Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

CÁ CHẾT, NGƯ DÂN CÔ ĐƠN

Ảnh: Biết bao giờ ngư dân được vui như chưa từng buồn?

Cá chết, ngư dân cô đơn
 
Một thế giới
06.05.2016

Chưa bao giờ hai chữ ngư dân lại thống thiết như mấy hôm nay kể từ khi cá chết. Những con người vốn dĩ hiền lành sau rú cát lúp xúp bỗng chốc vỡ òa nước mắt, mong manh thân phận như con dã tràng. Ngư dân như những hạt cát rời rạc, lệch bên này, xô đẩy bên kia, liêu xiêu dấm dẳng trên cát mà chát đắng giữa biển quê nhà.

Quê tôi vốn làng biển nhỏ bé bên bờ biển Đông, ngày nhỏ lớn lên ở miệt làng ngoại ở đất lúa huyện Quảng Ninh, mỗi bận mùa hè, tôi thường được cho về mé biển cùng đi lộng với bác mình và o dì ở quê. Đứa con nít loay hoay góp cánh tay nhỏ xíu kéo tấm lưới đầy nắng vàng rực ban sáng cũng được chia một phần cá. Bác tôi nói, đó là trách nhiệm của người làng với nhau, cùng làm việc để dựng làng trên cát.

Xưa đó, dựng làng trên cát như con dã tràng, làng biển không có gì vững như cây trên rừng, chỉ những rú cát nối nhau, những trảng cát dài ra, lòa xòa, mong manh trước gió mưa dãi dầu, dễ trôi đi giữa bão tố vùi dập. Những căn nhà được nói là nhà cho vui, ấy là các mái lều bằng cỏ rười bứt vội phía cuối làng rồi thưng lên mà ở với con nước biển khơi.

Ngày đó ngư dân đi biển bằng những thuyền buồm nhỏ bé. Từng mớ cá đưa về chỉ dằng dai sinh tồn giữa vô biên khó khăn. Liếp nhà mấy trăm năm vẫn cỏ rười hun khói úp lên trên cát. Ngư dân vẫn thế cười giữa sóng cả ba đào. Đường phía làng trên cát lúc đó không có, ngoài những lối cát đi lại trở nên hằn dấu. Những lối hằn đó chằng chịt từ nhà này qua nhà khác, từ xóm này qua xóm khác, từ những nóc nhà bé nhỏ dẫn ra biển để làm nghề.

Làng biển xưa đó muốn ra quốc lộ hay qua những làng ruộng, phải lội bộ giữa cát bỏng rát, có khi đi cả nửa ngày đường mới giáp mặt làng bạn, con cá bữa đó rẻ mà hiền đến dại khờ. Ngư dân bữa ấy, sạm nắng vô cùng mà lòng cười trong trẻo. Ký cá đưa đi khỏi làng cát, bên sau theo về là chút gạo và ít rượu của đờn ông nhắm cay, sau cái mẹt nhiều vảy cá của những ngư dân đàn bà vừa bán về là ít kẹo cau cho lũ trẻ cười để tương lai được làm ngư dân như cha chú già đi.

Ngư dân suốt ngày bám biển, nhưng cái làng trên cát phải được giữ ấm, phải được thuốc thang bằng lễ lạt trong năm, bằng những bữa đoàn viên hội hè mùa vụ hay cố kết qua hương khói của giỗ chạp chuyện làng. Những hát hò rồi cũng sinh ra từ đó, yêu đương miền biển hay hò khoan làng biển, hoặc những điệu chèo cạn cũng xướng lên từ đó. Phía đó có giàu nghèo, hơn thua, có thiệt thòi nào thì xóm làng cũng chìa tay ra với nhau, cơm gạo đùm bọc nhau để không một ngư dân trong làng nào tuyệt vọng như dã tràng.

Cái làng biển nhỏ bé của tôi còn có bữa cơm khai tâm ngày Tết, ấy là bữa cơm ngày mùng 1 Tết, cơm nấu từ gạo đỏ, món gạo xưa phải ăn trong khổ cực. Bọn con nít là ngư dân tương lai được ngư dân cha, ngư dân mẹ, ngư dân anh, ngư dân chị, ngư dân ông, ngư dân bà, ngư dân xóm làng khai tâm trí thức biển quê, tên của hàng ngàn loài cá, tôm cua, ốc mực, phù du... được kể lần lượt để ngư dân tương lai nhớ dần theo năm tháng. Mỗi năm khai tâm một ít, mỗi ngày khai tâm một chuyện để bọn trẻ dần lớn lên trong cách sinh tồn làng biển.

Ngư dân trước dạy ngư dân sau cách sống sót khi thuyền chìm, dạy cách sinh tồn khi lênh đênh biển khơi, dạy cả cách chơi diều mà câu cá đúng điệu cổ. Ngư dân cha còn dạy ngư dân con cách tương kính với biển, không lấy hết tất cả, mà lấy đủ những nhu cầu của bản quán cần kíp.

Làng biển rồi được những bàn tay ngư dân thay đổi, nhà cỏ rười đã được thay thế bằng gác nhà kiên cố, tất thảy từ bàn tay ngư dân đánh cá trên biển. Bởi thế mà các làng biển đã có đường sá, có nhà cửa khang trang, tất thảy đều từ biển Đông phía làng.

Vậy mà, ngư dân những ngày qua thống thiết, nước mắt ậng trào mỗi lúc nhìn con nước vỗ bờ. Thuyền lộng nằm đáy cát, lòng dạ ngư dân cha, ngư dân con vò võ mỗi đêm. Về quê, nghe những ngư dân kể chuyện trên cát, biết trong lòng mỗi người tan nát bao niềm tin.

Hiền như o tôi, suốt ngày vun cát trồng khoai cũng hỏi bao câu hỏi như mọi người làng biển khác, nhưng cũng chưa có câu trả lời. O bảo, giờ hỏi như hỏi vào không khí, nghe ai nói cũng căng thẳng thêm mà thôi. Con cá không tội tình chi, nó chết cũng là cái ích cảnh báo với người người biết nước vì sao làm nó chết. Nó chết cũng biết mặt ai đến với ngư dân, ai quay lưng lại với làng biển trên cát, nó chết cũng biết ai đang làm việc vì ngư dân, ai đang làm lấy lệ, nó chết cũng biết được ai đang chiếu cố ai, ai đang vì cánh vây với ai. Nó chết thì ngư dân cô đơn.

Hạt cát ngư dân như xô đẩy đến tận cùng của làng. Cá chết, ngư dân nào cũng cô đơn.

Cu Làng Cát


5 nhận xét :

  1. Nguy cơ mất nước toàn diện thì không có gì có thể bù đáp được.

    Trả lờiXóa
  2. Chờ đợi thông tin chính thống với rất nhiều lo sợ và ngờ vực.

    Trả lờiXóa
  3. Ngư dân kiệt quệ thì nguy cơ mất vùng biển, hải đảo của VN là không còn chỉ là dự đoán...Kinh hãi thay

    Trả lờiXóa
  4. Đài Loan , BK chia phần VN. BK xâm lăng VN cách trắng trơn , còn Đài Loan xâm lăng VN một cách ngọt ngào hơn . Xâm lăng bằng kinh tế Các nhà LĐcsVN , nhất là các tỉnh nghèo như Hà Tĩnh muốn mau thoát nghèo bằng CN hiện đại nước ngoài . Đài Loan, BK nhảy vào thật đúng lúc . Hà Tĩnh trải thảm đỏ rước kẻ giết mình vào nhà . 10 tỉ đô đối với Formosa cũng giống như 10 tỉ VN đối với người Việt . Tuy bề ngoài là khác nhau về thể chế chính trị, nhưng bên trong lại liên kết với nhau về kinh tế để khống chế các nước khờ khạo như VN ! Các nhà LĐ csVN đang giúp cho Đài Loan, BK xóa VN trên bản đồ thế giới !!

    Trả lờiXóa
  5. Nhìn cảnh những đồng bào ngư dân khốn khổ lầm than trong nghịch cảnh hiện nay: biển chết, cà tôm chết, dân hết đường sống ...vì AI ? mà máu sôi trong mạch, lệ nhỏ trong tim !

    Trả lờiXóa