Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

TS. Đinh Hoàng Thắng: BANG GIAO VIỆT - MỸ: THÁNG NĂM LẠI VỀ ...


Lời dẫn: Chưa bao giờ trên trên toàn cõi Việt Nam, nỗi sợ hãi có tên là Trung Quốc lại trỗi dậy dữ dội như những ngày này: từ thực phẩm độc, hàng hoá rởm đến môi trường bị hủy hoại và kinh tế-chính trị-văn hóa bị nô dịch. Làm sao để tránh một “thời kỳ Bắc thuộc mới? Bài viết dưới đây của Cựu Đại sứ Đinh Hoàng Thắng phân tích quan hệ Việt—Mỹ nhưng hàm ẩn đáp án chung: 

Một, cần đẩy hợp tác với Mỹ, song phải thực lòng! Đừng “lá mặt lá trái”, tuyên bố với Obama, vâng, chúng ta là đối tác toàn diện, nhưng vẫn coi Mỹ là đối tượng tác chiến.

Hai, phải tạo thế liên lập với Tàu, nhưng phải nỗ lực vận động quốc tế sao cho Biển Đông trở thành “ngã tư đường” của thế giới.

Tàu coi ta là Man Di, mắng ta chỉ được chọn tôm tép hoặc sắt thép! Thấy người dân làm dữ, Vũng Áng có thể thành “vũng lầy”, họ tỏ vẻ xin lỗi, nhưng xin lỗi hay chửi mắng thì vẫn khinh ta. Mấy phút họp báo của chính quyền có nhắc đến Formosa, nhưng đấy là lời bào chữa vô lối cho nghi phạm chứ không phải là phát ngôn của một chính phủ vì dân. Ngoài hợp tác với Mỹ, đi với thế giới văn minh để tạo thế sống chung với Trung Quốc, chẳng còn cách nào khác! Để tránh kiếp “cá rán-chim nướng”, tộc Việt cuối cùng trong Bách Việt hãy thức tỉnh nhà cầm quyền: Không thể kiến tạo nền kinh tế tri thức và xã hội lành mạnh lại mà lại nhân nhượng Tàu quá đáng và “hình sự hóa” mọi chuyện ở trong nước! Không nuốt nổi 3.600 m2 đất của “Xin Chào” là chuyện “bé như móng tay”, nhưng Tổ quốc “bị nướng”, biển chết, đảo đang bị cướp mới là đại sự.

BANG GIAO VIỆT—MỸ: THÁNG NĂM LẠI VỀ…
Đinh Hoàng Thắng
Phải chăng đã đến lúc nên xây một THÁP CHUÔNG HÒA BÌNH ở Việt Nam, bên sông Bến Hải hoặc tại Thành Cổ Quảng Trị. Hoan nghênh “bộ đôi” Obama—Kerry như những quốc khách, liệu có biểu tượng nào ý nghĩa hơn nếu như ngay dưới chân tháp chuông ấy, sẽ vinh danh tất cả những ai thuộc thế hệ “khai sơn phá thạch”, đã đặt nền móng và phát triển bang giao Việt—Mỹ được như hôm nay?

·“Hãy đập tan các ngọn núi nghi kỵ thành những phiến đá để xây dựng con đường dẫn đến lòng tin. Chúng ta hãy biến những tiếng nói còn bất hòa thành bản giao hưởng của tình anh em, bằng hữu...” (Mục sư Martin Luther King).

Lịch sử có lúc là một vòng tròn định mệnh. Đọc “Địa-chính trị trong chiến tranh Việt Nam”[1] của James Burnham, chuyên gia phân tích cho Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của CIA, càng thấm thía điều này. Hơn nửa thế kỷ trước, Burnham coi chiến tranh Việt Nam như là một phần của cuộc tranh hùng để giành quyền kiểm soát Đông Nam Á và chiếm thế thượng phong tại Thái Bình Dương. Trong một bài viết ngày 20/11/1964, ông nhận xét: “Cuộc chiến tại Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, cục bộ. Đó là một trận chiến quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, Tây Thái Bình Dương và Biển Đông”. 52 năm sau, BIỂN ĐÔNG lại nổi sóng. Lần này, bộ phận chính trong “vở diễn” đã thay đổi. Trung Quốc từ chỗ “chống lưng” cho Việt Nam (trong kháng chiến) cũng là để mượn đường xuống Đông Nam Á, nay vẫn kiên định mục tiêu ấy, nhưng đã bước lên vũ đài trong một vai diễn mới. Với “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc quyết vượt đại dương để “ăn thua” với Hoa Kỳ. Điều không may là Việt Nam vẫn nằm trên đường hành tiến của Tàu. Trước đây, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng ví “Việt Nam như con tốt biết đi” trên bàn cờ, chứ không phải chỉ thụ động chờ để bị/được đẩy sang sông. Hoài niệm từ quá khứ, nghiệt ngã của thực tại và khát vọng vào tương lai chưa khi nào lại dồn nén làm nên bao chữ “NẾU”. Từng là bãi chiến trường qua nhiều thời đại, Việt Nam làm thế nào để tránh kịch bản của một “cuộc chiến ủy nhiệm mới”, để trở thành miền đất của hòa bình—thịnh vượng cho hôm nay và cho muôn đời sau? 

Đối tác chiến lược 

Từ quan hệ “đối tác toàn diện” Việt—Mỹ tiến tới “đối tác chiến lược” là dự định từ nhiều năm nay của hai chính quyền, cả Hà Nội lẫn Washington. Tuy nhiên, kế sách này thiếu vắng quyết tâm để đột phá. Hiện thực hóa nội hàm “đối tác chiến lược” rồi đây sẽ còn gặp nhiều cản trở nữa trên thực tế? Điều này tùy thuộc vào lòng tin dành cho nhau và sự đắn đo của mỗi bên trong tương quan với các mối bang giao khác. “Sấm to mưa nhỏ!” Giới học giả nhận xét, trong khi Trung Quốc đang nhào lộn “rock and roll” (xác quyết và hung hăng) trên Biển Đông thì cặp đôi Mỹ—Việt vẫn đang đi bài “slow waltz” (chậm rãi và thiếu quyết tâm). Mỹ chưa cứng rắn đủ độ? Hay tại ta vẫn “lửng lơ con cá vàng”? Thật ra đã có dấu hiệu cho thấy Việt Nam bắt đầu giãn ra với Trung Quốc, nhưng “không giãn quá xa” và nhích dần về phía Mỹ, nhưng “cũng không nhích quá gần”. Lỗ hổng về sách lược ấy là cơ hội lớn cho Trung Quốc và gây khó khăn cho chính ta[2]. Nhưng một tin đáng khích lệ là Việt Nam vừa khởi xướng việc chuẩn bị ký “đối tác chiến lược” với Philipinnes. Khi Hiệp định có hiệu lực, trong trường hợp bị tấn công, Philippines sẽ hợp tác về quân sự với Việt Nam. Và lúc ấy, Mỹ với tư cách là “đối tác chiến lược” của Philippines và Việt Nam, sẽ có quyền hỗ trợ cho cả Manila lẫn Hà Nội. Là một siêu cường, nhưng Mỹ vẫn vướng một số vấn đề trong nội trị và ngoại giao. Khủng hoảng mang tên Trump chỉ là một trong những thách thức ấy. Tân chính phủ Việt Nam, với đường hướng của Đại hội XII, đang khẩn trương bộn bề bao công việc. Tuy mỗi nước có nhiều vấn đề ưu tiên, nhưng không thể có chuyện ai lo việc người nấy. Bởi lẽ, cả hai đều phải đối phó với nhiều mối đe dọa chung.

