Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Huế: CÁ NUÔI LỒNG CHẾT HÀNG LOẠT TỪ NỬA THÁNG NAY

Một bè cá ở Bình Thuận hôm 12/9/2014. 
 
Cá nuôi lồng chết hàng loạt ở Huế

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA 2016-05-09
 
Những người chuyên nuôi cá trong lồng tại khu vực Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện đang đối diện với gian khó vì cá của họ chết bất thường hằng loạt chừng nửa tháng qua.

Cá nuôi chết bất thường 

Cách đây hơn một tháng cá nuôi cũng như sinh vật biển ngoài tự nhiên chết hằng loạt khởi đi từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh rồi lan xuống các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và cả Đà Nẵng.



Những người nuôi cá lồng tại khu vực Lăng Cô là một trong số chịu thiệt hại nặng nề vì nước biển dâng vào khiến cho cá họ nuôi chết một cách bất thường với số lượng nhiều, thậm chí chết sạch.

Ông Trương Ri là một nạn nhân. Vào sáng ngày 9 tháng 5 ông cho chúng tôi biết như sau:

“Cá chết là khi nước biển lên, cá giựt giựt rồi đâm vô lồng chết! Bốn loại là cá Mú, cá Bớp, cá Vão, cá Hồng. Chưa bao giờ có tình trạng như thế này, đây là lần đầu, xảy ra cả nửa tháng rồi. Tình trạng còn lai rai, riêng tôi thì cá chết hết rồi!”
Cá chết cách đây hai tuần mấy ngày, mọi năm dịch thì cá chết mỗi ngày đều vài con thôi; còn đợt này chết hằng loạt, trong vòng 3 ngày thôi.
Một người nuôi cá ở Lăng Cô
Một người nuôi cá khác ở Lăng Cô, ông Hoàng Văn Toàn, cũng trình bày về tình trạng cá nuôi của gia đình ông như sau:

“(Cá) chết cách đây hai tuần mấy ngày, mọi năm dịch thì cá chết mỗi ngày đều vài con thôi; còn đợt này chết hằng loạt, trong vòng 3 ngày thôi.”

Ông Toàn cho biết thêm gia đình ông có 10 lồng thả cá Mú và cá Hồng với chừng 200 con giống. Trước đây đối với cá Mú mất chừng 7 tháng là có thể thu hoạch bán ra thị trường, còn cá Hồng thì mất hơn gấp đôi thời gian đó. Tuy nhiên gần đây do nguồn nước ô nhiễm thời gian nuôi cá kéo dài hơn. Dẫu thế việc nuôi cá vẫn được duy trì cho đến cách đây chừng hai tuần lễ thì cá chết bất thường với số lượng nhiều mà như lời ông Trương Ri thì đó là lần đầu tiên những người nuôi cá gặp phải tình trạng như thế.

Dân trông chờ giải quyết 

Sau khi xảy ra sự việc, những người nuôi cá lồng tại Lăng Cô có làm đơn trình báo với chính quyền xã cũng như ngành ngư nghiệp.

Ông Trương Ri nói về điều này:

“Xã và bên Bộ Thủy sản có về chụp ảnh… nhưng tôi không rõ vì cá chết mình ‘đuối’!”
Còn ông Hoàng văn Toàn thì trình bày thực tế:

“Cá chết, có những người quen biết thì báo và họ đến chia buồn cho vui chứ có nói chi mô! Xem báo thì thấy họ đưa mấy ông ra tắm ngoài biển để lấy lòng dân chứ thực sự ra thì tôi nuôi lâu rồi tôi biết: nếu như dịch thì dịch một số chứ không dịch hằng loạt nổi lên như thế đâu!”

Những người nuôi cá tại Lăng Cô như hai ông Trương Ri và Hoàng Văn Toàn còn cho biết sau khi cá trong lồng nuôi của họ chết nhiều như thế tự thân họ phải lo thu gom mang lên đất liền để chôn nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước nơi họ đang nuôi cá.

