Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

TÔI ĐI BIỂU TÌNH - Tường trình của BS Trần Tuấn

TS. BS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng.

TÔI ĐI BIỂU TÌNH

Trần Tuấn


Lời dẫn: BS. TS. Trần Tuấn, người đứng đầu một CSO (RTCCD) và tham gia các mạng lưới liên minh khoa học y tế và dân sự; những tổ chức hoạt động hướng đến cộng đồng và vì một môi trường sức khoẻ, sinh thái an toàn bền vững cho nước Việt. Hôm chủ nhật, 08/5, lần đầu tiên BS. Trần Tuấn tham gia tuần hành vì môi sinh nước Việt. Những trải nghiệm về việc này, được BS. Trần Tuấn ghi lại và chia sẻ với tất cả những ai đã, đang và sẽ đồng hành cùng ngư dân Bắc miền Trung.


1. Khúc dạo đầu.
 
Sáng 8/5/1016, lần đầu tiên tôi đi tham gia biểu tình vì môi trường. Mục đích là kêu gọi cộng đồng, xã hội chung tay hành động ngăn chặn thảm họa huỷ hoại môi sinh nước Việt.

Thông điệp tôi mang theo là bài vần tôi soạn tối hôm trước. Một bản in trên giấy khổ lớn A1 (59,4cm x 84,1 cm), cuộn thành ống dài cầm tay. Một bản khác khổ giấy A2 (42cmx 59,4cm) dán trên tấm bìa carton cứng, do Điều, một cháu cùng đi với tôi cầm. Cháu Điều trước làm bảo vệ khu Ecopark, nay làm hướng dẫn viên câu lạc bộ sức khỏe khiêu vũ. Nội dung thông điệp là:

Khô sông, chết biển, cháu con ăn mày!
Ông ơi, rừng sắp hết.
Bà ơi, biển đang chết
Cha ơi, hồ bốc mùi,
Mẹ ơi, sông suối cạn.

Ăn mày là ai?
Ăn mày là ta!
Khô sông, chết biển, bước ra ăn mày.
Cháu con biết sống sao đây?
Xin đừng ngoảnh mặt ra tay cứu giùm!

 
***
 
Xe buýt Ecopark đỗ bến Nhà hát lớn hôm nay bị chặn phải đỗ ngoài đầu đường Trần Khánh Dư. Xuống xe không ai bảo ai đều rẽ sang Tràng Tiền hướng về Quảng trường Nhà Hát lớn. Tiếng loa chặn không cho tiến vào. Nhìn nhau cười! Không nói gì với nhau trên xe, nhưng hóa ra đều đi đến sự kiện này. Lúc ấy là 8h35.

Khắp 6 tuyến phố dẫn vào quảng trường Nhà hát Lớn, rải rác những tốp người đứng nhìn xen lẫn dòng người qua lại ngược xuôi mắt luôn hướng vào trung tâm quảng trường trống vắng. Không gian vang lên tiếng loa xen lẫn tiếng còi dân phòng công an chặn, ngăn không cho tiến vượt dãi phân cách. Tiếng còi xe mô tô, ô tô cảnh sát kèm tiếng loa nhắc nhở lực lượng chống biểu tình thi hành phận sự. Không khí căng thẳng hiện rõ trên từng nét mặt của lực lượng chống biểu tình.

Từ góc bên phải Nhà Hát lớn, chúng tôi vượt sang bên trái tới đường Lê Thánh Tông thì bị chặn không cho sang góc phố Phan Chu Trinh. Chúng tôi quay ngược băng cắt mặt sang bên đầu Lý Thái Tổ.

