghị lấy ý kiến cử tri đều được tổ chức hạn hẹp, và những người ủng hộ ứng viên bị cấm vào nơi họp. Tại tất cả các “cuộc họp cử tri nơi cư trú”, ứng viên phải đối mặt với đám đông chỉ trích dữ dội trước khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Vào 8 giờ tối ngày 31/3/2016, một người hàng xóm và là người ủng hộ ứng viên độc lập Đặng Bích Phượng - bà Cao Thị Hòe - bị ông Đỗ Mạnh Khải, công an phường, và bà Nguyễn Thị Lan, tổ trưởng dân phố, ngăn cản và dọa dẫm trong khi bà Hòe đang thu thập chữ ký ủng hộ Đặng Bích Phượng. Viên công an giật lấy các tờ rơi của bà, mắng nhiếc và nói rằng bà không được thu thập chữ ký ủng hộ bà Đặng Bích Phượng. Sau đó, nhờ quyết tâm của ứng viên Phượng bảo vệ bà Hòe nên bà mới thoát khỏi rắc rối.

Tại TP HCM, vào tối 28/03, có khoảng 50 người ủng hộ ứng viên độc lập Hoàng Văn Dũng (nick name là Hoàng Dũng, một facebooker chính trị nổi tiếng và là thành viên của phong trào Con đường Việt Nam), đã bị ngăn cản, không cho vào dự các cuộc họp mặt với cử tri của ông Dũng. Họ bị hàng chục sĩ quan công an, với sự hỗ trợ của dân phòng, giữ lại tại cửa ra vào. Thậm chí cả vợ ông Dũng lúc đầu cũng không được vào, và chị chỉ vào được cửa sau một hồi tranh luận gay gắt với công an và dân phòng.

Tồi tệ hơn nữa, trong khi Hoàng Dũng đang bị đấu tố bởi các cử tri nơi cư trú do MTTQ chọn lựa thì một nhóm thanh niên đi xe máy chạy ngang qua và ném các túi mắm tôm hôi nồng nặc vào những người ủng hộ ông Dũng đang tập trung ở phía ngoài nơi họp.

(3) Truyền thông bị ngăn cản gặp ứng viên độc lập.

Cả báo chí chính thống và truyền thông độc lập, phi chính thống, đều gần như không tiếp cận được các ứng viên độc lập. Một phóng viên làm việc cho một trong những nhật báo hàng đầu của Việt Nam nói với tác giả báo cáo này rằng khi ông và các nhà báo khác gọi điện đến cơ quan MTTQ và MTTQ ở các địa phương xin địa chỉ liên hệ của các ứng viên độc lập thì bị từ chối. Những người có thẩm quyền của các cơ quan này nói với ông rằng các ứng viên đó “phức tạp, nhạy cảm lắm”. 


(4) Ứng viên độc lập và những người ủng hộ không được phép gặp nhau tại nơi công cộng.

Ngày 23/3, Toà án Nhân dân TP Hà Nội kết án Ba Sàm, một blogger nổi tiếng (từng ứng cử vào Quốc hội năm 2002), 5 năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, làm giảm uy tín của Nhà nước.

Hai ứng viên độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và luật gia Nguyễn Đình Hà, bị bắt giữ và thẩm vấn, ngoài ra còn ít nhất ba người tự ứng cử nữa đã bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” khi họ tập trung tại khu vực bên ngoài Tòa án để bày tỏ sự ủng hộ đối với các bị cáo.

Câu hỏi chưa được giải đáp là tại sao các ứng viên này bị bắt giữ hoặc phạt trong khi hàng trăm người khác tập trung bên ngoài tòa án thì không. Do đó, người ta tin rằng họ bị bắt trong một chiếc bẫy do cơ quan chức năng giăng ra nhằm ngăn cản việc ứng cử của họ, khi mà ngay cả một tội nhẹ cũng có thể làm cho họ không đủ tiêu chuẩn ra ứng cử.

Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, và vợ đã bị một tốp thanh niên đe dọa khi đang trên đường tới dự một cuộc họp với các nhà hoạt động xã hội ở Đại sứ quán Thụy Điển hôm 29/3. Một thanh niên nói với ông: “Đi lại ít thôi, không là ăn đòn đấy”. Ông Thụy được cho là một trong những ứng viên bị công an nhắm đến một cách có chủ ý. Ông đã bị loại trong buổi hiệp thương với cử tri tại địa phương vì “có những hành vi xấu”, chẳng hạn như “viết nhiều bài chống chính sách của Đảng”.


(5) Nhiều cử tri không được thông báo về các hội nghị cử tri ở nơi cư trú.