“Trước mắt cá mình chết thì đem đi chôn để khỏi ô nhiễm.”

Ông Trương Ri tiết lộ khoản thiệt hại của gia đình ông này là chừng 1 tỷ đồng Việt Nam, và ông Hoàng Văn Toàn ít hơn chừng 40 triệu mà thôi.

Hiện nay tất cả đều có chung một mong mỏi là chờ đợi cơ quan chức năng kiểm nghiệm, phân chất nguồn nước bị ô nhiễm để xác định nguyên nhân. Ngoài ra là hỗ trợ kỹ thuật cũng như nguồn vốn vay không lãi suất để khi nước ‘êm’ tức không còn ô nhiễm nữa thì họ sẽ lại thả cá giống để nuôi vì đây là nguồn sinh sống duy nhất của gia đình họ lâu nay.

Cơ quan chức năng xem xét

Ông Phan Bền, chuyên viên kế hoạch của Sở Nông Nghiệp- Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên- Huế vào sáng ngày 9 tháng năm cho biết kế hoạch của ngành này trong việc hỗ trợ cho người nuôi cá cũng như ngư dân bị thiệt hại nặng nề bởi nạn cá chết vì nguồn độc chất chưa xác định được:

“Sở cũng đang đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo chính sách của Nhà nước. Sau này khôi phục sản xuất thì hỗ trợ theo chế độ sau.

Quỹ cấp bách thì trong ngân sách tỉnh vẫn có. Các địa phương sẽ thống kê từ xã lên đến huyện chứ không thông qua sở. Sở về mặt chuyên môn sẽ hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để khắc phục. Còn những ai thiệt hại thì từ địa phương có thống kê, báo cáo rồi căn cứ chế độ chính sách sẽ hỗ trợ cho từng hộ gia đình.

Một số vùng nuôi khắc phục được rồi. Hiện cũng có xả nước ngọt từ trên về để đẩy độc ra.
Các ngành cùng có phối hợp với nhau. Tàu đánh bắt xa bờ về thì có giấy chứng nhận và có những điểm bán.”
Sở cũng đang đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo chính sách của Nhà nước. Sau này khôi phục sản xuất thì hỗ trợ theo chế độ sau.
Ông Phan Bền, Sở NN-PTNN
Những người dân ở Lăng Cô mà chúng tôi tiếp xúc cho biết hiện nhiều người vẫn không dám ăn cá biển, mà chỉ ăn những loại cá sông mà thôi.

Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, ngoài Lăng Cô xảy ra nạn cá chết, ở một số nơi khác như Quảng Điền, Thuận An, huyện Phú Vang kể từ đầu tháng tư cho đến lúc này cũng xảy ra mấy đợt cá chết tấp vào bờ cũng như cá nuôi lồng chết bất thường.

Truyền thông trong nước trích phát biểu của ông Hoàng Ngọc Khanh, người phát ngôn tỉnh Thừa Thiên- Huế hôm ngày 5 tháng 5 là ‘dù Huế có 3 đợt cá chết, nhưng tất cả điểm quan trắc đánh giá môi trường nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép theo qui chuẩn kỹ thuật của quốc gia về giới hạn an toàn nước biển.’ Theo ông này đến lúc đưa ra phát biểu thì nước biển ở tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn đạt chỉ số an toàn.

Trong khi đó thì những người dân như hai ông Trương Ri và Hoàng Văn Toàn ở Lăng Cô đang ngồi chờ khi nào nước biển ‘êm’ như lời họ nói mới dám thả cá để nuôi vì không dám đánh cược với may rủi khi mà cuộc sống của họ đang túng quẫn do cá nuôi chết hết như vừa qua mà đơn kêu gọi giúp đỡ của họ vẫn chưa được cơ quan chức năng hồi đáp.
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét