Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

LS. Lê Văn Luân: CỬ TRI VÀ QUYỀN LỰA CHỌN

CỬ TRI VÀ QUYỀN CHỌN

Luân Lê 

Như vậy, ngày 22.05.2016 tới đây là ngày bầu cử chính thức cơ quan quyền lực từ trung ương đến địa phương trên toàn quốc.

Vậy làm thế nào để biết và lựa chọn được những đại biểu quốc hội hoặc đại biểu vào hội đồng nhân dân các cấp, trong khi chúng ta không biết chút gì về cá nhân đó hay cũng chưa từng gặp họ trong cuộc sống, ngoại trừ cấp phường, xã (cấp thấp nhất) ra?

Đặc biệt là trong tình trạng mà hiện nay quá nhiều cán bộ cấp xã, phường sử dụng bằng giả để tiến thân và leo cao? Khi đó chúng ta lại phải đặt ra một câu hỏi, vậy những cấp cao hơn như cấp tỉnh và trung ương thì những đại biểu chỉ được giới thiệu vỏn vẹn vài dòng trong những danh sách ứng cử viên mà chúng ta không có thông tin, người quen hay trực tiếp kiểm chứng về những con người đó thì sẽ ra sao và phải thế nào để lựa chọn?


Lựa chọn cái không biết, được đối tác chọn sẵn cho ta lựa chọn, giống như đánh bạc với một sự rủi may mà biết chắc rằng, mọi sự lựa chọn đều sẽ đem tới hậu quả như nhau!

Tôi cũng đã từng tham gia ứng cử đại biểu quốc hội kỳ này, nên tôi thấu hiểu sự khó khăn của việc lựa chọn cho các cử tri đối với lá phiếu sẽ bầu cho ai, nếu đó là một người thực tâm và có trách nhiệm?

Mọi người đều biết, do tỷ lệ cơ cấu mà đảng đặt ra có sự hiệp thương sơ bộ của Mặt trận Tổ quốc thì số ứng cử viên đại biểu quốc hội là đảng viên đảng cộng sản luôn từ 90 đến 95%. Phần còn lại là do được tổ chức, cơ quan giới thiệu ra hoặc tự ứng cử một cách độc lập. Tuy nhiên, với một loạt hàng rào kỹ thuật khép kín mang tính nội bộ do Mặt trận Tổ quốc cùng quốc hội (hội đồng nhân dân) khoá cũ (hầu như là đảng viên) đặt ra và cản trở, thì hầu hết số người tự ứng cử gần như không còn cơ hội nào để lọt vào danh sách cuối cùng. Như nhà báo, ông Trần Đăng Tuấn ứng cử ở Hà Nội, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng tương tự, họ đều bị loại bởi những lý do không thể ngờ tới nhưng ai cũng có thể biết trước nó sẽ xảy ra như vậy.

Cuối cùng, danh sách các ứng cử viên còn lại chỉ còn người của Trung ương giới thiệu và người của Mặt trận tổ quốc hiệp thương và chốt lại theo đúng cơ cấu của đảng đặt ra. Và do đó, tỷ lệ người của đảng trong danh sách nghiễm nhiên chiếm gần như là tuyệt đại đa số chứ không có chỗ cho người ngoài đảng - chiếm 90% (90 triệu) dân số cả nước.

Như vậy, làm thế nào để người dân, đóng vai cử tri, dù chỉ là người cuối cùng có cơ hội đặt bút lựa chọn và gạch bớt những cái tên mà mình không biết là ai, không từng được đề cử? Và người còn lại, nếu lựa chọn không gạch tên, thì trớ trêu thay, cử tri cũng chưa từng tường tỏ điều gì liên quan đến vị đại biểu mà mình sẽ để lại trong lá phiếu của mình?

Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ, để loại được các ứng viên tự do, dù bằng các thủ thuật "không chính đáng, thiếu minh bạch", thì dễ để hiểu người dân phần lớn vẫn còn đang rất tin vào những cái tên được đảng chọn sẵn và rồi nổi lên trên danh sách, mặc dù cử tri nơi bỏ phiếu chưa bao giờ có chút nhận thức gì để đánh giá, nhận định về nhân cách, phẩm chất hay tài năng của họ cả. Vì cử tri chỉ là người được dọn sẵn mâm cơm để ăn chứ không phải người đi chợ chọn đồ và gia vị của bữa tiệc đó. Nên nếu là người nhận ra những bất cập và luôn mong muốn cũng như cần một cơ chế bầu cử minh bạch, trực tiếp, được vận động tranh cử công khai trên toàn quốc, thay vì theo đơn vị hành chính cấp cơ sở bất cập như bao năm qua đã diễn ra, thì hãy tự đưa ra cách chọn quyền bầu cử của và cho mình.