Theo các nguồn tin, hầu như tất cả các thành phần tham dự hiệp thương là người già và trung niên. Thanh niên hóa ra không được vào dự.

Ứng viên độc lập Đỗ Nguyễn Mai Khôi, 33 tuổi, một ca sĩ nhạc trẻ nổi tiếng, viết trên trang facebook của mình rằng “độ tuổi trung bình của các cử tri dự họp là 60.” Bản thân Mai Khôi bị loại sau khi các cử tri nói rằng cô “trẻ quá”, không nên ứng cử đại biểu Quốc hội.

Các nhà hoạt động nhân quyền - những người mà các cơ quan chức năng biết là hay có xu hướng ghi âm ghi hình các cuộc tụ tập, hội thảo, hội nghị - cũng không được vào dự các cuộc họp đó. Không một nhà hoạt động xã hội nào ở Hà Nội và TP HCM được thông báo về các hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú của họ.

(6) Cử tri bị công an và chính quyền địa phương gây áp lực.

K.D., một cử tri nơi Tiến sĩ Nguyễn Quang A cư ngụ, giấu tên nói rằng chính quyền địa phương đã nhiều lần cử “cán bộ” đến các hộ dân trong vùng (phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) và vận động người dân không bỏ phiếu cho Tiến sĩ Quang A.

Đồng thời, có những nhóm tự xưng là “dư luận viên” có trách nhiệm “đấu tranh chống lại các hội đoàn chống nhà nước”. Họ đã đến gặp hàng xóm của Tiến sĩ Quang A, phỏng vấn và ghi hình những người nói xấu ông. Các phỏng vấn được ghi hình, sau đó được biên tập lại và phát trên hàng chục trang web phản dân chủ của công an và tuyên giáo.

Nổi tiếng nhất trong số các nhóm đó là Viet Vision, đã tung ra một trang web của riêng họ. Trang này tập trung vào tấn công các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội. Thậm chí một thành viên của nhóm là Nguyễn Chí Đức còn định đánh Tiến sĩ Quang A khi ông từ chối trả lời phỏng vấn của anh ta.

Bản thân chính quyền cũng có dấu hiệu vi phạm Điều 126 Bộ luật Hình sự, “Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân”, bằng cách ngăn cản Tiến sĩ Quang A không cho ông ứng cử: Ông Trần Văn Bái, tổ trưởng dân phố nơi Tiến sĩ Quang A cư trú, đã đi phân phát các bản in một bài viết của Viet Vision bôi nhọ ông A, với tiêu đề “Hành trình tội lỗi của Nguyễn Quang A”, đến từng hộ dân trong tổ. Bị Tiến sĩ Quang A chất vấn tại sao lại làm như vậy, ông Bái nói: “Tôi phải làm cho người dân biết về ông để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới”.


Nhưng sự tham gia tích cực của ông Bái trước và trong hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho thấy rằng Trần Văn Bái hẳn đã làm việc theo chỉ đạo từ cấp trên. Theo truyền thống, người dân Việt Nam, vốn thờ ơ và phi chính trị trong sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản, chẳng nhiệt tình đến thế trong việc “khai dân trí” cho những người khác để chuẩn bị cho một sự kiện chính trị nào đấy. 

(7) Nhiều ứng viên độc lập bị đe dọa. 

Những năm qua, ứng viên độc lập thường bị ép phải rút đơn ứng cử. Nhiều người phải từ bỏ dự định của mình sau một số cuộc “gặp gỡ, tiếp xúc” với chính quyền địa phương và công an. Người nào không chịu từ bỏ thì sớm muộn cũng bị loại ở vòng “hiệp thương lần thứ hai” hay là sau hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú hoặc cơ quan của mình.

   Nguyễn Hữu Vinh (còn gọi là Ba Sàm, một blogger hiện đang chịu án 5 năm tù vì đã “làm giảm uy tín Nhà nước”) đã từng bị loại trong hội nghị lấy ý kiến cử tri vào năm 2002. Luật sư Lê Công Định, một trí thức bất đồng chính kiến nổi tiếng, cũng bị loại năm 2007. Năm 2009, ông bị bắt và tù 5 năm với tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Luật sư Lê Quốc Quân cũng bị loại năm 2011. Cuộc bầu cử Quốc hội 2011 cũng đánh dấu sự thất bại của một số ứng cử viên độc lập nổi tiếng khác: Học giả Nguyễn Phúc Giác Hải, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Công Hùng (mất năm 2012), và Nguyễn Cảnh Bình, sáng lập viên kiêm giám đốc một công ty xuất bản nổi tiếng tại Việt Nam.