Biển Đông chỉ là một. Cái bao lơn ra Thái Bình Dương này vốn không phải là “nút cổ chai”, nhưng Trung Quốc đang tạo ra một “eo biển chiến lược”. Bắc Kinh liên tục điều dân thường, thiết bị quân sự ra các đảo, san hô họ bồi đắp và chiếm giữ của Việt Nam. Trung Quốc chuẩn bị xây các nhà máy hạt nhân trên Biển Đông làm khu vực rúng động. Nay mai, nếu ông Obama từ Hà Nội về, Trung Quốc lại tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông thì thật là “oóc-giơ” ngoại giao cho nước Mỹ. Đối diện với các hiểm họa “sinh tử”, người Việt chịu bắt nạt quen rồi. Nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh quốc, thậm chí cả châu Âu vừa qua đã và đang phản đối Bắc Kinh khá mạnh mẽ, chẳng nhẽ bó tay? Ở đây, không phải “nhìn Trung Quốc như một nước thù địch thì sẽ biến họ thành kẻ thù” (theo quan niệm cổ hủ thời Nixon). Vấn đề là từ chỗ thả cho “con hổ” Trung Hoa về rừng (sai lầm thời ông Bush con) cho đến khi chính quyền Washington buộc phải tuyên bố “xoay trục”, liệu nước Mỹ sẽ hành động đủ độ để thay đổi quan niệm cũ? Quan niệm thế nào về ba Trung Quốc: thịnh vượng ở phía Đông, đang phát triển ở trung tâm, nghèo đói và hỗn loạn ở phía Tây? Vậy Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp, hay chỉ là vấn đề ngoại giao? Trung Quốc đã là một cường quốc đang so tài quân sự và tranh giành ảnh hưởng trên thực địa với Mỹ? Vẫn biết ông Obama sang đây chẳng phải để tìm câu trả lời ở Việt Nam, từ Việt Nam. Mỹ không thiếu các chiến lược gia. Trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc chưa phải là một siêu cường, nhưng Bắc Kinh đang muốn đòi lại vị trí trung tâm ở Đông Á. Trong khi đó, Mỹ vẫn nhấn mạnh Hoa Kỳ mới là người có thể đặt ra quy tắc cho cuộc chơi chứ không phải Trung Quốc[3].

Nhưng chính sự cạnh tranh ấy càng làm cho chuyến thăm của ông Obama mang tính thời sự. Trong bài diễn văn đầy cảm hứng của ông ở La Habana (Cuba) có một câu thế này: “Tôi không đến đây để kêu gọi các bạn lật đổ bất cứ cái gì. Tôi đến đây chỉ để kêu gọi các bạn hãy kiến tạo lên một cái gì đó!” Liệu Tổng thống sẽ nhắc lại tuyên bố ấy tại Hà Nội? Không chắc lắm, vì bang giao Việt—Mỹ chẳng phải bắt đầu bằng chuyến thăm này. Những đề tài trong đàm phán Mỹ—Việt tại Hà Nội tới đây rất có thể là: 1) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; 2) Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí; 3) Việt Nam cam kết đối với tiến trình “đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP), đặc biệt là các nghĩa vụ đi kèm, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền; 4) Hai bên sẽ hoàn tất quá trình nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”; 5) Cụ thể hóa vai trò của Việt Nam trong “Sáng kiến về Biển Đông” và có thể còn thêm hàng loạt các vấn đề hợp tác khác trên các mặt khoa học-công nghệ-giáo dục. Nghị trình này có thể chưa thành tựu tất cả cùng một lúc. Hai bên có thể thỏa hiệp mức nào đó trong thứ tự ưu tiên trước khi đi tới mục tiêu tối hậu. Liệu quan hệ sẽ có bước ngoặt lớn sau chuyến thăm? Câu trả lời còn tùy thuộc nhiều ẩn số, chứ không chỉ là các thỏa thuận cụ thể. Cuộc sát hạch nghiêm khắc về đường lối đối ngoại có mang lại các chất lượng chiến lược và lòng tin vững chãi cho mối bang giao song phương, cũng như cho quan hệ giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới văn minh hay không? Đáp số bài toán vẫn đang ở phía trước!