Cụ thể như sau:

Hoặc không bầu ai, vì bạn có quyền bầu cử chứ không có nghĩa vụ thực hiện, nếu bạn không có lựa chọn nào khả dĩ và cũng không có tâm trí dành cho việc đó, hãy để tấm phiếu ở nhà và trong túi của mình, coi như một hình thức bỏ phiếu trống hoặc không hợp lệ.

Hoặc bạn lựa chọn bầu, nhưng theo trình tự và tiêu chí:

1. Là luật sư, luật gia, người nghiên cứu, hành nghề luật, chuyên gia kinh tế, tài chính, người đi học ở nước ngoài (phương Tây), người không phải là đảng viên (vì họ không có lợi ích để chịu chi phối hay ràng buộc với tổ chức nào khi tham gia đại diện quyền lực cho dân), người làm nghề xã hội như giáo viên, giảng viên, y tế, nhà báo, người không kiêm nhiệm ở các cơ quan hành chính, người trẻ tuổi có tư tưởng cấp tiến và độc lập;
2. Người mà mình hoặc người thân của mình biết rõ người đó trong cuộc sống, công việc hoặc bằng cách thức khác, miễn là bạn đủ thông tin và tin vào người đó.

Như đã có một số người nói về việc, mỗi cử tri, một phiếu bầu, theo đó mỗi cử tri chỉ để lại tên của một đại biểu duy nhất mà bằng cảm quan là ít tồi tệ nhất hoặc biết rõ nhất để lựa chọn cho lá phiếu của bản thân, đây cũng là một cách hay, và lá phiếu vẫn có giá trị mà không thể phủ nhận tính pháp lý của nó.

Tuy nhiên, các bạn biết câu nói nổi tiếng về bầu cử phi dân chủ rằng, không quan trọng ai bỏ phiếu, mà quan trọng là ai kiểm phiếu. Điều đó hoàn toàn đúng trong việc ai là người tạo lập và tham gia tổ kiểm phiếu, giám sát kiểm phiếu và cả khâu cuối cùng là kiểm đếm phiếu, ở đó đều không có thành viên của người quan sát, giám sát độc lập, mà là thành viên của mặt trận và hội đồng bầu cử cùng cấp đặt ra, lựa chọn và tiến hành.

Vì vậy, nếu muốn có một cuộc tổng tuyển cử trực tiếp, công khai, dân chủ và văn minh thì bắt buộc phải sửa luật bầu cử theo cơ chế người dân trực tiếp lựa chọn đại biểu và bầu ra nghị viện của mình mà không nằm dưới hay bị chi phối bởi bất kỳ tổ chức đảng phái nào.









3 nhận xét :

  1. Đọc mà nản? Chẳng hiểu đại biểu quốc hội đại diện cho ai nữa? Về lý thuyết phải là đại diện cho dân nhưng ko cần biết dân là ai. Chỉ còn vài ngày nữa bầu mà đến hôm nay em vẫn chẳng biết chương trình hành động của mấy ông bà được dán thông báo ở cổng khu phố thế nào? Chỉ vài dòng vắt tắt thế thì biết ai tốt ai xấu mà bầu?
    Mà bầu làm gì khi quá trình kiểm phiếu dân ko giám sát được. Họ hoàn toàn có thể sửa kết quả mà chẳng thằng dân nào có thể bắt được.
    Thôi em xin nhường các quan tự bầu với nhau đi ạ, em đưa vợ con đi chơi mấy ngày nghỉ.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng như 20:7 nói, mình đi bầu lên một chính quyền núp dưới nhiều hình thức đánh đập tàn bạo và vô cùng dã man trẻ em phụ nữ anh em dân mình , mà chính quyền ấy họ đã xếp ghế và họ đã định sẵn hết rồi, nếu đi bầu còn có tội với đất nước và nhân dân.

    Trả lờiXóa
  3. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: ''Chủ nghĩa cộng sản đã tạo nên những con người dối trá!''

    Trả lờiXóa