Một số ít ứng viên trụ lại được sau vòng hiệp thương thứ hai chắc chắn sẽ bị loại ở vòng thứ ba, vòng này ứng viên không được tham dự. Năm 2011, luật sư nhân quyền Võ An Đôn đã bị loại mặc dù ông nhận được 100% phiếu thuận trong các hội nghị lấy ý kiến cử tri trước đó ở vòng hai. Năm nay (2016), luật sư Đôn lại ra ứng cử một lần nữa và thất bại ngay từ vòng hai: Ông đã bị loại trong hai hội nghị lấy ý kiến cử tri ở địa phương, ở quê mình - tỉnh miền Trung Phú Yên - và Đoàn Luật sư Phú Yên.

Luật sư Đôn từ chối phỏng vấn với tác giả của báo cáo này hôm 22/02, ông nói bị nhiều áp lực từ công an. Nếu trả lời phỏng vấn, ông sẽ bị ảnh hưởng xấu đến công việc.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, giám đốc đối ngoại của một công ty Ấn Độ có trụ sở tại miền Trung Việt Nam, đã gặp áp lực lớn khi công an đến công ty của bà và yêu cầu ban lãnh đạo không ủng hộ bà ứng cử vào Quốc hội. Khi vị Tổng giám đốc người Ấn Độ từ chối, chính quyền địa phương ngay lập tức vào cuộc để thanh tra về thuế của công ty. Tuy nhiên, bà Hạnh vẫn nhận được 100% phiếu đồng ý trong hội nghị lấy ý kiến cử tri tại công ty của mình và chỉ bị loại trong hội nghị tại nơi cư trú của mình, nơi mà hầu hết cử tri là những người lạ, mặc dù trước đó bà đã yêu cầu phải được biết trước danh sách người tham dự. Bà Hạnh bị tố “gây rối trật tự công cộng” do đã tham gia một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc vài năm trước.

Nguyễn Kim Môn, một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội, cũng gặp tình trạng giống như vậy. Công ty của ông liên tục bị cán bộ thuế đến kiểm tra kể từ khi ông công khai tuyên bố ứng cử vào Quốc hội. Ông đã bị loại trong hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú, bị tố là “không chịu moi cống”. 

(8) Báo chí thiên vị 

Cả báo chí chính thống và truyền thông phi chính thống đều không được viết bài về các ứng viên do Đảng cử, trừ phi để khen ngợi việc họ ra ứng cử. Của cải và tài sản của họ, cũng như của các lãnh đạo nhà nước, là một chủ đề “cấm kỵ” đối với các phương tiện truyền thông chính thức.
  
Tuy vậy, thủ tục đăng ký ứng cử trong cuộc bầu cử yêu cầu các ứng viên tương lai điền vào tờ đăng ký các thông tin cá nhân của mình (gồm quá trình làm việc, nghề nghiệp, thu nhập, tài sản, v.v...) và nộp cho Ủy ban Bầu cử của địa phương hoặc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Vấn đề là các dữ liệu cá nhân này chỉ được đọc trong các hội nghị lấy ý kiến cử tri do MTTQ tổ chức cho cử tri nghe, và các cuộc họp như vậy chỉ thu hẹp trong phạm vi những người tham dự được chọn từ trước.

Một trang facebook có tên “Công khai có gì mà ngại” đã được lập ra hồi giữa tháng 3, kêu gọi mọi người ký tên vào bản kiến nghị trực tuyến đề nghị tất cả các đại biểu Quốc hội đăng tải công khai thông tin tài sản cá nhân của họ. Trang này có vẻ ít nhận được sự chú ý của công chúng.

Ngược lại với các ứng viên Đảng cử, ứng viên độc lập luôn gặp phải những lời vu khống và phỉ báng từ những người ủng hộ chính phủ, kể cả dư luận viên được chính phủ thuê. Nhiều người bị tố là thần kinh hoang tưởng, đã từng vi phạm pháp luật hoặc hành xử xấu. Nhóm Viet Vision nói trên còn phát tờ rơi kết tội Tiến sĩ Nguyễn Quang A là “chống nhà nước” và “phản quốc” do ông từng tham gia vào các cuộc vận động quốc tế ủng hộ nhân quyền tại Việt Nam.

Hồi đầu tháng 3, Petro Times, một tờ báo quốc doanh, đăng hàng loạt bài báo bôi nhọ các ứng viên độc lập, như Đặng Bích Phượng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh và Nguyễn Công Vượng, một nghệ sĩ chèo nổi tiếng. Sử dụng bút danh Đại Anh, bài xã luận quy nghệ sĩ Vượng là thành viên đảng Việt Tân - một chính đảng lưu vong bị ĐCSVN coi là “tổ chức khủng bố” - và bằng cách ứng cử, “Vượng huênh hoang” chẳng qua chỉ muốn đánh bóng tên tuổi.

Ông Vượng đã gửi thư khiếu nại tới tổng biên tập báo Petro Times, yêu cầu xin lỗi, nhưng không được chấp nhận. Tệ hơn, công an còn liên tục về quê của ông và phát tán tin đồn rằng ông là kẻ trốn thuế. Cuối cùng ông đã phải từ bỏ việc ứng cử. 

(9) Luật pháp thiên vị 

Các văn bản pháp luật ở Việt Nam chỉ nói về các ứng viên Đảng cử và dành lợi thế tuyệt đối về phần họ, ngược hẳn với các đối thủ độc lập của họ, vốn không được chấp nhận.

Vài ngày sau khi bị loại ở hội nghị cử tri trong khuôn khổ vòng “hiệp thương lần thứ hai”, hôm 14/4, bà Đặng Bích Phượng nhận được một lá thư đề ngày 01/4 của Ủy ban Quốc gia vì Sự Tiến bộ của Phụ nữ (NCFAW), mời bà đến dự buổi hội thảo “Nâng cao kiến thức và kỹ năng” cho các nữ đại biểu được đề cử, tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14-15/5. Mặc dù nhận thư muộn quá, không đăng ký kịp, bà vẫn gọi đến những nhà tổ chức và được trả lời rằng họ đã nhầm lẫn khi gửi thư mời đến bà, một ứng viên độc lập.

Từ xưa đến nay, các ứng viên độc lập vốn không hề được biết đến những buổi hội thảo xây dựng năng lực như vậy. 

(10) Không có cơ quan giám sát độc lập 

Hội đồng Bầu cử Quốc gia được thành lập theo Nghị quyết 105/2015/QH13 của Quốc hội khóa 13 gồm 21 thành viên, tất cả đang là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, có cả Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

Tính độc lập và công bằng của họ xem ra rất đáng ngờ.

Các câu hỏi liên tục được đặt ra về tính công bằng của hội nghị lấy ý kiến cử tri, nơi chỉ có một số nhỏ cử tri được tham dự, đánh giá và biểu quyết về tư cách ứng cử của các ứng viên tương lai. Việc bỏ phiếu kín không được bảo đảm khi tại một số hội nghị, cử tri được yêu cầu giơ tay biểu quyết, không phải là bỏ phiếu. Kể cả khi đó là bỏ phiếu kín, thủ tục kiểm phiếu vẫn không hợp lệ khi không có một cơ quan độc lập nào giám sát hoặc kiểm soát việc bỏ phiếu được thực hiện như thế nào.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một ứng viên độc lập, cho biết ban kiểm phiếu trong hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với ông phải mất đến 30 phút để chỉ để đếm có 58 phiếu. Thời gian kiểm đếm lâu như vậy làm lộ ra dấu hiệu rằng ban kiểm phiếu đã phải đợi cơ quan thẩm quyền quyết định xem ông Diện có đủ điều kiện ứng cử hay không.

Ngày 12/4, luật sư Phạm Văn Việt nộp đơn khiếu nại đến Ủy ban Bầu cử và MTTQ TP Hà Nội để tố cáo người tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri là ông Trần Văn Tiệp đã ngăn không cho ông Việt phát biểu trong hội nghị này, thậm chí còn phát tờ rơi chống lại ông.

Một số cử tri cũng đã nộp đơn khiếu nại về trường hợp của ứng viên độc lập Nguyễn Cảnh Bình, nói rằng những người tổ chức hội nghị đã can thiệp và làm sai lệch kết quả hội nghị. 

(11) Công an, tòa án và các cơ quan nhà nước khác đối xử không công bằng các ứng viên 

Hầu hết các ứng viên độc lập bị công an, quân đội, tòa án, và cơ quan công quyền các cấp đối xử như với tội phạm.

Thậm chí vào ngày 15/3, một thành viên trong tiểu ban An ninh-Trật tự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia còn phát biểu với báo chí rằng “có tổ chức phản động đứng sau cuộc vận động tự ứng cử, thậm chí cung cấp tài chính cho những người tự ứng cử để lấy được phiếu bầu”.

Một số ứng viên độc lập đã bức xúc đến nỗi họ gửi thư cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia, yêu cầu nêu rõ tên của những người tự ứng cử đó và “tổ chức phản động” nào tiếp tay cho họ. Một tháng sau, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, thừa nhận đó chỉ là ý kiến của một cá nhân và không phản ánh quan điểm của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Nhà văn Phạm Chí Thành bị cưỡng chế đến hội nghị lấy ý kiến cử tri trong khu vực bầu cử của mình bất chấp việc ông đã phản đối và tẩy chay bầu cử. Công an và dân phòng bao vây chung quanh địa điểm tổ chức hội nghị, quay phim và đe dọa đánh đập bất cứ người nào dám đến ủng hộ ông. 

(12) Các trở ngại vướng mắc về thủ tục đăng ký. 

Các ứng viên độc lập gặp cản trở ngay từ việc đăng ký ứng cử yêu cầu phải ghi rõ họ có phải là thành viên của tổ chức chính trị ngoài ĐCSVN hay nhóm tôn giáo nào không được công nhận hay không.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một cựu tù nhân lương tâm sống ở Thanh Hóa. Hồ sơ ứng cử của ông đã bị loại sau khi Ủy ban Bầu cử địa phương cho rằng ông là thành viên của một nhóm tôn giáo chưa đăng ký, và hồ sơ chỉ được chấp nhận nếu ông không nhận mình là thành viên của tổ chức đó.

Luật gia, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà cũng bị gây trở ngại khi chính quyền địa phương không nhận hồ sơ, viện lý do rằng ông là thành viên của đảng Dân chủ (bị xem là bất hợp pháp ở Việt Nam), và ông bị kết tội “gây rối trật tự công cộng” một vài lần khi tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Sau nhiều tranh cãi và khiếu nại, ông đã vượt qua được thủ tục đăng ký, nhưng sau đó đã bị loại ở “hiệp thương lần thứ hai”.

Kỹ sư Nguyễn Việt Hưng ở tỉnh Yên Bái là thành viên của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên - một tổ chức chính trị có trụ sở ở Pháp hoạt động nhằm thúc đẩy tự do dân chủ và nâng cao nhận thức chính trị của người Việt Nam. Ông Hưng đã bị loại ngay từ khi đăng ký ứng cử. Ông nói rằng công an địa phương đã tìm đến khách sạn nơi ông ở trong một chuyến công tác và cố tình cản trở để ông trễ hạn nộp hồ sơ. Có công an tên Cảnh còn nói thẳng với ông: “Anh không ứng cử được đâu”, nhưng lại không chịu xác nhận điều đó bằng văn bản. 

(13) Ứng viên độc lập không được tổ chức vận động bầu cử. 

Điều 68 của Luật Bầu cử nói rằng ứng viên không được “lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình” và “hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”.

Tuy nhiên, điều gần như chắc chắn là các ứng viên Đảng cử được bảo đảm ít nhất một số khoản hỗ trợ và thời gian miễn phí trên truyền hình quốc gia hoặc địa phương, sau khi họ vượt qua ba vòng hiệp thương. Khi chỉ có một chính đảng cầm quyền cai trị đất nước và áp dụng ý thức hệ cộng sản, người ta không kỳ vọng các ứng viên được chọn sẵn này sẽ trình bày bất kỳ quan điểm nào khác đến cử tọa là các khán giả cũng đã được chọn sẵn. 

(14) Không khiếu nại được 

Theo Luật Bầu cử 2015, khiếu nại chỉ do Hội đồng Bầu cử Quốc gia giải quyết, bản thân Hội đồng này thì do các lãnh đạo ĐCSVN lập ra. Tòa án không có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại liên quan đến bầu cử, chẳng hạn như vấn đề kiểm phiếu hoặc kết quả bầu cử.

Đến nay các khiếu nại của các ứng viên độc lập Phạm Văn Việt, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện vẫn chưa được giải quyết. Các kiến nghị trước đó của các ứng viên Phan Văn Phong, Nguyễn Thuý Hạnh và Nguyễn Đình Hà đã bị bác bỏ.

Còn tiếp...

2 nhận xét :

  1. Bài phân tích khá thú vị các bác ạ https://www.danluan.org/tin-tuc/20160520/21-phat-dai-bac-chao-don-tong-thong-barack-obama-tai-sao-khong

    Trả lờiXóa
  2. NHƯ CÁO TRẠNG!
    Cùng với tác phẩm " Bầu cử kiểu gì khi tệ ngay từ luật" của GS Hoàng Xuân Phú giống như một bản cáo trạng, tác phẩm " Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam" của Phạm Đoan Trang cũng là một bản cáo trạng, cùng tuyên bố sự cáo chung của cái gọi là bầu cử dân chủ ở xứ ta thời mạt này, hơn thế, phải gọi là thời thổ tả này!

    Trả lờiXóa