Đang dừng quan sát một lượt quang cảnh khắp quảng trường, bỗng tôi nge tiếng xô sát, cự lại của Điệp cách khoảng chục mét “Bỏ ngay ra. Cướp à?”. Sự giành giật trong đám đông của khoảng hơn chục người lẫn trong sắc phục dân phòng, công an. Tiếng hô to từ đằng xa “biểu tình đấy, bắt lấy nó” xen lẫn giành giật tiếng ồn ào nam có, nữ có “không có quyền bắt người”, “bỏ ngay ra”…. Ba bốn sắc phục dân phòng và công an xúm vào giằng tay môt thanh niên khác để lấy hai tấm bìa (có bài thơ úp vào nhau nên nhìn ngoài chỉ như là giá vẽ). Cánh tay dân phòng túm được tấm bìa, tôi giằng lại, giơ ra cho mọi người rồi về phía có camera quay nói to: “Đây, đọc đi, cái gì đây? làm sao phải bắt?”. Một chị phụ nữ tiếp lấy và quay ngược vào đám đông phía sau. Công an, dân phòng, thường phục, rời chúng tôi ra.

Điệp xốc lại áo quần, đến bên tôi. Tôi lấy balo từ Điệp, bên trong có nước uống, thì lại tiếng phát ra từ một xe ô tô hoặc xe máy gần đó đang đi đến: “bắt hết, bắt hết; đưa về Quang trung”. Bốn năm cảnh sát, dân phòng lao đến chỗ tôi. Tiếng huỳnh huỵch, vật lộn, la hét của đám đông người! Tôi bị lội đi. Một cú đá vào khoeo chân tôi; Níu kéo, xô dạt…

Tôi và Điều bị ấn lên xe gần như cùng lúc, loại tải nhỏ, xe cảnh sát có mui hai hàng ghế dọc bên. Bốn công an theo lên xe giữ tôi và Điệp. Trông nét mặt hằn học, của cả 4 công an, nắm chặt cánh tay tôi và Điệp, Tôi bảo: “bỏ ra! Chúng tôi làm gì mà phải thế?”. Có tiếng điều hành từ phía sau xe “Không Quang Trung, về 7 Thuyền Quang”. Hai tấm bìa được vất lên, kèm theo cuộn giấy. Xe chạy. Tôi lấy điện thoại ra xem. 9h kém 5 phút. 


2. Nơi đến 


Xe đỗ, chúng tôi xuống xe. Cánh tay tôi lại bị nắm chặt. Tôi thoáng nghe “Trông bác này quen quá”. Tôi quay qua. “Chào Bác. Bác… “ Tôi là Trần Tuấn”. “Vâng, Bác hay lên Ti-vi”.

Tiếng chạy qua lại lập cập, biểu hiện của chưa chuẩn bị xong tiếp nhận. Có tiếng nói “đưa vào phòng lãnh đạo”. Chúng tôi bước vào. Phòng mát lạnh, không có ai. Mùi hương khói khó chịu. Tôi nhìn lên tường chính diện với cửa ra vào. Nải chuối, hoa,… với hương nghi ngút cháy.

Hai chúng tôi ngồi xuống ghế. Hai tấm bìa in bài thơ và cuộn giấy được đặt ở góc bàn nước. Cửa đóng lại. Còn hai người trong phòng, Điều nhìn tôi cười: “Tưởng đi đâu hóa ra chú cháu mình lại vào phòng máy lạnh ngồi”. Chuông reo. Một người bạn phổ thông hỏi tôi đang ở đâu? Tôi trả lời “số 7 Thiền Quang”. Tôi gọi nhanh một người khác có mang theo con đi, nhưng không được, đành nhắn tin.

Một nam giới vào, khoảng 25-26 tuổi, đến bên bàn nước. Đọc bài thơ, rồi hướng sang chúng tôi. Tôi bảo: “Tôi làm đấy. Không nhanh thì đi ăn mày cả”. “Vâng. Bác đợi chút, lãnh đạo đang trao đổi”. Tôi bảo “Tôi là bác sĩ, làm dự phòng. Ngồi đây thì mát, nhưng hương khói thế này rất có hại, toàn hóa chất đấy. Hãy cho chúng tôi ra bên ngoài cũng được”. “Bác cho cháu biết bác tên gì?” Tôi đưa chứng minh thư. Điều cũng đưa chứng minh thư. Anh chàng lại ra ngoài, đóng cửa lại.