Tháng Năm này, nếu chưa đến được Khe Sanh, địa danh Tổng thống Obama từng nhắc tới trong diễn văn nhậm chức, thì nên ưu tiên để ông ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long hay sân bay “quốc tế” đầu tiên của Việt Nam, sân bay Lũng Cú. Từ vùng đất ấy, 17 phi công Mỹ đã được chuyển về hậu phương sau khi được giải cứu nhờ vào cái thuở “bộ đội Mỹ là bạn ta, cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Thăm chiến trường xưa, không chỉ để ôn lại các hoài niệm, mà còn góp phần hóa giải giữa các bên tham gia cuộc chiến. Mọi vết thương phải được hàn gắn. Biết đâu Tổng thống Obama lại chẳng kể về những lời cầu nguyện của ông tại Nghĩa trang chung Arlington  cho cả kẻ thắng lẫn người thua từ cuộc nội chiến khốc liệt và máu lửa Nam—Bắc Mỹ. Ông Obama có thể sẽ nói về quá trình chấp nhận và tôn trọng bên chiến bại cũng là những người anh hùng. Và hẳn nhiên, ông cũng không quên đúc kết cách hành xử văn minh từ “bên thắng cuộc” đối với người anh em, về bài học để tránh cảnh nồi da nấu thịt[4]. Mới đây, truyền thông thế giới rất chú ý đến câu chuyện John Kerry là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đã đặt vòng hoa tưởng niệm ở Hiroshima. Và đặc biệt hơn, Barack Obama cũng có thể sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima khi ông tới Nhật vào tháng Năm này để dự Thượng đỉnh G7. Quả bom nguyên tử thả xuống ngày 6/8/1945 đã làm hơn 20 vạn người Nhật chết. Nếu không bị hai trái bom ấy, chiến tranh có thể sẽ còn tiếp diễn hàng năm nữa, hàng triệu người Nhật và quân Mỹ sẽ chết theo. Trước đài tưởng niệm Hiroshima, người Nhật và người Mỹ đã cùng nhau nhìn lại và sẽ cùng nhau suy ngẫm về nghiệp chướng các bên trải qua, để đưa ra thông điệp hòa giải và hữu nghị cho các thế hệ mai sau. 

Thông điệp hòa bình 

Phải chăng đã đến lúc nên xây dựng một THÁP CHUÔNG HÒA BÌNH ở Việt Nam, bên bờ sông Bến Hải hoặc tại Thành Cổ Quảng Trị chẳng hạn. Khi hoan nghênh “bộ đôi” Obama—Kerry như những quốc khách, liệu có biểu tượng nào ý nghĩa hơn nếu như tại ngay cái tháp chuông ấy, chúng ta sẽ vinh danh tất cả những người thuộc thế hệ “khai sơn phá thạch” đã đặt nền móng và phát triển bang giao Việt—Mỹ tới bến bờ ngày nay? Trước đây cả chục năm, Washington đánh dấu việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO bằng chuyến thăm Hà Nội của George Bush, tháng 11/2006. Thế rồi một kỷ nguyên được coi là “nồng ấm” trong quan hệ Việt—Mỹ diễn ra sau đó. Tuy nhiên, “đối tác chiến lược” vẫn chưa xuất hiện. Ngay cả tiến trình dân chủ hóa, một tiêu chí đã được đưa vào các Nghị quyết của Đảng, điều mà lãnh đạo Việt Nam cũng đã hứa hẹn với Bill Clinton khi ông thăm Hà Nội tháng 11/2000, vẫn còn là điều mong đợi. Vâng, một Tháp chuông Hòa bình trong trường hợp này sẽ thắp sáng thêm niềm tin vào mối bang giao Mỹ—Việt đầy duyên nợ. Cuộc tìm lại nhau như sự đoàn tụ giữa những người anh em được hình dung biết bao cảm động! (It’s very emotional!)Và cái định đề “không gì là không thể trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam”[5] của ông đại sứ Mỹ ở Hà Nội Ted Osius sẽ không bị cho là quá lạc quan. Mọi người sẽ càng tin tưởng hơn vào nhận xét có ý khích lệ khi ông xác quyết rằng: “Đánh cược vào người Việt Nam, bạn sẽ luôn luôn thắng, vì Việt Nam thường quật cường trước khó khăn... Khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng thực hiện được cam kết. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện được các cam kết trong TPP. Điều này không dễ dàng, nhưng tôi đã thấy sự quyết tâm lớn đến từ phía các bạn để tận dụng các lợi ích của TPP và các FTA khác”[6]. 

TTP là hiệp định thương mại tự do (FTA) của thế kỷ 21. Nhưng TPP còn là xương sống của chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên, khi chỉ mới ngỏ ý tham gia với quy chế “quan sát viên”, Việt Nam đã được mời dự các cuộc đàm phán chính thức. Không nước nào sau Việt Nam được thụ hưởng cái quy chế đặc biệt ấy. Với TPP, các chuyên gia đều cho rằng[7], từ nay cho tới năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 10%, còn xuất khẩu sẽ tăng thêm 30%. Sự mong đợi của mỗi bên không phải không có cơ sở. Các nhà nghiên cứu còn có xu hướng muốn so sánh TPP với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954 và Hiệp định Pa-ri 1973, chỉ đơn thuần về ý nghĩa tạo bước ngoặt cho các vận động tự thân trong lòng xã hội Việt Nam. Vấn đề là phải HÀNH ĐỘNG! Hành động để cùng thắng. Nếu không hành động một cách triệt để theo lời văn và tinh thần các hiệp định quốc tế đã cam kết, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội. Không phải ngẫu nhiên, đại sứ Ted Osius đã đưa ra lời cảnh báo được đánh giá là ông vung“cái gậy” khá đúng lúc: “Là một người bạn của Việt Nam, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam hãy nhận ra những khả năng được—mất trong tình hình hiện nay. Tuy TPP chủ yếu là một hiệp định thương mại, một số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ cho biết, họ sẽ cân nhắc những thông tin ghi nhận được về tình hình nhân quyền của Việt Nam khi họ bỏ phiếu, và kết quả bỏ phiếu có thể là sít sao. Những tiến bộ có ý nghĩa về nhân quyền ở Việt Nam sẽ giúp tạo điều kiện để Hiệp định TPP được phê chuẩn nhanh chóng hơn”[8]. 

Theo một triết lý lâu nay của Hoa Kỳ, các nền dân chủ trên thế giới ít khi gây chiến tranh với nhau, các nước ấy thường hợp lực với nhau để chống lại các quốc gia phi dân chủ. Đó là nguyên nhân sâu xa để nước Mỹ ngày nay luôn cổ võ cho việc xây dựng dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu. Tuy nhiên, Washington cũng đủ linh hoạt để chấp nhận các khoảng cách biệt và sự khác biệt để ưu tiên cho những vấn nạn cấp bách trong từng giai đoạn nhất định.  Vì vậy, cho dù ngày 13/4/2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa cho công bố “Báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam”, chúng ta tin rằng, đấy chỉ có thể là một trong các vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ song phương, chứ quyết không phải là trở lực mà hai bên không thể vượt qua. Chiến tranh Lạnh đã lùi về dĩ vãng, tuy vẫn có nước đang lăm le sẽ mang “bầu không khí” chiến tranh Lạnh trở lại! Nhưng Hoa Kỳ không phải là quốc gia dễ bị bắt nạt. Và nước Mỹ đã không hề giấu diếm ý chí chính trị phải duy trì bằng được cái trật tự hiện hữu. Trong Thông điệp liên bang đầu năm nay, Tổng thống Obama đã khẳng định như thế. Tương tự, nhân chuyến thăm Hà Nội được coi là để tiền trạm cho chuyến công du của Tổng thống Obama sắp tới, ngày 21/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã tái khẳng định sẽ mở rộng sự hiện diện, đẩy mạnh sự hợp tác với các bạn bè của Mỹ trong khu vực châu Á—Thái Bình Dương. Ông Thứ trưởng còn cho biết thứ tự ưu tiên sẽ là: các đồng minh, đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, rồi mới đến các đối tác mới nổi như Việt Nam.

