Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI TỰ ỨNG CỬ LÀ PHẠM LUẬT

Phân biệt đối xử với người tự ứng cử là phạm luật

Tuổi trẻ
03/03/2016 12:21 GMT+7

TTO - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻsáng 3-3.
Ông Nguyễn Văn Pha trả lời phỏng vấn báo chí sáng 3-3 - Ảnh: Lê Kiên

Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh: các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử không được phân biệt đối xử, cố tình gây trở ngại cho những người tự ứng cử.

Ông Pha cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã nhận được hơn mười hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, thông tin từ các địa phương khác cũng cho thấy đã có người tự ứng cử đến nộp hồ sơ.

Người tự ứng cử có thể lấy mẫu hồ sơ trên trang web của Hội đồng bầu cử quốc gia, hoặc mua hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ở địa phương, khai nội dung theo mẫu và nộp hồ sơ đến Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố.

Hồ sơ của những người tự ứng cử, cùng với những người ứng cử được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu được gửi đến MTTQ VN để tiến hành hiệp thương một cách bình đẳng, không phân biệt.

* Thưa ông, nhưng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XIV rất rõ ràng như tỷ lệ nữ bao nhiêu, trẻ bao nhiêu, dân tộc thiểu số bao nhiêu… Vậy người tự ứng cử thuộc cơ cấu nào trong nghị quyết này?

- Đúng là nghị quyết không quy định về cơ cấu tỷ lệ người tự ứng cử, nhưng trong quá trình tiến hành công tác bầu cử thì luôn xuất hiện những người tự ứng cử.

Việc không quy định cơ cấu tỷ lệ người tự ứng cử trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ảnh hưởng gì tới việc tự ứng cử. Bởi người tự ứng cử tham gia như một thành phần bình đẳng trong quá trình bầu cử, nếu trúng cử thì họ đương nhiên thuộc vào cơ cấu, thành phần nào đó (ví dụ như trẻ, nữ, dân tộc thiểu số…) trong Quốc hội.

Hơn nữa, cơ cấu, thành phần quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ cấu định hướng chứ không phải cơ cấu bắt buộc.

* Mặc dù vậy, một số người có ý định tự ứng cử vẫn lo ngại rằng, khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã định hướng cơ cấu như vậy rồi, thì đến hiệp thương vòng 3 MTTQ VN sẽ lấy lý do đảm bảo tính ổn định của cơ cấu để loại người tự ứng cử. Ông nói gì để đảm bảo rằng người tự ứng cử sẽ không bị phân biệt đối xử?

- Các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử, đặc biệt là MTTQ VN, không được phân biệt đối xử, không được để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử. Bất cứ hành vi phân biệt đối xử nào đều vi phạm pháp luật. Tôi mong báo chí, cử tri, bản thân người tự ứng cử giám sát quá trình này để tránh xảy ra những thiếu sót, vi phạm đáng tiếc.

Theo quy định của pháp luật, người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử bình đẳng như nhau trước cử tri.

Hơn nữa, theo quy định thì mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất là hai người, do đó người tự ứng cử cạnh tranh bình đẳng với những người ứng cử khác, và cuối cùng cử tri sẽ lựa chọn những người xứng đáng nhất.

Chỉ có điều, qua tham gia công tác bầu cử nhiều năm nay, bản thân cũng là một đại biểu Quốc hội, tôi khuyên những người đã có ý định tự ứng cử phải xác định đây là chuyện nghiêm túc. Đừng tham gia ứng cử với tâm lý để “thử xem thế nào” hoặc là tham gia “để cho vui”.

Tôi nghĩ, những người tự ứng cử có trình độ, có đạo đức, có uy tín cao, một lòng vì nước vì dân, được đông đảo cử tri tin yêu, tín nhiệm, thì có hội trúng cử sẽ cao.
Lê Kiên

3 nhận xét :

  1. Như vậy, báo lề phải, người có chức năng đã lên tiếng ủng hộ, việc làm tự ứng cử của các vị đã được công luận thừa nhận, đó là thắng lợi bước đầu, xin chúc mừng. Trách nhiệm công dân với nhà nước đã được thức tỉnh và quan tâm.

    Trả lờiXóa
  2. Tuổi trẻ chơi phát này được đấy.

    Trả lờiXóa
  3. Họ tự vả vào mặt nhau à?!

    Trả lờiXóa