Tôi đang hỏi Điều có bị đau đâu không, thì cửa mở. Một chị trung niên xuất hiện. “mời Anh ra ngoài này”. Chị và tôi ngồi đối diện nhau bên bàn kê ngoài hành lang tầng 1, không rõ lúc tôi đến có cái bàn này chưa, chị bảo: “Em tên là K., ở Quận. Em biết Anh. Em vẫn thường đến trung tâm, đến phòng khám, làm việc với chị Hà (Hà là phó giám đốc trung tâm RTCCD). Anh hay đi công tác nên không gặp”. K. tiếp: “Việc không có gì. Đang làm thủ tục đưa anh về phường Đồng tâm, ta trao đổi ở đó”. Tôi bảo “đúng là chả có lý do gì mà phải bắt đưa chúng tôi về đây. Thôi bây giờ nhanh chóng kết thúc đi thôi”. K. bảo “ Thủ tục nó thế. Đã vào đây rồi, thì chúng em phải hoàn thành”. “Thế cậu kia đi cùng chứ? “. “Không, cậu đó ở đây. Chỉ có anh thôi”. Tôi suy nghĩ, rồi bảo “để tôi nói với cậu ấy một câu”. Tôi vào trao đổi với Điều. Rồi ra xe cùng K về phương Đồng tâm. Loại xe 16 chỗ. Tôi bước lên, đã có đến gần chục công an quân phục chỉnh tề ngồi trong. K nói ngay: Ta đi nhờ xe của đoàn anh ạ.

***

Trụ sở phường Đồng tâm ở góc đường Giải phóng - Lê Thanh Nghị, đối diện với bệnh viện Bach Mai. Đã có một người trung tuổi nữa chờ ở cổng, chắc mới tới, cùng chúng tôi lên tầng 2. Chúng tôi vào phòng lớn, giữa phòng kê một bàn to, ước loại 5m x 2m. Trên bàn, choán đến gần nửa là những túi nilon to in toàn chữ Trung quốc màu xanh đen, bên trong là tập giấy lớn. Nghe hỏi của nhóm an ninh với nhân viên của phường vào lau bàn, tôi mới biết, đấy là tài liệu bầu cử.

Khoảng 5-6 cán bộ ngồi quanh bàn. Một cậu trẻ nhất, chắc mới vào nghề, làm nhiệm vụ ghi chép. Người đội trưởng ở Quận giới thiệu tên và chức vụ mọi người, nhưng tôi chả nhớ, vì tâm trí lúc ấy cứ luẩn quẩn trong đầu, sao lại toàn túi nilon in chữ Trung quốc đựng tài liệu bầu cử?

Người đội trưởng giải thích nhiệm vụ của bên an ninh… tôi ngắt lời. “anh không phải giải thích cho tôi nữa. Tôi đã có tiếp xúc với bên an ninh từ 30 năm nay rồi. Ngay từ hồi ở đại học Y Hà Nội những năm 80 tôi đã làm việc với quốc tế, rồi đi Mỹ khi đất nước còn bị cấm vận... sau này lại lãnh đạo tổ chức phi chính phủ, luôn được tiếp xúc với bên an ninh. Ngắn gọn đi thôi. Chúng ta nghèo, thời gian cũng là tiền bạc”. “Vâng. Thì có thủ tục làm biên bản sự tham gia của anh trong cuộc biểu tình hôm nay. Cũng biết công việc của anh rồi. Chúng tôi muốn trao đổi thêm vì sao anh lại đi biểu tình hôm nay. Tình hình chuẩn bị bầu Quốc hội, lực lượng phản động đang lợi dụng chống phá quyết liệt, cho tiền người dân đi biểu tình, gây rối trật tự an ninh xã hội..”. Tôi bảo cậu ghi biên bản: “cháu dùng ghi âm đi. Viết thế này không kịp với bác nói đâu. Bác quen trả lời phỏng vấn rồi”. Chả biết trong số người ngồi có ai ghi âm không. Chỉ thấy cậu ta không nói năng gì, tiếp tục viết, chữ thì nhỏ li nhi, mắt tôi vốn không cần kính, nay chịu không đọc được. 


Còn nữa đấy....

2 nhận xét :

  1. Bài viết hay quá,viết tiếp phần sau đi bác

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn những trí thức như bs Tuấn. Tiếng nói của các anh chị sẽ đánh động được nhiều người , nhất là thành phần "trí ngủ"

    Trả lờiXóa