Hợp tác toàn diện với Mỹ, nâng chất lượng hợp tác ấy tiến lên tầm “đối tác chiến lược” sẽ là cơ sở để có thể chung sống hòa bình với Trung Quốc. “Mười điều răn” Trung Quốc cần làm để có giải pháp chung cuộc về Biển Đông là do Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc) đưa ra sau khi ông nhận thấy Trung Quốc không áp đặt được các quốc gia trong khu vực chấp nhận “quyền lịch sử” và “chủ quyền không thể chối cãi”[9]. Dù thế, Trung Quốc vẫn chưa chịu từ bỏ luận điệu phi pháp: “Những gì tôi chiếm được là của tôi, không bàn đến nữa; những gì các anh giữ lại, chúng ta sẽ thảo luận để chia phần!” Trung Quốc tung đòn Tôn Tử “không đánh mà thắng”, chứ chưa làm chiến tranh lớn, đồng thời, đe nẹt mua chuộc ASEAN, có nước sợ phải theo, có nước tham bị mắc lỡm. Công cuộc chung sống hòa bình với Trung Quốc, vì vậy, sẽ cực kỳ khó khăn. Chỉ có thể đi tới giải pháp tổng thể về Biển Đông và có giải pháp về tranh chấp biển đảo Việt—Trung nếu như các nỗ lực ngoại giao quốc tế có thể biến vùng biển này trở thành “ngã tư đường” của thế giới. Nếu Trung Quốc càng hung hăng, thế giới càng được đánh thức, thấy rõ hơn tầm mức nguy hiểm của vấn đề. Các nước lớn cũng lần lượt tỏ thái độ cứng rắn hơn. Mọi người bắt đầu nhìn nhận Biển Đông đang trở thành một vùng tranh chấp quyền lợi của tất cả các nước trong thế kỷ 21, chứ không còn là xung đột riêng giữa các nước nhỏ trong vùng với Trung Quốc nữa. Ngay đến châu Âu cũng vào cuộc, như hội nghị G7 vừa qua đã thể hiện. Ai cũng thấy phải cùng chung tay bảo vệ “trật tự toàn cầu” mà Trung Quốc muốn phế bỏ. Ðây là một cơ hội lớn cho nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam!

