Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Tin NÓNG: 7 BỘ ĐANG HỌP VỀ ĐỘC TỐ KHIẾN CÁ CHẾT HÀNG LOẠT

7 bộ họp về độc tố khiến cá chết hàng loạt 

VNExpress
Thứ tư, 27/4/2016 | 13:21 GMT+7 
Luật sư Trần Vũ Hải: Nếu chiều nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường không chỉ ra được nguyên nhân cụ thể nào cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, không khẳng định Formusa Hà Tĩnh có vô can hay không, chỉ nói chung chung như mấy hôm nay, chúng tôi sẽ gửi thư yêu cầu các đại gia Việt nam góp tiền thuê các chuyên gia quốc tế có chuyên môn và kinh nghiệm hàng đầu thế giới nghiên cứu, phân tích và kết luận độc lập về vụ thảm hoạ này.

Chúng tôi sẽ yêu cầu Nhà nước Việt nam cho phép và tạo mọi điều kiện cho nhóm chuyên gia này khảo sát, làm việc. Hy vọng, chúng tôi không phải đi "xin tiền".

Chiều 27/4, các bộ Tài nguyên, Nông nghiệp, Công Thương, Y tế, Khoa học... cùng Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ họp để đi đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. 
Một con cá vẩu nặng chừng 35 kg được ngư dân phát hiện chết ở bờ biển xã Vinh Mỹ, 
huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) vào chiều 24/4.

 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để nghe báo cáo và đi đến thống nhất về nguyên nhân cá chết ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thời gian qua. Đây là lần đầu tiên kể từ sau vụ cá chết hàng loạt, các bộ ngành mới có cuộc họp chung. 


Theo Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan điều phối hoạt động phân tích, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu, đến ngày 26/4 đã có nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý của các bộ, ngành khảo sát, phân tích tìm nguyên nhân cá chết.

Cụ thể, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổng cục Thủy sản cùng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện nghiên cứu Hải sản đã lấy mẫu cá chết trong lồng tại Hà Tĩnh; mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du tại Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp cũng phân tích mẫu môi trường, bệnh dịch thuỷ sản và tảo độc, khảo sát, nghiên cứu về hải dương và dòng chảy ven bờ. 


Cá chết lan rộng ở miền Trung như thế nào.

Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích các mẫu cá, mẫu nước do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thu thập được để phân tích độc tố. Các viện nghiên cứu khác thuộc Viện này đã lấy mẫu cá chết và quan trắc môi trường, dòng hải lưu, quan trắc ảnh vệ tinh.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lấy mẫu nước biển, nước thải, mẫu cá chết; Viện Kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đang phân tích mẫu cá chết do Bộ Tài nguyên gửi. 

Ngoài 4 bộ trên, Bộ Công Thương tham gia với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất công nghiệp. Hôm qua đoàn kiểm tra của Bộ đã làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, doanh nghiệp có đường ống xả thải ra biển, để kiểm tra việc nhập khẩu cũng như sử dụng hàng trăm tấn hóa chất để súc rửa đường ống.

Một nguồn tin cho biết, Bộ Công an và Quốc phòng sẽ tham gia với tư cách cơ quan bảo vệ vùng biển, hải đảo Việt Nam.

Về việc có gửi mẫu ra nước ngoài để tìm nguyên nhân, trao đổi với báo chí chiều 26/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trước mắt Bộ chưa làm mà sẽ theo đề xuất của các nhà khoa học.

"Rất khó trả lời bao giờ có kết quả. Tôi đã yêu cầu các nhà khoa học phân tích theo phương pháp loại trừ, tập trung vào các nghi vấn có khả năng nhiều nhất để sớm có câu trả lời", ông Phát nói. 

Một số mẫu cá đang được các nhà khoa học Viện hàn lâm phân tích.

Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.

Từ ngày 20/4 đến nay, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân. Ngày 25/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu đều bị loại trừ.

Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.


Phạm Hương

6 nhận xét :

  1. Vụ cá chết: Nhận định rùng mình của 3 nhà khoa học VN ở nước ngoài

    Trả lờiXóa
  2. http://soha.vn/vu-ca-chet-nhan-dinh-rung-minh-cua-3-nha-khoa-hoc-vn-o-nuoc-ngoai-20160426200256119.htm

    Trả lờiXóa
  3. Các ông Bộ này có biết cũng sẽ câm như hến thôi. Sợ tàu khựa như sợ ông nội ấy mà.

    Trả lờiXóa
  4. TRƯỚC MẮT
    Người dân không dám ăn cá biển. Ngư dân thất nghiệp nhiều hơn. Các nhà máy chế biến thủy sản thiếu nhiên liệu. Các nhà hàng thủy sản vắng khách. Du lịch biển miền Trung thất thu...
    Hiện tại, chỉ bao nhiêu đấy thôi cũng đã làm cho kinh tế VN 2016 suy thoái. USD, VND, Vàng...sẽ tha hồ bay nhảy rợp trời, đời sống nhân dân sẽ lặn ngụp sâu hơn nữa

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là trách nhiệm cao của nhân dân trước thảm họa môi trường, mà đại diện là LS Trần Vũ Hải. Yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống, yêu con người chính đó là lòng yêu nước.

    Trả lờiXóa
  6. Ô nhiễm biển lúc này là cực kỳ nghiêm trọng kéo dài từ Hà Tĩnh đến Đã Nẵng, còn diện rộng không hiểu sẽ là bao nhiêu km tính từ bờ. Chính phủ nên kêu gọi quốc tế giúp, kiểm tra sức khỏe người dân ven bờ, ngăn chặn thảm hỏa đang lan rộng, loại bỏ độc tố trong nước biển với một diện tích không hề nhỏ.

    Trả lờiXóa