*
Hiển nhiên, chỉ có thể tận dụng cơ hội nói trên, nếu biết phát huy tối đa sức mạnh đồng thuận trong nước với các nhân tố mới của thời đại. Trung Quốc cưỡng chiếm biển đảo của ta hơn bốn mươi năm có lẻ. Chỉ còn mấy năm nữa là hết thời gian sử dụng công cụ pháp lý. Khi có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có khoảng gián đoạn 50 năm thì những đòi hỏi sau đó sẽ trở nên vô hiệu. Tới đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam đưa tranh chấp ở Biển Đông ra hệ thống toà án quốc tế. Cách hành xử này chứng minh rằng Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới. Nếu nâng được quan hệ với Hoa Kỳ từ mức “đối tác toàn diện” lên tầm “đối tác chiến lược” là đáp ứng đòi hỏi cấp bách của tình hình trong nước và quốc tế. Nhưng điều quan trọng và quyết định là hình thức và nội dung của chất lượng bang giao này phải luôn luôn tương thích với nhau. Bổ sung chất lượng bang giao ấy vào hệ thống “đối tác chiến lược” của Việt Nam là bước gia cố vững chắc hơn vị thế quân bình của ta trong các cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu. Và nhờ vào tập hợp các điểm quân bình này mà chúng ta sẽ tối ưu hóa được các mục tiêu chiến lược qua việc giải bài toàn “cân bằng động”, xử lý quá trình tương tác giữa nhiều lợi ích đan xen liên quan đến các vấn đề địa-chính trị của Việt Nam và khu vực. “Noel một năm chỉ đến có một lần.”[10]Đừng để cơ hội tuột khỏi tay! “Liên quân” Mỹ—Việt đang vào hồi cao trào. Bóng đã được chuyền vào trước khung thành (khu vực cấm). Điều quan trọng là đừng để bóng vượt xà ngang. Trên thế liên lập của một sân chơi “phẳng, nóng và chật”, tư duy cùng thắng (win—win) là điều khôn sáng và là sự lựa chọn minh triết nhất cho tất cả các bên./. 

(Đ.H.T, Nam Đồng—Hà Nội, những ngày cuối tháng Tư, viết nhân dịp các nhà ngoại giao MỹViệt chộn rộn chuẩn bị cho Barack Obama, Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ thăm Việt Nam cuối tháng Năm, 2016).
 



[1] “The Geopolitics of the Vietnam War” xem tại: http://thediplomat.com/2015/02/the-geopolitics-of-the-vietnam-war/
[10] “Christmas Comes But Once a Year” là thành ngữ người Mỹ muốn nói rằng, mọi cơ hội tốt nhất trên đời thường chỉ đến có một lần, phải nỗ lực bằng mọi cách mà nắm bắt lấy nó.


7 nhận xét :

  1. Chẳng lẽ Mỹ không biết cộng sản là gì à?

    Trả lờiXóa
  2. - Tin buồn là chính sách của Mĩ sẽ chẳng có gì thay đổi sau chuyến thăm này. Hoa Kỳ có quá nhiều việc để quan tâm hơn là chú ý đến kẻ đu dây, lật lọng...Bỏ cấm vận vũ khí ư? đừng mơ. Một khi xảy ra chiến sự, VN không thể mua được khí tài thay thế của Nga nữa bởi nếu VN mua một quả tên lửa 5 đồng thì China sẽ sẵn sàng nói Nga để đó, họ sẽ mua cho 50 đồng... Hậu quả là VN lại dùng ná thun bắn máy bay hoặc níu càng trực thăng UH1 như đã từng làm với Mĩ "ngụy" xưa kia...
    - Tin vui là giới văn nghệ sĩ vừa được chứng kiến sự đột biến của "đại thi hào" Trần Quang Thuận. Cái gọi là Liên minh kỷ lục thế giới - WorldKings đã trao "kỷ lục" tập thơ nặng nhất thế giới cho ông tại HN...

    Trả lờiXóa
  3. Một bài viết hay và có tầm cỡ chiến lược cho đối ngoại, vì tương lai dân tộc, liệu lãnh đạo hiện tại của Việt Nam có nhận thức được !!!???

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết rất hay, đúng. Cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  5. Bravo President Barack Obama coming to VN ! long-live USA !( hoan hô TT Obama đến VN,nước Mỹ muôn năm !)

    Trả lờiXóa
  6. bài viết thì hay, nhưng người cần nghe (cầm quyền) lại hoặc vì tham hoặc vì hèn hoặc vì lú đâu có thể nghe.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi mong muốn nước Mỹ đừng bán vũ khí cho cộng sản Việt nam, vì cộng sản Việt nam có mua vũ khí gì cũng phải để chống Ngoại xâm nào đâu, chỉ để bắn vào Nhân dân thôi

    Trả lờiXóa